Đánh giá các yếu tố rủi ro đối với phương tiện bảo vệ cá nhân trong các cơ sở sản xuất

Thứ Sáu, 01/12/2023, 10:49(GMT +7)

Các nguy cơ và rủi ro về an toàn trong các cơ sở sản xuất có nhiều dạng và hình thức khác nhau: hóa chất, máy móc lớn, bắn tia lửa điện, vật thể rơi và dụng cụ sắc nhọn. Muốn phòng tránh các nguy cơ gây thương tích và bệnh tật phải bắt đầu từ việc kiểm soát từng mối nguy hiểm để bảo vệ công nhân. Kiểm soát các mối nguy về an toàn bắt đầu từ các biện pháp chủ động như sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân (PPE) thích hợp.

Cơ quan quản lý An toàn và Sức khỏe Nghề nghiệp của Mỹ (OSHA) yêu cầu các tổ chức bảo vệ người lao động của họ khỏi các mối nguy hiểm chung có thể gây ra thương tích hoặc bệnh tật tại nơi làm việc. Các ngành công nghiệp sử dụng máy móc nguy hiểm, nâng vật nặng cũng phải cung cấp (PPE) để ngăn chặn các nguy cơ tiềm ẩn làm nhân viên bị thương.

Các tiêu chuẩn chung đối với PPE do OSHA đưa ra hỗ trợ người sử dụng lao động lựa chọn các hạng mục phù hợp để đảm bảo an toàn:  

• Thực hiện và hoàn thành đánh giá mối nguy về an toàn để xác định các khu vực cần chú ý;

• Xác định PPE cần thiết để kiểm soát mối nguy;

• Đào tạo nhân viên về cách sử dụng và thực hành sử dụng PPE;

• Thay thế PPE bị mòn hoặc bị hỏng;

• Đưa ra và thực hiện đánh giá định kỳ lại PPE.

Những hướng dẫn này là nhiệm vụ khởi đầu để lựa chọn PPE hiệu quả. Để chủ động giải quyết các mối nguy về sức khỏe và an toàn, người sử dụng lao động cần xem xét các hướng dẫn của OSHA.

Có bốn yếu tố rủi ro mà người sử dụng lao động cần phải giải quyết trong các đánh giá PPE tại nơi làm việc: lực, tư thế, sự lặp lại và cân bằng.

Lực

Ngành công nghiệp sản xuất thường yêu cầu đồng thời hoạt động thể chất và vận động đối với người lao động. Trong ngành công nghiệp sản xuất ô tô, các hoạt động nâng, hạ và mang vác là vô cùng phổ biến. Ngoài những động tác này, người lao động thường được yêu cầu nâng các vật nặng tới 50 pound (~22,68kg). Người sử dụng lao động cần lưu ý rằng bất kỳ trọng lượng nào được bổ sung vào trọng lượng cơ thể đều có thể làm tăng lực phải đỡ lên các khớp và mô mềm. Trong môi trường lao động như cơ sở sản xuất ô tô, nhân viên có nguy cơ bị căng thẳng liên quan đến lực nhiều hơn nếu giày bảo hộ lao động không phải là loại hấp thụ và phân tán tải trọng.

Một ví dụ khác về áp dụng phương pháp ecgonomi đánh giá rủi ro của lực trong ngành công nghiệp ô tô là việc sử dụng cơ thể để hoạt động như một công cụ. Ví dụ, dùng tay vặn vật gì đó, dùng chân để đóng nắp… Những ví dụ này cho thấy các thao tác có vẻ rất đơn giản. Tuy nhiên bằng cách áp dụng phương pháp ecgonomi, người sử dụng lao động có thể xác định được việc tác động thêm lực vào cơ thể để hoàn thành công việc sẽ dẫn đến căng các khớp đến mức bị chấn thương.

Cung cấp cho nhân viên các lót giầy hai lớp bằng xốp hoạt tính 100%, sẽ giúp họ cải thiện khả năng hấp thụ sốc về lực. Lớp lót giầy sẽ hấp thụ và làm tiêu tán các lực của trọng lượng cùng với tải trọng bên ngoài, do đó sẽ giảm lực tác động lên khớp và cột sống.

