Giải quyết những rủi ro khó nhận biết từ những chất độc hại

Thứ Sáu, 01/12/2023, 11:47(GMT +7)

Những chất độc hại tồn tại ở khu vực mà nhận thức về rủi ro an toàn sức khỏe nghề nghiệp và cách thức quản lý chúng còn khá thấp, đặc biệt là khi những rủi ro này khó nhận biết. Chiến dịch Nơi làm việc An toàn có mục tiêu xây dựng nhận thức, khả năng nhận biết rõ ràng và chia sẻ kiến thức về những rủi ro để bảo vệ người lao động khỏi những tác động lâu dài đến sức khỏe có liên quan đến các chất độc hại.

Các chất độc hại là gì?

Một chất độc hại có thể là bất kỳ chất nào tồn tại ở dạng khí, lỏng hoặc rắn, bao gồm cả các sol khí, khói và hơi mà có thể gây ra rủi ro đến an toàn và sức khỏe người lao động.

Hiện nay, người lao động trong rất nhiều ngành nghề có thể bị phơi nhiễm với một lượng lớn các chất độc hại tại các nơi làm việc trên toàn châu Âu.

Năm 2017, khoảng 129.000 chất đã được liệt kê vào danh mục CLP (Classification, Labelling and Packaging Regulation – Quy định Phân loại, Dán nhãn và Đóng gói) và khoảng 10.000 chất đã được đăng ký trong danh mục của REACH (Quy định về Đăng ký, Đánh giá, Cấp phép và Giới hạn của Các hóa chất).

Xác định một số quan niệm sai lầm phổ biến

Các chất nguy hiểm không đơn thuần chỉ là những hóa chất được con người tạo ra, chúng cũng có thể là những sản phẩm phụ từ các quá trình sản xuất hoặc xuất hiện trong tự nhiên. Các chất độc hại và các hỗn hợp của chúng, ví dụ trong một hóa chất phổ biến như sơn, được dán nhãn theo quy định của CLP với các biểu tượng và dòng chữ cảnh báo. Tất cả những sản phẩm này đều có các bảng dữ liệu an toàn kèm theo.

Quá trình sản xuất tạo ra những chất độc hại ví dụ như khói, khí thải hoặc bụi và rất nhiều chất khác xuất hiện trong tự nhiên như bụi ngũ cốc hoặc bột mì, mà không thể dán nhãn được. Chúng được tạo ra trong toàn bộ quá trình sản xuất như gia nhiệt hoặc trộn. Do đó, người sử dụng lao động cần phải tìm kiếm thông tin từ các nguồn khác, ví dụ như các hướng dẫn hoặc quy trình làm việc từ các nhà cung cấp.

Việc sử dụng các chất độc hại vẫn không có dấu hiệu giảm xuống. Chỉ có một vài chất rất độc hại hiện đang bị cấm hoặc bị hạn chế (ví dụ như amiăng, PCB, thủy ngân) nhưng còn có rất nhiều chất độc hại ít được biết đến đang được sử dụng tại các nơi làm việc trên toàn châu Âu.

Rất nhiều người sử dụng lao động và người lao động đang có nhận thức sai lệch rằng việc giải quyết phơi nhiễm các chất độc hại không liên quan trực tiếp đến họ. Thực tế, có rất ít ngành nghề không sử dụng các chất độc hại – kết quả điều tra trong rất nhiều ngành nghề của ESENER-2 cho thấy hơn 1/3 số doanh nghiệp đều có sử dụng các hóa chất hoặc tác nhân sinh học tại nơi làm việc.

Giải quyết những rủi ro khó nhận biết

Một ví dụ điển hình về rủi ro tiềm ẩn là bụi xây dựng. Trong khi bụi từ các quá trình nghiền hoặc cắt đá có thể nhìn thấy bằng mắt thường, thì những tác hại lâu dài do các hạt bụi kích thước nhỏ, không nhìn thấy được bằng mắt thường lại không được biết đến hoặc bị bỏ qua. Những hạt bụi không nhìn thấy được này xâm nhập vào trong cơ thể con người và có thể dẫn đến các bệnh về đường hô hấp ví dụ như bệnh hen suyễn hoặc thậm chí là ung thư phổi.

Hiệp hội An toàn và Sức khỏe Anh quốc đã phát triển một hướng dẫn hữu ích để quản lý những rủi ro liên quan đến bụi xây dựng. Những ngành nghề và nơi làm việc khác cũng có thể áp dụng các bước trong hướng dẫn này. Hướng dẫn này bao gồm một loạt các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát và quy trình đo đạc.

Tiến hành đánh giá rủi ro chi tiết cho nơi làm việc bị phơi nhiễm các chất độc hại là rất quan trọng. Vì phương pháp đánh giá rủi ro này còn tương đối phức tạp, có một công cụ điện tử hỗ trợ rất chi tiết và cụ thể vấn đề này. Ngoài ra, cũng có rất nhiều nghiên cứu thực nghiệm, các công cụ và hướng dẫn thực tế hiện sẵn có trên trang thông tin điện tử của chiến dịch để trợ giúp cho người sử dụng lao động.

Biên dịch: Việt Thắng


(Nguồn tin: Healthy Workplaces)