Công tác ATVSLĐ trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư – Bài 2: Công tác triển khai chính sách pháp luật về ATVSLĐ
1. Công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật, chỉ đạo, triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về ATVSLĐ
Từ năm 2015 đến 2020, Chính phủ đã ban hành 08 Nghị định quy định chi tiết Luật ATVSLĐ năm 2015; rà soát, xây dựng 06 Nghị định có liên quan đến công tác ATVSLĐ trong các lĩnh vực đặc thù; 03 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Bộ LĐTBXH đã chủ trì và tham gia phối hợp với các Bộ ban hành hơn 100 văn bản pháp luật có liên quan; nghiên cứu việc gia nhập Công ước số 187 về Khung chính sách thúc đẩy ATVSLĐ. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý Nhà nước ở Trung ương và địa phương cũng ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về ATVSLĐ.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã ban hành 50 Thông tư hướng dẫn các quy định của Luật ATVSLĐ và các quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác thông tin, tuyên truyền, huấn luyện, kiểm định ATVSLĐ; nhận diện, đánh giá rủi ro, khai báo, thống kê, báo cáo TNLĐ, BNN, sự cố kỹ thuật mất ATVSLĐ; chế độ bồi thường, trợ cấp TNLĐ, BNN, hỗ trợ phòng ngừa từ Quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN; định mức kinh tế – kỹ thuật đối với 05 nhóm đối tượng huấn luyện ATVSLĐ; 35 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ATVSLĐ đối với máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động và các lĩnh vực, công việc có nguy cơ cao về TNLĐ, BNN và 31 Quy trình kiểm định đối với máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ, công trình vui chơi công cộng phù hợp với thực tế và tình hình mới.
2. Công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về ATVSLĐ
Sau khi Luật ATVSLĐ được ban hành, công tác thông tin, tuyên truyền về ATVSLĐ được Chính phủ, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và chính quyền địa phương các cấp quan tâm hơn, tạo nên những chuyển biến rõ rệt trong nhận thức của NLĐ và cộng đồng về ATVSLĐ.
Từ năm 2017, việc tổ chức Tháng hành động về ATVSLĐ với chủ đề được xác định rõ theo từng năm đã trở thành đợt cao điểm tuyên truyền về ATVSLĐ, lan tỏa rộng rãi trong cả nước, thu hút sự hưởng ứng tích cực của các cấp, các ngành và cộng đồng doanh nghiệp, NLĐ bằng nhiều hoạt động thiết thực. Đặc biệt, trong khuôn khổ tổ chức Tháng hành động về ATVSLĐ, Hội đồng quốc gia về ATVSLĐ đã phát huy vai trò tích cực thông qua việc tổ chức diễn đàn đối thoại trực tiếp với NLĐ, người sử dụng lao động để kịp thời tiếp nhận, xử lý các phản ánh, kiến nghị về thực hiện chính sách ATVSLĐ. Đây là một trong những biện pháp thiết thực nhất thúc đẩy có hiệu quả việc xây dựng văn hóa an toàn lao động, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cả NLĐ, người sử dụng lao động về chủ động phòng ngừa, ngăn chặn TNLĐ, phòng, chống BNN, cải thiện điều kiện làm việc, môi trường lao động (MTLĐ).
3. Việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về ATVSLĐ
a) Nhóm chính sách phòng ngừa TNLĐ, BNN
– Về huấn luyện ATVSLĐ: giai đoạn 2016 – 2020, hằng năm có khoảng 1,2 triệu đến 2,5 triệu lượt người được các tổ chức huấn luyện ATVSLĐ huấn luyện, tăng hơn so với giai đoạn 2011-2015. Hoạt động huấn luyện ATVSLĐ ngày càng đi vào nền nếp và phát huy hiệu quả; thu hút được nguồn lực xã hội cùng tham gia; cơ bản bảo đảm về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên theo quy định, đáp ứng yêu cầu huấn luyện ATVSLĐ. Đến nay, có gần 500 tổ chức hoạt động dịch vụ huấn luyện về ATVSLĐ và khoảng 12.000 người tham gia công tác huấn luyện ATVSLĐ. Chỉ tính riêng năm 2020 các doanh nghiệp, tổ chức đã tự tổ chức huấn luyện cho khoảng 5 triệu lượt người.
– Việc quản lý máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ: hầu hết các thiết bị đều được kiểm định trước khi sử dụng, trong 05 năm (2016 – 2020) đã thực hiện kiểm định cho hơn 10 triệu lượt máy, thiết bị, trong đó có 5 triệu lượt thiết bị được kiểm định lại đạt yêu cầu trước khi sử dụng. Việc xã hội hóa hoạt động kiểm định cũng đạt kết quả tốt góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động quản lý máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ. Tính từ khi Luật ATVSLĐ được ban hành đến nay đã có thêm hơn 50 tổ chức mới được cấp giấy chứng nhận, nâng tổng số tổ chức đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định lên 120 tổ chức; về cơ bản các kiểm định viên đều đáp ứng và đảm bảo yêu cầu theo quy định.
