Công tác ATVSLĐ trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư – Bài 3: Tình hình TNLĐ, BNN

Thứ Sáu, 01/12/2023, 11:48(GMT +7)

1. Tình hình tai nạn lao động

Theo báo cáo, TNLĐ có xu thế tăng, số liệu thống kê báo cáo chủ yếu được thu thập từ các doanh nghiệp lớn. Vì vậy, còn rất nhiều những trường hợp tai nạn và tử vong tại nơi làm việc của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Giai đoạn 2011-2019, bình quân xảy ra 7500 vụ TNLĐ, làm hơn 8000 người bị nạn và khoảng 750 người chết trong khu vực có quan hệ lao động. TNLĐ nghiêm trọng, tập trung nhiều trong  lĩnh vực xây dựng, khai thác khoáng sản.

Phạm vi thống kê TNLĐ được mở rộng đến khu vực không có quan hệ lao động từ năm 2016, số liệu thống kê ngày càng đầy đủ hơn, cộng thêm sự gia tăng về quy mô lao động, sản xuất, đặc biệt trong một số ngành lĩnh vực như xây lắp, điện, cơ khí, khai khoáng, số tuyệt đối về TNLĐ có xu hướng gia tăng về số vụ, nhưng mức độ nghiêm trọng đã giảm. Số vụ, số người bị nạn và số người chết do TNLĐ còn tăng hằng năm, tần suất TNLĐ đã giảm bình quân 5% hằng năm; khu vực có quan hệ lao động, năm 2018 số người chết đã giảm 44 người so với năm 2017. Giai đoạn 2016 – 2018, tổng số người chết do TNLĐ tăng 906 người so với giai đoạn 2013 – 2015 (do có 830 người chết trong khu vực không có quan hệ lao động được thống kê trong giai đoạn 2016 – 2018). Nếu chỉ tính trong khu vực có quan hệ lao động, giai đoạn 2016 – 2018 có số người chết tăng 76 người so với giai đoạn 2013 – 2015. Năm 2020, trên toàn quốc đã xảy ra 8.380 vụ TNLĐ làm 8.610 người bị nạn,  trong đó làm 966 người chết, 1.897 người bị thương nặng. Thiệt hại về tài sản và giải quyết hậu quả do TNLĐ là trên 6 ngàn tỷ đồng. So với năm 2019,  số vụ TNLĐ chết người giảm 0,87%, số người chết giảm 1.34%, số vụ TNLĐ có từ 2 người trở lên giảm 31,35%. 

Điển hình là các vụ tai nạn gần đây là vụ tai nạn sập mỏ đá làm 8 người chết tại xã Yên Lâm, Huyện Yên định, tỉnh Thanh Hóa vào tháng 01 năm 2016, vụ TNLĐ sập tường ngày 5/3/2019 tại Công ty TNHH Bohsing (KCN Hòa Phú, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) làm 7 người chết; Vụ tai nạn sập tường ngày 14/5/2020 tại Công ty AV Healthcanre Việt Nam tại tỉnh Đồng Nai đã cướp đi mạng sống của 10 người và làm 14 người bị thương; tại Thủy điện Plei Kần, xã Đắk Nông, huyện Ngọc Hồi ngày 25/5/2020 làm 3 người chết, 3 người bị thương; tại công trình khai thác mỏ đá tại tỉnh Điện Biên ngày 01/6/2020 làm 03 người chết và mất tích…;

– Theo số liệu thống kê từ cơ quan BHXH: Tính trong 04 năm 2016- 2019, tần suất TNLĐ chết người giảm 16,99 % so với 2011- 2015 (đạt 92% mục tiêu đặt ra đầu kỳ). Ước tính, đến hết năm 2020 đạt mục tiêu đặt ra (Bình quân mỗi năm giảm trên 5% tần suất TNLĐ).

