Một vài khái niệm cơ bản về an toàn và sức khỏe nghề nghiệp

Thứ Sáu, 01/12/2023, 11:45(GMT +7)

Để bảo vệ người lao động và vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, vấn đề an toàn và sức khoẻ phải được đề cập tại tất cả mọi nơi làm việc. An toàn và sức khỏe nghề nghiệp là một lĩnh vực có phạm vi rộng lớn bao gồm nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau nhằm mục đích:

–         Phát triển và duy trì tới mức tối đa tình trạng thể chất, tinh thần, và xã hội cuả người lao động trong mọi ngành nghề;

–         Phòng ngừa cho tất cả mọi ngưòi lao động không phải chịu hậu quả có hại do điều kiện lao động gây ra;

–         Bảo vệ người lao động trong khi làm việc tránh được các yếu tố nguy cơ  bắt nguồn từ các yếu tố có haị cho sức khỏe;

–         Tạo ra và duy trì một môi trường nghề nghiệp phù hợp đối với nhu cầu thể chất và tinh thần của người lao động.

Nói một cách khác, an toàn và sức khỏe nghề nghiệp bao hàm tình trạng thể chất, tinh thần và xã hội của người lao động, tức là “toàn bộ con người”.

Thực hành về an toàn và sức khỏe nghề nghiệp thành công đòi hỏi cần có sự phối hợp và tham gia của cả người sử dụng lao động và người lao động trong các chương trình an toàn và sức khỏe. Điều đó bao gồm việc cân nhắc các vấn đề có liên quan tới y tế nghề nghiệp, vệ sinh công nghiệp, độc hại, giáo dục, an toàn công nghệ, khoa học lao động, tâm lý, v.v…

Các vấn đề Sức khỏe nghề nghiệp (như phơi nhiễm với hoá chất) thường ít được quan tâm hơn so với các vấn đề an toàn nghề nghiệp (như bảo vệ máy móc) bởi lẽ nói chung đương đầu với các vấn đề sức khỏe thường là khó hơn. Tuy nhiên, khi nhắc tới sức khỏe, thì vấn đề an toàn cũng được đề cập, bởi vì một sơ sở sản xuất lành mạnh cũng được định nghĩa là một cơ sở sản xuất an toàn. Thế nhưng, định nghĩa ngược có thể không đúng, vì một nơi sản xuất được gọi là an toàn không nhất thiết đồng thời là nơi sản xuất lành mạnh.  Điều quan trọng là các vấn đề về sức khoẻ và an toàn đều phải được đề cập tại tất cả mọi nơi làm việc. Tại nơi nào cũng vậy, định nghĩa về an toàn và sức khỏe nghề nghiệp đã đề cập trên đây bao hàm cả an toàn và sức khỏe với  nghĩa rộng nhất.

Điều kiện lao động xấu ảnh hưởng tới an toàn và sức khỏe của người lao động

·    Điều kiện lao động tồi dưới bất kỳ dạng nào cũng đều có khả năng tiềm tàng gây ảnh hưởng tới an toàn và sức khỏe của người lao động.

 ·   Điều kiện làm việc không lành mạnh và không an toàn không chỉ hạn chế ở nhà máy – mà có thể thấy ở tất cả mọi nơi, cho dù điều kiện làm việc trong nhà hay ngoài trời. Đối với nhiều người lao động, ví dụ công nhân nông nghiệp hay thợ mỏ, nơi làm việc là “ngoài trời” và có thể gây nhiều  nguy hại về an toàn và sức khỏe.

·    Điều kiện lao động tồi còn gây ảnh hưởng tới môi trường sống cuả người lao động, bởi vì đối với nhiều người lao động, môi trường làm việc và môi trường sống là giống nhau. Điều này có nghĩa là nguy cơ nghề nghiệp có thể tác động xấu tới người lao động, gia đình họ, và những người khác trong cộng đồng, cũng như ảnh hưởng tới môi trường vật chất chung quanh nơi làm việc.

·    Một ví dụ có tính kinh điển là việc sử dụng thuốc trừ sâu trong nông nghiệp. Người lao động bị phơi nhiễm với hóa chất độc hại theo nhiều cách khác nhau khi phun thuốc sâu: họ có thể hít thở phải hóa chất trong  và sau khi phun thuốc, hóa chất có thể bị thẩm thấu qua da, và người lao động có thể tiêu hóa hóa chất này nếu họ ăn, uống, hoặc hút thuốc mà không rửa tay, hoặc nước uống đã bị ô nhiễm với hóa chất này.

