Công tác ATVSLĐ trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư – Bài 1: Chủ trương, chính sách và bối cảnh

Thứ Sáu, 01/12/2023, 11:48(GMT +7)

1. Bối cảnh

Theo Tổng Cục thống kê, mô nền kinh tế năm 2019 đạt hơn 262 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay, lớn gấp gần 10 lần so với thời điểm bắt đầu đổi mới năm 1986 và gấp gần 1,5 lần so với năm 2015. Năm 2016 chỉ tăng trưởng 6,21% thì năm 2019 đạt tăng trưởng lên đến 7,02%. Năng suất lao động tăng 6,2%; đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đạt 46,11%. Mô hình tăng trưởng chuyển dịch tích cực, giảm dần phụ thuộc vào khai khoáng và tăng tín dụng; đóng góp của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngày càng tăng. Môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Tập trung đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành, tiết giảm chi phí, hỗ trợ tiếp cận thị trường và các nguồn lực. Xếp hạng năng lực cạnh tranh của Việt Nam được Diễn đàn Kinh tế thế giới đánh giá tăng 10 bậc và 3,5 điểm so với năm 2018 – mức tăng mạnh nhất thế giới.

Phát huy tinh thần khởi nghiệp, doanh nghiệp thành lập mới tăng cả về số lượng, vốn đăng ký và số lao động năm 2019 so với năm 2018. Trong đó, số doanh nghiệp thành lập mới năm 2019 đạt mức kỷ lục trên 138.000 doanh nghiệp, vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt 12,5 tỷ đồng, tổng số vốn đăng ký mới đạt khoảng 1,7 triệu tỷ đồng…, tuy nhiên, do bùng phát dịch COVID-19 trên thế giới và xuất hiện ở Việt Nam, số doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động và lực lượng lao động mất việc làm đang gia tăng.

Về cơ cấu nền kinh tế năm 2018, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỉ trọng 14,57% GDP; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 34,28%; khu vực dịch vụ chiếm 41,17%. Tại thời điểm 31/12/2018, có 714.755 doanh nghiệp, so với năm 2012, đã tăng thêm gần 180.000 doanh nghiệp; hiện nay, có gần 19.000 hợp tác xã, trong đó có trên 10.000 hợp tác xã nông nghiệp.

Dân số trung bình năm 2018 của cả nước ước tính 94,67 triệu người, bao gồm dân số thành thị 33,83 triệu người, chiếm 35,7%; dân số nông thôn 60,84 triệu người, chiếm 64,3%; dân số nam 46,79 triệu người, chiếm 49,4%; dân số nữ 47,88 triệu người, chiếm 50,6%. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên năm 2018 là 55,4 triệu người, so với năm 2012, tăng thêm khoảng 5 triệu người. Trong đó, lao động có hợp đồng lao động khoảng 23 triệu người (chiếm khoảng 43%), lao động không có quan hệ lao động (tự tạo việc làm, lao động trong hộ gia đình…) khoảng 32 triệu (chiếm khoảng 55% và đối tượng khác. Lực lượng lao động trong lĩnh vực nông – lâm – ngư nghiệp khoảng 40,44%, trong lĩnh vực dịch vụ là 33,97% và trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng là 25,59%.

Tổng số thành viên hợp tác xã trên 7 triệu thành viên, trong đó số lao động làm việc thường xuyên trong hợp tác xã là trên 1,5 triệu người; trên 5.000 làng nghề và làng có nghề (số làng nghề truyền thống được công nhận theo tiêu chí làng nghề hiện nay của Chính phủ là gần 2000, thu hút khoảng 10 triệu lao động [1]); khoảng 4,6 triệu cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể phi nông nghiệp, thu hút gần 7,9 triệu lao động.

Tính đến ngày 30/6/2020, số người tham gia BHXH đạt khoảng 15,144 triệu người. Trong đó, số tham gia BHXH bắt buộc là 14,473 triệu người, đặc biệt vượt qua giai đoạn khó khăn do thực hiện cách ly xã hội, số người tham gia BHXH tự nguyện vẫn tăng 96,8 nghìn người so với năm 2019, đạt 670,8 nghìn người; BHTN là 12,716 triệu người; số người tham gia BHYT là 85,521 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 88,3% dân số. Tổng số thu BHXH, BHYT, BHTN ước đạt 45,3% kế hoạch cả năm (tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2019).

Quá trình hội nhập, Việt Nam phải chấp hành nghiêm ngặt các tiêu chuẩn lao động, trong đó có tiêu chuẩn an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) của Tổ chức Lao động Quốc tế, Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế và trong các hiệp định Thương mại thế hệ mới. Một số nước đã sử dụng tiêu chuẩn ATVSLĐ làm hàng rào kỹ thuật đối với hàng hóa Việt Nam và đặc biệt trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, thì mức độ cạnh tranh trong nền kinh tế ngày càng quyết liệt. Tất cả điều đó kéo theo khả năng gia tăng nguy cơ gây tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp (BNN). Số lượng các vụ tai nạn nghiêm trọng giai đoạn 2011-2019 không ngừng tăng lên. Đến nay, hệ thống pháp luật trong lĩnh vực ATVSLĐ đã được ban hành tương đối đầy đủ, đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi của công tác quản lý, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá phát sinh những yếu tố nguy hiểm, độc hại mới kéo theo người lao động (NLĐ) phải làm việc trong điều kiện có nhiều nguy cơ mất an toàn; việc ứng dụng công nghệ số, cách thức quản lý trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 chưa được đầu tư nghiên cứu, áp dụng; việc tuân thủ pháp luật về ATVSLĐ của phần lớn các doanh nghiệp hiện nay còn hạn chế, đặc biệt là ở khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ, khu vực sản xuất nông nghiệp, làng nghề.

