Lào Cai: Tăng cường công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới
Cụ thể hóa Chỉ thị số 31-CT/TW ngày 19/3/2024 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Chương trình hành động số 356-CTr/TU ngày 28/5/2024 của Tỉnh ủy; UBND tỉnh Lào Cai vừa ban hành Kế hoạch số 314/KH-UBND ngày 03/7/2024 nhằm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và huy động sự vào cuộc, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị triển khai thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh.
Mục tiêu chung nhằm chăm lo cải thiện điều kiện làm việc; giảm ô nhiễm môi trường; phòng ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, chăm sóc sức khoẻ người lao động; nâng cao nhận thức, bảo đảm sự tuân thủ pháp luật về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ); bảo đảm an toàn tính mạng cho người lao động, tài sản của Nhà nước, tài sản của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, góp phần tăng năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và sự phát triển bền vững của tỉnh và quốc gia.
Tăng cường công tác an toàn, vệ sinh lao động trên địa bàn tỉnh Lào Cai (ảnh minh họa).
Kế hoạch đặt ra 03 mục tiêu cụ thể: Trung bình hàng năm giảm 4% tần suất tai nạn lao động chết người; Trung bình hàng năm tăng 5% số người lao động làm việc trong môi trường tiếp xúc với các yếu tố có nguy cơ được khám, phát hiện bệnh nghề nghiệp; Trung bình hàng năm tăng 5% số cơ sở phát sinh yếu tố có hại được quan trắc môi trường lao động.
Để đạt các mục tiêu đặt ra, tỉnh Lào Cai triển khai 07 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm: (1) Tuyên truyền, phổ biến Chỉ thị số 31-CT/TW và Chương trình hành động số 356-CTr/TU của Tỉnh ủy. (2) Đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ATVSLĐ. (3) Triển khai thực hiện đầy đủ chính sách, pháp luật về công tác ATVSLĐ theo chỉ đạo của Trung ương và thực tiễn của tỉnh. (4) Nâng cao năng lực, hiệu lực quản lý nhà nước, phân cấp, phân quyền về công tác ATVSLĐ. (5) Kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác ATVSLĐ. (6) Tăng cường nguồn lực Nhà nước và doanh nghiệp đầu tư cho công tác ATVSLĐ gắn với đổi mới cơ chế tài chính, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực thực hiện công tác ATVSLĐ. (7) Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương về công tác đánh giá kết quả công tác ATVSLĐ.
Các cơ quan báo chí, hệ thống Cổng thông tin điện tử, bản tin, hệ thống truyền thanh cơ sở tuyên truyền tuyên truyền, phổ biến Chỉ thị số 31-CT/TW ngày 19/3/2024 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác ATVSLĐ và Chương trình hành động số 356-CTr/TU ngày 28/5/2024 của Tỉnh ủy Lào Cai về thực hiện Chỉ thị số 31-CT/TW; thông tin về các chương trình, kế hoạch của tỉnh về công tác ATVSLĐ; thành tích của các tập thể, cá nhân trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về công tác ATVSLĐ; công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ cứu nạn.
Đổi mới nội dung, đa dạng hóa các hình thức thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ATVSLĐ như: phát hành các ấn phẩm, tin, bài, phóng sự, các chuyên mục, hội thi ATVSLĐ,…; tổ chức tốt các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ và Tháng Công nhân hàng năm. Đẩy mạnh hoạt động đối thoại, thương lượng về đảm bảo ATVSLĐ và điều kiện làm việc, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ. Tổ chức các lớp tập huấn, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động khu vực không có quan hệ lao động, làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động.
Triển khai, hướng dẫn kịp thời các quy định của pháp luật và của tỉnh về công tác ATVSLĐ; thực hiện hiệu quả Chương trình quốc gia về ATVSLĐ giai đoạn 2021 – 2025 và các giai đoạn tiếp theo; thường xuyên rà soát, đề nghị các Bộ, Ngành Trung ương và tỉnh điều chỉnh, bổ sung các chế độ, chính sách về ATVSLĐ cho phù hợp với điều kiện thực tế nhằm từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật về ATVSLĐ.
Đẩy mạnh công tác phân cấp, phân quyền trong việc thực hiện pháp luật về ATVSLĐ; cải cách thủ tục hành chính. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn ATVSLĐ và điều tra tai nạn lao động; xử lý kịp thời những vi phạm pháp luật về ATVSLĐ nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của doanh nghiệp, cơ sở có sử dụng lao động. Thực hiện tốt công tác phối hợp điều tra tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật nghiêm trọng. Tổ chức cho cán bộ làm công tác ATVSLĐ học tập kinh nghiệm tại các tỉnh.
Tổ chức huấn luyện nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý Nhà nước về ATVSLĐ đối với cán bộ quản lý ATVSLĐ các cấp; tổ chức tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn xây dựng hệ thống quản lý ATVSLĐ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tập huấn nghiệp vụ chuẩn đoán, giám định, điều trị và phục hồi chức năng cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; đầu tư trang thiết bị phục vụ công tác kiểm tra, giám sát môi trường lao động, khám sức khỏe và khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động.
Kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chú trọng công tác đào tạo năng lực, chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác ATVSLĐ trong cơ quan quản lý, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh; cử cán bộ tham gia các khóa đào tạo do Trung ương tổ chức. Tổ chức huấn luyện, tập huấn, cập nhật kiến thức, kỹ năng ATVSLĐ, phòng, chống bệnh nghề nghiệp đối với người làm công tác ATVSLĐ, y tế tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh.
Cân đối ngân sách, bố trí các nguồn lực để triển khai các biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với khu vực có quan hệ lao động và cả khu vực không có quan hệ lao động; lồng ghép nội dung ATVSĐ trong chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương; chương trình, dự án liên quan đến lĩnh vực lao động, y tế, môi trường. Quản lý chặt chẽ và sử dụng có hiệu quả Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Phối hợp mở rộng và phát triển nhanh đối tượng tham gia Bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện có sự hỗ trợ của Nhà nước…/.
Thanh Huyền