·        Gia đình của người lao động cũng có thể phơi nhiễm theo một số phương thức: họ có thể hít phải thuốc trừ sâu còn bay trong không khí, họ có thể uống nước đã bị ô nhiễm, hoặc họ có thể bị phơi nhiễm với thuốc trừ sâu còn tồn đọng trên quần áo của người lao động.

·    Những người khác trong cộng đồng cũng có thể bị phơi nhiễm theo các cách trên. Khi hóa chất thấm vào lòng đất hoặc ngấm vào nguồn nước dưới lòng đất, thì hậu quả tai hại của nó đôí với môi trường có thể tồn tại vĩnh viễn.

Trước hết, các nỗ lực trong công tác an toàn và sức khỏe nghề nghiệp phải nhằm vào mục tiêu phòng ngừa tai nạn và bệnh nghề nghiệp, đồng thời phải nhận thức được mối quan hệ giữa sức khỏe, an toàn nghề nghiệp của người lao động, nơi làm việc, và môi trường bên ngoài nơi làm việc.

Tại sao công tác an toàn và sức khỏe nghề nghiệp lại quan trọng?

Trong cuộc đời con người, công việc đóng vai trò trung tâm, bởi lẽ phần lớn người lao động dành ít nhất tám giờ một ngày tại nơi làm việc, cho dù đó là trang trại, văn phòng, hay nhà máy, v.v… Vì thế, môi trường công việc phải được đảm bảo an toàn và lành mạnh. Tuy nhiên, đối với nhiều người lao động, điều này chưa phải là thực tế. Mỗi ngày, người lao động trên toàn thế giới đang phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ về sức khỏe nghề nghiệp, như:
·        Bụi;
·        Khí thải;
·        Tiếng ồn;
·        Độ rung động;
·        Nhiệt độ quá mức.

Đáng tiếc, một số người sử dụng lao động có ý thức trách nhiệm rất thấp trong việc bảo vệ an toàn và sức khỏe  cho nguời lao động. Trong thực tế, một số nhà sử dụng lao động không hề nhận thức là họ cần có trách nhiệm về pháp lý và đạo đức để bảo vệ người lao động. Vì thế, do vấn đề an toàn và sức khỏe nghề nghiệp không được chú ý đúng mức, tai nạn và bệnh tật có liên quan tới công việc rất phổ biến tại nhiều nơi trên thế giới.

Chi phí cho bệnh tật/chấn thương nghề nghiệp

Tai nạn hoặc bệnh tật có liên quan tới công việc có chi phí rất cao và để lại nhiều hậu quả trực tiếp và gián tiếp đối với cuộc sống của người lao động và gia đình họ. Đối với người lao động, đây là một số chi phí trực tiếp cho chấn thương hoặc ốm đau bệnh tật:
–  Đau đớn và chịu đựng do chấn thương hoặc ốm đau;
–  Mất thu nhập;
–  Có thể mất việc;
– Chi phí chăm sóc y tế.

Người ta đã tính toán rằng chi phí gián tiếp (như mất thu nhập của người lao động ảnh hưởng, tác động tới gia đình họ) của một tai nạn hoặc bệnh tật có thể lên tới 4-10 lần so với chi phí trực tiếp, thậm chí có thể hơn. Một bệnh hoặc tai nạn  nghề nghiệp có thể có nhiều chi phí gián tiếp cho người lao động tới mức rất khó đo luờng. Một trong những chi phí gián tiếp rõ ràng của chi phí gián tiếp là sự chịu đựng không thể đền bù bằng tiền của gia đình người lao động.

Người ta cũng tính toán rằng chi phí mà người sử dụng lao động phải chi trả về tai nạn hoặc bệnh tật nghề nghiệp cũng lên rất cao. Đối với một doanh nghiệp nhỏ, thì chi phí cho một tai nạn nghề nghiệp thôi cũng có thể dẫn tới một tai họa về tài chính. Đối với nhà sử dụng lao động, một số chi phí trực tiếp gồm:

      – Chi trả cho công việc không được thực thi;
– Chi phí y tế và đền bù;
– Chi phí sửa chữa hoặc thay thế thiết bị, máy móc bị hỏng hóc;
– Cắt giảm hoặc ngừng hẳn sản xuất;
– Chi phí đào tạo tăng và chi phí hành chính;
– Chất lượng công việc có thể bị giảm;
– Ảnh hưởng tiêu cực đối với tinh thần đạo đức của nhiều người lao động khác.

