Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong hệ thống Công đoàn Việt Nam.
Nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo là một hoạt động không thể thiếu đối với con người và mọi tổ chức. C.Mác nhấn mạnh: “Phát minh trở thành một nghề đặc biệt và đối với nghề đó thì việc vận dụng khoa học vào nền sản xuất trực tiếp tự nó trở thành một trong những yếu tố có tính chất quyết định và kích thích” [1]. Chính vì thế nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo(NCKH &ĐMST) sẽ giúp mọi người chủ động hơn, hình thành tư duy mới, phát hiện và giải quyết vấn đề một cách tốt nhất. Một công trình NCKH thành công sẽ tạo điều kiện tăng cường về nhận thức của con người, giúp tăng trưởng kinh tế,mở mang trí thức, trình độ văn hóa…
Vai trò của khoa học công nghệ đã được khẳng định trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng và được thể hiện xuyên suốt trong các mục tiêu của Kế hoạch hành động quốc gia, là công cụ then chốt trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững; đóng vai trò quan trọng trong tăng kinh tế, giải quyết các thách thức trên mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị cũng như của các cấp, các ngành và toàn xã hội, đất nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng và toàn diện.Trong thành tựu chung đó, có đóng góp quan trọng của khoa học công nghệ.
Nhìn lại chặng đường vừa qua, khoa học công nghệ đã đóng góp quan trọng, toàn diện trong phát triển kinh tế – xã hội. Cụ thể, chất lượng tăng trưởng được cải thiện, năng suất lao động nâng lên rõ rệt. Năng suất các nhân tố tổng hợp, (gọi tắt là TFP, là chỉ tiêu phản ánh kết quả sản xuất mang lại do nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và lao động, nhờ vào tác động của các nhân tố đổi mới công nghệ, hợp lý hóa sản xuất, cải tiến quản lý, nâng cao trình độ lao động) đóng góp vào tăng trưởng tăng từ 33,6% giai đoạn 2011 – 2015 lên 45,2% giai đoạn 2016 – 2020, tính chung 10 năm 2011 – 2020 đạt 39,0% (vượt mục tiêu 35%). Tỉ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị hàng hoá tăng từ 19% năm 2010 lên khoảng 50% năm 2020. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu GII (Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu, nhằm đánh giá năng lực và kết quả đổi mới của các nền kinh tế thế giới- Global Innovation Index) tăng 17 bậc trong giai đoạn 2016 – 2020, đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á, đứng đầu trong số các quốc gia ở mức thu nhập trung bình thấp [2].
Để góp phần triển khai vào thực tiễn Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về công tác nghiên cứu khoa học, trên tinh thần đổi mới sáng tạo trong NCKH của hệ thống công đoàn, ngày 22 tháng 02 năm 2022, Ban Chấp hành TLĐLĐVN khóa XII đã ban hành Nghị quyết Về đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ nhiệm vụ của tổ chức công đoàn trong tình hình mới [3].
Nghị quyết cho thấy, sau hơn 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-ĐCT ngày 18/9/2015 của ĐCT TLĐLĐVN về “Đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận, hoạt động khoa học và công nghệ của tổ chức công đoàn trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”, hoạt động khoa học, công nghệ của Công đoàn Việt Nam ngày càng được quan tâm và có bước phát triển. Công tác quản lý khoa học cấp Tổng Liên đoàn bước đầu đi vào nề nếp. Chất lượng nghiên cứu khoa học, công nghệ từng bước được nâng lên, gắn với chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn, góp phần vào công tác hoạch định chính sách, đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn, cung cấp cơ sở khoa học để tổ chức công đoàn tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động. Nhiều sáng kiến, sáng chế, giải pháp kỹ thuật của công nhân, viên chức, lao động được triển khai thực hiện, thúc đẩy tăng năng suất lao động, cải thiện đời sống người lao động, góp phần phát triển kinh tế – xã hội.