Tư thế

Những tư thế thao tác cao quá đầu thường tác động lực lên phần dưới lưng, dẫn đến nguy cơ chấn thương cao. Có hai tư thế phổ biến:

1. Khi thao tác cao quá đầu, vai và cổ thường là ở vị trí cuối cùng trong khoảng cách thao tác. Các khớp vai và cổ bị căng thẳng và vận động quá mức dễ bị chấn thương hơn.

2. Tư thế đứng tĩnh sẽ góp phần tạo ra độ nghiêng hoặc cong của lòng bàn chân, gây ra các chấn thương từ chân đến phần dưới lưng.

Một cách để chống lại sự mệt mỏi do nghiêng bàn chân là sử dụng lớp lót chống mỏi bằng xốp hoạt tính hai lớp. Việc nâng đỡ lòng bàn chân giúp giảm đáng kể tình trạng mỏi gối do xương chậu bị nghiêng về phía trước.

Sự lặp lại

Trong một số công việc, người lao động phải đứng liên tục trong suốt ca làm việc, các cơ ở chi dưới và lưng phải duy trì tư thế thẳng. Các cơ phải hoạt động lặp lại mà không có thời gian nghỉ sẽ dẫn đến đau và khó chịu vì cơ không thể phục hồi và do đó không nhận được các chất dinh dưỡng thích hợp. Theo thời gian, người lao động bắt đầu chuyển trọng lượng cơ thể từ bên chân bên này sang chân bên kia một cách tự nhiên để tìm cách giảm đau tự nhiên cho đôi chân.

Để hỗ trợ cho người lao động, người sử dụng lao động có thể cung cấp giày bảo hộ có lót giầy hai lớp bằng xốp hoạt tính 100%, thảm chống mệt mỏi để thúc đẩy lưu thông máu.

Thăng bằng

Cuối cùng, người sử dụng lao động cần chú ý đến các nguy cơ về an toàn có thể dẫn đến mất thăng bằng. Mặc dù thảm chống mệt mỏi tiện lợi và an toàn, nhưng nó cũng gây ra nguy cơ gây vấp ngã, trơn trượt khi bị ướt hoặc thiếu bảo dưỡng, mất vệ sinh và thiếu khả năng che phủ hiệu quả. Khi mặt sàn trơn và ướt, sau một thời gian sử dụng, thảm chống mỏi có nguy cơ bong tróc khỏi sàn. Nếu người lao động đi trên mép trơn ướt của thảm, dễ bị mất thăng bằng và ngã, cơ của họ sẽ bị căng ra để cố gắng phục hồi sau cú ngã.

Hãy tưởng tượng, một nhân viên sản xuất thực phẩm và đồ uống vừa vệ sinh vị trí làm việc của họ bằng cách rửa nước vào cuối ngày. Vội vàng hoàn thành nhiệm vụ, họ không vệ sinh và chăm sóc thảm chống mỏi đúng cách. Hết giờ làm việc, họ di chuyển ra ngoài, đi trên mép trơn ướt của tấm thảm đã bị bong tróc khỏi sàn. Khi mất thăng bằng và ngã, họ căng cơ khi cố gắng phục hồi sau cú ngã.

Trong tình huống này, người sử dụng lao động đã cố gắng kiểm soát mối nguy về an toàn bằng cách cung cấp tấm thảm chống mệt mỏi và nhân viên đã thực hiện phần việc của họ là vệ sinh nơi làm việc trước khi về nhà, tuy nhiên thương tích vẫn xảy ra. Bằng phương pháp ecgonomi, người sử dụng lao động dễ dàng xác định tấm thảm trên thực tế là một mối nguy hiểm về an toàn.

Thay vào đó, người sử dụng lao động có thể cung cấp cho công nhân loại lót giầy hai lớp bằng xốp hoạt tính giúp tiếp xúc trực tiếp với bàn chân. Tiếp xúc trực tiếp với bàn chân cho phép cải thiện sự cân bằng bằng cách tăng lực hỗ trợ bên trong giày dép. Lót đệm hai lớp chống mỏi bằng xốp hoạt tính 100% trong giày bảo hộ lao động sẽ hỗ trợ người lao động tránh xa nguy hiểm về thể chất vì họ sẽ không tháo chúng ra cho đến khi hết giờ làm việc.

Biên dịch: Thúy Hằng


(Nguồn tin: ishn.com)