Những công việc gây căng thẳng liên quan đến nguy cơ cao mắc các chứng rối loạn nhịp tim

Thứ Sáu, 01/12/2023, 11:47(GMT +7)

Những công việc gây căng thẳng nhất luôn đòi hỏi khắt khe về mặt tâm lý nhưng lại đưa ra rất ít quyền kiểm soát cho người lao động.

Theo một nghiên cứu xuất bản trên Tạp chí Tim mạch dự phòng Châu Âu (tạp chí của Hội tim mạch Châu Âu), khi làm một công việc căng thẳng sẽ gắn liền với rủi ro cao mắc bệnh rối loạn nhịp tim.

Những công việc gây căng thẳng nhất luôn đòi hỏi khắt khe về mặt tâm lý nhưng lại đưa ra rất ít quyền kiểm soát tình huống công việc cho người lao động như người lao động làm việc trên dây truyền lắp ráp, tài xế xe buýt, thư ký và y tá.

Nghiên cứu phát hiện ra rằng bị căng thẳng (stress) tại nơi làm việc liên quan đến 48% rủi ro cao mắc bệnh rung nhĩ, sau khi tính toán điều chỉnh về độ tuổi, giới tính và trình độ học vấn.

TS. Eleonor Fransson, tác giả nghiên cứu đồng thời là phó giáo sư về dịch tễ học Trường Y tế và Chăm sóc sức khỏe thuộc Đại học Jönköping, Thụy Điển cho biết: “Chúng ta cần người để thực hiện những công việc này, nhưng người sử dụng lao động có thể hỗ trợ bằng cách bảo đảm người lao động có tiềm lực để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Chủ lao động cần lập thời gian biểu giờ nghỉ và lắng nghe ý kiến của người lao động về việc làm thế nào để tự thân công việc cũng như môi trường lao động có thể được cải thiện.”

Bệnh rung nhĩ là hiện tượng phổ biến nhất của chứng rối loạn nhịp tim (arrhythmia). Các triệu chứng bao gồm: tim đập nhanh, cơ thể yếu, mệt mỏi, cảm thấy hơi choáng, chóng mặt và thở gấp.

Bệnh rung nhĩ gây ra từ 20 đến 30% các ca đột quỵ và làm tăng rủi ro tử vong sớm. ¼ số người trưởng thành ở độ tuổi trung niên tại Châu Âu và Hoa Kỳ mắc bệnh rung nhĩ. Ước tính đến năm 2030 sẽ có từ 14 đến 17 triệu bệnh nhân mắc bệnh rung nhĩ tại Liên minh Châu Âu, với từ 120,000 đến 215,000 ca được chẩn đoán mỗi năm.

TS. Fransson cho biết thêm: “Bệnh rung nhĩ là một bệnh phổ biến để lại hậu quả nghiêm trọng và do vậy ngành y tế cộng đồng cần nỗ lực tìm ra các phương pháp phòng ngừa căn bệnh này. Những yếu tố rủi ro gây bệnh rất ít được biết tới đặc biệt là vai trò của môi trường làm việc.”

Nghiên cứu tiến hành đánh giá mối liên quan giữa stress do công việc và bệnh rung nhĩ. Đã có 13,200 người đăng ký tham gia Cuộc khảo sát Sức khỏe nghề nghiệp theo chiều dọc Thụy Điển (SLOSH) vào năm 2006, 2008 hay 2010. Người tham gia được tuyển dụng làm việc và không có tiền sử mắc bệnh rung nhĩ, đau tim hay yếu tim. Ở phần tổng hợp nghiên cứu, người tham gia đã hoàn thiện các bản khảo sát qua đường bưu điện về nhân khẩu học xã hội, lối sống, sức khỏe và các yếu tố liên quan đến công việc.

Stress do công việc được định nghĩa như sự căng thẳng làm việc, chỉ những công việc có yêu cầu cao về mặt tâm lý học kết hợp với sự kiểm soát ở mức thập đối với tình huống công việc. Khảo sát bao gồm 05 câu hỏi về các yêu cầu công việc và 06 câu hỏi về sự kiểm soát, ví dụ: Bạn có phải làm việc quá nặng nhọc hay quá nhanh không? Có những yêu cầu đối nghịch nào trong công việc của bạn không? Bạn có đủ thời gian để hoàn thành các nhiệm vụ công việc của mình không? Công việc của bạn có phải lặp đi lặp lại nhiều không? Bạn có thể quyết định làm như thế nào và làm gì tại nơi làm việc không?

Trong thời gian khoảng 5.7 năm tiếp theo, đã xác định 145 ca mắc bệnh rung nhĩ từ số liệu ghi chép quốc gia.

Theo TS. Fransson : “Trong quần thể dân số đang làm việc nói chung ở Thụy Điển, thì những người lao động làm những công việc căng thẳng có tới 50% khả năng mắc bệnh rung nhĩ. Rủi ro ước tính vẫn tồn tại ngay cả khi chúng ta đã tính đến các yếu tố khác như hút thuốc lá, hoạt động thể chất trong giờ nghỉ, chỉ số khối cơ thể và chứng tăng huyết áp.”

Các tác giả sau đó kết hợp kết quả nghiên cứu thu được với 02 nghiên cứu khác cùng chủ đề và phát hiện thấy căng thẳng do công việc gắn liền với  37% tăng mức rủi ro mắc bệnh rung nhĩ. TS. Fransson cho biết: “Các nghiên cứu cho thấy có một khuôn mẫu nhất quán về stress do công việc đang là yếu tố rủi ro đối với chứng rung nhĩ.”

TS. Fransson đưa ra kết luận: “Stress do công việc trước đây đã được cho là liên quan đến bệnh tim mạch vành. Stress do công việc nên được coi là một yếu tố rủi ro có thể thay đổi được từ đó phòng ngừa bệnh rung nhĩ và bệnh tim mạch vành. Những người cảm thấy bị căng thẳng tại nơi làm việc, tim đập nhanh hay các triệu chứng khác của bệnh rung nhĩ cần đến khám bác sĩ và trao đổi về hướng cải thiện điều kiện làm việc với người sử dụng lao động.”

Hướng dẫn Châu Âu về phòng ngừa bệnh tim mạch đã nêu rõ stress tại nơi làm việc góp phần tạo ra rủi ro dẫn đến các bệnh về tim mạch và hiện có những tiên lượng mang tính tiêu cực. Việc đánh giá những yếu tố rủi ro về tâm lý xã hội được khuyến cáo đối với những người đang hoặc có nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch.

Xem toàn văn bản Tiếng Anh: Tại đây (pdf 230kb)

Tìm và dịch: Bích Hà


(Nguồn tin: European Society of Cardiology)