– Công tác chăm sóc sức khỏe NLĐ và quản lý MTLĐ, kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc được quan tâm, thực hiện. Số NLĐ được khám sức khỏe định kỳ ngày càng tăng. MTLĐ trong thời gian qua có bước cải thiện đáng kể trong các cơ sở sản xuất kinh doanh. Đến nay, đã quản lý, theo dõi được 32.029 cơ sở lao động có yếu tố nguy hiểm có hại, với tổng số lao động được quản lý là hơn 5 triệu người, trong đó có 59% số lao động tiếp xúc với yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại; số cơ sở được quan trắc MTLĐ gần 6.000 cơ sở hằng năm; số cơ sở đã lập hồ sơ vệ sinh lao động, chiếm 20% tổng số cơ sở.
Việc thực hiện chính sách xã hội hóa đã tạo chuyển biến tích cực đối với hoạt động quan trắc MTLĐ, số lượng đơn vị được công bố đủ điều kiện quan trắc MTLĐ gia tăng nhanh, năm 2016 chỉ có 5 đơn vị, năm 2017 đã có thêm 86 đơn vị, năm 2018 có thêm 52 đơn vị. Tính đến hết tháng 7/2020 đã có 158 đơn vị đủ điều kiện quan trắc MTLĐ.
– Việc chấp hành quy định về chế độ bảo hộ lao động, trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân trong lao động… được các đơn vị, doanh nghiệp quan tâm, chú trọng; trách nhiệm của người sử dụng lao động được nâng lên, nhất là tại các đơn vị có nguy cơ cao về ATVSLĐ. Công tác phòng chống cháy, nổ được quan tâm, thực hiện nghiêm túc, việc xây dựng kế hoạch ứng cứu sự cố, tìm kiếm cứu nạn, tổ chức diễn tập phương án, biện pháp khẩn cấp khi xảy ra sự cố, tai nạn được thực hiện bài bản và thông báo, triển khai tới NLĐ.
Nhiều Tập đoàn, Tổng công ty lớn đã xây dựng và triển khai hệ thống quản lý an toàn sức khỏe môi trường tiên tiến, hiện đại, do vậy tình hình tai nạn, sự cố mất an toàn, cháy nổ tại các cơ sở này được kiểm soát, kiềm chế, đảm bảo an toàn sản xuất.
b) Nhóm chính sách khắc phục rủi ro
– Việc thực hiện khai báo, điều tra, thống kê, báo cáo TNLĐ, BNN có tiến bộ hơn, hầu hết TNLĐ nặng xảy ra đều được cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tổ chức điều tra theo quy định, nhiều bộ ngành, địa phương đã chủ động, triển khai thực hiện tốt công tác này.
– Việc thực hiện trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với NLĐ bị TNLĐ, BNN: về cơ bản NLĐ bị TNLĐ, BNNN sau khi giám định được người sử dụng lao động thực hiện việc bồi thường, trợ cấp theo quy định. Một số ngành, nghề thực hiện tốt việc chi trả chế độ bồi thường, trợ cấp TNLĐ, BNN thậm chí còn cao hơn mức chế độ do Nhà nước quy định qua đó động viên kịp thời, giúp NLĐ bị TNLĐ, BNN và gia đình họ bớt khó khăn, ổn định cuộc sống…
– Việc thực hiện chế độ bảo hiểm TNLĐ, BNN do Quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN thực hiện chi trả đẩy đủ, đảm bảo nhanh chóng, kịp thời, đúng quy định. Giai đoạn 2016 – 2020 số người được giải quyết hưởng mới chế độ bảo hiểm TNLĐ, BNN (bao gồm giải quyết hưởng trợ cấp hàng tháng và giải quyết hưởng trợ cấp một lần) đều tăng hằng năm. Phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm TNLĐ, BNN tăng đều trong cả giai đoạn 2016-2020. Mặc dù nguồn thu cho quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN giảm do có sự điều chỉnh về mức đóng theo quy định của Nhà nước, tuy nhiên, vẫn đảm bảo cân đối thu – chi Quỹ Bảo hiểm TNLĐ, BNN và hiện nay quỹ này vẫn đang kết dư khoảng hơn 45.000 tỷ đồng.
c) Việc thực hiện chính sách ATVSLĐ đối với lao động đặc thù
Nhìn chung, việc thực hiện chính sách, chế độ về ATVSLĐ đối với lao động đặc thù có nhiều tiến bộ, đặc biệt chính sách đối với lao động nữ, lao động cao tuổi, lao động khuyết tật,… phù hợp quy định pháp luật về ATVSLĐ. Đối với lao động đặc thù (lao động nữ, lao động là người khuyết tật, lao động là người cao tuổi, lao động chưa thành niên…) được các doanh nghiệp sắp xếp, bố trí công việc phù hợp trên cơ sở kết quả khám sức khỏe định kỳ; không bố trí lao động đặc thù làm các công việc mà pháp luật lao động cấm. Chế độ, chính sách đối với lao động nữ, lao động là người khuyết tật (khám chuyên khoa, giảm giờ làm, bố trí lịch làm việc hợp lý…) được các đơn vị quan tâm thực hiện. Quá trình thanh tra, kiểm tra hằng năm, chưa phát hiện có hiện tượng phân biệt đối xử về giới.
