Cách thức cải thiện an toàn vệ sinh lao động trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ – Phần 2: Hợp tác để thúc đẩy các hoạt động cải thiện tại nơi làm việc

Thứ Sáu, 01/12/2023, 11:47(GMT +7)

Hợp tác chặt chẽ giữa các đơn vị dịch vụ hỗ trợ tham gia là điều kiện tiên quyết cho các hoạt động dịch vụ đầy đủ. Những ý kiến khác nhau, những kinh nghiệm và chuyên môn khác nhau của các đối tác khác nhau đều có giá trị để tổ chức thực hiện dịch vụ ATVSLĐ một cách có chất lượng. Các cơ quan và tổ chức đối tác cần xây dựng sự hợp tác và luôn luôn nâng cấp dịch vụ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

1. Hợp tác trong lĩnh vực lao động và y tế:

Mối quan hệ này được bảo đảm bằng sự thoả thuận của các cơ quan và đối tác về việc đề nghị cung cấp dịch vụ ATVSLĐ cơ bản theo cách hợp nhất. Hợp tác thực hiện các hoạt động theo kế hoạch thông qua việc phối hợp chuyên môn nghiệp vụ kỹ thuật khác nhau. Ví dụ hợp tác trong lĩnh vực lao động và y tế được tổ chức theo minh hoạ trong hình dưới đây.

Mô hình cung cấp dịch vụ ATVSLĐ cơ bản cho các DNVVN.

Trong hình ta thấy, cần tổ chức hợp tác có kế hoạch tốt giữa thanh tra lao động và ATVSLĐ với các trung tâm y tế dự phòng, các tổ chức khác và các cơ quan dịch vụ kỹ thuật năng động tại địa phương.

Các thanh tra lao động hiểu biết điều kiện lao động thực tế của các DNVVN: những mối nguy cơ ATVSLĐ chủ yếu, điều kiện kinh tế, những thách thức và những điểm tốt của các doanh nghiệp. Cán bộ y tế ở các Trung tâm y tế dự phòng hiểu biết điều kiện y tế hàng ngày. Trong thực tế, khách hàng và bệnh nhân của họ là những người lao động và những vấn đề sức khoẻ có liên quan đến điều kiện làm việc của họ. Bác sĩ trong các Trung tâm y tế có trách nhiệm phát hiện sớm bệnh nghề nghiệp. Bằng việc phối hợp các chuyên môn nghiệp vụ khác nhau thông qua các chuyến thăm doanh nghiệp, có thể xây dựng được kế hoạch hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc đánh giá điều kiện lao động, môi trường lao động và đánh giá tình trạng sức khoẻ của công nhân, dựa vào tình trạng chung về an toàn và sức khoẻ ở mỗi doanh nghiệp.

Khi hỗ trợ như vậy, làm việc theo nhóm có thể mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, khi không thể tổ chức các chuyến thăm chung liên quan đến cả thanh tra ATVSLĐ  và nhân viên y tế, các đối tác có thể chia sẻ công việc hỗ trợ DNVVN và giúp họ hoàn thành khảo sát môi trường lao động và khái quát nhanh về các nguy cơ an toàn và sức khỏe khi lập kế hoạch và thực hiện cải thiện khả thi do người sử  dụng lao động và người lao động chọn với tư vấn của đối tác. Theo cách này, có thể lập kế hoạch chia sẻ linh hoạt công việc tư vấn và hỗ trợ.

2. Các tổ chức khác ở địa phương:

Các chuyên gia, các nhà tư vấn hoặc các đơn vị kỹ thuật khác có thể hợp tác  toàn bộ hoặc một phần dựa vào chuyên môn và thời gian sẵn có để hỗ trợ DNVVN đề xuất và thực hiện việc cải thiện, nhằm phòng ngừa các mối nguy cơ về an toàn và sức khoẻ của người lao động.

