Hưởng ứng Tuần lễ An toàn vệ sinh lao động (15 – 21/3): Đảm bảo an toàn vệ sinh lao động tại các cơ sở y tế

Thứ Ba, 26/03/2024, 08:49(GMT +7)

Người lao động ngành Y tế làm việc trong môi trường có nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe. Chính vì vậy, các đơn vị y tế luôn chú trọng vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, bảo vệ người lao động trước những rủi ro, tai nạn nghề nghiệp. Ghi nhận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai.

Trung bình một ngày, Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai xử lý từ 800 đến 1.200kg đồ vải, trong đó đồ vải lây nhiễm chiếm khoảng 20%, bên cạnh đó là xử lý 250 mét khối nước thải y tế và 250kg chất thải y tế nguy hại… Chính vì vậy trong quá trình làm việc cán bộ, nhân viên y tế trong khoa luôn chú trọng đến công tác đảm bảo an toàn lao động. Chị Nguyễn Thị Huyền, công tác tại khoa cho biết: Mình làm việc ở bộ phận thường xuyên tiếp nhận những bộ chăn màn, quần áo của những bệnh nhân đang điều trị tại các khoa, có nguy cơ lây nhiễm rất nhiều, để giữ an toàn cho bản thân, mình sử dụng những trang thiết bị như găng tay,mũ, khẩu trang, giày dép cho an toàn.

Cán bộ ngành Y tiếp xúc thường xuyên với môi trường có nguy cơ nhiễm khuẩn.

Bác sĩ Lê Văn Tấn, Phó trưởng Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Đa khoa tỉnh chia sẻ: Tất cả những công việc vị trí mà nhân viên khoa chúng tôi làm việc, có nguy cơ tiếp xúc với các cái mẫu bệnh phẩm nguy cơ lây nhiễm rất cao, cũng như các tai nạn rủi ro nghề nghiệp. Trong quá trình làm nhiệm vụ chúng tôi đã tham mưu cho ban giám đốc, ban hành một số quy trình để chuẩn hóa các bước làm việc, nhằm giảm thiểu những tai nạn rủi ro cho nhân viên trong quá trình thực thi nhiệm vụ.

Tại Khoa Huyết học truyền máu, các cán bộ y tế tại bệnh viện cũng thường xuyên tiếp xúc với mẫu bệnh phẩm như máu, dịch tiết của bệnh nhân vì vậy nguy cơ lây nhiễm cao, vì vậy các bác sĩ, kỹ thuật viên trong Khoa luôn cẩn thận, tỉ mỉ trong từng khâu làm việc để có thể đưa ra những kết quả xét nghiệm chuẩn xác và nhanh nhất. Kỹ thuật viên Đỗ Thu Lệ, người trực tiếp thực hiện lấy mẫu xét nghiệm cho biết: Môi trường làm việc của khoa rất dễ bị lây nhiễm vì vậy chúng tôi phải luôn cẩn thận từ khâu lấy mẫu, đến làm mẫu và trả kết quả, cẩn trọng từ những việc nhỏ nhất như phân loại rác, đến khâu vận chuyển xử lý rác thải, tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc làm việc từ bảo hộ lao động đến quy trình vận hành và chạy mẫu… nhằm đảm bảo an toàn cho bản thân cũng như người khác.

Không riêng gì nhân viên y tế làm việc trong lĩnh vực xét nghiệm, chống nhiễm khuẩn, có nguy cơ lây nhiễm bệnh trong quá trình làm việc. Trên thực tế, nhân viên ngành y, dù ở bất kỳ vị trí nào, từ buồng tư vấn, cũng như tại phòng thăm khám… đều có thể bị lây nhiễm bệnh. Bên cạnh đó, các cán bộ y tế làm ở các bộ phận trực tiếp như: cấp cứu, ngoại sản, nhi…cũng có nguy cơ bị tổn thương do vật sắc nhọn vì họ là người trực tiếp chăm sóc bệnh nhân, thực hiện các kỹ thuật tiêm truyền, lấy máu xét nghiệm, thay băng, đỡ đẻ, phụ mổ, xử lý dụng cụ sau phẫu thuật, thủ thuật…

Theo danh mục nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm từ loại I đến loại VI thì ngành y tế có tới 12 danh mục nghề loại VI, 19 danh mục nghề loại V và 17 danh mục nghề loại IV. Để đảm bảo môi trường, điều kiện làm việc an toàn vệ sinh lao động, góp phần nâng cao chất lượng trong thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân, Bệnh viện Đa khoa tỉnh luôn thực hiện tốt công tác an toàn vệ sinh lao động, chủ động phòng ngừa các yếu tố nguy cơ, rủi ro trong quá trình thực hiện công việc.

Bác sĩ Phạm Văn Thinh, Giám đốc BVĐK tỉnh chia sẻ: Trong những năm qua, để đảm bảo an toàn vệ sinh lao động cho cán bộ viên chức bệnh viện, đặc biệt là những khoa đặc thù, hàng năm Bệnh viện cũng đã có các buổi tập huấn để đảm bảo các cá nhân, những viên chức tự giác nâng cao ý thức bảo vệ an toàn cho chính bản thân, cán bộ viên chức. Tiếp theo đó là thực hiện các chế độ cho anh em, ví dụ như hàng năm chúng tôi kiểm định môi trường làm việc, để đảm bảo làm sao môi trường làm việc được an toàn nhất.

Trước những nguy cơ về an toàn lao động, công tác an toàn vệ sinh lao đã trở thành một trong những nội dung không thể thiếu trong kế hoạch công tác bảo hộ lao động hàng năm của các đơn vị y tế trong toàn ngành. Với nhiều biện pháp thiết thực trong cải thiện điều kiện môi trường làm việc, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, đã góp phần nâng cao sức khỏe cho cán bộ, nhân viên ngành Y tế.

Hồng Loan – Hồng Tấm

(Nguồn: https://syt.laocai.gov.vn/)