Hướng tới văn hóa phòng ngừa tai nạn lao động tại Kenya

Thứ Sáu, 01/12/2023, 11:45(GMT +7)

Không có một định nghĩa duy nhất về “văn hóa an toàn”. Thuật ngữ này lần đầu được đưa ra sau vụ điều tra về thảm họa hạt nhân Chernobyl năm 1986. Từ đó, văn hóa an toàn được định nghĩa là “một bầu không khí tổ chức nơi sức khỏe và sự an toàn được hiểu và chấp nhận là ưu tiên hàng đầu”.

Chưa có ảnh

Có một câu nói “tai nạn không tự nhiên xảy ra, chúng đều có nguyên nhân!” Tai nạn xảy ra bởi cách chúng ta làm việc, do đó văn hóa trở thành một yếu tố đóng vai trò sống còn trong quan mối hệ nhân quả này. Điều này có thể dẫn tới một số câu hỏi:

  1. Điều gì khiến các nhà quản lý doanh nghiệp muốn đảm bảo ATVSLĐ tại nơi làm việc mà không cần tới sự giám sát và điều hành của các cơ quan chính phủ?
  2. Điều gì khiến người lao động nhận thấy sự cần thiết phải giúp các nhà quản lý thực thi các biện pháp nhằm thiết lập một môi trường lao động an toàn hơn, và đồng thời khuyến khích những người lao động khác hỗ trợ cải thiện an toàn tại nơi làm việc?
  3. Tóm lại, làm thế nào để mọi cá nhân đều được khuyến khích hoạt động một cách an toàn mà không cần đến sự giám sát của người khác?

Các yếu tố nhằm thúc đẩy văn hóa ATVSLĐ

Các tài liệu hiện có chỉ ra rằng có một số yếu tố đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện hiệu quả thực thi ATVSLĐ của tổ chức và đồng thời giúp xây dựng nên một nền văn hóa an toàn. Các yếu tố đó bao gồm:

– Thiết lập và thực hiện một Chính sách về sức khỏe nghề nghiệp (SKNN) và an toàn lao động (ATLĐ) ở cả cấp quốc gia và doanh nghiệp. Đây là là công cụ quan trọng trong định hướng các vấn đề về ATLĐ và SKNN.

– Đưa các chương trình ATVSLĐ vào trong các kế hoạch có tính chiến lược của tổ chức, nhằm đảm bảo rằng các nguồn lực đều được phân bổ cho các vấn đề về đảm bảo an toàn ngay từ đầu.

– Đánh giá hiệu quả thực thi nhằm cung cấp thông tin về mức độ thực hiện các kế hoạch và trách nhiệm giải trình.

– Tập huấn cho người lao động ở tất cả các cấp về SKNN và ATLĐ, nhờ đó người lao động có đủ kỹ năng và kiến thức để thực hiện nhiệm vụ của họ một cách an toàn.

– Đánh giá rủi ro nhằm xác định các nguy cơ, rủi ro và cung cấp giải pháp kiểm soát trước khi công việc được hoàn thành.

– Báo cáo và lưu trữ thông tin về tất cả các loại TNLĐ, từ các tổn thương nhẹ cho tới các tai nạn nghiêm trọng. Điều này sẽ giúp suy ngẫm về những vấn đề nhỏ nhưng có thể trở thành những nguy cơ lớn hơn nhiều.

– Một kế hoạch thông tin rõ ràng nhằm trao đổi thông tin hiệu quả từ các nhà quản lý tới nhân viên và người lao động và ngược lại, cũng như việc thông tin qua lại giữa những người lao động, các phòng ban đơn vị và các tổ, nhóm sản xuất, là rất quan trọng để đạt tới hiệu quả cao về đảm bảo SKNN và ATLĐ. Áp phích về chủ đề ATLĐ, báo cáo về chính sách an toàn, thông báo và bản tin mô tả các vấn đề an toàn và thống kê tai nạn là những hoạt động cho thấy một hệ thống thông tin an toàn hiệu quả.

– Tự điều chỉnh thông qua kiểm tra nội bộ định kỳ bởi người quản lý và hội đồng bảo hộ lao động. Điều này đảm bảo sự cải thiện liên tục mà không cần tới sự nhắc mở của các cơ quan chính quyền.

– Vận động người lao động trực tiếp tham gia vào hội đồng bảo hộ lao động vào trong quá trình cải thiện nhằm tạo điều kiện cho người lao động đóng góp vào việc xây dựng kế hoạch và thực thi ATLĐ.

– Cuối cùng tổ chức buổi công nhận, tuyên dương và khích lệ kết quả đạt được thông qua hệ thống khen thưởng định kỳ sẽ giúp động viên tất cả các cá nhân làm tốt hơn nữa trong công tác ATLĐ.

Tại Kenya, các nỗ lực đã được thực hiện nhằm đưa tất cả các yếu tố kể trên vào hệ thống luật pháp về ATVSLĐ quốc gia.

Ngoài ra, tổ chức chính phủ cũng đã xây dựng và thông qua chương trình ATVSLĐ quốc gia. Một trong những vấn đề then chốt trong chính sách đó là việc giáo dục an toàn tại tất cả các cấp học của hệ thống giáo dục. Một khi đã đi vào khuôn khổ, hi vọng rằng điều này sẽ giúp thiết lập và thúc đẩy văn hóa ATVSLĐ trong thế hệ lao động tiếp theo.

Để đào tạo các chuyên gia chuyên sâu hơn trong lĩnh vực này, hai trường đại học đã bắt đầu các chương trình đào tạo sau đại học về ATVSLĐ. Những người được đào tạo sẽ góp phần thúc đẩy ATVSLĐ tại nơi làm việc, ở cả cấp độ quốc gia và tại các doanh nghiệp. Thêm vào đó, Chính phủ cũng đang thành lập một cơ quan nghiên cứu để đưa ra các giải pháp và phát triển kỹ năng về ATVSLĐ.

Vấn đề tài trợ cho các chương trình phát triển và thực thi ATVSLĐ hiệu quả đã trở thành một thách thức nghiêm trọng đối với sự phát triển của hoạt động ATVSLĐ. Để giải quyết được thách thức này, chính phủ đã thành lập một quỹ ATVSLĐ nhằm hỗ trợ cho sự phát triển và thực thi hệ thống ATVSLĐ.

Kết luận

Các đề xuất nêu trên nếu được thực hiện đầy đủ với sự cam kết của tất cả các bên liên quan, sẽ đưa tới những thay đổi mong muốn trong cách nhận thức về ATVSLĐ và văn hóa an toàn tại nơi làm việc.

Pius Makhonge- Bộ trưởng, Bộ Lao động

Giám đốc dịch vụ Y tế và An toàn lao động


(Nguồn tin: African Newsletter No 2/2013)