Một vài nét về Luật An toàn Vệ sinh Lao động
Việc thực hiện các qui định pháp luật về ATVSLĐ ở nước ta đi vào hệ thống và nề nếp từ năm 1994, sau khi Luật lao động ra đời và sủa đổi năm 2012 với một chương về ATVSLĐ (trước đó chúng ta cũng đã có “Điều lệ tạm thời về Bảo hộ lao động”, ban hành năm 1964, “Pháp lệnh về Bảo hộ lao động”, ban hành năm 1991) . Tuy nhiên, vẫn còn một số bất cập như :Hệ thống pháp luật về ATVSLĐ còn chồng chéo, phân tán gây khó khăn cho việc thực hiện. Nội dung về ATVSLĐ được quy định trong nhiều văn bản luật và nhiều văn bản do Chính phủ, các Bộ, ngành ban hành; Đối tượng điều chỉnh của Bộ luật lao động, trong đó có chương IX về ATVSLĐ hiện nay chỉ áp dụng đối với khu vực có quan hệ lao động, trong khi hiện nay những lao động trong khu vực nông nghiệp, lao động tự do… cũng rất cần tuân thủ theo những qui định về ATVSLĐ…
Trong xu thế Hội nhập nền kinh tế thế giới, đòi hỏi sự quan tâm đặc biệt đến vấn đề phòng ngừa TNLĐ, BNN. Cải thiện điều kiện lao động, đảm bảo sức khoẻ cho người lao động, bảo vệ môi trường là nhiệm vụ hàng đầu trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội trong nhiều thập kỷ tới của nước ta. Do đó, Luật ATVSLĐ ra đời là cơ sở pháp lý quan trọng không chỉ giải quyết được những thách thức về công tác ATVSLĐ hiện nay cũng như thúc đẩy sản xuất ở Việt Nam trong thời gian tới, mà còn có ý nghĩa xã hội và nhân văn to lớn.
Luật ATVSLĐ được Quốc hội Việt Nam ban hành ngày 25/06/2015 đã quy định được những nội dung chủ yếu và mới so với các quy định pháp luật về ATVSLĐ hiện hành. Luật đã bao chứa những nội dung mới hơn so với các văn bản pháp luật ATVSLĐ đã có như:
– Về đối tượng áp dụng và phạm vi điều chỉnh, đã bao quát tới tất cả các đối tượng lao động có quan hệ lao động và không có quan hệ lao động (trong doanh nghiệp, ngoài doanh nghiệp, lao động nữ, lao động ở ngoài nước, lao động gia đình…). Việc mở rộng đối tượng này là phù hợp với các thành phần kinh tế và thực tế SX của nước ta hiện nay.
– Về nội dung điều chỉnh là đầy đủ, bao trùm cả nội dung về cải thiện điều kiện lao động, gắn ATVSLĐ với chương trình mục tiêu quốc gia về ATVSLĐ; văn hóa phòng ngừa TNLĐ, BNN; vấn đề xã hội hóa công tác ATVSLĐ; cơ chế huy động nguồn lực cho công tác ATVSLĐ; về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật ATLĐ; trách nhiệm của Nhà nước, NSDLĐ, NLĐ và các đối tượng liên quan về ATVSLĐ; cơ chế quản lý, hoạt động đối với các cơ sở dịch vụ về ATVSLĐ hướng định xã hội hóa cao; các chính sách, chế độ đối với NLĐ trong lĩnh vực ATVSLĐ, quỹ bồi thường TNLĐ, BNN; đào tạo, huấn luyện về ATVSLĐ; cơ chế giám sát, chế tài xử phạt…
– Luật đã đề cập đến việc xây dựng văn hóa an toàn lao động và nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Đây là một điểm mới và có ý nghĩa trong giai đoạn hội nhập hiện nay. Nó tạo cho NLĐ thói quen và chủ động trong công tác ATVSLĐ. Bởi vì, văn hóa an toàn lao động là một phương pháp thay đổi từ nhận thức đến ý thức, hành vi, tạo thói quen phòng ngừa TNLĐ, chuyển từ bị động sang chủ động cho mỗi NLĐ và tập thể NLĐ. Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp có ý nghĩa đặc biệt với các doanh nghiệp có sản phẩm xuất khẩu, bởi người tiêu dùng ở nước nhập khẩu ngày càng không chỉ quan tâm đến chất lượng sản phẩm mà còn quan tâm đến điều kiện và quy trình lao động của chính những NLĐ tạo ra sản phẩm đó.