Bảng 1. Thống kê TNLĐ chết người từ cơ quan BHXH

TT

Nội dung

2011- 2015

2016

2017

2018

2019

Bình quân 4 năm
2016- 2019

2016-2019 so với
2011- 2015

1

Số LĐ tham gia BHXH (triệu)

10,99

12,76

13,33

14,32

15,2

13,9

+26,51%

1

Số người chết mỗi năm do TNLĐ    

643

697

696

753

556

676

+ 5,02 %

2

Tần suất TNLĐ chết người tính trên 100.000 người

5,85

5,46

5,22

5,26

3,66

4,86

-16,99%

(bình quân 4,6%/năm)

(Nguồn : Bảo hiểm xã hội Việt Nam)

– Theo số liệu báo cáo từ các Sở LĐTBXH, trong giai đoạn 2016 – 2019 tần suất TNLĐ chết người là 6,01/100.000 lao động, giảm 20,48% so với giai đoạn 2011 – 2015 (tần suất là 7,56/100.000 lao động).

Bảng 2. Thống kê tai nạn lao động từ các doanh nghiệp

TT

Chỉ tiêu

Bình quân 2011- 2015

Bình quân 2016- 2019

So sánh 2 giai đoạn

1

Số vụ TNLĐ

6.739

7.389

10.92%

2

Số vụ chết

568

613

10.31%

3

Số người bị nạn

6.857

7.559

11.66%

4

Tổng số người chết

621

652

7.37%

5

Tần suất TNLĐ chết người (số người chết tính trên 100.000 lao động)

7,56

6,01

-20,48% (bình quân 5,68%/năm)

(Nguồn : Báo cáo Sở LĐTBXH các địa phương)

Tuy nhiên, số liệu thống kê tại các bệnh viện, cơ sở y tế về số người nhập viện do TNLĐ thường nhiều gấp hơn 20 lần số liệu được báo cáo về Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Thống kê từ các bệnh viện, cơ sở y tế và cộng đồng, mỗi năm có khoảng 160.000-170.000 người bị TNLĐ phải đến điều trị tại cơ sở y tế và có khoảng 1700 người chết. Tần suất TNLĐ chết ngườibình quân 3 năm từ 2006 – 2008 là 6,39/100.000 lao động, bình quân mỗi năm giảm 3,04%; Năm 2006, tần xuất TNLĐ là 7 người chết trên 100.000 lao động, năm 2011 là 5,55 người chết trên 100.000 lao động. Năm 2015, có 4,9 người chết/100.000 lao động. Bình quân tần suất TNLĐ chết người, giai đoạn 2016 – 2019 là 6,01 người chết trên 100.000 lao động.

Trong khu vực người làm việc không có quan hệ lao động, tự tạo việc làm (chiếm 60% lực lượng lao động) hầu hết chưa quan tâm đến công tác ATVSLĐ. Tỷ lệ người làm nghề công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ được huấn luyện còn thấp (có khoảng 200.000 người được huấn luyện chủ yếu nhờ sự hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu); hầu hết các máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ do NLĐ trong khu vực này sử dụng đều thiếu kiểm định và chưa được vận hành theo quy trình làm việc an toàn.

Theo thống kê từ số khai tử (sổ A6 của ngành y và sổ tư pháp tại các xã, phường), mỗi năm khu vực này có khoảng 1.400 người chết/năm do TNLĐ. Nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra do mất an toàn lao động trong khu vực này xảy ra,  điển hình như: Vụ nổ do dùng đèn khò cưa khối kim loại hình trụ (bom, mìn) trên đường Lê Trọng Tấn (KĐT Văn Phú, Hà Đông) ngày 19/3/2016, làm 5 người thiệt mạng và 10 người khác bị thương, khoảng 248 căn hộ xung quanh bị hư hỏng nhà cửa; nổ đạn dược trong kho tái chế kim loại tại xã Văn Môn, huyện Yên Phong, Bắc Ninh làm 2 người chết, nhiều người khác bị thương, hàng loạt căn nhà bị san phẳng… gần đây nhất, vụ nổ bình khí nén xảy ra sáng 12/6 tại tiệm vá vỏ nằm trên Quốc lộ 13, đoạn qua phường Bình Hòa, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương làm 01 người chết.

