Một vài ý kiến đề xuất để làm tốt hơn nữa công tác huấn luyện AT-VSLĐ ở Việt Nam

Thứ Sáu, 01/12/2023, 11:45(GMT +7)

Để góp phần cho công tác huấn luyện An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) ở nước ta ngày càng có hiệu quả tốt hơn, chúng tôi xin nêu một số đề xuất sau:

1. Xây dựng nhận thức đúng, đầy đủ về công tác huấn luyện ATVSLĐ:

Việc nhận thức đúng, đầy đủ về công tác huấn luyện ATVSLĐ cần tập chung vào những điểm chính sau:

– Việc huấn luyện ATVSLĐ cho mọi đối tượng mà trước hết là người sử dụng lao động (NSDLĐ) và người lao động (NLĐ) là một nhiệm vụ tiên quyết đầu tiên phải đặt ra, phải được coi trọng và thực hiện tốt.

– Việc huấn luyện ATVSLĐ cần phải đi vào thực chất, coi trọng chất lượng và hiệu quả, tránh hình thức chủ nghĩa, chỉ lo đối phó để miễn sao có được giấy chứng nhận, được coi là đã làm đúng quy định.

– Cần có chiến lược về huấn luyện ATVSLĐ để sao cho công tác này được tiến hành tốt trong cả nước, đến với mọi đối tượng, nhất là NSDLĐ và NLĐ khắp mọi địa phương, cơ sở.

– Cần tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước trong công tác huấn luyện ATVSLĐ kết hợp với phát huy cao độ trách nhiệm, tính tự giác của toàn xã hội, của NSDLĐ và NLĐ trong công tác này.

 

2. Một số giải pháp chủ yếu cụ thể:

– Tổ chức nghiên cứu để biên soạn một chương trình khung huấn luyện ATVSLĐ phù hợp với từng đối tượng, có nội dung tốt, khoa học, làm cơ sở cho việc biên soạn các giáo trình, bài giảng cụ thể.

– Tổ chức biên soạn, phát hành một số tài liệu, sách tham khảo chuyên đề sâu, rộng hơn về ATVSLĐ để làm tài liệu cho các cán bộ quản lý, các giáo viên tham khảo, nghiên cứu, phục vụ tốt cho công tác quản lý, giảng dạy và cũng là tài liệu cần thiết cho mọi người quan tâm đến ATVSLĐ tham khảo, nghiên cứu.

– Có kế hoạch lựa chọn, đào tao, bồi dưỡng một đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý cũng như giảng dạy, huấn luyện về ATVSLĐ đủ về số lượng và có trình độ đáp ứng yêu cầu của công tác huấn luyện ATVSLĐ hiện nay và tương lai.

– Áp dụng các phương pháp và các phương tiện phong phú, đa dạng để nâng cao hiệu quả việc huấn luyện (sử dụng kết hợp lên lớp nghe giảng với thảo luận, làm việc nhóm; kết hợp nghe nhìn; sử dụng các loại đĩa VCD, băng hình, tranh áp phích, tờ rơi…)

– Thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra, đánh giá kết quả, cấp chứng chỉ cho các kỳ huấn luyện và thực hiện tốt chế độ huấn luyện khác nhau theo quy định (Huấn luyện ban đầu, huấn luyện định kỳ, huấn luyện bổ sung khi có yêu cầu mới, khi chuyển việc, huấn luyện thực hành…)

3. Thực hiện tốt phương châm xã hội hóa công tác huấn luyện

Muốn thực hiện tốt xã hội hóa công tác huấn luyện cần:
– Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước về huấn luyện ATVSLĐ để tạo điều kiện huy động được đông đảo các tổ chức, cá nhân có điều kiện, trình độ và năng lực tham gia vào công tác huấn luyện ATVSLĐ.
– Khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ chức chính trị – Xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, các cơ quan chuyên môn của mọi thành phần trong và ngoài Nhà nước có thể tham gia vào việc huấn luyện ATVSLĐ theo quy định của pháp luật và sự quản lý của Nhà nước.
Có thể cho ra đời các trung tâm huấn luyện ATVSLĐ của các tổ chức trên, kể cả tư nhân, hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, có điều lệ và quy chế, với sự kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý Nhà nước về ATVSLĐ.
– Tranh thủ huy động đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ, các chuyên gia giỏi, các hội viên các Hội KHKT chuyên ngành liên quan đến ATVSLĐ tham gia vào công tác huấn luyện ATVSLĐ. Muốn vậy cần có những chính sách cụ thể, tạo điều kiện cho các đối tượng trên tự giác, phấn khởi tham gia vào hoạt động này.
– Kết hợp tốt việc huy động kinh phí của Nhà nước với kinh phí của các doanh nghiệp, kể cả tư nhân và sự tài trợ của Quốc tế để tạo nên điều kiện vật chất, tài chính tốt cho công tác huấn luyện ATVSLĐ.

4. Sửa đổi, bổ sung văn bản đã có hoặc ban hành mới văn bản của Nhà nước về công tác huấn luyện ATVSLĐ.

Văn bản đó phải thể hiện được một số điểm chủ yếu sau đây:
– Văn bản cần xác định rõ những nội dung chủ yếu về ATVSLĐ phải được đưa vào trong các chương trình huấn luyện. Việc này cần được nghiên cứu kỹ, có sự đóng góp của các chuyên gia, các nhà quản lý có trình độ và kinh nghiệm để đưa ra những nội dung cần thiết chủ yếu nhất về ATVSLĐ để huấn luyện cho NSDLĐ và NLĐ.
– Xác định trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý Nhà nước, của các cấp trên và của cơ sở, của các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội trong việc tham gia vào công tác huấn luyện ATVSLĐ theo tinh thần xã hội hóa. Nêu rõ sự phân công, phân cấp, phân giao nhiệm vụ và quyền hạn của các tổ chức, kể cả các tổ chức chuyên môn trong và ngoài Nhà nước trong công tác huấn luyện ATVSLĐ với quan điểm vừa mở rộng sự tham gia của xã hội, vừa nâng cao vai trò quản lý, kiểm tra giám sát của Nhà nước.
– Có những quy định về tiêu chuẩn, trình độ, năng lực của đội ngũ giáo viên giảng viên dạy về ATVSLĐ, về chính sách khuyến khích các nhà khoa học, nhà quản lý, các chuyên gia tham gia tích cực vào công tác huấn luyện ATVSLĐ.
– Có quy định chế độ kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác huấn luyện ATVSLĐ của các cơ sở và có chế tài xử phạt cũng như khen thưởng những cơ sở làm tốt công tác huấn luyện ATVSLĐ.

(PGS.TS. Nguyễn An Lương-  Chủ tịch VOSHA)


(Nguồn tin: )