Cải thiện hệ thống báo cáo TAI NẠN LAO ĐỘNG & BỆNH NGHỀ NGHIỆP

Thứ Sáu, 01/12/2023, 11:45(GMT +7)

Cải thiện hệ thống báo cáo tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp (TNLĐ và BNN) là một thách thức mà nhiều quốc gia ở Châu Á và khu vực Thái Bình Dương đang ngày càng phải đối mặt.

Ở một số cơ sở sản xuất nhỏ, tình hình TNLĐ và BNN thường không được báo cáo lên chính phủ. Sở dĩ như vậy là vì nhiều BNN chỉ được phát hiện ra sau thời gian dài tiếp xúc với các yếu tố nguy hại và trong quá trình đó bệnh tật đã không được chẩn đoán chính xác. Các quốc gia hiện đang xây dựng hệ thống báo cáo về TNLĐ và BNN nhận được rất ít báo cáo do đó có thể không đánh giá hết được thực chất của vấn đề.

Chúng tôi thấy cần nỗ lực phát triển các hệ thống báo cáo nhằm giúp các nạn nhân bị TNLĐ và BNN được điều trị và nhận được bồi thường kịp thời.

Qua các số liệu thống kê về TNLĐ và BNN đáng tin cậy có thể dễ dàng nhận ra các khu vực cần ưu tiên thực hiện chính sách ATVSLĐ quốc gia mang tính chiến lược để phòng ngừa. Tổ chức ILO đã hợp tác với WHO đẩy mạnh các hoạt động hợp tác kỹ thuật ở những khu vực này. Luật Thực hành về Ghi chép, báo cáo về TNLĐ và BNN của ILO liên tục được giới thiệu như một loại sổ tay hữu ích; sự hợp tác giữa các quốc gia trong khu vực và quốc tế nhằm trao đổi kinh nghiệm được xúc tiến mạnh mẽ. Gần đây, khi tham gia vào các hội thảo rất bổ ích về các hệ thống báo cáo ở Campuchia và Việt Nam, chúng tôi nhận thấy các chuyên gia đến từ Đức, Nhật Bản và Hàn Quốc đã trình bày các kinh nghiệm, tạo ra các cuộc thảo luận hết sức sôi nổi về các giải pháp thiết thực.

Việc báo cáo TNLĐ và BNN có thể được đẩy mạnh theo nhiều cách.

Thứ nhất, NSDLĐ cần biết được nghĩa vụ là phải làm báo cáo và phải báo cáo cho ai. Các cuộc vận động thường xuyên thông qua phương tiện thông tin đại chúng, hội thảo và chương trình đào tạo cũng rất hữu ích. NSDLĐ thường cần các hệ thống báo cáo dễ sử dụng, có cấu trúc đơn giản và súc tích dễ phản hồi. Một số quốc gia đã thành công trong việc thu được nhiều báo cáo về TNLĐ và BNN qua việc kết nối với kế hoạch bảo hiểm TNLĐ. Thông tin về TNLĐ và BNN phải được phân tích để nhận biết các ngành công nghiệp chứa đựng nhiều mối nguy hiểm và hoàn thiện kế hoạch thực hiện.

Vai trò của các thanh tra lao động cũng quan trọng trong tất cả các bước thực hiện các hệ thống báo cáo; các thanh tra viên sẽ tập huấn cho NSDLĐ, NLĐ trong hệ thống và hỗ trợ họ về kỹ thuật.

Việc báo cáo cũng rất cần thiết để nhận biết nguyên nhân gây tai nạn và có các biện pháp phòng ngừa.

Dữ liệu thu được phải được phân tích theo giới tính, độ tuổi, ngành nghề, và theo qui mô của vụ việc để có các biện pháp hỗ trợ cụ thể. Hệ thống báo cáo TNLĐ và BNN phải bao gồm tất cả NLĐ ở nơi làm việc, các nhà thầu phụ, lao động bán thời gian và lao động theo thời vụ. Người bị BNN cần có sự hỗ trợ của các cán bộ y tế, bác sĩ và y tá về SKNN, và các nhà cung cấp dịch vụ SKNN khác để chẩn đoán, điều trị và được bồi thường thích đáng.
So với TNLĐ, việc cải thiện báo cáo BNN thường phức tạp hơn và đòi hỏi yêu cầu về kỹ thuật và sự góp sức của cộng đồng. Các bác sĩ đa khoa thường là điểm liên lạc đầu tiên của người bị BNN, vì vậy họ cần phải được trang bị kiến thức về BNN và phải nhận biết được các yếu tố nguy hiểm có hại. Do đó cần phải lập hệ thống các chuyên gia về BNN để tư vấn cho các bác sĩ đa khoa nhằm chẩn đoán chính xác các BNN.

Danh sách BNN mới của Tổ chức ILO được thông qua năm 2010 là một thông tin tham khảo hữu ích cho các bác sĩ SKNN, tổ chức chính phủ, NSDLĐ và NLĐ. Người bị BNN cần hợp tác chặt chẽ với NSDLĐ trong việc báo cáo tình hình bệnh tật để nhận được sự điều trị thích hợp, bồi thường thỏa đáng. Người bị BNN cũng cần có sự trợ giúp và tư vấn của bác sĩ khi nhận bồi thường. Ở các nước công nghiệp đang phát triển trong khu vực, NLĐ bị BNN thường không biết các thủ tục thực hiện bồi thường. Hệ thống tư vấn thân thiện dành cho NLĐ là rất cần thiết. Để cải thiện việc báo cáo, thúc đẩy việc phòng ngừa BNN rất cần có sự hợp tác, phối hợp, ủng hộ giữa NSDLĐ, NLĐ và cán bộ y tế. BNN đôi khi được chẩn đoán tại các cơ sở y tế, do đó BNN có thể được báo cáo như các bệnh thông thường. Trường hợp các bệnh được phát hiện và nghi ngờ là mắc BNN nên được thông tin trong các hệ thống báo cáo TNLĐ và BNN để các cơ quan có liên quan đưa ra những quyết định phù hợp.

Thực hiện tốt chức năng hệ thống báo cáo TNLĐ và BNN là một mấu chốt quan trọng của Chương trình ATVSLĐ quốc gia. Dữ liệu, thông tin và kinh nghiệm thu được từ hệ thống báo cáo phản ánh hiệu quả thực hiện ATVSLĐ của một quốc gia. Để thành công, chúng ta cần cung cấp cho NLĐ và NSDLĐ thông tin hữu ích liên quan tới quyền và nghĩa vụ của họ. Chính phủ nên đẩy mạnh hơn nữa những nỗ lực của mình để nâng cấp các hệ thống và mở rộng các dịch vụ ra các nhóm NLĐ dễ bị tổn thương. Tổ chức ILO ủng hộ sự cam kết của họ để tìm ra các giải pháp hữu ích./.

TS.Tsuyoshi Kawakami
Chuyên gia cao cấp về ATVSLĐ của ILO


(Nguồn tin: )