Hướng dẫn của Tổ chức y tế thế giới về vật liệu nano và sức khỏe người lao động

Thứ Sáu, 01/12/2023, 11:45(GMT +7)

Vladimir Murashov

Người lao động ở tất cả các nước phải đối mặt với những rủi ro mới từ quá trình sản xuất sử dụng các công nghệ tiên tiến mới đang phát triển nhanh dựa vào vật liệu nano (1)

Ước tính năm 2010, trên toàn thế giới có 400.000 người lao động làm việc trong những ngành công nghiệp vật liệu nano, và con số này sẽ tăng lên 6 triệu vào năm 2020 (2). Ứng dụng vật liệu nano ngày càng tăng, bao gồm mỹ phẩm, bao bì thực phẩm, quần áo, thuốc khử trùng, chất phủ bề mặt và sơn. Nhiều vật liệu nano đang được sản xuất và xử lý bằng các quy trình đơn giản, thường ở những nước có thu nhập vừa và thấp. Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm chất độc trên động vật đã cho thấy những ảnh hưởng có hại như viêm và xơ hóa phổi của động vật do tiếp xúc với một số vật liệu nano. Mặc dù hiện tại những nghiên cứu về sự tiếp xúc và phản ứng của con người đối với những vật liệu nano vẫn chưa có kết quả đáng tin cậy và cần nghiên cứu thêm để dự đoán về những tác động của việc tiếp xúc với vật liệu nano ở người nhưng vẫn có đủ thông tin để đưa ra những khuyến nghị và hướng dẫn tạm thời về cách tiếp cận thận trọng khi xử lý các vật liệu nano ở nơi làm việc.
Chính phủ quốc gia ở các nước có thu nhập cao (3) và các tổ chức quốc tế như Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) (4) và Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) (5) đã đưa ra một số kiến nghị chủ động. Tuy nhiên, nhiều quốc gia có thu nhập vừa và thấp lại chậm trễ trong việc hướng dẫn về an toàn và sức khỏe nghề nghiệp trong việc sản xuất các vật liệu nano. Đây là lý do vì sao Hội đồng y tế thế giới gồm 194 nước thành viên trong đó có các nước có thu nhập vừa và thấp đã xác định việc đối phó với tình trạng phơi nhiễm vật liệu nano là việc làm ưu tiên trong Kế hoạch hành động toàn cầu về sức khỏe người lao động được thông qua năm 2007.  Mạng lưới phối hợp các trung tâm sức khỏe nghề nghiệp toàn cầu của WHO cũng đã coi đây là một trong những trọng tâm trong các hoạt động của họ.
Hơn nữa, năm 2010, WHO bắt đầu đưa ra những Hướng dẫn về “ bảo vệ người lao động khỏi những hiểm họa tiềm tàng từ sản xuất các vật liệu nano”, nhằm nâng cao sức khỏe nghề nghiệp và an toàn của người lao động tiếp xúc nhiều với vật liệu nano trong môi trường sản xuất và xã hội. Bước đầu tiên trong dự án, WHO đã thành lập Nhóm phát triển hướng dẫn cho dự án vào năm 2012. Nhóm này có nhiệm vụ thống nhất về phạm vi của các vấn đề bằng cách xác định những câu hỏi mấu chốt cần được giải đáp bằng các hướng dẫn. Nhóm cũng thống nhất về định dạng của những hướng dẫn này, có thể dựa trên “những yêu cầu tối thiểu”, nhưng cũng có thể xem xét những điều kiện giảm rủi ro theo ý muốn hoặc từng bước, cho phép áp dụng những hướng dẫn trong các nước ở các giai đoạn phát triển khác nhau và điểm khởi đầu khác nhau
Để giúp đỡ Nhóm phát triển hướng dẫn trong việc xác định những câu hỏi then chốt của Hướng dẫn, WHO đã chuẩn bị một tài liệu nền tảng dự thảo đề xuất nội dung và trọng tâm của Hướng dẫn. Để bảo đảm dễ hiểu và có nhiều người liên quan tham gia trong suốt quá trình phát triển hướng dẫn, WHO đã đăng tải tài liệu này và những lời bình luận trên trang web của dự án (6). Khi phạm vi và định dạng của Hướng dẫn hoàn tất, những đánh giá có hệ thống cho mỗi câu hỏi mấu chốt sẽ được chuẩn bị, và những khuyến nghị hướng dẫn sẽ được soạn thảo
Dự kiến, Hướng dẫn này sẽ hỗ trợ các nhà hoạch định chính sách ở các nước thành viên của WHO bằng chứng cứ khoa học và đề xuất để đề ra các tiêu chuẩn và hướng dẫn xử lý an toàn các vật liệu nano tại nơi làm việc. Ngoài ra, Hướng dẫn cũng cung cấp cơ sở để đề ra Hướng dẫn thực hiện cụ thể cho người sử dụng và những đề xuất đối với các nhóm đối tượng trong giai đoạn thực hiện dự án này của WHO. Cụ thể, hướng dẫn thực hiện sẽ:

