Một số xu hướng phát triển mới của công tác ATVSLĐ

Thứ Sáu, 01/12/2023, 11:46(GMT +7)

Ngày nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa, chúng ta đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của khoa học – công nghệ, sự phát triển và cạnh tranh gay gắt về kinh tế, kéo theo những sự thay đổi nhanh chóng về quy trình và tổ chức lao động, điều kiện làm việc.

Nhiều thách thức lớn đặt ra cho chúng ta như vấn đề biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, sự gia tăng các nguy cơ, các mối nguy hại trong sản xuất, từ đó làm gia tăng TNLĐ, BNN. Thực tế đó đòi hỏi công tác AT,VSLĐ cũng phải có những sự thích ứng mới, đối phó kịp thời trước những nguy cơ, rủi ro mới. Nhiều vấn đề đang đặt ra cần được quan tâm, nghiên cứu, xử lý để đáp ứng được yêu cầu bảo đảm an toàn, bảo vệ sức khỏe người lao động.

Có thể tóm tắt một số yêu cầu sau: Đối với quan điểm, nhận thức về ý nghĩa, vai trò, nhiệm vụ của công tác AT,VSLĐ, cần thiết phải nhấn mạnh là việc bảo đảm AT,VSLĐ phải được coi là một trong những quyền cơ bản nhất của con người. Hiện nay, có nhiều vấn đề mới được đặt ra đối với công tác AT,VSLĐ và ngày càng chứng tỏ rằng, các vấn đề đó là những hướng rất cơ bản cho sự phát triển của AT,VSLĐ, gồm:

1. Văn hóa an toàn: Sau sự cố Chernobyl ở Liên Xô năm 1986, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA), trong một báo cáo của mình vào năm 1991 về sự kiện Chernobyl đã đưa ra khái niệm “văn hóa an toàn”. Sau đó, vấn đề văn hóa an toàn đươc đề cập ngày càng nhiều, có nhiều định nghĩa khác nhau, nhưng tựu trung tất cả đều nhấn mạnh tới ý nghĩa nhân đạo, thái độ, niềm tin, quan niệm và cách ứng xử của doanh nghiệp đối với việc bảo đảm AT,VSLĐ. Tháng 6/2003 tại Hội nghị Lao động quốc tế, Tổ chức Lao động Quốc tế đã đưa ra những kết luận đầy đủ, có hệ thống về vấn đề văn hóa an toàn. Vấn đề văn hóa an toàn được nhắc lại và nhấn mạnh hơn trong Tuyên bố Seoul về An toàn và sức khỏe trong lao động (tháng 6/2008).

2. Văn hóa phòng ngừa: Tại Đại hội thế giới về An toàn và sức khỏe trong lao động lần thứ 17 được tổ chức từ 18 đến 22/9/2005 ở Orlando, Florida, Hoa Kỳ, đã đưa ra chủ đề: “Phòng ngừa trong một thế giới toàn cầu – thành quả xuyên suốt của sự hợp tác”. Tại diễn đàn quốc tế lớn nhất về AT,VSLĐ, được tổ chức 03 năm một lần này, các đại biểu đã thảo luận một cách toàn diện về vấn đề đương đại, liên quan đến mọi khía cạnh của việc phòng ngừa các nguy cơ gây ra TNLĐ, BNN. Từ đó đến nay, nhất là sau Đại hội thế giới về An toàn sức khỏe trong lao động lần thứ 18 ở Seoul, Hàn Quốc (tháng 6/2008) với sự ra đời Tuyên bố Seoul về An toàn và sức khỏe trong lao động thì vấn đề phòng ngừa TNLĐ, BNN được đề cập ngày càng rộng rãi, sâu sắc hơn với quan điểm coi biện pháp phòng ngừa là ưu tiên hàng đầu trong AT,VSLĐ. Từ đây, sự tích hợp giữa khái niệm văn hóa an toàn với nguyên tắc lấy biện pháp phòng ngừa làm ưu tiên hàng đầu đã dẫn đến việc ra đời khái niệm: “Văn hóa phòng ngừa” (Culture of Prevention) trong AT,VSLĐ. Tại Đại hội thế giới về An toàn và sức khỏe trong lao động lần thứ 19 ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ (từ ngày 11 đến 14/9/2011) với chủ đề : Xây dựng văn hóa phòng ngừa toàn cầu cho tương lai an toàn và khỏe mạnh” lại được đề ra.

3. Vấn đề không tai nạn tại nơi làm việc: Trong những năm qua và cho đến nay, rất nhiều người còn nghĩ rằng tai nạn trong lao động là tình cờ, xảy ra ngẫu nhiên, là một điều khó tránh khỏi trong lao động, rằng tại nạn là điều không may xảy ra, con người phải biết thích nghi, thậm chí phải chịu đựng, phải trả giá cho nó vì miếng cơm, manh áo của mình, thì giờ đây chúng ta phải có cách nhìn mới đối với tai nạn tại nơi làm việc. Đó là: Tai nạn trong lao động không phải là do số phận hay sự may rủi, xảy ra ngẫu nhiên, mà tai nạn có thể phòng ngừa được. Hiện nay, trên thế giới “Vấn đề không tai nạn’ đang được nhiều quốc gia đề cập. Đặc biệt ở Phần Lan, từ cuối năm 2003 quốc gia này đã khởi động một diễn đàn “Không tai nạn” nhằm giới thiệu những bài học thành công trong việc phòng tránh tai nạn.

