Hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về bảo vệ người lao động khỏi các rủi ro tiềm ẩn của vật liệu nano thiết kế

Thứ Sáu, 01/12/2023, 11:48(GMT +7)

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã phát triển tài liệu hướng dẫn với những khuyến cáo về việc làm cách nào để bảo vệ người lao động hiệu quả nhất trước các rủi ro tiềm ẩn đối với các vật liệu nano thiết kế.

Thuật ngữ vật liệu nano chỉ những vật liệu có ít nhất kích thước một chiều (chiều cao, chiều rộng hoặc chiều dài) nhỏ hơn 100 nano mét (10-7m) bằng khoảng kích thước của một hạt virus. Chiều kích thước đặc biệt này thể hiện đặc điểm chủ đạo của các vật liệu nano thiết kế (MNMs). Các đặc điểm độc nhất chỉ có thể thấy ở vật liệu nano thiết kế thể hiện qua nhiều ứng dụng của loại vật liệu này như tạo ra các loại sơn tốt hơn, các loại thuốc đem lại hiệu quả cao hơn, kỹ thuật điện tử nhanh hơn… Tuy nhiên, các vật liệu nano thiết kế cũng có thể đem lại những nguy cơ cho sức khỏe nếu so sánh với các vật liệu tương tự có kích thước lớn hơn và cũng có thể yêu cầu các phương pháp kiểm tra nguy cơ, đánh giá phơi nhiễm và rủi ro khác so với các vật liệu tương tự với kích thước lớn hơn.

Độc tính của các vật liệu nano thiết kế có thể phụ thuộc nhiều vào các đặc điểm lý hóa như: kích thước, hình dạng (kích thước một chiều riêng biệt), cấu tạo, các đặc tính bề mặt, điện tích và tỉ lệ hòa tan. Hiện tại còn thiếu thông tin chính xác về các đường phơi nhiễm của người với vật liệu nano thiết kế, ảnh hưởng của chúng bên trong cơ thể con người và khả năng gây ra những ảnh hưởng sinh học không mong muốn như sản sinh ra stress ôxy hóa (oxidative stress). Dữ liệu từ các thí nghiệm in vitro, các nghiên cứu về sự hít vào trong cơ thể vật liệu nano thiết kế trên động vật và con người chỉ sẵn có đối với một vài loại vật liệu nano thiết kế. Cho đến nay, chưa quan sát được những tác động có hại lâu dài đến sức khỏe con người. Có thể do việc giới thiệu các vật liệu nano thiết kế gần đây, hướng tiếp cận phòng ngừa nhằm tránh phơi nhiễm và những mối quan tâm về phạm trù đạo đức liên quan đến việc tiến hành các nghiên cứu trên người. Điều này có nghĩa là ngoại trừ một số vật liệu đã được tiến hành nghiên cứu trên người, thì các khuyến cáo y tế phải căn cứ trên phép ngoại suy bằng chứng từ các thí nghiệm in vitro, trên động vật hoặc các nghiên cứu từ thực địa có phơi nhiễm với các hạt nano như ô nhiễm không khí, tới những ảnh hưởng có thể xảy ra ở người.

Sự gia tăng sản xuất các vật liệu nano thiết kế và việc sử dụng các vật liệu này trong các sản phẩm tiêu dùng và sản phẩm công nghiệp cho thấy người lao động tại tất cả các quốc gia sẽ là những người chịu phơi nhiễm nhiều nhất các loại vật liệu này cũng như mối nguy hiểm ngày càng tăng trước những ảnh hưởng tiềm ẩn có hại đến sức khỏe.

Từ đó Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã phát triển tài liệu hướng dẫn với những khuyến cáo về việc làm cách nào để bảo vệ người lao động hiệu quả nhất trước các rủi ro tiềm ẩn đối với các vật liệu nano thiết kế. Các khuyến cáo nhằm mục đích hỗ trợ các nhà soạn thảo chính sách, các nhà chuyên môn trong lĩnh vực an toàn vệ sinh lao động đưa ra những quyết định về phương pháp bảo vệ tốt nhất chống lại những rủi ro tiềm ẩn dành riêng cho các loại vật liệu nano thiết kế tại nơi làm việc, đồng thời cũng hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động. Tuy nhiên, đây không phải là sổ tay hay hướng dẫn sử dụng khi tiếp xúc với vật liệu nano thiết kế tại nơi làm việc, bởi còn đòi hỏi phải giải quyết nhiều hơn nữa những vấn đề về vệ sinh nghề nghiệp nói chung, vượt khỏi phạm vi của tài liệu hướng dẫn này.

Ngoài bản tài liệu đầy đủ bằng tiếng Anh, chúng tôi cũng lược dịch một số nội dung cơ bản về phơi nhiễm đối với các vật liệu nano thiết kế, các biện pháp kiểm soát nhằm giảm thiểu mức độ phơi nhiễm và giám sát sức khỏe người lao động phơi nhiễm với vật liệu nano thiết kế.

Tài liệu “Hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới về bảo vệ người lao động khỏi các rủi ro tiềm ẩn của vật liệu nano thiết kế (Full-EN)

Kiểm soát phơi nhiễm đối với các vật liệu nano thiết kế – Phần 1: Tập trung phòng ngừa hít vào vật liệu nano thiết kế

Kiểm soát phơi nhiễm đối với các vật liệu nano thiết kế – Phần 2: Sử dụng các biện pháp kiểm soát nhằm giảm thiểu mức độ phơi nhiễm

Giám sát sức khỏe người lao động phơi nhiễm với vật liệu nano

Tập huấn người lao động tiềm ẩn nguy cơ phơi nhiễm vật liệu nano thiết kế

Biên dịch: Bích Hà


(Nguồn tin: Vnniosh.vn)