Những quy định của Nhà nước về An toàn vệ sinh lao động đối với thiết bị chịu áp lực: lắp đặt, sửa chữa

Thứ Sáu, 01/12/2023, 11:46(GMT +7)

1. Những quy định về lắp đặt

a. Việc lắp đặt thiết bị chịu áp lực phải có thiết kế lắp đặt, thiết kế phải đảm bảo đúng quy định của tiêu chuẩn Việt Nam về kỹ thuật an toàn hiện hành trong thiết kế lắp đặt. Người thiết kế lắp đặt phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về thiết kế lắp đặt.

b. Người lắp đặt thiết bị chịu áp lực phải có đủ các điều kiện sau đây:

– Có thợ chuyên nghiệp phù hợp; được trang bị hoặc có các điều kiện hợp tác, liên kết sử dụng ổn định đối với thiết bị kỹ thuật chuyên dùng đảm bảo chất lượng lắp đặt đúng quy định của thiết kế chế tạo, lắp đặt.

– Có đủ điều kiện đảm bảo tổ chức thực hiện việc kiểm tra chất lượng lắp đặt theo đúng yêu cầu kỹ thuật đã quy định.

– Có cán bộ kỹ thuật có trình độ chuyên môn về thiết bị chịu áp lực đủ năng lực để xây dựng quy trình lắp đặt, quy trình an toàn khi lắp đặt cũng như theo dõi và kiểm tra việc lắp đặt.

c. Người lắp đặt thiết bị chịu áp lực chỉ được thực hiện các công việc lắp đặt sau khi đã xây dựng quy trình lắp đặt, biện pháp thi công lắp đặt đảm bảo an toàn.

d. Người lắp đặt thiết bị chịu áp lực phải tuân thủ những quy định của thiết kế chế tạo, lắp đặt. Mọi sự thay đổi về thiết kế phải được sự đồng ý bằng văn bản của người thiết kế. Trong trường hợp không thể thực hiện được thì phải được sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền.

e. Thiết bị chịu áp lực sau khi lắp đặt phải được thử thủy lực với áp suất thử do người thiết kế quy định nhưng không được thấp hơn các quy định của tiêu chuẩn Việt Nam về kỹ thuật an toàn hiện hành.

g. Những thiết bị chịu áp lực được chế tạo đồng bộ đã được bọc bảo ôn, trong quá trình vận chuyển và lắp đặt không có biểu hiện bị va đập, biến dạng và đã được thử thủy lực trước khi xuất xưởng chưa quá 24 tháng đối với nồi hơi và 18 tháng đối với bình chịu áp lực thì không cần thiết phải thử thủy lực sau lắp đặt.

2. Những quy định về sửa chữa

a. Người sở hữu thiết bị chịu áp lực phải căn cứ vào tình trạng sử dụng an toàn của các thiết bị theo quy định của tiêu chuẩn Việt Nam về kỹ thuật hoặc của người chế tạo để xây dựng kế hoạch kiểm tra, sửa chữa thiết bị nhằm đảm bảo an toàn trong sử dụng.

b. Người tiến hành công việc sửa chữa phải lập phương án, quy trình sửa chữa và các biện pháp an toàn kèm theo.

c. Khi sửa chữa các bộ phận chịu áp lực phải được tiến hành theo quy trình sửa chữa đã được lập cùng với biện pháp an toàn.

d. Đối với các bình chịu áp lực làm việc với các môi chất độc phải tiến hành thu hồi, khử độc theo đúng quy trình kỹ thuật an toàn. Nghiêm cấm xả môi chất độc ra môi trường. Các bình làm việc với các môi chất có thể gây cháy nổ phải tiến hành làm sạch, đuổi khí theo đúng quy trình kỹ thuật an toàn và phải kiểm tra đạt nồng độ an toàn trước khi sửa chữa.

e. Khi sửa chữa chỉ được thay thế vật liệu, chi tiết chịu áp lực bằng vật liệu, chi tiết có tính chất và chất lượng tương đương.

g. Khi sửa chữa các bộ phận bên trong của thiết bị chịu áp lực phải tuân thủ các quy định về an toàn điện hạ áp; đèn điện dùng để chiếu sáng có điện áp không quá 12V. Cấm dùng đèn dầu và các đèn khác có chất dễ bốc cháy.

h. Mọi công việc lắp đặt, sửa chữa có liên quan đến hàn các chi tiết chịu áp lực phải do thợ hàn có giấy chứng nhận hàn áp lực thực hiện. Số lượng mối hàn, phương pháp và mức độ kiểm tra thực hiện theo quy định của tiêu chuẩn Việt Nam về kỹ thuật an toàn hiện hành.

i. Khi hoàn thành việc sửa chữa, người sửa chữa thiết bị chịu áp lực phải ghi rõ ngày tháng năm sửa chữa, lý do sửa chữa, kết quả sửa chữa và lý lịch của thiết bị.


(Nguồn tin: Tài liệu Bảo hộ lao động, 2012)