Đồng thời Nghị quyết cũng chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế cần khắc phục trong hoạt động khoa học, công nghệ của tổ chức công đoàn. Số lượng các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học còn ít, chất lượng một số sản phẩm nghiên cứu chưa cao, khả năng ứng dụng vào thực tiễn còn thấp. Có sự mất cân đối trong thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu, còn ít các công trình nghiên cứu lý luận chuyên sâu về giai cấp công nhân; chưa tạo được phong trào nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong toàn hệ thống công đoàn. Thủ tục, quy trình, cách thức xét duyệt các đề tài, đề án có mặt còn hạn chế. Nguồn tài chính và nhân lực phục vụ hoạt động khoa học, công nghệ chưa đáp ứng yêu cầu.
Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trên là do chưa kịp thời ban hành kế hoạch, hướng dẫn và đôn đốc triển khai thực hiện Nghị quyết. Đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp chưa coi trọng đúng mức vai trò của khoa học, công nghệ trong hoạt động công đoàn. Lực lượng nghiên cứu và cơ cấu tổ chức của một số đơn vị tham mưu và triển khai hoạt động khoa học còn bất cập. Chưa có chính sách phù hợp nhằm khơi dậy tiềm năng, tập hợp trí tuệ của đội ngũ cán bộ và đoàn viên công đoàn trong hoạt động nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn về công nhân, công đoàn.
Yêu cầu “thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển giao, ứng dụng và phát triển mạnh khoa học và công nghệ”, “quan tâm tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận về công nhân, công đoàn trong tình hình mới” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”; nhằm giải quyết có hiệu quả nhiều vấn đề mới và lớn đặt ra đối với tổ chức Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới, đòi hỏi tổ chức công đoàn phải đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong toàn hệ thống.
Trước mắt, Nghị quyết 16/NQ-BCH đã đặt ra 7 mục tiêu cụ thể cho các cấp công đoàn, các viện nghiên cứu và trường đại học trong hệ thống Công đoàn tới năm 2028 như sau:
– Hàng năm, có ít nhất 25 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Tổng Liên đoàn được mở mới, trong đó có ít nhất 02 nhiệm vụ nghiên cứu lý luận chuyên sâu về giai cấp công nhân, tổ chức công đoàn; giai đoạn 2023 – 2028, có ít nhất 05 đề tài nghiên cứu cấp quốc gia về công nhân, lao động, công đoàn.
– Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, công đoàn ngành trung ương và tương đương, trong mỗi nhiệm kỳ phải chủ trì hoặc phối hợp triển khai ít nhất 01 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Tổng Liên đoàn, cấp bộ, cấp tỉnh; triển khai từ 01 đến 02 đề tài cấp cơ sở.
– Xây dựng, phát triển Viện Công nhân và Công đoàn đến năm 2023 trở thành viện nghiên cứu chiến lược của Tổng Liên đoàn; đến năm 2028 trở thành viện chiến lược cấp quốc gia. Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động giữ vững là viện đầu ngành quốc gia; đến năm 2028, tất cả các phòng thí nghiệm của Viện đạt chuẩn VILAS [4].
– Đến năm 2028, có ít nhất 25 người có học hàm giáo sư, phó giáo sư trong các viện nghiên cứu, trường đại học, cơ sở đào tạo thuộc hệ thống Công đoàn Việt Nam, tăng 1,5 lần so với năm 2022; có ít nhất 900 người có trình độ tiến sỹ trong hệ thống Công đoàn Việt Nam, tăng 2,5 lần so với năm 2022.
– Hằng năm, các viện nghiên cứu, trường đại học, cơ sở đào tạo thuộc hệ thống Công đoàn Việt Nam có số bài báo đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế thuộc các danh mục Scopus, ISI đạt tối thiểu 500 bài.
– Hằng năm, tăng ít nhất từ 2% sáng kiến cải tiến kỹ thuật của công nhân lao động được cấp Bằng Lao động sáng tạo.
– Hàng năm, ngân sách tài chính công đoàn dành cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ít nhất 1% tổng chi tài chính công đoàn.
