Mặt nạ phòng độc sử dụng trong không gian hạn chế cần được kiểm tra độ kín khít
Người lao động được yêu cầu đeo mặt nạ phòng độc khi làm việc trong không gian hạn chế có chứa khí và hóa chất độc hại. Tuy nhiên, mặt nạ phòng độc sẽ chỉ phát huy hiệu quả nếu phần mặt nạ được cố định trên mũi và miệng của người đeo không tạo ra bất kỳ khoảng trống nào giữa mặt và miếng bịt kín. Thực hiện thử nghiệm độ phù hợp hô hấp là cách duy nhất để bảo đảm thiết bị được bám dính và hoạt động bình thường.
Thử nghiệm mức độ phù hợp hô hấp phải được thực hiện ít nhất một năm một lần, khi một người trải qua những thay đổi đáng kể trên khuôn mặt (do thay đổi cân nặng, nha khoa, v.v.) hoặc bất cứ khi nào sử dụng mặt nạ phòng độc mới có kích thước, kiểu dáng, mẫu mã khác. Ngoài ra, nếu người lao động không vượt qua lần thử nghiệm đầu tiên về độ kín khít, thì cần tiến hành thử nghiệm lại.
Lớp lót của mặt nạ phòng độc cần tạo ra một lớp bịt kín thích hợp xung quanh vùng thở của người đeo để ngăn khí và hạt độc hại lọt vào qua các vết nứt. Vì người sử dụng và mặt nạ phòng độc khác nhau về kích thước nên có thể không phù hợp với tất cả người lao động. Râu cũng có thể cản trở độ kín khít của mặt nạ phòng độc, người lao động để râu phần trên mặt hoặc cổ có thể phải đội mũ trùm đầu hoặc khẩu trang che kín toàn bộ vùng đầu.
Toàn bộ quá trình thường kéo dài từ 10 đến 15 phút. Người lao động hoặc công ty có thể sử dụng bộ kiểm tra độ kín khít, thường đi kèm với các dụng cụ cần thiết để tiến hành kiểm tra. Cuộc thử nghiệm cần ít nhất hai người: người lao động sử dụng phương tiện bảo hộ và một trợ lý quản lý khí hoặc mùi hương phục vụ thử nghiệm.
Trước tiên, người lao động phải đeo mặt nạ phòng độc theo hướng dẫn, cùng với hộp hoặc bộ lọc phù hợp để thực hiện thử nghiệm. Phương tiện bảo hộ phải vừa khít với đầu hoặc mặt của họ và không gây khó chịu khi thở. Hầu hết mặt nạ phòng độc đều có kẹp hoặc dây đeo có thể điều chỉnh ở phía sau, co lại hoặc giãn ra tùy theo kích thước đầu của người đeo.
Tiếp theo, người lao động cần đội mũ trùm lên trên mặt nạ phòng độc họ đang đeo, tạo ra một không gian an toàn, khép kín để có thể tiến hành thử nghiệm. Người thứ hai thêm một mùi hương vô hại, điển hình là dung dịch thử bitrex (vị đắng) hoặc đường saccharine (vị ngọt), vào mũ trùm đầu. Các chất thử nghiệm khác có thể sử dụng gồm: isoamyl acetate (mùi chuối) để kiểm tra mặt nạ phòng độc với hộp hơi hữu cơ và khói gây kích ứng (phản xạ ho không chủ ý) để kiểm tra mặt nạ phòng độc có bộ lọc hạt cấp 100. Chất thử có thể ở dạng lọ (ống tiêm) được sử dụng với đầu bôi có thể đưa vào lỗ mở của máy phun sương. Nếu người lao động đeo mặt nạ phòng độc ngửi thấy mùi dung dịch, thì họ nên điều chỉnh mặt nạ hoặc thử nhãn hiệu hay kích cỡ khác. Nếu người lao động không thể phát hiện được mùi qua mặt nạ phòng độc thì họ đã vượt qua bài kiểm tra.
Người sử dụng lao động có thể làm cho quá trình này trở nên dễ dàng hơn bằng cách cung cấp nhiều loại thiết bị bảo vệ hô hấp, đa dạng về kích cỡ và kiểu dáng, tối thiểu từ ba nhà sản xuất khác nhau. Đây là cách tốt nhất để bảo vệ người lao động khỏi các loại khí độc hại trong công việc. Chỉ đeo mặt nạ phòng độc có thể là không đủ. Việc kiểm tra độ kín khít là cần thiết nhằm đảm bảo việc sử dụng đúng cách. Người lao động nên có sẵn thông tin này để nhanh chóng tiến hành kiểm tra độ kín khít của mặt nạ phòng độc mà họ đang sử dụng tại hiện trường.
Biên dịch: Bích Hà
(Nguồn tin: www.ishn.com)