Công tác ATVSLĐ trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư – Bài 4: Một số nội dung trọng tâm của công tác ATVSLĐ ở Việt Nam đến năm 2025

Thứ Sáu, 01/12/2023, 11:48(GMT +7)

1. Đánh giá chung về công tác triển khai Luật An toàn vệ sinh lao động

1.1. Kết quả đạt được

Đến nay, việc thể chế hóa bằng các văn bản dưới luật về pháp luật lao động nói chung và về lĩnh vực ATVSLĐ nói riêng đã được ban hành tương đối đầy đủ, đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi của công tác quản lý, chỉ đạo và tổ chức thực hiện ở các Bộ, Ngành, địa phương, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và cả trong sản xuất nông nghiệp và đủ cơ sở pháp lý để đưa các quy định về ATVSLĐ vào cuộc sống.

Công tác tổ chức chỉ đạo thực hiện được Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương coi trọng, đã phối hợp với tổ chức công đoàn, các tổ chức đoàn thể triển khai các văn bản pháp luật;

Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đã có sự chuyển biến và quan tâm nhất định đến tình hình ATVSLĐ chăm lo sức khỏe của NLĐ; bước đầu đã chú ý đầu tư đáng kể để cải tiến công nghệ, cải thiện điều kiện làm việc và môi trường ở những khâu nặng nhọc, độc hại;

1.2. Những tồn tại, hạn chế, yếu kém

Thứ nhất,hệ thống pháp luật về ATVSLĐ còn chồng chéo, phân tán; việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành còn chậm gây khó khăn cho việc thực hiện các quy định về ATVSLĐ.

Thứ hai, hệ thống tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước nói chung còn rất thiếu và yếu và bất cập giữa chức năng, nhiệm vụ với tổ chức bộ máy, biên chế và trình độ cán bộ.

Thứ ba, việc tuân thủ pháp luật về ATVSLĐ của phần lớn các doanh nghiệp hiện nay chưa nghiêm, nhiều doanh nghiệp thực hiện các quy định có tính chất chống đối sự kiểm tra của cơ quan quản lí nhà nước.

1.3. Nguyên nhân

Một là: các ngành chức năng ở Trung ương cũng như địa phương, chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác ATVSLĐ, cũng như chưa thấy hết được tác hại và hậu quả xã hội nghiêm trọng do điều kiện lao động xấu, gây TNLĐ, BNN cho NLĐ.

Hai là: nhiều nội dung quan trọng về ATVSLĐ chưa được quy định hoặc không thể quy định rõ trong trong Bộ luật Lao động; Luật ATVSLĐ mà cần phải có quy định chi tiết, nghiên cứu bổ sung mới thể hiện được.

Ba là: hệ thống tổ chức các cơ quan Nhà nước có chức năng giúp Chính phủ thi hành Pháp luật ATVSLĐ, trước hết là hệ thống tổ chức Thanh tra chuyên ngành ATVSLĐ chưa được đầu tư, kiện toàn.

Bốn là: một số văn bản quy định lĩnh vực quản lý chuyên ngành vẫn còn chồng chéo, bất cập về phân công chức năng, nhiệm vụ trong việc xây dựng các quy chuẩn kỹ thuật, quản lý an toàn máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; tổ chức công đoàn các cấp tuy rất quan tâm bảo vệ quyền lợi cho NLĐ trên lĩnh vực này, nhưng thiếu những yêu sách, những biện pháp kiên quyết yêu cầu các cơ quan quản lý Nhà nước cũng như buộc người sử dụng lao động phải thi hành nghiêm chỉnh Pháp luật lao động và phải xử lý thích đáng những người thiếu trách nhiệm khi để xảy ra TNLĐ và BNN.

Năm là: quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá phát sinh những yếu tố nguy hiểm, độc hại mới kéo theo NLĐ phải làm việc trong điều kiện có nhiều nguy cơ mất an toàn; việc ứng dụng công nghệ số, cách thức quản lý trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 chưa được đầu tư nghiên cứu, áp dụng; việc tuân thủ pháp luật về ATVSLĐ của phần lớn các doanh nghiệp hiện nay còn rất yếu kém, đặc biệt là ở khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ, khu vực sản xuất nông nghiệp, làng nghề; kinh phí đầu tư cho công tác bảo đảm ATVSLĐ và chăm sóc sức khỏe NLĐ của doanh nghiệp còn rất hạn hẹp.