•    Cung cấp cơ sở lập luận then chốt cho việc đánh giá rủi ro và quản lý rủi ro của vật liệu nano tại nơi làm việc cho các cơ quan và các bộ về an toàn và sức khỏe nghề nghiệp.
•    Tổng hợp chứng cứ về mối nguy hiểm của vật liệu nano và khuyên các nhà chuyên môn về sức khỏe và vệ sinh lao động nên sử dụng kỹ thuật nào để giảm nhẹ phơi nhiễm
•    Nâng cao nhận thức của người lao động và nhà quản lý về mối nguy hiểm và kỹ thuật giảm nhẹ phơi nhiễm có sẵn

Dự kiến, dự án phát triển Hướng dẫn này của WHO sẽ được tiến hành trong vòng 2 năm, bắt đầu vào năm 2012, tiếp theo là một năm nữa cho giai đoạn thực hiện.
Tóm lại, những hướng dẫn dự kiến này đã thu hút được sự chú ý không chỉ vì chúng tìm cách giải quyết các khía cạnh an toàn nghề nghiệp của một công nghệ đang nổi lên với những ứng dụng tuyệt vời, mà còn vì chúng dựa trên một mô hình mới về phát triển hướng dẫn của WHO. Mô hình này hướng tới sản xuất những sản phẩm có chất lượng cao bằng cách sử dụng một quá trình đánh giá có hệ thống, trưng cầu ý kiến của công chúng ở mỗi bước của quá trình phát triển để bảo đảm sự dễ hiểu và dựa vào công nghệ thông tin để giảm chi phí và tạo thuận lợi cho các chuyên gia tham gia.
Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm: Những khám phá và kết luận trong báo cáo này là của tác giả và không nhất thiết đại diện cho quan điểm của Viện an toàn và sức khỏe nghề nghiệp quốc gia, Trung tâm phòng chống dịch bệnh hay Bộ y tế và dịch vụ nhân sinh của Mỹ.

Vladimir Murashov
Viện an toàn và sức khỏe nghề nghiệp quốc gia Mỹ
395 phố E, SW, Suite 9200
Washington, DC, Mỹ
Email: vem8@cdc.gov


Tài liệu tham khảo:

1.    Vật liệu nano được ISO định nghĩa là vật liệu với bất cứ kích thước bên ngoài đo bằng thang nano hoặc có cấu trúc bên trong hoặc cấu trúc bề mặt trong thước đo nano, nghĩa là kích thước trong khoảng từ 1nm đến 100 nm (xem http://www.iso.org/obp)
2.    http://www.nano.gov/nanotech-101/nanotechnology-facts
3.    Ví dụ http://www.cdc.gov/niosh/docs/2009-125/.
4.    http://www.iso.org/iso/standards_development/technical_committees/list_of_iso_techni- cal_committees/iso_technical_committee.htm?commid=381983
5.    http://www.oecd.org/document/53/0,3746,en_2649_37015404_37760309_1_1_1_1,00.html
6.    http://www.who.int/occupational_health/topics/nanotechnologies/en/

Nguồn: Asian-Pacific Newsletter No.33/2012


(Nguồn tin: )