Định hướng công tác nghiên cứu ATVSLĐ giai đoạn 2025 – 2030 và tầm nhìn 2045

Thứ Hai, 01/04/2024, 09:21(GMT +7)

Nhiều chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu của Việt Nam về lĩnh vực ATVSLĐ vừa cho ý kiến đóng góp vào “Định hướng, nội dung nghiên cứu về ATVSLĐ giai đoạn 2025 – 2030 và tầm nhìn đến năm 2045” của Viện Khoa học ATVSLĐ.

Dự Hội nghị góp ý có TS. Bùi Sỹ Lợi – nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội của Quốc hội; GS.TS Lê Vân Trình – Chủ tịch Hội Khoa học ATVSLĐ Việt Nam; TS. Hà Tất Thắng – Cục trưởng Cục An toàn lao động, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cùng các chuyên gia về lĩnh vực sức khỏe nghề nghiệp, an toàn lao động…

Hội nghị góp ý định hướng, nội dung nghiên cứu ATVSLĐ của Viện Khoa học ATVSLĐ. Ảnh: Hoàng Quân

Chia sẻ về định hướng, nội dung nghiên cứu về ATVSLĐ giai đoạn 2025 – 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, TS. Nguyễn Anh Thơ – Viện trưởng Viện Khoa học ATVSLĐ cho biết, Chiến lược phát triển Viện Khoa học ATVSLĐ đến năm 2030, tầm nhìn 2045 phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, Chiến lược phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030.

Phát triển Viện Khoa học ATVSLĐ trở thành trung tâm khoa học và công nghệ mạnh, phát triển bền vững; đẩy mạnh tiềm lực khoa học và công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, phát triển kinh tế – xã hội và đảm bảo ATVSLĐ, môi trường lao động của doanh nghiệp và người lao động (NLĐ).

Hoạt động khoa học và công nghệ của Viện gắn liền với đào tạo nguồn nhân lực khoa học và công nghệ trình độ cao.

Viện đề ra định hướng:

Đối với định hướng hoạt động khoa học công nghệ: nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn phục vụ xây dựng và hoàn thiện thể chế, pháp luật về ATVSLĐ; nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ, tư vấn, hỗ trợ cải thiện điều kiện lao động, mô hình văn hoá an toàn, phòng chống tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng khoa học công nghệ mới, tiên tiến, hiện đại, trong hoạt động ATVSLĐ và thu nhận xử lý dữ liệu ATVSLĐ, môi trường lao động trên môi trường số; nghiên cứu ứng dụng các phương pháp chăm sóc sức khoẻ toàn diện, phục hồi chức năng và nâng cao sức khoẻ NLĐ; hỗ trợ hợp tác quốc tế, tiếp nhận và chuyển giao công nghệ ATVSLĐ; các lĩnh vực đột phá…

Bên cạnh đó là hoạt động tư vấn chính sách; đào tạo nhân lực khoa học – công nghệ và nhân lực ATVSLĐ; hoạt động khoa học và công nghệ thường xuyên; hoạt động dịch vụ khoa học và công nghệ… cùng với định hướng phát triển các nguồn lực và các giải pháp thực hiện…

Đóng góp ý kiến vào định hướng, nội dung nghiên cứu của Viện Khoa học ATVSLĐ, các chuyên gia đều đồng tình về chủ trương, định hướng mang tầm vóc, năng lực của viện nghiên cứu quốc gia về lĩnh vực này. Nhiều nội dung mới và lớn đã được Viện đặt ra mục tiêu cho sự phát triển trong tương lai, tập trung vào thế mạnh vốn có của Viện.

Nguyễn Anh Thơ – Viện trưởng Viện Khoa học ATVSLĐ. Ảnh: Hoàng Quân

TS. Hà Tất Thắng – Cục trưởng Cục An toàn lao động, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nhận định, danh mục đề tài nghiên cứu khoa học về ATVSLĐ có tính thời sự, phù hợp với chủ trương của Ban Bí thư Trung ương Đảng tại Chỉ thị số 31-CT/TW ngày 19/3/2024 về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác ATVSLĐ trong tình hình mới.

Có được Chỉ thị 29-CT/TW, mới đây là Chỉ thị số 31-CT/TW, công tác ATVSLĐ được các cấp uỷ đảng, từ Đảng đoàn Quốc hội, Chính phủ, Tỉnh uỷ, Ban cán sự, Đảng đoàn các cấp, Chi bộ đều phải vào cuộc. Đây cũng là cơ sở chính trị quan trọng để cơ quan chức năng tham mưu với UBND, trình HĐND các cấp xem xét, phê duyệt.

