Công đoàn tăng cường giám sát, phản biện về an toàn vệ sinh lao động
Ban Bí thư vừa ban hành Chỉ thị 31 về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới. Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, bà Hồ Thị Kim Ngân – Phó Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐVN) bày tỏ, sau khi chỉ thị được ban thành, công tác an toàn vệ sinh lao động chắc chắn được tăng cường hơn, chặt chẽ hơn để đảm bảo tính tuân thủ.
Đảm bảo an toàn vệ sinh lao động cho người lao động trong các doanh nghiệp. Ảnh: Bảo Hân
Giám sát việc tuân thủ các quy định
Bà Hồ Thị Kim Ngân cho biết, trong thời gian vừa qua, các cấp công đoàn đã triển khai thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW (về đẩy mạnh công tác an toàn, vệ sinh lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế) và đạt được một số kết quả nhất định.
Trong bối cảnh mới, nhất là khi Việt Nam đang hội nhập sâu rộng và ký kết thực hiện các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới với các yêu cầu về tuân thủ các tiêu chuẩn lao động, công tác an toàn vệ sinh lao động cần phải được tăng cường nhiều hơn.
“Khi Việt Nam hội nhập ngày càng sâu, bên cạnh chất lượng hàng hóa, các nước nhập khẩu còn quan tâm sản phẩm đó phải không gây hại cho môi trường, không vi phạm các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn vệ sinh lao động.
Điều này đồng nghĩa với các tiêu chuẩn sẽ cao hơn, đòi hỏi các doanh nghiệp phải quan tâm hơn đến công tác an toàn vệ sinh lao động, đầu tư cải thiện điều kiện làm việc của người lao động. Đây là một trong những điểm mới của Chỉ thị 31” – bà Ngân phân tích.
Cũng theo bà Ngân, để thúc đẩy doanh nghiệp thực hiện tốt đến công tác này, công đoàn cần phải thực hiện tốt công tác giám sát việc tuân thủ pháp luật, các quy định, trước hết là quy định của Luật An toàn vệ sinh lao động. Ngoài ra còn có các tiêu chuẩn lao động quốc tế mà các đơn vị xuất khẩu phải đảm bảo; vấn đề về môi trường…
An toàn lao động là lĩnh vực rất rộng, không chỉ là điều kiện làm việc của người lao động mà còn là vấn đề tiết kiệm trong sử dụng nguyên liệu; vấn đề khám sức khỏe định kỳ, phòng ngừa các nguy cơ rủi ro liên quan đến tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp; đảm bảo quản lý hồ sơ của người lao động ngay từ đầu vào…
Vì vậy, Phó Trưởng ban Quan hệ lao động cho rằng, những yêu cầu về an toàn vệ sinh lao động sẽ cao hơn và nhiệm vụ của công đoàn là phải tăng cường nhiều hơn trong giám sát việc tuân thủ.
Công đoàn tăng cường thương lượng, đối thoại
Nghị quyết Đại hội XIII của Công đoàn Việt Nam xác định 1 trong 3 khâu đột phá là đẩy mạnh đối thoại, thương lượng tập thể, trọng tâm là tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn vệ sinh lao động.
Bà Ngân cho biết, cùng với giám sát, có những nội dung cần phải đối thoại, thương lượng với người sử dụng lao động mới triển khai cụ thể được.
Ví dụ như các mức tiền lương trả cho giờ làm thêm, tiền cho bữa ăn ca, các quy định về độ dài thời giờ làm việc trong ngày, trong tuần, bố trí ca kíp; thời giờ nghỉ giải lao; ngày nghỉ hằng tuần, ngày nghỉ lễ, chế độ nghỉ hằng năm, mức bồi thường hoặc trợ cấp cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, luật chỉ quy định mức tối thiểu, còn để đảm bảo quyền lợi của người lao động thì cần phải thông qua đối thoại, thương lượng để thực hiện thống nhất trong doanh nghiệp. Như vậy, công đoàn cần phải thương lượng để người lao động được hưởng mức cao hơn, phù hợp với điều kiện tại từng doanh nghiệp.
Ở góc độ phản biện xã hội như đề cập trong chỉ chị của tổ chức Công đoàn, theo bà Ngân, khi tham gia chính sách về an toàn lao động, công đoàn phải phản biện, góp ý. Trước khi phản biện, góp ý, công đoàn phải nắm chắc tình hình của doanh nghiệp, người lao động để có được chính sách hợp lý.
“Trước đòi hỏi của hội nhập quốc tế, trong thời gian tới sẽ có nhiều chính sách mới được xây dựng. Công đoàn phải tăng cường phản biện khi xây dựng chính sách mới. Công đoàn phải tham gia vào quá trình này và phải tham gia ngay từ đầu và phải hiểu biết thì mới tham gia được” – bà Ngân nêu ý kiến.
Nguồn: congdoan.vn