Những quy định của Nhà nước về An toàn vệ sinh lao động đối với thiết bị chịu áp lực: thiết kế và chế tạo

Thứ Sáu, 01/12/2023, 11:46(GMT +7)

1. Những quy định về thiết kế:

a. Người thiết kế, chế tạo thiết bị chịu áp lực phải tuân thủ các quy định của “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động nồi hơi và bình chịu áp lực”, QCVN: 01-2008/BLĐTBXH do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành tháng 11 năm 2008. Người thiết kế phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về hồ sơ thiết kế. Các thiết bị chịu áp lực được thiết kế, chế tạo theo các tiêu chuẩn nước ngoài có quy định khác về kết cấu phải được sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền.

b. Hồ sơ thiết kế bao gồm:

– Các bản vẽ kết cấu các bộ phận chịu áp lực, trong đó ghi đầy đủ các kích thước chi tiết các mối hàn, yêu cầu kỹ thuật và vật liệu sử dụng, bao gồm cả que hàn và dây hàn.

– Bản vẽ tổng thể thiết bị, trong đó chỉ rõ vị trí, quy cách và số lượng các thiết bị phụ đi kèm, các thiết bị đo kiểm, an toàn.

– Thuyết minh tính toán sức bền các bộ phận chịu áp lực và các tính toán cần thiết liên quan. Bản thuyết minh phải chỉ rõ số hiệu tiêu chuẩn quốc gia hoặc quốc tế cũng như tên các tài liệu kỹ thuật được tham chiếu khi tính toán thiết kế.

– Các bản thuyết minh về lắp đặt, kiểm tra thử nghiệm và hướng dẫn sử dụng an toàn. Khi chế tạo, lắp đặt, sử dụng, bảo dưỡng, sửa chữa.

c. Việc thay đổi thiết kế thiết bị chịu áp lực phải được sự đồng ý bằng văn bản của người thiết kế. Khi không thể thực hiện được thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền.

2. Những quy định về chế tạo

a. Người chế tạo thiết bị chịu áp lực phải thực hiện chế tạo theo đúng thiết kế và không thấp hơn các quy định về chế tạo của tiêu chuẩn Việt Nam về kỹ thuật an toàn hiện hành.

b. Người chế tạo thiết bị chịu áp lực phải bảo đảm có đủ năng lực sau đây:

– Có thợ chuyên nghiệp phù hợp, được trang bị hoặc có các điều kiện hợp tác, liên kết sử dụng ổn định đối với các thiết bị kỹ thuật chuyên dùng để bảo đảm chất lượng của thiết bị chịu áp lực được chế tạo đúng quy định của thiết kế.

– Có đủ điều kiện tổ chức thực hiện việc kiểm tra, thử nghiệm vật liệu và mối hàn theo yêu cầu của quy chuẩn và các yêu cầu kỹ thuật đã quy định.

– Có cán bộ kỹ thuật chuyên trách có trình độ chuyên môn về thiết bị chịu áp lực để theo dõi và tổ chức thực hiện việc kiểm tra chất lượng sản phẩm.

– Có khả năng tổ chức biên soạn và lập đầy đủ các tài liệu kỹ thuật theo quy định của
quy chuẩn.

3. Những quy định về kiểm tra trong quá trình chế tạo thiết bị chịu áp lực

Người chế tạo phải lập quy trình kiểm tra trong quá trình chế tạo thiết bị chịu áp lực và phải thực hiện việc kiểm tra theo đúng quy trình đã lập. Nội dung của quy trình kiểm tra phụ thuộc vào hệ thống quản lý chất lượng của từng cơ sở chế tạo nhưng bắt buộc phải bao gồm các công đoạn kiểm tra tối thiểu sau đây:

a. Kiểm tra vật liệu chế tạo: Vật liệu để chế tạo thiết bị chịu áp lực phải có văn bản xác nhận chất lượng, đặc tính của vật liệu do người sản xuất hoặc người bán vật liệu cung cấp, có đầy đủ tính pháp lý. Khi không có văn bản trên thì cơ sở chế tạo phải tiến hành kiểm tra, thử nghiệm vật liệu trước khi đưa vào chế tạo. Các chỉ tiêu phải kiểm tra là: thành phần nguyên tố kim loại và đối chiếu với mã hiệu kim loại tương đương. Giới hạn bền, giới hạn chảy và các chỉ tiêu cần thiết khác phục vụ cho chế tạo, lập hồ sơ.

