Một số vấn đề về công tác an toàn vệ sinh lao động đối với người sử dụng lao động
Trong thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều biện pháp để đưa Luật ATVSLĐ đi vào thực tiễn như tổ chức chương trình hưởng ứng Ngày Thế giới về An toàn và Sức khỏe tại nơi làm việc (28/4); Tháng Hành động về ATVSLĐ Chương trình đối thoại định kỳ về ATVSLĐ đã thu hút sự tham gia, hưởng ứng của nhiều cấp ngành, địa phương, cơ sở. Tuy nhiên, theo thông báo tình hình tai nạn lao động (TNLĐ) của Bộ LĐ-TB và XH năm 2017 cả nước đã xảy ra 8.956 vụ TNLĐ làm 9.173 người bị nạn. Trong đó, số vụ TNLĐ chết người là 898 vụ với tổng số 928 người chết. Các nguyên nhân chủ yếu để xảy ra TNLĐ chết người (Phân tích từ 137 biên bản điều tra TNLĐ chết người) cho thấy:
Nguyên nhân do người sử dụng lao động (NSDLĐ) chiếm 45,41%, cụ thể: NSDLĐ không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn chiếm 14,6 % tổng số vụ; NSDLĐ không huấn luyện an toàn lao động hoặc huấn luyện an toàn lao động chưa đầy đủ cho NLĐ chiếm 12,31 % tổng số vụ; Thiết bị không đảm bảo an toàn lao động chiếm 10 % tổng số vụ; Do tổ chức lao động và điều kiện lao động chiếm 6,2 % tổng số vụ; Do NSDLĐ không trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân trong lao động chiếm 2,30 %.
Nguyên nhân NLĐ chiếm 20 %, cụ thể: NLĐ bị nạn vi phạm quy trình quy chuẩn an toàn lao động chiếm 16,9 % tổng số vụ; NLĐ không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân chiếm 3,1 % tổng số vụ;
Nguyên nhân khác chiếm 34,59 % là những vụ TNLĐ xảy ra do các nguyên nhân khách quan khó tránh, nguyên nhân chưa kể đến, tai nạn giao thông, nguyên nhân TNLĐ do người khác.
Thực trạng trên cho thấy đối với TNLĐ, nguyên nhân do NSDLĐ chiếm phần lớn. Do vậy, để hạn chế TNLĐ và nâng cao hiệu quả công tác ATVSLĐ, NSDLĐ cần chú ý một số vấn đề thuộc trách nhiệm của mình đối với việc thực hiện các biện pháp phòng, chống các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại cho NLĐ. Cụ thể như sau:
Một là: Tổ chức thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức và kỹ năng về ATVSLĐ cho NLĐ của mình; tuyên truyền, vận động xóa bỏ hủ tục, thói quen mất vệ sinh, gây hại, nguy hiểm cho sức khỏe bản thân và cộng đồng trong quá trình lao động. Đồng thời phải thông tin, tuyên truyền, giáo dục về ATVSLĐ, các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại và các biện pháp bảo đảm ATVSLĐ tại nơi làm việc cho NLĐ; hướng dẫn quy định về ATVSLĐ cho người đến thăm, làm việc tại cơ sở của mình.
Hai là: Tổ chức huấn luyện về ATVSLĐ cho NLĐ. Việc huấn luyện về ATVSLĐ phải phù hợp với đặc điểm, tính chất của từng ngành nghề, vị trí công việc, quy mô lao động và không gây khó khăn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Căn cứ vào điều kiện cụ thể mà chủ động tổ chức huấn luyện riêng về ATVSLĐ hoặc kết hợp huấn luyện các nội dung về ATVSLĐ với huấn luyện về phòng cháy, chữa cháy hoặc nội dung huấn luyện khác được pháp luật chuyên ngành quy định.
Ba là: Ban hành và tổ chức thực hiện nội quy, quy trình bảo đảm ATVSLĐ.
Bốn là: Bảo đảm nơi làm việc phải đạt yêu cầu về không gian, độ thoáng, bụi, hơi, khí độc, phóng xạ, điện từ trường, nóng, ẩm, ồn, rung, các yếu tố nguy hiểm, có hại khác và định kỳ kiểm tra, đo lường các yếu tố đó; bảo đảm có đủ buồng tắm, buồng vệ sinh phù hợp với quy định của Bộ Y tế.