Sáu là: nhiều chủ sử dụng chưa quan tâm, đầu tư chăm lo cải thiện điều kiện làm việc cho NLĐ. Phần lớn nông dân lao động trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp chưa được thông tin, huấn luyện về cách phòng chống TNLĐ, BNN.

2. Những thuận lợi, khó khăn và thách thức

Giai đoạn 2021- 2025, Việt Nam có một số thuận lợi để làm tốt công tác ATVSLĐ, gồm: các cấp ủy đảng, chính quyền đã quan tâm hơn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về ATVSLĐ có quy định các nội dung cụ thể về cán bộ làm công tác ATVSLĐ, xã hội hóa dịch vụ kiểm định, huấn luyện; được sự quan tâm, hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và các quốc gia phát triển, đặc biệt là sự cam kết thúc đẩy công tác an toàn, vệ sinh lao độngtrong cam kết chung của Cộng đồng ASEAN. Đặc biệt, sau 25 năm thực hiện Bộ Luật lao động, qua hơn 08 năm triển khai Chỉ thị số 29 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và 05 năm triển khai Luật ATVSLĐ, các cấp, các ngành và các cơ sở sản xuất kinh doanh đã thấy rõ tầm quan trọng của công tác ATVSLĐ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và trong tình hình quốc tế rất coi trọng đến vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu và an toàn xã hội, an sinh xã hội trên phạm vi toàn cầu. 

Tuy nhiên, công tác ATVSLĐ còn có rất nhiều thách thức, khó khăn, như: Sự phát triển mạnh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ với trình độ công nghệ còn lạc hậu; việc nhập khẩu và đưa vào sử dụng các máy, công nghệ, vật liệu mới ngoài những mặt tích cực, còn tiềm ẩn những nguy cơ về ATVSLĐ không thể lường trước; xu thế phát triển mạnh các ngành công nghiệp khai khoáng, xây dựng, năng lượng, hoá chất và sự gia tăng sử dụng điện trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa sẽ làm tăng nguy cơ mất ATVSLĐ và ô nhiễm MTLĐ; sự phát triển các làng nghề, khu vực kinh tế hộ gia đình trong cơ chế thị trường nếu thiếu sự kiểm soát về ATVSLĐ cũng tiếp tục làm gia tăng ô nhiễm MTLĐ; lực lượng lao động tăng nhanh cùng với sự chuyển dịch một lượng lớn lao động từ khu vực nông nghiệp sang khu vực công nghiệp với trình độ tay nghề thấp, chưa có tác phong công nghiệp.

Công nghệ robot – Cơ điện tử (Robotics – Mechatronics) sẽ được xem là một trong những trụ cột của nền công nghiệp 4.0 với những nhà máy thông minh và doanh nghiệp được chuyển đổi số hóa toàn diện, cũng như nhiều ứng dụng trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống. Trong khi chúng ta chưa có nghiên cứu để đánh giá tác động và tìm hiểu những mối nguy, rủi ro trong lao động và đời sống.

Cơ chế quản lý doanh nghiệp hiện nay đang chuyển đổi rất đa dạng, chưa ổn định, đặc biệt quá trình cổ phần hóa, tư nhân hóa; sản xuất nông nghiệp thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn ngày càng sử dụng nhiều máy móc, thiết bị, phân hóa học, thuốc hóa chất bảo vệ thực vật. Bên cạnh đó, việc hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mai Thế giới, tham gia nhiều Hiệp định Thương mại thế hệ mới và Tiêu chuẩn ISO 45001: 2018 về Hệ thống quản lý ATVSLĐ, đặt ra các yêu cầu về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong việc đảm bảo ATVSLĐ, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật ATVSLĐ cần thiết phải xây dựng vừa đảm bảo hài hòa, vừa có khả năng bảo vệ NLĐ và sản xuất trong nước phát triển. Đây là một thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hoá.