Trong điều kiện sản xuất kinh doanh với sự lạc hậu của công nghệ, máy thiết bị, hạ tầng, tình hình TNLĐ, BNN đã diễn ra ở nhiều nơi, nhiều cơ sở, nhất là trong lĩnh vực xây dựng, khai thác mỏ, giao thông dẫn đến hàng chục nghìn vụ TNLĐ chết người hoặc gây thiệt hại lớn về tài sản của nhà nước và nhân dân. Số lượng người bị thương tật do TNLĐ, BNN tăng để lại hậu quả khôn lường cho gia đình và xã hội, nhiều người tàn phế suốt đời, nhiều gia đình trở nên nghèo khó…

Cường độ lao động ngày càng cao do mức độ cạnh tranh ngày càng quyết liệt, đặc biệt là sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2007 và tham gia các Hiệp định Thương mại thế hệ mới, như Hiệp định tiến bộ, toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CTTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Châu Âu (EVFTA)…và đặc việt trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0. Tất cả điều đó kéo theo khả năng gia tăng TNLĐ, BNN nếu công tác ATVSLĐ không làm tốt. Số liệu thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho thấy số lượng các vụ tai nạn nghiêm trọng giai đoạn 2011-2020 không ngừng tăng lên. Mặt khác, với quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng, Việt Nam phải chấp hành nghiêm ngặt các tiêu chuẩn lao động, trong đó có tiêu chuẩn ATVSLĐ của Tổ chức Lao động Quốc tế và trong các hiệp định Thương mại thế hệ mới. Một số nước sử dụng tiêu chuẩn ATVSLĐ làm hàng rào kỹ thuật đối với hàng hóa Việt Nam nhập khẩu vào nước họ.

2. Chủ trương, chính sách và mục tiêu của công tác an toàn, vệ sinh lao động

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã thành công rất tốt đẹp và thông qua Chiến lược phát triển đất nước Đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; tầm nhìn đến năm 2045 là nước công nghiệp phát triển, thu nhập cao; có thể chế quản lý hiện đại, cạnh tranh, hiệu lực, hiệu quả; kinh tế phát triển năng động, nhanh và bền vững. Trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021-2030 được thông qua tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định “Chú trọng bảo đảm an toàn, bảo vệ sức khỏe người lao động”. Đến năm 2030, phấn đấu sớm hoàn thành các mục tiêu theo Chương trình nghị sự 2030 vì phát triển bền vững, xây dựng xã hội an toàn.

Quyết định số 681/QĐ-TTg năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ xác định lộ trình giảm tần suất TNLĐ, BNN đến năm 2025 và 2030, lần lượt là 5% cho số vụ và 4,5% cho số người chết và số người bị thương tích nặng.

Với các giải pháp đồng bộ, đặc biệt là tiếp tục thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, nhất là cho những người yếu thế, người nghèo, NLĐ; hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo hiểm xã hội, tiến tới thực hiện bảo hiểm xã hội toàn dân. Phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại, hội nhập quốc tế. Sau 35 năm đổi mới, 8 năm triển khai Chỉ thị số 29-CT/TƯ của Ban Bí thứ Trung ương Đảng và 5 năm triển khai Luật ATVSLĐ, đến nay, với những nỗ lực của các cấp, các ngành và toàn thể cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân lao động, hệ thống pháp luật về ATVSLĐ đã tương đối hoàn thiện, công tác quản lý Nhà nước về ATVSLĐ được quan tâm đầy đủ hơn, đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi của công tác quản lý, chỉ đạo và tổ chức thực hiện; điều kiện làm việc, sức khỏe NLĐ từng bước được cải thiện, tần suất TNLĐ đã giảm trong khu vực có quan hệ lao động, TNLĐ đặc biệt nghiêm trọng được loại trừ ở một số ngành có nguy cơ cao.

Đảng, Nhà nước ta đã lựa chọn chiến lược phát triển bền vững, sáng tạo, bao trùm làm mô hình phát triển đất nước. Việc có một bộ chỉ số đánh giá mức độ ATVSLĐ của một dự án, doanh nghiệp hay nơi làm việc sẽ giúp cho các nhà đầu tư, quản trị doanh nghiệp và ngay NLĐ có thể tự đánh giá. Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 hiện nay, khi mà yêu cầu thay đổi trong quản trị, điều hành để thích ứng với tình hình mới, việc có được bộ chỉ số đánh giá an toàn cụ thể, sát thực sẽ giúp các doanh nghiệp, người sử dụng lao động có biện pháp, kế hoạch kịp thời khắc phục; giúp các ngành, địa phương có chương trình can thiệp nhằm hạn chế rủi ro, cải thiện điều kiện lao động và giúp cho quốc gia có chiến lược, chính sách, chương trình phòng ngừa TNLĐ, BNN, chăm sóc sức khỏe NLĐ phù hợp, tác động thúc đẩy phát triển bền vững, tăng năng suất và bảo vệ môi trường.

Quyền Viện trưởng Viện KH AT&VSLĐ

TS. Nguyễn Anh Thơ


Bài viết liên quan:

1. Công tác ATVSLĐ trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư – Bài 2: Công tác triển khai chính sách pháp luật về ATVSLĐ

2. Công tác ATVSLĐ trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư – Bài 3: Tình hình TNLĐ, BNN

​3. Công tác ATVSLĐ trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư – Bài 4: Một số nội dung trọng tâm của công tác ATVSLĐ ở Việt Nam đến năm 2025


(Nguồn tin: Vnniosh.vn)