Hiểu và quản lý khoảng cách rơi tự do

Thứ Hai, 08/04/2024, 09:28(GMT +7)

Việc đào tạo không đầy đủ hoặc thiếu lời khuyên của chuyên gia có thể dẫn đến hậu quả tai hại nghiên trọng khi đề cập đến hệ thống chống rơi ngã. Một trong những ví dụ lớn nhất liên quan đến hoạt động này chính là việc tính toán khoảng cách rơi, trong đó đánh giá sai không chỉ là một lỗi đơn giản mà là một sai lầm đe dọa đến tính mạng.

Hiểu biết cặn kẽ về các hệ thống này và khả năng áp dụng chúng vào những điều kiện làm việc khác nhau đóng vài trò quan trọng bảo đảm an toàn. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ hướng dẫn bạn về tầm quan trọng của việc tính toán chính xác khoảng cách rơi và duy trì khoảng cách cần thiết, phòng tránh thương tích.

Quan điểm của OSHA về khoảng cách rơi tự do

Theo Cơ quan An toàn và Sức khoẻ nghề nghiệp (OSHA), “Khoảng cách rơi tự do có nghĩa là sự dịch chuyển theo phương thẳng đứng của điểm gắn chống rơi trên dây đai an toàn toàn thân hoặc dây đai an toàn của người lao động từ khi bắt đầu rơi đến ngay trước khi hệ thống bắt đầu tác dụng lực để chặn cú ngã. Khoảng cách này không gồm khoảng cách giảm tốc, dây cứu sinh và độ giãn của dây nhưng bao gồm bất kỳ khoảng cách trượt nào của thiết bị giảm tốc hoặc dây cứu sinh/dây cứu sinh tự rút trước khi thiết bị hoạt động và xuất hiện lực bắt rơi.”

Việc hạn chế khoảng cách rơi tự do là hết sức quan trọng để đảm bảo an toàn cho người lao động khi làm việc trên cao. Bằng cách giảm thiểu khoảng cách rơi tự do, hệ thống phù hợp có thể làm chậm quá trình rơi xuống của người sử dụng và đưa người đó dừng lại mà không tiếp xúc với mặt đất phía dưới. Không chỉ nhằm ngăn ngừa va chạm với mặt đất; mà còn là việc quản lý các lực trải qua trong quá trình chống rơi để tránh tác động có hại khi dừng đột ngột giữa không trung.

Khoảng cách người lao động rơi càng ngắn trước khi hệ thống chống rơi của họ hoạt động, họ sẽ phải chịu ít lực hơn khi được ngăn lại, giảm khả năng xảy ra chấn thương nghiêm trọng như: gãy xương hoặc tổn thương bên trong. Việc thực hiện đúng cách bước quan trọng này có thể tạo nên sự khác biệt giữa một sự cố nhỏ và một sự cố đe dọa đến tính mạng.

Giới hạn khoảng cách rơi tự do không chỉ là thực hành tốt nhất mà còn là quy định của Cơ quan An toàn và Sức khoẻ nghề nghiệp (OSHA):

“Hệ thống chống rơi cá nhân được trang bị sao cho người lao động không thể rơi tự do quá 6 feet (1,8 m) hoặc tiếp xúc ở mức thấp hơn. Rơi tự do có thể cao hơn 6 feet (1,8 m) với điều kiện người sử dụng lao động có thể chứng minh rằng nhà sản xuất đã thiết kế hệ thống cho phép rơi tự do ở độ cao hơn 6 feet và đã kiểm tra hệ thống để đảm bảo lực giữ tối đa không bị vượt quá 1.800 pound (8 kN).”

Các thực hành tốt nhất để giới hạn khoảng cách rơi

 Về cơ bản, hệ thống chống rơi bao gồm ba phần chính: dây đai an toàn toàn thân, thiết bị chống rơi (có thể là: dây cứu sinh, bộ giảm xóc, móc carabiner, đầu nối, cáp, v.v.) và hệ thống neo. Khoảng cách rơi tự do là khoảng cách bạn rơi trước khi hệ thống chống rơi bắt đầu hoạt động và mục tiêu là làm cho khoảng cách này càng ngắn càng tốt.