Dự báo giai đoạn 2021 – 2025, Những vấn đề cấp bách về ATVSLĐ và chăm sóc sức khỏe NLĐ cần giải quyết, như: ngăn chặn sự gia tăng TNLĐ, đặc biệt là các vụ tai nạn nghiêm trọng làm chết nhiều người trong lĩnh vực xây dựng, khai khoáng, hóa chất, hóa dầu, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19; Tăng cường giám sát ô nhiễm MTLĐ, từng bước cải thiện điều kiện lao động, chăm sóc và nâng cao sức khỏe NLĐ, xây dựng văn hóa ATVSLĐ, nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu; nâng cao nhận thức của người sử dụng lao động và NLĐ, đặc biệt khu vực làng nghề, khu vực nông nghiệp, trong doanh nghiệp vừa và nhỏ, về việc bảo đảm ATVSLĐ, gắn kết với ý thức bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng, việc làm và sự phát triển bền vững.

3. Một số nội dung trọng tâm của công tác ATVSLĐ ở Việt Nam đến năm 2025

3.1. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo về công tác ATVSLĐ

– Tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác ATVSLĐ, tiếp tục quán triệt, làm chuyển biến nhận thức về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của công tác ATVSLĐ trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia cũng như góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

– Các cấp ủy, tổ chức Đảng, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác ATVSLĐ; cụ thể hóa các mục tiêu, chỉ tiêu về đảm bảo an toàn, sức khỏe NLĐ trong xây dựng chương trình, kế hoạch hành động triển khai Nghị quyết Đại hội XIII và nghị quyết của các cấp ủy.

– Triển khai Quyết định số 681/QĐ-TTg ngày 04/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam. Trong đó các chỉ tiêu thuộc lĩnh vực ATVSLĐ đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, gồm, hàng năm: (1) Giảm tần suất TNLĐ 5%; (2) Giảm tần suất TNLĐ chết người 4,5%; (3) Giảm tần suất TNLĐ thương tật nặng 4,5%.

3.2. Đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATVSLĐ

– Các cơ quan chức năng thuộc các Bộ, Ngành, địa phương tiếp tục tổ chức triển khai phổ biến, hướng dẫn đầy đủ và nghiêm túc các quy định Pháp luật về ATVSLĐ, phù hợp với trình độ phát triển của kỹ thuật mới, công nghệ mới đáp ứng được đòi hỏi của sự phát triển sản xuất trong thời kỳ mới;

– Đổi mới các hoạt động thông tin, tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú, đa dạng; xây dựng và nhân rộng các mô hình, sáng kiến cải thiện điều kiện lao động để lan tỏa trong cộng đồng; tổ chức các hoạt động thực hành, thao diễn xử lý sự cố kỹ thuật về ATVSLĐ; rà soát, bổ sung, hoàn thiện các nội quy, quy trình, biện pháp kỹ thuật an toàn lao động;

– Tăng cường sự phối hợp của các cơ quan chức năng Nhà nước với các tổ chức đoàn thể, tổ chức xã hội, trước hết là tổ chức công đoàn các cấp, hội nông dân để đưa công tác ATVSLĐ mang tính quần chúng và xã hội hóa cao; phát động các phong trào quần chúng xây dựng “Văn hoá an toàn lao động tại doanh nghiệp” để phổ cập, nhân rộng tiến tới việc thực hiện có nề nếp, thường xuyên.

– Huy động các nguồn lực trong tổ chức tuyên truyền về ATVSLĐ; ứng dụng công nghệ số, các mạng xã hội và sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và cơ quan báo chí.

3.3. Hoàn thiện hệ thống pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động

– Rà soát sửa đổi mốt số nội dung của Luật ATVSLĐ theo định hướng tăng cường sử dụng nguồn lực từ Quỹ Bảo hiểm TNLĐ, BNN đầu tư cho công tác nghiên cứu phát triển và ứng dụng các giải pháp ATVSLĐ; giám sát MTLĐ; chăm sóc sức khỏe ban đầu cho NLĐ; phục hồi chức năng lao động;

– Tăng cường pháp chế về ATVSLĐ, thông qua việc thực hiện nghiêm chỉnh việc xử phạt các hành vi vi phạm các quy định về ATVSLĐ, phòng chống cháy nổ và phải đưa ra xét xử kịp thời những vụ TNLĐ chết người nghiêm trọng;

– Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho công tác phòng ngừa TNLĐ, BNN; hoàn thiện chính sách bảo hiểm TNLĐ tự nguyện đến các đối tượng lao động;

– Cải cách mạnh mẽ các thủ tục hành chính trong lĩnh vực ATVSLĐ.

