Nghiên cứu kéo dài hơn 30 năm của NIOSH về các xu hướng mất thính lực

Thứ Sáu, 01/12/2023, 03:45(GMT +7)

Một nghiên cứu mới của Viện ATVSLĐ quốc gia Hoa Kỳ (NIOSH) kiểm chứng về các xu hướng mất thính lực trong vòng 30 năm, qua kinh nghiệm của người lao động (NLĐ) phơi nhiễm với tiếng ồn khi đang làm việc ở nhiều ngành sản xuất khác nhau. Nghiên cứu đã được đăng trên Tập san American Journal of Industrial Medicine cho thấy nhiều tiến bộ đã đạt được trong việc giảm thiểu nguy cơ mất thính lực tại hầu hết các ngành, tuy nhiên vẫn cần nhiều nỗ lực hơn nữa đặc biệt đối với các ngành khai khoáng, xây dựng, chăm sóc sức khỏe và trợ giúp xã hội.

Xấp xỉ 22 triệu NLĐ Mỹ phơi nhiễm với tiếng ồn nguy hại tại nơi làm việc. Việc phơi nhiễm lâu dài với tiếng ồn nguy hại, phơi nhiễm tiếng ồn lớn tức thời đơn lẻ, hay phơi nhễm với hóa chất gây ảnh hưởng đến khả năng nghe (hóa chất gây ngộ độc tai) có thể gây ra hiện tượng mất thính lực nghề nghiệp, liên quan đến tình trạng ốm yếu triền miên và suy nhược tiềm ẩn, nhưng hầu hết đều có thể phòng tránh được. Đây là nghiên cứu đầu tiên nhìn lại 30 năm các xu hướng mất thính lực theo ngành công nghiệp và cung cấp một cái nhìn tổng quan về việc làm thế nào NLĐ lại bị ảnh hưởng bởi các môi trường tiếng ồn nguy hại.

Giám đốc NIOSH, BS. John Howard cho biết: “Nhìn vào những xu hướng mất thính lực của tất cả các ngành công nghiệp  trong suốt một khoảng thời gian dài có thể cung cấp một sự hiểu biết sâu sắc về việc cần phải làm gì để bảo vệ NLĐ”. “Kiểm soát tiếng ồn tại nơi làm việc trực tiếp liên quan đến công tác phòng ngừa mất thính lực ở NLĐ tại tất cả các ngành công nghiệp và có thể tác động tích cực đến NLĐ tại nơi làm việc và tại gia đình”.

Trong nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu của NIOSH đã kiểm tra những đồ thị nghe – thu được từ các test kiểm tra của gần 2 triệu NLĐ phơi nhiễm với tiếng ồn từ năm 1981 đến 2010. Nghiên cứu đưa ra một số kết quả chính như sau:

– Sự phổ biến nói chung của hiện tượng mất thính lực ở NLĐ trong tất cả các ngành công nghiệp vẫn giữ ở mức 20% trong suốt 30 năm. Phổ biến là tổng số NLĐ bị mắc chứng mất thính lực (đang mắc hoặc mới mắc) và minh họa cho gánh nặng về bệnh tật.

– Tỷ lệ mắc và rủi ro liên quan đến mất thính lực giảm theo thời gian, cho thấy một vài tiến bộ thu được qua các nỗ lực phòng ngừa hiện tượng mất thính lực nghề nghiệp trong hơn 30 năm. Tỷ lệ mắc là số lượng các ca mới mắc chứng mất thính lực.

– Ngành xây dựng có tỷ lệ mắc chứng mất thính lực cao nhất trong hầu hết các khoảng thời gian.

– Những rủi ro về tỷ lệ mắc chứng mất thính lực đã thấp hơn đáng kể trong suốt những năm từ 2006 đến 2010 tại hầu hết các ngành công nghiệp trừ ngành khai khoáng, chăm sóc sức khỏe và trợ giúp xã hội.

Những nhân tố khác có thể đã góp phần vào việc cải thiện tỷ lệ mắc và rủi ro bao gồm sự giảm thiểu hoàn toàn việc hút thuốc lá, được xem là nhân tố rủi ro đối với hiện tượng mất thính lực, và việc điều trị tốt hơn đối với các chứng rối loạn tai giữa.

Những kết quả nghiên cứu thu được trong ngành khai khoáng, xây dựng, chăm sóc sức khỏe và trợ giúp xã hội cũng nhận được sự hỗ trợ từ nghiên cứu khác. Ngành khai khoáng là ngành có tỷ lệ phần trăm NLĐ phơi nhiễm với tiếng ồn cao hơn bất kỳ ngành công nghiệp nào ở Hoa Kỳ. Ngành xây dựng không có các yêu cầu bảo vệ thính giác nghiêm ngặt như hầu hết các ngành công nghiệp khác, hoạt động xây dựng lưu động, theo mùa và tỷ lệ lớn các nhà thầu độc lập góp phần vào khó khăn trong việc triển khai những thực hành bảo vệ thính giác. Trong khi chỉ có 4% NLĐ phơi nhiễm với tiếng ồn nguy hại trong ngành chăm sóc sức khỏe và trợ giúp xã hội, 74% NLĐ trong ngành này cho biết không đeo dụng cụ bảo vệ tai. Vẫn cần có nhiều  nỗ lực nhằm giảm bớt gánh nặng và rủi ro của chứng mất thính lực. Không có ngành công nghiệp nào mà NLĐ làm việc tại đó có thể được xem là “an toàn” đối với hiện tượng mất thính lực.

Tham khảo nghiên cứu Các xu hướng mất thính lực ở NLĐ theo ngành công nghiệp, 1981-2010 tại địa chỉ: http://onlinelibrary.wiley.com/doi/10.1002/ajim.22429/abstract

Biên dịch: Bích Hà


(Nguồn tin: Centers for Disease Control and Prevention)