Để làm được điều này, bất cứ khi nào có thể, người lao động nên nối dây buộc của mình với một điểm neo phía trên vai. Điều này làm giảm lực tác động, giảm nguy cơ va phải vật bất kỳ và giảm mức độ nghiêm trọng của chấn thương đồng thời giúp việc cứu hộ khẩn cấp trở nên dễ dàng hơn. Lý tưởng nhất là các điểm neo phải ở ngay phía sau người công nhân vì nguy cơ đưa qua đưa lại khi ngã tăng theo khoảng cách phương nằm ngang giữa dây đai an toàn của người lao động và điểm neo của họ.

Các yếu tố quan trọng của khoảng cách chống rơi

 Hiểu và quản lý hiệu quả khoảng cách rơi tự do đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an toàn cho người lao động làm việc ở độ cao. Dưới đây là một số điểm chính xem xét:

Chiều dài của dây buộc, dây đai an toàn và đầu nối neo: Một công nhân chưa được đào tạo có thể nghĩ rằng dây buộc dài 6 feet (1.8m) là đủ khi làm việc ở độ cao 10 feet (3m) hoặc 12 feet (3.6m). Tuy nhiên, độ dài của dây đai an toàn và đầu nối neo cũng cần được tính đến. Ví dụ, với một mỏ neo cố định, bạn chỉ cần thêm khoảng cách vào vòng. Nhưng khi mỏ neo là một phần của dây cứu sinh theo phương ngang thì việc tính toán sẽ phức tạp hơn. Dây cứu sinh theo phương ngang không được cố ý kéo chặt và có thể giãn ra khi ngã. Việc kéo dài này phải được thêm vào khi tính toán.

Khoảng cách giảm tốc: Thiết bị giảm tốc thường bị lãng quên. Khi được sử dụng, nó sẽ tăng thêm 3,5 feet (1m) vào chiều dài dây buộc. Dây đai an toàn cũng có thể giãn ra, di chuyển điểm neo phía trên đầu khi bị ngã. Trong trường hợp này, khoảng cách không phải là 6 feet (1.8m) mà là 10,5 feet (3.2m).

 Chiều cao của người lao động: Mặc dù có vẻ đơn giản nhưng phần này thường bị bỏ sót khi tính khoảng cách chống rơi. Điều thực sự quan trọng là phải xem xét chiều cao của người lao động phía bên dưới điểm neo. Hệ thống chống rơi giúp dừng người lao động ở độ cao 12 feet (3.6m) sẽ không hoạt động nếu mặt đất ở độ cao 14 feet (4.2m), trừ khi công nhân đó cao dưới 2 feet (0.6m), điều này rất khó xảy ra! Trung bình, phải cộng thêm ít nhất 5 feet (1.5m) vào phép tính để tính chiều cao của một người.

Bằng việc hiểu được tầm quan trọng của việc hạn chế khoảng cách rơi tự do, chúng ta có thể giảm đáng kể khả năng xảy ra thương tích nghiêm trọng hoặc tử vong tại nơi làm việc. Đó không đơn thuần chỉ là việc tuân thủ các quy định do OSHA đặt ra mà còn là việc tạo ra một môi trường làm việc an toàn hơn, ưu tiên phúc lợi của người lao động.

Do vậy, đầu tư vào hoạt động đào tạo và tư vấn phù hợp từ chuyên gia là một khía cạnh không thể thương lượng khi xử lý các vấn đề liên quan hệ thống chống rơi ngã. Cần ghi nhớ rằng: Một hệ thống chống rơi được thiết kế tốt và sử dụng hợp lý có thể tạo nên sự khác biệt giữa sự sống và cái chết.

Do số lượng ca tử vong liên quan đến rơi ngã ngày càng tăng, nên cần ưu tiên an toàn khi xảy ra sự cố nhằm đảm bảo mọi người đều trở về nhà an toàn sau mỗi ngày làm việc. Tuy nhiên, việc lựa chọn biện pháp bảo vệ phù hợp đối với các rủi ro rơi ngã đặc thù của từng ngành nghề có thể là một thách thức, đặc biệt khi hậu quả của một sai lầm phải trả giá quá cao.

Biên dịch: Bích Hà

(Nguồn tin: www.ishn.com)