3.4. Hoàn thiện hệ thống tổ chức và tăng cường hoạt động của hệ thống các cơ quan quản lý Nhà nước và các tổ chức về an toàn, vệ sinh lao động

– Hoàn thiện hệ thống tổ chức và tăng cường hoạt động của hệ thống các cơ quan quản lý Nhà nước về ATVSLĐ, trước hết là hoàn thiện hệ thống tổ chức Thanh tra chuyên ngành về ATVSLĐ. Đồng thời tinh giảm bộ máy, minh bạch và hiệu lực, hiệu quả.

– Tăng cường giám sát an toàn đối với các hệ thống công nghệ, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ, ô nhiễm MTLĐ, từng bước cải thiện điều kiện lao động, xây dựng văn hóa ATVSLĐ, nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

– Bảo đảm có đủ phương tiện cá nhân thiết yếu, phương tiện cấp cứu, cứu hộ và có chính sách khuyến khích đầu tư sản xuất, chế tạo các trang thiết bị bảo hộ lao động, đồng thời có hỗ trợ về vốn hoặc miễn giảm thuế đối với các doanh nghiệp tổ chức tốt việc sản xuất các trang thiết bị bảo hộ lao động.

– Củng cố và hoàn thiện các cơ sở điều dưỡng, phục hồi chức năng lao động cho NLĐ.

– Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học và ứng dụng khoa học kỹ thuật ATVSLĐ, cải thiện điều kiện lao động. Tập trung vào nghiên cứu để xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức; chú trọng vào việc nghiên cứu áp dụng các biện pháp cải thiện môi trường và điều kiện lao động cho NLĐ  khu vực sản xuất vừa và nhỏ, ngoài quốc doanh, khu vực nông – lâm – ngư nghiệp và vùng cao, vùng sâu, vùng xa, trong các ngành, lĩnh vực có nguy cơ cao…

– Nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác ATVSLĐ, chăm sóc sức khỏe NLĐ các tuyến. Đầu tư trang thiết bị cần thiết cho công tác kiểm định, kiểm tra, giám sát MTLĐ, giám sát sức khỏe cho NLĐ.

4. Kết luận

Trong nền kinh tế thị tr­ường, để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả và phát triển bền vững thì phải biết sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực, thực hiện tốt công tác ATVSLĐ và bảo vệ môi trường. Thực tế cho thấy quá trình lao động sản xuất luôn tiềm ẩn các nguy cơ gây ra TNLĐ, BNN và ô nhiễm môi trường. Xét trên góc độ kinh tế, đó là nguyên nhân trực tiếp và gián tiếp làm giảm năng suất lao động, lợi nhuận của doanh nghiệp. Vì vậy, đi đôi với việc không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, luôn cần phải coi trọng công tác ATVSLĐ, để có thể kiểm soát được các nguy cơ, rủi ro, hạn chế tối đa TNLĐ, BNN có thể xảy ra trong quá trình khai thác.

Thực tế ở các n­ước phát triển cho thấy, việc xây dựng được hệ thống chính sách, pháp luật về ATVSLĐ phù hợp; áp dụng các tiêu chuẩn hệ thống quản lý trong đó đặc biệt chú trọng đến giảm thiểu nguy cơ mất ATVSLĐ, nâng cao hiệu quả quản lý ATVSLĐ không chỉ đảm bảo các quyền lợi, sức khoẻ và tính mạng cho NLĐ mà còn nâng cao năng suất lao động, chất lu­ợng sản phẩm, vị thế và sức cạnh tranh của  các doanh nghiệp.

Quyền Viện trưởng Viện KH AT&VSLĐ

TS. Nguyễn Anh Thơ


Bài viết liên quan:

1. Công tác ATVSLĐ trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư – Bài 1: Chủ trương, chính sách và bối cảnh

2. Công tác ATVSLĐ trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư – Bài 2: Công tác triển khai chính sách pháp luật về ATVSLĐ

3. Công tác ATVSLĐ trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư – Bài 3: Tình hình TNLĐ, BNN


(Nguồn tin: Vnniosh.vn)