Cách thức duy trì và mở rộng việc cải thiện ATVSLĐ – Phần 3: Tăng cường hợp tác

Thứ Sáu, 01/12/2023, 11:47(GMT +7)

Các nỗ lực liên tục rất cần cho việc duy trì mối quan hệ chặt chẽ với các đối tác trong Dịch vụ hỗ trợ cải thiện ATVSLĐ trong DNVVN.

Các đối tác bao gồm: thanh tra ATVSLĐ, nhân viên y tế cấp tỉnh và huyện, các sở ban ngành có liên quan, các tổ chức của người sử dụng lao động và người lao động, các kỹ thuật viên, thầy thuốc, y tá, chuyên gia ATVSLĐ, các tổ chức phi chính phủ liên quan và những người hỗ trợ khác. Điều quan trọng là phải giữ mối liên hệ với họ để họ đóng góp cho sự thành công của Dịch vụ ATVSLĐ cơ bản.

Để tăng cường hợp tác giữa những nhà cung cấp dịch vụ ATVSLĐ cơ  bản, cần xem xét lại những kinh nghiệm và thành tựu hợp tác giữa các đối tác trong quá trình cung cấp Dịch vụ ATVSLĐ cơ bản, tìm ra cách thức tăng cường hợp tác để duy trì và mở rộng các dịch vụ theo kế hoạch.

Vai trò hỗ trợ và tư vấn tổng thể của Bộ LĐTBXH và Bộ Y tế là rất quan trọng. Hai bộ này cùng theo dõi quá trình thực hiện, kết quả đạt được, các khó khăn, vướng mắc của Dịch vụ ATVSLĐ cơ bản ở tất cả các tỉnh. Vai trò hỗ trợ của Bộ bao gồm phân tích thế mạnh và những thách thức của dịch vụ hỗ trợ và  tư vấn, tăng cường hợp tác để cải thiện dịch vụ.

Sau đây là những điểm cần xem xét để thúc đẩy hợp tác hơn nữa:

– Cần tìm thời điểm thích hợp (như trong dịp họp tổng kết giữa kỳ) để tìm hiểu vai trò và sự tham gia của các đối tác vào quá trình phát triển Dịch vụ  hỗ trợ trực tiếp cho DNVVN và vai trò của họ trong quá trình này.

– Các điểm chính cần xem xét là: hiệu quả hợp tác giữa thanh tra ATVSLĐ và nhân viên y tế và mức độ đạt được trong quá trình phát triển dịch vụ hỗ trợ ở huyện và tỉnh liên quan. Các tổ chức của người sử dụng lao động và người lao động có được tham khảo ý kiến thường xuyên không? Các tư vấn kỹ thuật hiện có ở địa phương như kỹ sư an toàn, thầy thuốc hoặc y tá có được huy động để hỗ trợ kỹ thuật không? Các cơ quan chính phủ liên quan khác như Sở công nghiệp hoặc môi trường có tham gia vào phát triển dịch vụ không? Nên có một số điểm khác để phản ánh kinh nghiệm thực tế từ quan điểm của một người tư vấn dịch vụ.

– Cần thảo luận các biện pháp thực tế để tăng cường hợp tác giữa các cơ quan và tổ chức tham gia, những người hỗ trợ và các cơ quan liên quan.

– Tổ chức hội thảo thành tựu giữa những người cung cấp dịch vụ ATVSLĐ cơ bản và các cơ quan liên quan. Thảo luận những thành tựu của dịch vụ, phân tích các loại hình dịch vụ đang thực hiện và nhận diện những cải thiện cần thiết.

– Tham khảo ý kiến của người lao động và sử dụng lao động trong các DNVVN mục tiêu để biết loại hình dịch vụ và tư vấn nào họ đã nhận được  và họ mong đợi gì nữa từ dịch vụ hỗ trợ.

Nhấn mạnh hành động thực hiện 

– Quan hệ cá nhân mật thiết và thường xuyên liên hệ luôn là điều quan trọng  để duy trì sự hợp tác tốt giữa các nhà cung cấp dịch vụ ATVSLĐ. Khi các thành viên chính nói chuyện thẳng thắn và chia sẻ ý tưởng về tầm quan trọng của dịch vụ hỗ trợ, sự hợp tác sẽ tiến triển và chặt chẽ hơn.

– Sự tham gia chủ động của tất cả các cơ quan và tổ chức đối tác, đặc biệt là thanh tra ATVSLĐ và nhân viên y tế lao động cơ bản trong tổng kết và theo dõi cải thiện là điều quan trọng để tăng cường hợp tác.

– Tận dụng các cuộc họp tổng kết chung để xem xét quá trình nhằm tăng cường dịch vụ hỗ trợ trực tiếp tại các DNVVN và các điểm cần cải thiện để Bộ LĐ-TB-XH và Bộ Y tế hợp tác tốt hơn trong lĩnh vực này.

– Trao đổi ý tưởng và kinh nghiệm với thanh tra ATVSLĐ và nhân viên y tế lao động cơ bản ở các tỉnh lân cận cũng rất cần thiết. Khi có tình huống liên quan, cần đi thăm tỉnh nào đó để xem xét thực tế hoặc mời nhà cung cấp dịch vụ của các tỉnh khác đến tỉnh mình để họ nhận xét và tư vấn về các hoạt động dịch vụ đang thực hiện.

———-


(Nguồn tin: Trích dẫn tài liệu- “Hướng dẫn thực hành Dịch vụ y tế lao động cơ bản và cải thiện điều kiện lao động trong các DNVVN”)