Hình 1. Biểu đồ tai nạn lao động từ các doanh nghiệp

2. Tình hình bệnh nghề nghiệp

Hiện nay có 34 BNN được hưởng bảo hiểm xã hội. Trong 4 năm từ 2016-2019, trung bình mỗi năm có khoảng 250.000 NLĐ được khám phát hiện BNN.

Trong giai đoạn 2016 – 2019, tổng số NLĐ tiếp xúc với yếu tố có hại được thực hiện khám phát hiện BNN có xu hướng tăng. Năm 2018 có 316.636 trường hợp (tăng 7,25%) được khám phát hiện BNN. Trong số khám đã phát hiện 10.157 trường hợp mắc BNN (chiếm tỷ lệ 3,2%)([1]). Số trường hợp được giám định có xu hướng gia tăng trong giai đoạn 2016 – 2018. Năm 2018 đã có 838 trường hợp được giám định, tăng 6,7% so với cùng kỳ 2017 và tăng gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2016. Trong năm 2020, đã có hơn 1,7 triệu NLĐ được khám sức khỏe định kỳ; hơn 300. 0000 trường hợp NLĐ tiếp xúc với yếu tố có hại được thực hiện khám phát hiện BNN, qua đó phát hiện được 3.763 trường hợp được chẩn đoán mắc BNN.

Số người mắc mới BNN hàng năm vẫn ở mức cao và chưa có dấu hiệu giảm. Số mắc BNN cộng dồn đến năm 2020 là 32.000 trường hợp. Có 03 BNN có số mắc cao nhất bao gồm: bệnh bụi phổi silic (chiếm 74%), bệnh điếc nghề nghiệp và bệnh da nghề nghiệp. Khai khoáng, vật liệu xây dựng, cơ khí, sản xuất và sử dụng hóa chất là các ngành nghề có tỷ lệ mắc BNN cao nhất.

Ngoài hậu quả gây chết người, thiệt hại vật chất hàng chục tỷ đồng/năm; tiền bồi thường, trợ cấp từ người sử dụng lao động mất hàng trăm tỷ đồng mỗi năm giai đoạn 2016-2020. Ngoài ra còn những thiệt hại do phải nghỉ việc cũng rất lớn, trung bình mất đến 500.000 ngày công/năm giai đoạn 2016-2020. Theo báo cáo của ngành y tế năm 2019, tỷ lệ nghỉ ốm trong công nhân là khoảng 25% và tổng số ngày nghỉ ốm là khoảng 01 triệu ngày. Năm 2020, đã có thêm mới 7.951 người được hưởng chế độ bảo hiểm TNLĐ, BNN. Quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN đã chi 746 tỷ đồng trợ cấp TNLĐ, BNN.


([1]) Bệnh điếc nghề nghiệp do tiếng ồn (35,7%), đục thủy tinh thể (12,1%), bệnh bụi phổi than (9,7%), bệnh hen quế quản nghề nghiệp chiếm 9%, bệnh bụi phổi silic nghề nghiệp (6,4%), còn lại là một số bệnh nghề nghiệp khác

Quyền Viện trưởng Viện KH AT&VSLĐ

TS. Nguyễn Anh Thơ


Bài viết liên quan:

1. Công tác ATVSLĐ trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư – Bài 1: Chủ trương, chính sách và bối cảnh

2. Công tác ATVSLĐ trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư – Bài 2: Công tác triển khai chính sách pháp luật về ATVSLĐ

​3. Công tác ATVSLĐ trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư – Bài 4: Một số nội dung trọng tâm của công tác ATVSLĐ ở Việt Nam đến năm 2025


(Nguồn tin: Vnniosh.vn)