Một số chi phí gián tiếp nhà sử dụng lao động gồm:

      – Phải thay thế người lao động bị thương hoặc đau ốm;
– Người lao động mới phải được đào tạo và cần một thời gian để thích nghi;
– Phải mất một thời gian sau người lao động thay thế mới có thể đạt được tốc độ sản xuất của nghười lao động cũ;
– Phải dành thời gian điều tra bắt buộc, viết báo cáo và khai báo;
– Tai nạn thường gây ra mối quan tâm của những NLĐ khác và ảnh hưởng tới mối quan hệ lao động theo hướng tiêu cực;
– Điều kiện an toàn và sức khỏe tồi tại nơi làm việc có thể dẫn tới mối quan hệ không tốt đối với công chúng.

Nói chung, chi phí về phần lớn tai nạn hoặc đau ốm do nghề nghiệp của người lao động và gia đình họ và đối với người sử dụng lao động là rất cao.

Trên phạm vi quốc gia, người ta tính toán rằng chi phí cho tai nạn và đau ốm do nghề nghiệp có thể chiếm ba hoặc bốn phần trăm tổng thu nhập quốc gia. Trong thực tế, không ai có thể biết chi phí thực cho tai nạn và đau ốm do nghề nghiệp bởi lẽ chi phí gián tiếp rất đa dạng và rất khó đo lường, bên cạnh những chi phí trực tiếp dễ thấy hơn.

Công tác an toàn và sức khỏe

Vì những lý do đã nêu trên, điều quan trọng là người sử dụng lao động, người lao động, và doanh nghiệp phải cam kết về vấn đề an toàn và sức khỏe, và:

      – Nguy cơ tại nơi làm việc phải được kiểm soát – ngay tại nguồn khi có thể;
– Phải lập và lưu giữ hồ sơ về các vụ phơi nhiễm trong nhiều năm;
– Cả người sử dụng lao động và người lao động đều phải hiểu biết về nguy cơ an toàn và sức khỏe tại nơi làm việc;
– Phải có một ủy ban về an toàn và sức khỏe hoạt động tích cực và hiệu qủa, bao gồm cả người lao động và ban quản lý;
– Các cố gắng về an toàn và sức khỏe cho người lao động phải được tiến hành thường xuyên.

Công tác an toàn và sức khỏe tại nơi làm việc hoạt động có hiệu quả có thể giúp cứu sống nhiều người lao động bằng cách giảm thiểu các mối nguy cơ và hậu quả của các mối nguy cơ đó. Công tác an toàn và sức khỏe còn có tác dụng tích cực đối với tinh thần và năng suất lao động của người lao động, đó là những nguồn lợi quan trọng. Đồng thời, công tác an toàn và sức khỏe còn tiết kiệm rất nhiều tiền cho người sử dụng lao động.

Những điểm cơ bản

1.     An toàn và sức khỏe nghề nghiệp bao hàm sự thoải mái về thể chất, tinh thần và xã hội của người lao động trong tất cả mọi nghề.

2.     Điều kiện làm việc tồi sẽ có tác hại tiềm ẩn về độ an toàn và sức khỏe của người lao động.

3.     Điều kiện làm việc không an toàn và không lành mạnh có thể thấy ở mọi nơi, cho dù đó là nơi làm việc trong nhà hay ngoài trời.

4.     Điều kiện làm việc tồi có thể ảnh hưởng tới môi trường sống của người lao động. Điều này có nghĩa là người lao động, gia đình họ, những người trong cộng đồng, và môi trường vật chất chung quanh nơi làm việc, tất cả đều có nguy cơ phơi nhiễm đối với nguy cơ tại nơi làm việc.

5.     Người sử dụng lao động phải có trách nhiệm pháp lý và đạo lý để bảo vệ người lao động.

6.    Tai nạn và bệnh tật có liên quan tới công việc là phổ biến tại nhiều nơi trên toàn thế giới, và thường có nhiều hậu quả tiêu cực trực tiếp và gián tiếp đối với người lao động và gia đình họ. Một vụ tai nạn hoặc bênh tật đơn lẻ có thể đồng nghĩa với sự mất mát lớn về tài chính cho cả người lao động và người sử dụng lao động.

7.    Công tác an toàn và sức khỏe có hiệu quả có thể giúp cứu sống nhiều người lao động bằng cách giảm thiểu mối nguy cơ và hậu quả của chúng. Công tác an toàn và sức khỏe còn có tác dụng tích cực đối với tinh thần và năng suất lao động của người lao động, và có thể tiết kiệm rất nhiều tiền cho người sử dụng lao động.


(Nguồn tin: Tài liệu Dự án NILP-OSB)