Để đạt được những chỉ tiêu này toàn bộ hệ thống công đoàn mà nòng cốt là các viện nghiên cứu, trường đại học phải cố gắng, nỗ lực hết sức mình. Bởi vì, đặc điểm của NCKH&ĐMST trong hệ thống Công đoàn là có tính phát hiện mới, không có sự lặp lại của các thí nghiệm đối với các đề tài khoa học công nghệ, hay cách lý giải và kết luận cũ của các đề tài khoa học xã hội… Đặc điểm này đòi hỏi NCKH trong hệ thống công đoàn phải có sự đổi mới, sáng tạo và tư duy nhạy bén. Tính thông tin, kết quả của quá trình thực hiện sao cho mang giá trị hữu ích phục vụ người lao động, cho tổ chức công đoàn. Tính tin cậy, kết quả NCKH đều phải được kiểm chứng lại nhiều lần vì nó phải được thực hiện bởi nhiều người, trong nhiều điều kiện khác nhau… Kết quả NCKH công nghệ cần phải đủ độ tin cậy để kết luận về bản chất của sự vật và hiện tượng. Tính khách quan, đó là sự trung thực, tôn trọng hiện thực khách quan, chính xác, không được nhận định vội vàng. Tính hiệu quả, mọi NCKH là góp phần đổi mới hoạt động công đoàn góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, ổn định chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội quốc phòng, an ninh, đối ngoại…
Khó khăn trước mắt là hạ tầng khoa học công nghệ của các viện nghiên cứu, nhà trường, đơn vị trong hệ thống công đoàn vẫn còn chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển khoa học – công nghệ, hội nhập quốc tế, đặc biệt là thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao. Ngoài Viện Khoa học An toàn Vệ sinh lao động với bề dày 50 năm hoạt động, có đội ngũ cán bộ khoa học đông đảo, có hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ với 5 phòng thí nghiệm đạt chuẩn quốc gia (phòng thí nghiệm VILAS), thì các cơ sở nghiên cứu khoa học còn lại của công đoàn thiếu hụt rất nhiều. Vì thế để đáp ứng được mục tiêu đã đặt ra, Nghị quyết 16/NQ-BCH cũng đã đề ra 6 giải pháp thực hiện để khắc phục trở ngại, đạt được các mục tiêu theo yêu cầu:
- Nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm của các cấp công đoàn trong công tác nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo;
- Đổi mới về tổ chức, quản lý, chính sách phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong hệ thống Công đoàn Việt Nam;
- Nâng cao năng lực cho các viện nghiên cứu, trường đại học, các cơ sở đào tạo thuộc hệ thống Công đoàn Việt Nam;
- Thúc đẩy sự tham gia của các cấp công đoàn và người lao động trong phong trào nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo;
- Tăng cường hợp tác và hội nhập quốc tế về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo;
- Tăng cường nguồn lực tài chính cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Với các hình thức khác nhau, thông qua Nghị quyết, Ban chấp hành TLĐLĐVN tiếp tục động viên, toàn thể các cấp công đoàn, các viện nghiên cứu , trường đại học trong hệ thống công đoàn tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy NCKH, khơi dậy ý chí, tiềm năng, nguồn lực NCKH cho phát triển, để công tác NCKH góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả và đổi mới sáng tạo nhằm giải quyết có hiệu quả các vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra, góp phần đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam, thực hiện tốt nhiệm vụ đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động, phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng lớn mạnh, hiện đại, đáp ứng yêu cầu của tình hình phát triển mới.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.46, phần II, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr 367.
[2]. Bứt phá về năng suất, chất lượng nhờ đổi mới và sáng tạo công nghệ. Cục Thông tin KHCN quốc gia, 26/04/2022
[3]. Nghi quyết số 16/NQ-BCH ngày 22 tháng 02 năm 2022 Về đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ nhiệm vụ của tổ chức công đoàn trong tình hình mới.
GS.TS. Lê Vân Trình
Nguyên Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam
Nguyên viện trưởng Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động
(Nguồn tin: Vnniosh.vn)