– Luật cũng đã nêu những vấn đề về tư vấn ATVSLĐ; đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông, tuyên truyền huấn luyện. Công tác này là một kênh hỗ trợ quan trọng để các nội dung luật định đến với đối tượng và nhanh chóng đi vào đời sống sản xuất.
– Luật đã quy định cụ thể, chi tiết hơn về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của đối tượng người lao động không có quan hệ lao động đối với công tác an toàn vệ sinh lao động; bổ sung các nội dung chi hỗ trợ phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp khi trở lại làm việc từ Quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
– Luật đã có quy định đối với thanh tra chuyên ngành về an toàn vệ sinh lao động “thanh tra chuyên ngành về an toàn, vệ sinh lao động được tổ chức thành lập ở cấp Bộ, cấp tỉnh và cấp huyện, Chính phủ quy định cụ thể về tiêu chuẩn chức danh thanh tra viên, việc tổ chức và hoạt động của lực lượng này”.
2. Sơ bộ về nội dung của Luật ATVSLĐ
Luật an toàn, vệ sinh lao động kế thừa và chi tiết các Điều tại Chương IX của Bộ luật lao động. Luật an toàn, vệ sinh lao động có 7 chương, với 93 điều, có thể tóm tắt nội dung như sau :
– Chương I: Những quy định chung
So với phạm vi điều chỉnh của Bộ luật lao động năm 2012, Luật An toàn, vệ sinh lao động quy định rộng hơn, bao quát hơn và cụ thể hơn các hoạt động về ATVSLĐ. Ngoài các quy định trong việc đảm bảo ATVSLĐ, phạm vi điều chỉnh của Luật còn bao gồm cả các quy định về tổ chức quản lý công tác ATVSLĐ trong cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế độ bồi thường, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp…Bởi vì, công tác ATVSLĐ liên quan đến tất cả những tổ chức, cá nhân có hoạt động lao động, sản xuất và trên thực tế, đã có các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh các nội dung huấn luyện, kiểm định, thông tin ATVSLĐ đối với người không có quan hệ lao động nhưng nội dung tản mát, chưa rõ ràng nên hiệu quả áp dụng chưa cao. Chính vì vậy, đối tượng điều chỉnh của Luật an toàn, vệ sinh lao động là người lao động đang có việc làm bao gồm cả người lao động có quan hệ lao động, không có quan hệ lao động, cả các tổ chức, cá nhân cung cấp các hoạt động bảo đảm ATVSLĐ tại nơi làm việc (như kiểm định, huấn luyện, tư vấn về ATVSLĐ; cung cấp phương tiện bảo vệ cá nhân, phương tiện bảo hộ lao động…).
Ở một nước nông nghiệp với tỷ lệ lao động phi kết câu cao thì việc điều chỉnh này là thực tiễn và hợp lý.
Chương này quy định về nội dung, trách nhiệm quản lý nhà nước về ATVSLĐ; trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị, chính trị – xã hội, tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp; cơ chế phối hợp về an toàn, vệ sinh lao động. Luật đã xác định rõ trách nhiệm của các đoàn thể chính trị xã hội trong công tác ATVSLĐ, trong đó có tổ chức công đoàn – một trong 3 bên của quan hệ lao động,đại diện cho chủ thể của công tác ATVSLĐ, là người lao động.
– Chương II. Các biện pháp phòng, chống các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại cho người lao động
Chương này gồm 4 mục lớn, như : Thông tin, tuyên truyền, giáo dục về an toàn, vệ sinh lao động; Nội quy, quy trình bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc; Chế độ bảo hộ lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động; Quản lý máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động. Trong đó có một số điểm mục mới, đó là, quy định hướng tới các biện pháp quản lý nhằm phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, liên quan trực tiếp tới quyền lợi của người lao động và được quy định chi tiết hơn Bộ luật lao động, bổ sung thêm quy định về giới hạn thời gian tiếp xúc với các yếu tố nguy hiểm, có hại và việc quản lý sức khỏe người lao động.