4. Công tác quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động
– Công tác quản lý nhà nước về ATVSLĐ ngày càng đi vào nền nếp, có chiều sâu, trên cơ sở sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của ngành lao động – thương binh và xã hội với các bộ, ngành, tổ chức ở Trung ương cũng như giữa các sở, ban, ngành, tổ chức ở địa phương. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quan tâm theo dõi sát sao tình hình TNLĐ, BNN cũng như việc tổ chức thực hiện các chính sách về ATVSLĐ, kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc triển khai công tác ATVSLĐ ở các cấp chính quyền địa phương.
Công tác thông tin, tuyên truyền về ATVSLĐ có nhiều chuyển biến tích cực, thu hút và phát huy được sự tham gia rộng rãi của các cơ quan truyền thông góp phần quan trọng phòng ngừa, kéo giảm TNLĐ, BNN trong khu vực có quan hệ lao động, góp phần củng cố, phát triển văn hóa an toàn lao động.
– Một số chính sách mới về quản lý và thực hiện ATVSLĐ đối với người làm việc không theo hợp đồng lao động bước đầu được quan tâm triển khai thông qua công tác khai báo, điều tra, báo cáo, đánh giá, công bố TNLĐ đối với NLĐ làm việc không theo hợp đồng lao động đến UBND cấp huyện, cấp xã.
– Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính, các Bộ đã tham mưu để Chính phủ cắt giảm hơn 64% thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh dịch vụ huấn luyện và kiểm định kỹ thuật về ATVSLĐ; điều chỉnh giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN từ 1% xuống còn 0,5 % đối với người sử dụng lao động; việc thực hiện xã hội hóa dịch vụ huấn luyện ATVSLĐ bước đầu phát huy hiệu quả tích cực.
– Bộ máy tổ chức và cán bộ làm công tác ATVSLĐ đã từng bước được củng cố tại các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp. Vai trò của Hội đồng quốc gia về ATVSLĐ và Hội đồng ATVSLĐ cấp tỉnh được phát huy tích cực bằng hoạt động thực chất, qua đó củng cố, phát huy ngày càng có hiệu quả cơ chế phối hợp liên ngành. Tuy vậy, lực lượng cán bộ làm công tác ATVSLĐ thuộc ngành lao động – thương binh và xã hội chỉ có gần 500 người. Trong đó chỉ có khoảng 50 người có chuyên môn kĩ thuật về ATVSLĐ; Số lượng cán bộ làm công tác vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe NLĐ trong ngành y tế tại tất cả các tuyến là hơn 19.000 người bao gồm cả giám định viên BNN.
– Công tác thanh tra, kiểm tra về ATVSLĐ được tăng cường từ cấp Trung ương đến các cấp chính quyền địa phương, có sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương, hạn chế trùng lắp, bỏ trống trong thanh tra, kiểm tra về ATVSLĐ; tổ chức điều tra, kết luận, xử lý kịp thời, nghiêm túc nhất là các vụ TNLĐ chết người, qua đó xác định nguyên nhân, trách nhiệm của những người có liên quan và kiến nghị thực hiện các biện pháp phòng ngừa TNLĐ tái diễn.
Tính đến thời điểm 31/12/2020, số lượng doanh nghiệp tồn tại pháp lý là khoảng 700 nghìn doanh nghiệp, trong đó có 600 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động. Như vậy trung bình mỗi Thanh tra viên lao động kiểm soát khoảng 2.500 doanh nghiệp. Mỗi năm trung bình chỉ có 0,22% doanh nghiệp đang hoạt động được thanh tra pháp luật lao động.
Quyền Viện trưởng Viện KH AT&VSLĐ
TS. Nguyễn Anh Thơ
Bài viết liên quan:
1. Công tác ATVSLĐ trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư – Bài 1: Chủ trương, chính sách và bối cảnh
2. Công tác ATVSLĐ trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư – Bài 3: Tình hình TNLĐ, BNN
3. Công tác ATVSLĐ trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư – Bài 4: Một số nội dung trọng tâm của công tác ATVSLĐ ở Việt Nam đến năm 2025
(Nguồn tin: Vnniosh.vn)