Năm là: Bảo đảm máy, thiết bị, vật tư, chất được sử dụng, vận hành, bảo trì, bảo quản tại nơi làm việc theo quy chuẩn kỹ thuật về ATVSLĐ, hoặc đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật về ATVSLĐ đã được công bố, áp dụng và theo nội quy, quy trình bảo đảm ATVSLĐ tại nơi làm việc.
Sáu là: Trang cấp đầy đủ các phương tiện bảo vệ cá nhân cho NLĐ theo quy định; trang bị các thiết bị ATVSLĐ tại nơi làm việc.
Bảy là: Hằng năm hoặc khi cần thiết, tổ chức kiểm tra, đánh giá các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc để tiến hành các biện pháp về công nghệ, kỹ thuật nhằm loại trừ, giảm thiểu yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc, cải thiện điều kiện lao động, chăm sóc sức khỏe cho NLĐ.
Tám là: Định kỳ kiểm tra, bảo dưỡng máy, thiết bị, vật tư, chất, nhà xưởng, kho tàng.
Chín là: Trang bị biển cảnh báo, bảng chỉ dẫn bằng tiếng Việt và ngôn ngữ phổ biến của NLĐ về ATVSLĐ đối với máy, thiết bị, vật tư và chất có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ tại nơi làm việc, nơi lưu giữ, bảo quản, sử dụng và đặt ở vị trí dễ đọc, dễ thấy.
Mười là: Xây dựng, ban hành kế hoạch xử lý sự cố, ứng cứu khẩn cấp tại nơi làm việc; tổ chức xử lý sự cố, ứng cứu khẩn cấp, lực lượng ứng cứu và báo cáo kịp thời với người có trách nhiệm khi phát hiện nguy cơ hoặc khi xảy ra TNLĐ, sự cố kỹ thuật gây mất ATVSLĐ tại nơi làm việc vượt ra khỏi khả năng kiểm soát của NSDLĐ.
Mười một là: Thường xuyên phối hợp với Ban chấp hành công đoàn cơ sở để tổ chức cho NLĐ tham gia hoạt động cải thiện điều kiện lao động, xây dựng văn hóa an toàn lao động tại nơi làm việc.
Mười hai là: Tổ chức khám sức khỏe ít nhất một lần/ năm cho NLĐ. Đối với NLĐ làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, NLĐ là người khuyết tật, NLĐ chưa thành niên, NLĐ cao tuổi được khám sức khỏe ít nhất 06 tháng một lần. Lao động nữ phải được khám chuyên khoa phụ sản, người làm việc trong môi trường lao động tiếp xúc với các yếu tố có nguy cơ gây BNN phải được khám phát hiện BNN. Đưa NLĐ được chẩn đoán mắc BNN đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đủ điều kiện chuyên môn kỹ thuật để điều trị. Tổ chức khám sức khỏe cho NLĐ trước khi bố trí làm việc và trước khi chuyển sang làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hơn hoặc sau khi bị TNLĐ, BNN đã phục hồi sức khỏe, tiếp tục trở lại làm việc, trừ trường hợp đã được Hội đồng y khoa khám giám định mức suy giảm khả năng lao động.
Mười ba là: Thực hiện đầy đủ các chế độ BHLĐ và chăm sóc sức khỏe đối với NLĐ làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Mười bốn là: Lập và quản lý hồ sơ sức khỏe của NLĐ, hồ sơ sức khỏe của người bị BNN; thông báo kết quả khám sức khỏe, khám phát hiện BNN để NLĐ biết; hằng năm, báo cáo về việc quản lý sức khỏe NLĐ thuộc trách nhiệm quản lý cho cơ quan quản lý nhà nước về y tế có thẩm quyền.
Mười lăm là: Trong hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng mới, mở rộng hoặc cải tạo công trình, cơ sở để sản xuất, sử dụng, bảo quản, lưu giữ máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ, chủ đầu tư, NSDLĐ phải có phương án bảo đảm ATVSLĐ đối với nơi làm việc của NLĐ và môi trường và trong quá trình sử dụng máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm định kỳ kiểm tra, bảo dưỡng, lập và lưu giữ hồ sơ kỹ thuật an toàn máy, thiết bị, vật tư theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng.
Việc chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện nghiêm túc công tác ATVSLĐ của NSDLĐ với các nội dung nêu trên sẽ góp phần giảm thiểu TNLĐ và BNN ở nước ta trong giai đoạn tiếp theo.
Đỗ Thị Lan Chi – Đào Bằng Giang
Khoa Bảo hộ lao động – Trường Đại học Công Đoàn
(Nguồn tin: Theo tạp chí An toàn vệ sinh lao động, số 6/2018)