Ngoài ra, trong chương này, còn bổ sung thêm nội dung tư vấn, giáo dục an toàn, vệ sinh lao động. Quy định rõ trách nhiệm của người sử dụng lao động về việc cung cấp thông tin an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động, người đến thăm quan, làm việc, học nghề, tập nghề tại cơ sở của mình; trách nhiệm cung cấp thông tin về các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động kèm theo sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn cho người sử dụng trong quá trình lao động, sản xuất…Đồng thời, đưa nội dung ATVSLĐ vào chương trình giáo dục đại học, cao đẳng và cơ sở dạy nghề; người sử dụng lao động có thể thuê tư vấn để triển khai công tác ATVSLĐ; quy định trách nhiệm phải tham dự khóa huấn luyện ATVSLĐ của người sử dụng lao động, người làm công tác ATVSLĐ; trách nhiệm tổ chức huấn luyện cho người lao động; quy định điều kiện để tổ chức huấn luyện ATVSLĐ.
Việc bổ sung này là hợp lý với một luật chuyên ngành mang tính chuyên môn cao.
– Chương III. Các biện pháp xử lý sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động và tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
Tại chương này, các quy định về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và khai báo, thống kê, báo cáo và điều tra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được chi tiết hơn so với các quy định tại Bộ luật lao động, được pháp điển hóa từ những quy định, hướng dẫn tại các văn bản dưới luật. Ngoài ra, bổ sung quy định trách nhiệm khai báo tai nạn lao động chết người trong khu vực không có quan hệ lao động; trách nhiệm thống kê, báo cáo tai nạn lao động chết người của Ủy ban Nhân dân cấp xã và Ủy ban Nhân dân cấp huyện; trách nhiệm Bộ Y tế trong việc thông báo kết quả tổng hợp về tình hình bệnh nghề nghiệp về Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
Ngoài ra, chi tiết hơn so với các qui định của Bộ luật lao động, trong chương này, quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Bên cạnh đó, bổ sung quy định các trường hợp đặc biệt được hưởng chế độ tai nạn lao động từ người sử dụng lao động khi tai nạn xảy ra tại nơi làm việc, trong thời gian nghỉ ngơi được pháp luật, nội quy cho phép hoặc bị tai nạn khi người lao động di chuyển giữa nơi ở và nơi làm việc. Đặc biệt, quy định rõ các trường hợp không được hưởng chế độ đối với người bị tai nạn lao động nếu nguyên nhân xảy ra tai nạn xuất phát từ mẫu thuẫn cá nhân hoặc do người lao động cố tình tự hủy hoại sức khỏe
Điểm mới trong chương này làncó quy định Mục riêng về Quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Trong đó đưa toàn bộ nội dung Quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (phần chế độ, chính sách) từ Luật bảo hiểm xã hội sang, nhưng việc thu, chi và quản lý quỹ vẫn do cơ quan bảo hiểm xã hội thực hiện. Mục này quy định cụ thể về nguyên tắc, đối tượng tham gia, mức đóng quỹ; các chế độ cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; không tăng thêm mức đóng từ phía người sử dụng lao động; đồng thời bổ sung thêm các nội dung chi hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và hỗ trợ phòng ngừa, chia sẻ rủi ro cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (Khám phát biện bệnh nghề nghiệp; hỗ trợ một phần khoản chi phí cho người bị tai nạn lao động thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động trong một số trường hợp đặc biệt…).
Với nội dung này, chắc chắn việc sử dụng quĩ sẽ tốt hơn, hạn chế việc không chi hoặc chi sai dẫn đến tồn quĩ như hiện nay.
– Chương IV: Bảo đảm ATVSLĐ đối với một số lao động đặc thù
Nội dung chương này được chi tiết từ các quy định tại Bộ luật lao động. Trong đó, thống nhất nguyên tắc về việc bảo đảm quyền được làm việc trong điều kiện an toàn, vệ sinh lao động của người lao động. Với tất cả các đối tượng lao động, bao gồm các lĩnh vực: ATVSLĐ trong trường hợp cho thuê lại lao động; ATVSLĐ đối với người lao động Việt Nam được cử đi làm việc ở nước ngoài; ATVSLĐ đối với lao động là người giúp việc gia đình; ATVSLĐ đối với người lao động nhận công việc về làm tại nhà). Đối với một nước có nhiều thành phần kinh tế, thì việc qui định riêng này là cần thiết.
