Công nghệ nano và sức khỏe nghề nghiệp ở Hàn Quốc

Thứ Sáu, 01/12/2023, 11:45(GMT +7)

Naoo Lee

Viện Nghiên cứu AT&SKNN
Cơ quan AT&SKNN Hàn Quốc
Email: naroolee@gmail.com

Công nghệ nano phát triển mạnh ở Hàn Quốc. Công nghệ nano trở nên phổ biến ở Hàn Quốc kể tử năm 2001 khi chính phủ nước này xây dựng chương trình nghị sự đầu tiên cho Sáng kiến công nghệ nano quốc gia.  Chương trình nghị sự thứ hai được đề ra năm 2005 và chương trình thứ ba được đề ra năm 2011. 

Việc đầu tư lớn cho công nghệ nano đã dẫn đến việc nhiều phòng thí nghiệm về công nghệ nano đã được thành lập tại các trường đại học và viện nghiên cứu. Các sản phẩm sử dụng công nghệ nano bao gồm các sản phẩm điện tử trong đó có máy giặt, mỹ phẩm, sơn và chất phủ ngoài, v.v…. Có hơn 120 sản phẩm sử dụng công nghệ nano.

Trong lĩnh vực sức khỏe nghề nghiệp, đến cuối những năm 2000 chưa có nghiên cứu nào được tiến hành nào về an toàn nano. Do mối lo ngại về mối nguy hiểm của vật liệu nano ngày càng tăng, chính phủ Hàn Quốc xác định tập trung nguồn lực cho Viện công nghệ nano quốc gia nghiên cứu về an toàn sức khỏe và môi trường đối với công nghệ nano.

Để đề ra các biện pháp tiếp theo, hội đồng chính sách an toàn nano thuộc một bộ của chính phủ đã được thành lập và chương trình nghị sự về an toàn nano đã được xác định cho giai đoạn 2012-2016.  Chương trình về an toàn nano tập trung vào: 1) phát triển các phương pháp giám sát vật liệu nano và xây dựng một cơ sở dữ liệu về vật liệu nano; 2) nghiên cứu khoa học về chất độc nano; 3) hệ thống an toàn của công nghệ nano; 4) hợp tác và đối tác quốc tế giữa các bên quan tâm. Chương trình nghị sự về an toàn nano bao gồm đo mức độ phơi nhiễm trong công nhân, người sử dụng và môi trường, đánh giá sự nguy hiểm, đánh giá rủi ro và tác động ngày càng tăng đối với môi trường.

Trước hết, chính phủ nỗ lực điều tra việc phân phối vật liệu nano ở Hàn Quốc. Cuộc điều tra đầu tiên được tiến hành vào năm 2008; kết quả cho thấy có 18 loại vật liệu nano được sử dụng tại 25 công ty. Cuộc điều tra đầu tiên có nhiều hạn chế vì không có một hệ thống báo cáo chính thức nào về vật liệu nano và việc truyền đạt gặp khó khăn do nhận thức về vật liệu nano thấp.

Cuộc điều tra năm 2011 đã xác định 93 loại vật liệu nano được sử dụng tại 220 công ty. Trong số những vật liệu nano được sử dụng, các ô xít kim loại là một trong những vật liệu được sử dụng nhiều nhất.

Việc giám sát tiếp xúc là một chủ đề rộng rãi trong an toàn nano. Tại Hàn Quốc, nghiên cứu về giám sát tiếp xúc đã được tiến hành trong công nhân, người tiêu dùng và môi trường. Nghiên cứu về giám sát tiếp xúc trong nhà máy gặp rất nhiều khó khăn. Khó khăn nhất là việc xác định nơi làm việc sẽ được giám sát. Công nghệ nano mới phát triển gần đây và trong nhiều trường hợp, mỗi công ty sử dụng một quy trình khác nhau. Các công ty đôi khi không muốn mở cửa nơi làm việc cho các dự án nghiên cứu. Ngoài ra, việc xử lý các vật liệu nano tại nơi làm việc diễn ra trong thời gian ngắn. Nhiều công ty biến mất sau một thời gian ngắn. Nhiều phòng thí nghiệm đã tiến hành nghiên cứu sự phát triển của vật liệu nano, nhưng chỉ có một số ít trong hàng loạt sản phẩm sử dụng vật liệu nano được nghiên cứu.

Trong lĩnh vực sức khỏe nghề nghiệp, giám sát tiếp xúc vật liệu nano là thử thách về kỹ thuật. Vẫn chưa có phương pháp tiêu chuẩn nào về giám sát tiếp xúc vật liệu nano; người ta khuyến nghị sử dụng tập hợp các hạt, tập hợp diện tích bề mặt hoặc phân bố kích thước hạt. Tập hợp các hạt, tập hợp diện tích bề mặt và phân bố kích thước hạt không phải là thước đo tiếp xúc quen thuộc trong sức khỏe nghề nghiệp.