4. Xu hướng hội nhập khu vực và quốc tế trong vấn đề ATVSLĐ: Ngày 31/12/2015, Cộng đồng ASEAN đã chính thức được thành lập với ba trụ cột Chính trị – An ninh, Kinh tế và Văn hoá Xã hội. Trong đó AT,VSLĐ là một nội dung thuộc Cộng đồng Văn hoá – Xã hội. Trong kế hoạch tổng thể của Cộng đồng Văn hoá – Xã hội ASEAN giai đoạn 2016-2025 đã xác định xây dựng một Cộng đồng có sự tham gia và mang lại lợi ích cho người dân, một Cộng đồng hoà nhập, bền vững, tự cường và năng động, trong đó có sự chung tay góp sức của Chính phủ, của các bên liên quan, bao gồm cả người sử dụng lao động và lao động, của các đối tác xã hội. Hội nghị Ban điều phối Mạng An toàn vệ sinh lao động các nước ASEAN cũng đã xây dựng Kế hoạch hành động về AT,VSLĐ cho các nước ASEAN giai đoạn 2016-2020, trong đó tập trung ưu tiên vào các lĩnh vực: hoàn thiện khung chính sách, nâng cao các tiêu chuẩn, qui chuẩn kỹ thuật về AT,VSLĐ; mở rộng chia sẻ thông tin, công tác đào tạo, huấn luyện về AT,VSLĐ; hỗ trợ, trao đổi chuyên gia và chia sẻ kinh nghiệm, các điển hình về AT,VSLĐ tại các nước; thúc đẩy xây dựng văn hóa phòng ngừa và kiểm soát các nguy cơ, rủi ro tại nơi làm việc, hướng đến xây dựng một môi trường làm việc an toàn, lành mạnh. Xu hướng cân bằng cuộc sống với vấn đề việc làm, AT,VSLĐ cũng cần được xem xét kỹ trong bối cảnh phát triển kinh tế và hội nhập ngày càng sâu rộng như hiện nay.

5. Vấn đề tính toán các chi phí, hiệu quả cũng như thiệt hại về kinh tế trong công tác ATVSLĐ: Về mặt nhận thức, chúng ta đều thấy rõ được ý nghĩa kinh tế, xã hội của công tác AT,VSLĐ, nhưng xét về mặt tính toán cụ thể hiệu quả kinh tế của công tác AT,VSLĐ nói chung, cũng như việc tính toán những thiệt hại về kinh tế do TNLĐ, BNN mang lại thì cho đến nay vẫn đang là vấn đề chưa được quan tâm nghiên cứu để có cơ sở khoa học.

6. Các nguy cơ mới về AT,VSLĐ: Trong bối cảnh cuộc cách mạng khoa học – công nghệ đang diễn ra mạnh mẽ, khi nhiều yếu tố nguy hiểm và có hại cũ, có tính chất truyền thống giảm dần, thì cũng có nhiều nguy cơ mới xuất hiện. Chúng ta cần thiết phải chỉ ra, để các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm có thái độ đúng về vấn đề này, đó là bên cạnh việc coi trọng xử lý kiểm soát tốt các nguy cơ truyền thống, chúng ta cần hết sức coi trọng việc chủ động, đón đầu để kiểm soát các nguy cơ mới phát sinh, ví dụ như hiện nay các vật liệu nano đã được đưa nhiều vào các sản phẩm tiêu dùng mà hầu như chúng ta chưa biết rõ các nguy cơ liên quan tới công nghệ sản xuất và sử dụng nano; các yếu tố liên quan đến căng thẳng thần kinh, tâm lý như stress tại nơi làm việc. Về việc sử dụng có kiểm soát các sản phẩm vật liệu xây dựng sử dụng nguyên liệu là amiăng trắng nhóm serpentine sản xuất vật liệu xây dựng… và chỉ được sử dụng khi các sản phẩm này đã được công bố hợp qui.

7. Mối quan hệ khăng khít giữa AT,VSLĐ với bảo vệ môi trường: Cũng như quan hệ giữa AT,VSLĐ và việc ứng phó với biến đổi khí hậu là một vấn đề rất thời sự hiện nay, cần phải được quan tâm nghiên cứu sâu, có chương trình, biện pháp hành động cụ thể trong thời gian tới. Đây là vấn đề gắn với phát triển kinh tế xanh, về việc làm xanh với ý nghĩa gắn sự phát triển kinh tế và việc làm với việc bảo vệ môi trường, với bảo đảm an sinh xã hội, phát triển bền vững đất nước.


(Nguồn tin: Hồ sơ Quốc gia về ATVSLĐ giai đoạn 2010-2015)