– Chương V: Bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động đối với cơ sở sản xuất kinh doanh
Chương này quy định về bộ máy tổ chức và những nội dung cơ bản thực hiện công tác ATVSLĐ trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh như: lập kế hoạch, tổ chức kiểm tra, thi đua, khen thưởng, thống kê, báo cáo về ATVSLĐ… Trong đó có việc bổ sung quy định về đánh giá rủi ro về ATVSLĐ và kế hoạch ứng cứu khẩn cấp. Nội dung kế hoạch ứng cứu khẩn cấp liên quan đến khắc phục mất an toàn trong quá trình lao động được xem xét phù hợp với các quy định có liên quan trong các luật khác (Luật phòng cháy và chữa cháy, Luật hóa chất, Luật năng lượng nguyên tử, Luật Dầu khí …).
Việc đưa vào qui định đánh giá rủi ro về ATVSLĐ là một việc làm mới, mang tính khoa học cao và cũng là xu hướng đảm bảo ATVSLĐ hiện nay của các nước phát triển.
– Chương VI: Quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động
Quy định tại Chương này được tổng hợp và chi tiết từ các quy định tại Bộ luật lao động và các luật khác có liên quan. Trong đó, bổ sung quy định trách nhiệm Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trong việc xây dựng sở dữ liệu, công bố hồ sơ , xây dựng chương trình quốc gia về ATVSLĐ; điều này phù hợp Công ước 187 về cơ chế tăng cường công tác ATVSLĐ (2006) của ILO.
Chương này cũng quy định bổ sung, làm rõ lực lượng làm công tác thanh tra chuyên ngành về ATVSLĐ thuộc cơ quan thực hiện quản lý nhà nước về lao động cấp trung ương, cấp tỉnh.
Đây là điểm tuy không mới, vì trước năm 2005 chúng ta đã tồn tại lực lượng thanh tra chuyên ngành về ATVSLĐ, nhưng qua thử nghiệm hợp nhất chúng ta thấy công tác thanh tra ATVSLĐ bị lu mờ trong thanh tra lao động, nên việc có một lực lượng thanh tra chuyên ngành ATVSLĐ là cần thiết. Lực lượng này có thể vẫn nằm trong hệ thống thanh tra lao động ( để đồng nhất các đoàn kiểm tra), nhưng cần có phiên hiệu riêng, tiêu chuẩn và phương thức hoạt động riêng. Chú trọng công tác đào tạo và đào tạo lại sau khi gia nhập cơ quan thanh tra. Bởi vì, khác với thanh tra lao động chung, công tác thanh tra an toàn, vệ sinh lao động có tính phức tạp đặc thù, đó là sự tổng hợp giữa kinh tế, kỹ thuật và nghiệp vụ mà đối tượng hoạt động của nó không chỉ là người sử dụng lao động trong việc thực thi chế độ, chính sách mà còn là máy móc, thiết bị, công cụ sản xuất, để kiểm tra độ an toàn của máy, thiết bị, công cụ sản xuất mà người lao động sử dụng tại nơi làm việc và cả các yếu tố nguy hiểm, có hại trong có môi trường lao động (như ồn, rung, bụi, hơi khí độc…).
– Chương VII: Điều khoản thi hành
Nội dung chương này quy định hiệu lực thi hành, chuyển tiếp giữa Bộ luật lao động, Luật bảo hiểm xã hội với Luật an toàn, vệ sinh lao động; khích các cơ quan hành chính, các đơn vị sự nghiệp và các cơ quan, tổ chức khác áp dụng các quy định về ATVSLĐ được quy định riêng đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh.
3. Kết luận
Luật an toàn, vệ sinh lao động kế thừa và chi tiết các Điều tại Chương IX của Bộ luật lao động và đã có phát triển sâu hơn về các vấn đề chuyên môn và làm rõ các mặt của nơi có quan hệ lao động và nơi không có quan hệ lao động. Sự ra đời của Luật là cần thiết đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và cũng phù hợp với sự hội nhập quốc tế của Việt nam.
GS.TS. Lê Vân Trình
Chuyên gia cao cấp Viện Bảo hộ lao động
Thành viên ban soạn thảo luật An toàn vệ sinh lao động 2015
(Nguồn tin: Nilp.vn)