Nghiên cứu về sự tiếp xúc vật liệu nano vẫn đang trong giai đoạn đầu ở Hàn Quốc và gặp khó khăn. Các tổ chức nghiên cứu đã mất thời gian để làm ra các dụng cụ đắt tiền, chẳng hạn như máy phân loại quét hạt (SMPS), máy giám sát diện tích bề mặt (SAM) và máy đếm hạt (CPC). Các dụng cụ, ví dụ như SMPS, SAM và CPC cồng kềnh và việc đo đạc được thực hiện trong trạng thái tĩnh. Vị trí lấy mẫu ở cách xa nguồn phát hơn so với khu vực hít thở của công nhân. Rất khó để đo sự tiếp xúc thực tế của người lao động bằng cách lấy mẫu tĩnh.

Các kết quả không chọn lọc do SMPS, SAM và CPC cung cấp gây khó khăn cho việc giải thích các dữ liệu. Nhiều nhiệm vụ liên quan đến việc xử lý vật liệu nano không được thực hiện trong một phòng sạch tại Hàn Quốc. Có nhiều hạt nano kèm theo tại nơi làm việc. Khó có thể xác định các vật liệu nano được sản xuất khi các đo đạc được thực hiện bằng SMPS, SAM và CPC.

Người ta khuyên dùng kính hiển vi điện tử để xác định hình dạng, kích thước và thành phần của các hạt nano. Kính hiển vi điện tử không phải là một dụng cụ thường dùng trong lĩnh vực sức khỏe nghề nghiệp mặc dù kính hiển vi điện tử truyền dẫn đôi khi được sử dụng trong phân tích amiăng. Lấy mẫu hạt nano và phân tích bằng cách sử dụng kính hiển vi điện tử cũng là nhiệm vụ thử thách đối với lĩnh vực sức khỏe nghề nghiệp. Bộ lọc với bơm lấy mẫu hoặc một dụng cụ kết tủa tĩnh điện cầm tay được sử dụng để lấy mẫu các hạt nano cho phân tích bằng kính hiển vi điện tử truyền dẫn hoặc kính hiển vi điện tử quét hình.

Giám sát tiếp xúc vật liệu nano bằng dụng cụ sử dụng công nghệ tiên tiến đắt tiền đã gây trở ngại cho các tổ chức nghiên cứu và công ty trong lĩnh vực sức khỏe nghề nghiệp. Công nghệ nano đang phát triển nhảy vọt tại Hàn Quốc, nhưng mới chỉ có những nghiên cứu hạn chế về giám sát tiếp xúc được tiến hành do trở ngại này.

Giám sát tiếp xúc đã được thực hiện tại những nơi làm việc xử lý bột nano, chẳng hạn như đioxit titan, ôxít nhôm, oxit kẽm, oxit silic, bạc, niken, ống nano carbon và graphene. Một số nơi làm việc thiếu hệ thống thông gió hay khẩu trang. Cần thực hiện kiểm soát phòng ngừa tại nơi làm việc mặc dù nguy cơ do vật liệu nano gây ra là không rõ ràng.

Phải nâng cao nhận thức của người dân về nguy cơ tiềm tàng do các vật liệu nano gây ra và cần phải kiểm soát phòng ngừa các vật liệu nano tại Hàn Quốc. Trong một cuộc khảo sát đối với người lao động và người sử dụng lao động tại những nơi làm việc sử dụng công nghệ nano, 29% số người được hỏi nghĩ rằng những đồ vật bằng nano có thể gây nguy hiểm.

Công nghệ nano đã phát triển nhanh chóng, vì vậy các nhà nghiên cứu về sức khỏe nghề nghiệp khó theo kịp công nghệ nano mới nhất để nhận ra các nguy cơ. Có lẽ cần có sự hợp tác giữa các nhà nghiên cứu về công nghệ nano và các nhà nghiên cứu về sức khỏe nghề nghiệp. Cần có phương pháp giám sát tiếp xúc bằng cách sử dụng công cụ đánh giá chính xác di động để kiểm soát việc xử lý các vật liệu nano tại nơi làm việc.

Tài liệu tham khảo

· Brouwer D, M Berges, Virji MA, Fransman W, Bello D, Hodson L, Gabriel S, Tielemans E. Sự hài hoà giữa các chiến lược đo lường sự tiếp xúc với các đồ vật nano: Báo cáo của một cuộc hội thảo. Ann Occup Hyg 2011; 56 (1):1-9.

· Bộ môi trường. Tình hình phân bổ và giới thiệu hệ thống vật liệu nano. 2008 (Hàn Quốc)

· Viện nghiên cứu an toàn và sức khỏe nghề nghiệp. Đánh giá phơi nhiễm và hướng dẫn quản lý trong môi trường làm việc liên quan đến vật liệu nano được thiết kế (2). 2010 (Hàn Quốc)

· Viện nghiên cứu an toàn lvà sức khỏe nghề nghiệp. Đánh giá phơi nhiễm và hướng dẫn quản lý trong trong môi trường làm việc liên quan đến vật liệu nano được thiết kế (1). 2010 (Hàn Quốc)

· Paik SY, Zalk DM, Swuste P. Áp dụng công cụ kiểm soát dải thí điểm để đánh giá mức độ rủi ro và kiểm soát việc tiếp xúc với các hạt nano. Ann Occup Hyg 2008; 52 (6):419-28.

· Các Bộ có liên quan. Chương trình nghị sự đầu tiên về an toàn nano. 2011. (Sử dụng nội bộ, Hàn Quốc)

(Nguồn: Asian-Pacific Newsletter No.3/2013)
Biên dịch: M. Hải


(Nguồn tin: )