Đồng chí đề nghị các định hướng nghiên cứu của Viện thêm bám sát bối cảnh tình hình mới, vị thế của đất nước sau mấy chục năm đổi mới, hội nhập rất sâu, ký nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, gắn với công tác ATVSLĐ. Nhất là công tác ATVSLĐ đặt trong bối cảnh xuất khẩu hàng hoá phụ thuộc nhiều vào đánh giá về tiêu chuẩn, điều kiện lao động gắn với an toàn, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế xanh, kinh tế an toàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế lao động và những yêu cầu của hội nhập quốc tế.

Bùi Sỹ Lợi và PGS.TS Lê Vân Trình tham dự Hội nghị. Ảnh: Hoàng Quân

Chỉ thị 31-CT/TW cũng đặc biệt nhấn mạnh vai trò của Công đoàn Việt Nam với lực lượng hơn 10 triệu đoàn viên, NLĐ. Do vậy, Viện tiếp tục phát huy thế mạnh của mình, đưa ra các mô hình mẫu, phối hợp cơ quan chức năng để chuyển giao cho cơ quan nhà nước cụ thể hoá thành quy định pháp luật.

Đại diện Hội Khoa học công nghệ mỏ đề cập, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, điều kiện lao động của người lao động có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sức khoẻ. Cách mạng công nghệ số sẽ tiến rất nhanh, đưa đến sự thay đổi rất lớn về sự thay thế của robot với con người. Viện nên thực hiện việc xây dựng cơ sở dữ liệu lớn big data từ biến đối khí hậu, điều kiện lao động…

TS. Bùi Sỹ Lợi – nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội của Quốc hội cho rằng, Viện không chỉ nghiên cứu công tác chăm sóc sức khoẻ NLĐ ở khu vực có quan hệ lao động mà còn mở rộng đối tượng lao động ở khu vực phi chính thức như Bộ luật Lao động quy định.

Cần tranh thủ nguồn lực như quỹ bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp để xây dựng các giải pháp phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho NLĐ. Các nghiên cứu phải bám cơ chế chính đáng, chỉ đạo của Đảng, nhà nước, chính sách pháp luật và bám sát thực tiễn đời sống pháp luật, hết sức thực tiễn để làm sao nhanh chóng giải quyết vấn đề xã hội. Nhiều tai nạn lao động nhỏ bé không ai quan tâm tai nạn khu vực phi chính thức.

Lê Vân Trình phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Hoàng Quân

GS.TS Lê Vân Trình – Chủ tịch Hội Khoa học ATVSLĐ Việt Nam nhận xét, Viện phát triển đa ngành nên các định hướng cơ bản đã bao quát được nhiều nội dung của Viện.

Cần làm rõ thêm tầm nhìn này, bổ sung mục tiêu, nội dung công việc. Ví dụ xây dựng được cơ sở khoa học về đánh giá điều kiện lao động cho nghiên cứu các nguy cơ rủi ro, phong ngừa tai nạn lao động cho kinh tế xanh, kinh tế nền tảng – cái sẽ phát triển tỏng thời kỳ công nghệ số trong thời gian tới. Và ATVSLĐ trong thời kỳ tác động bởi biến đổi khí hậu. Nghiên cứu đánh giá rủi ro và đề xuất giải pháp phòng ngừa tai nạn lao động với tự động hoá và robot…

Tiếp thu các ý kiến đóng góp, đồng chí Nguyễn Anh Thơ chia sẻ thêm, thời gian tới sẽ là chặng đường thách thức nhưng cũng là cơ hội để Viện Khoa học ATVSLĐ khẳng định vai trò là viện đầu ngành Quốc gia về công tác ATVSLĐ, đóng góp tích cực vào sự nghiệp chăm sóc sức khoẻ nguồn nhân lực của nước ta.

Để thực hiện nhiệm vụ khoa học mà Tổng LĐLĐ Việt Nam giao một cách hiệu quả, Viện sẽ không ngừng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát huy truyền thống vốn có, tranh thủ các nguồn lực để thực hiện hiệu quả các định hướng và nội dung nghiên cứu…

Lãnh đạo Viện ký thoả thuận cung cấp dịch vụ ATVSLĐ với doanh nghiệp. Ảnh: Hoàng Quân

Tại Hội nghị, Viện Khoa học ATVSLĐ cũng tiến hành ký kết tư vấn và cung cấp các dịch vụ trong lĩnh vực ATVSLĐ, sức khoẻ nghề nghiệp và môi trường lao động với 4 doanh nghiệp, đơn vị.

(Nguồn tin: cuocsongantoan.laodongcongdoan.vn)