Cách thức cải thiện an toàn vệ sinh lao động trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ – Phần 4: Những khó khăn của việc tự nguyện cải thiện và làm sao để khắc phục

Thứ Sáu, 01/12/2023, 11:47(GMT +7)

Dịch vụ hỗ trợ cải thiện ATVSLĐ trong DNVVN tập trung vào hoạt động cải thiện tự nguyện tại nơi làm việc.

Thông qua hỗ trợ và tư vấn kỹ thuật, đơn vị cung cấp dịch vụ là người tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động tự nguyện này. Do đó cần hiểu biết những khó khăn chủ yếu của hoạt động tự nguyện cải thiện của DNVVN. Những khó khăn này thường là cảm nghĩ của người sử dụng lao động và người lao động và nó cản trở sự can thiệp của dịch vụ hỗ trợ. Những khó khăn này cũng giống như những khó khăn của việc mở rộng hệ thống quản lý ATVSLĐ đến các DNVVN.

Thực ra, có giải pháp phù hợp cho hoạt động tự nguyện cải thiện ở nơi làm việc và những khó khăn mà các DNVVN gặp phải có thể vượt qua được bằng việc tin tưởng vào những giảp pháp cùng với sự hợp tác của các DNVVN. Những khó khăn chính gặp phải trong tự nguyện cải thiện được chỉ ra trong Hình dưới đây:

1. Những khó khăn của việc cải thiện tự nguyện
Khó khăn chính của việc cải thiện tự nguyện trong DNVVN thường là không sẵn sàng đổi mới, thiếu chuyên môn kỹ thuật, khó khăn về tài chính và gặp phải những phản đối tại nơi làm việc. Người sử dụng lao động và người lao động khó nhận thấy lợi ích rõ ràng của sự đổi mới và không có thái đội thân thiện đối với hướng dẫn kỹ thuật và cho rằng những thay đổi có thể là một gánh nặng về tài chính đối vơi họ. Họ không hiểu được nhu cầu thực tế và chống lại những thay đổi về lề lối, cách thức làm việc của họ. Các đơn vị cung cấp dịch vụ ATVSLĐ cơ bản cần nhận thức được những khó khăn này và cố gắng vượt qua bằng việc áp dụng những giải pháp thực tế tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động cải thiện đã giải thích ở trên.

Các đơn vị cung cấp dịch vụ ATVSLĐ cơ bản cần thảo luận với nhau về những khó khăn này. Cách tiếp cận của quá trình cải thiện tự nguyện có thể khác với cách tiếp cận của hoạt động tăng cường ATVSLĐ theo lệ thường. Do vậy cần thảo luận với nhau để vượt qua những khó khăn tại các DNVVN bằng việc áp dụng cách tiếp cận mới.

Các giải pháp cải thiện tự nguyện

Thực hiện cải thiện ATVSLĐ tự nguyện có nghĩa là sự tham gia tích cực của cả người sử dụng lao động và người lao động trong quá trình thực hiện. Ngay khi họ cam kết thực hiện cải thiện tự nguyện, họ cần biết những ví dụ tốt như là mục tiêu cần hướng tới và tiến hành các bước đơn giản để đạt được lợi ích cụ thể. Họ tập trung vào những cải thiện có tính khả thi. Thông qua những bước này, người sử dụng lao động và người lao động học được cách hợp tác để đạt được kết quả có lợi cho họ. Các bước tham gia trong Chương trình WISE khuyến khích người sử dụng lao động và người lao động hợp tác với nhau để nhận ra những cải thiện dễ thực hiện.

Những giải pháp này là cần thiết để vượt qua những khó khăn đã nêu ở trên. Trong hình trên, chỉ ra việc học tập những thực tế tốt và thực hiện việc cải thiện đơn giản sẽ giúp họ vượt qua khó khăn do thiếu chuyên môn kỹ thuật. Tập trung vào những cải thiện có tính khả thi và hợp tác giữa người sử dụng lao động và người lao động  sẽ vượt qua những khó khăn về tài chính và thực hiện đổi mới một cách có ý nghĩa.

Duy trì cải thiện tự nguyện của các DNVVN như thế nào
 
Rõ ràng là duy trì các hoạt động cải thiện tự nguyện của DNVVN là điều cần thiết. Việc này không khó vì dịch vụ hỗ trợ tập trung vào việc áp dụng những cải thiện có tính khả thi, nhằm làm giảm những nguy cơ về tai nạn lao động. Thông qua việc giúp đỡ các DNVVN thực hiện cải thiện từng bước, họ sẽ dễ dàng đạt được những cải thiện cụ thể, khẳng định lợi ích và tiếp tục cải thiện từng bước cơ bản. Các đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ hoạt động như người tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình cải thiện sẽ góp phần to lớn vào việc duy trì hoạt động cải thiện.

Cần chỉ ra rằng quá trình cải thiện tự nguyện phù hợp với quá trình thực hiện hệ thống quản lý ATVSLĐ hiện đang được giới thiệu áp dụng ở Việt Nam và nhiều nước khác trên thế giới. Hình dưới đây cho thấy điều đó:

Mối liên hệ giữa cải thiện từng bước và hệ thống quản lý ATVSLĐ

Quá trình quản lý nguy cơ cần sự tham gia tự nguyện của người sử dụng lao động  và người lao động. Các bước của quá trình này liên quan với nhau nhằm đánh giá một cách hệ thống những nguy cơ tại nơi làm việc và thực hiện các biện pháp ưu tiên với cam kết tiếp tục cải thiện. Thực tế là khi tiến hành các bước cải thiện đơn giản với sự hỗ trợ của các đơn vị và tổ chức tham gia theo đúng chu kỳ quản lý nguy cơ đã cho thấy hiệu quả của hoạt động tự nguyện cải thiện của các DNVVN.

———


(Nguồn tin: Trích dẫn tài liệu: “Hướng dẫn thực hành Dịch vụ y tế lao động cơ bản và cải thiện điều kiện lao động trong các DNVVN”)