Sẽ có ích khi rà soát lại chuyên môn của các thành viên trong nhóm công tác khi xây dựng kế hoạch thực hiện dịch vụ ATVSLĐ cơ bản. Các bệnh viện  hay các trường đào tạo cán bộ y tế có kinh nghiệm về tăng cường sức khỏe và phòng tránh bệnh tật. Những chuyên môn và kinh nghiệm khác nhau này cần được phản ánh trong xây dựng kế hoạch tổng thể và ấn định thời gian hỗ trợ.

Các tổ chức của người sử dụng lao động và công đoàn cũng có kinh nghiệm về ATVSLĐ và biết rõ nhu cầu của DNVVN về phát triển kinh doanh. Các tổ chức công đoàn tại địa phương thường tham gia vào việc điều tra tai nạn lao động và hỗ trợ các nạn nhân. Họ biết rõ nhu cầu của người lao động và hiểu cách thức cải thiện ATVSLĐ theo quan điểm của người lao động.

3. Tăng cường hợp tác:

Có 2 cách cụ thể để thúc đẩy sự hợp tác. Cách thứ nhất là tổ chức các hoạt động phối hợp. Thanh tra lao động, nhân viên y tế và các đối tác khác cùng nhau thực hiện các hoạt động cụ thể như tiến hành khảo sát môi trường lao động, xác định các vấn đề an toàn và sức khỏe có liên quan đến lao động và hỗ trợ các hoạt động cải thiện tại nơi làm việc. Cụ thể như việc cùng nhau đi thăm doanh nghiệp sẽ nâng cao tinh thần làm việc theo nhóm và trao đổi về hiệu quả của việc cải thiện.

Cách thứ hai là chia sẻ thông tin về kết quả khảo sát và cùng thảo luận về những phát hiện mới. Thanh tra lao động có thể tìm hiểu nhiều hơn về các vấn đề an toàn tại nơi làm việc, trong khi cán bộ trung tâm y tế có thể tăng cường giám sát nhiều hơn về các vấn đề sức khỏe của người lao động. Những đơn vị cung cấp dịch vụ cần trao đổi thông tin về các hoạt động này và thảo luận, phân tích kết quả để có thể tư vấn các giải pháp thiết thực cho các doanh nghiệp.

Các DNVVN thuộc nhóm mục tiêu thường hoạt động phân tán và những yêu cầu hỗ trợ chuyên môn thường liên quan đến hầu hết các nguy cơ chủ yếu,  vì vậy đôi khi khó tập hợp đủ một nhóm công tác để đáp ứng yêu cầu một cách phù hợp. Trong trường hợp đó, các đơn vị đối tác có thể lập kế hoạch thăm riêng rẽ hoặc tìm cách khác phù hợp để hỗ trợ và hướng dẫn kỹ thuật, và do đó cũng chia sẻ hoạt động hướng dẫn và hỗ trợ. Điều này đặc biệt quan trọng khi đối tác có kinh nghiệm hỗ trợ và chia sẻ các hoạt động hỗ trợ phụ thuộc vào đặc điểm  cụ thể của doanh nghiệp tham gia.

Khi các ngành công nghiệp khác nhau cùng tham gia vào các hoạt động hỗ trợ thì kế hoạch hỗ trợ các DNVVN sẽ bao gồm cả những yêu cầu riêng biệt. Các đơn vị cung cấp dịch vụ ATVSLĐ cơ bản thăm riêng rẽ để hỗ trợ kỹ thuật sẽ có lợi hơn. Việc áp dụng linh hoạt trong việc hỗ trợ là cần thiết.

Quan hệ đối tác hiệu quả thường được nuôi dưỡng dần dần. Điều này cũng cần tính đến trong công tác hỗ trợ cho DNVVN để họ có thể tiến bộ từng bước trong vấn đề giảm nguy cơ an toàn và sức khỏe hiện có. Chúng ta cần ghi nhớ rằng quan hệ của các cơ quan và tổ chức tham gia cũng phát triển theo lối đó.

————


(Nguồn tin: Trích dẫn tài liệu- “Hướng dẫn thực hành Dịch vụ y tế lao động cơ bản và cải thiện điều kiện lao động trong các DNVVN”)