b. Kiểm tra các công đoạn gia công chi tiết: Người chế tạo thiết bị chịu áp lực phải thực hiện kiểm tra các công đoạn gia công chi tiết theo đúng quy trình đã lập. Tất cả các sai lệch về kích thước và hình dạng so với thiết kế khi gia công chi tiết (kể cả các sai lệch nằm trong miền dung sai cho phép) đều phải được ghi chép cụ thể đối với các chi tiết được gia công bằng công nghệ ép miết (nóng hoặc nguội) phải kiểm tra để xác định chiều dày nhỏ nhất cho phép sau khi gia công. Kết quả đo chiều dày phải được ghi chép cụ thể. Đối với các chi tiết được gia công hàng loạt, người chế tạo phải thực hiện kiểm soát công nghệ, bảo đảm dung sai chế tạo trong phạm vi thiết kế cho phép và thực hiện kiểm tra xác suất lô hàng theo quy định của quy chuẩn.

c. Kiểm tra công đoạn hàn:

Người chế tạo thiết bị chịu áp lực phải lập các quy trình công nghệ hàn áp dụng cho các loại mối hàn trên thiết bị. Kiểm tra giấy chứng nhận thợ hàn áp lực của thợ hàn. Nếu có đủ giấy chứng nhận mới bố trí cho thợ hàn hàn các bộ phận chịu áp lực của thiết bị chịu áp lực theo đúng quy định trong giấy chứng nhận thợ hàn áp lực. Kiểm tra chất lượng mối hàn các bộ phận chịu áp lực của thiết bị theo quy định của các tiêu chuẩn Việt Nam hiện hành.

d. Thử thủy lực trước khi xuất xưởng

Thiết bị chịu áp lực phải được thử thủy lực trước khi xuất xưởng. Áp suất thử, thời gian thử thủy lực và đánh giá kết quả thử phải tuân thủ theo quy định của tiêu chuẩn áp dụng trong thiết kế, chế tạo nhưng không thấp hơn quy định của tiêu chuẩn Việt Nam hiện hành về kỹ thuật an toàn thiết bị chịu áp lực. Việc thử thủy lực phải được một hội đồng nghiệm thu và ký biên bản. Trong hội đồng bắt buộc tối thiểu phải có 2 thành viên có chức danh hoặc chức danh tương đương là chủ cơ sở (hoặc người được chủ cơ sở ủy quyền) và nhân viên kiểm tra chất lượng sản phẩm.

4. Những quy định về xuất xưởng thiết bị chịu áp lực

a. Tất cả các thiết bị chịu áp lực được lắp ráp hoàn chỉnh tại xưởng trước khi xuất xưởng phải đóng tên hoặc mã hiệu của người chế tạo, số chế tạo ở thân của thiết bị (chiều cao cỡ chữ, số, mã hiệu không nhỏ hơn 8mm). Đối với các thiết bị chịu áp lực được chế tạo từng bộ phận tại xưởng và lắp ráp hoàn chỉnh tại hiện trường phải đóng chìm các số liệu nêu trên tại các bộ phận chính như sau:

– Đối với nồi hơi: trên các ba lông, ống góp, ống góp bộ quá nhiệt.

– Đối với bình chịu áp lực: trên các đáy và các khoang thân.

Vị trí đóng các số liệu phải bảo đảm sao cho khi cần kiểm tra không phải tháo đỡ bảo ôn hoặc phải tháo dỡ ít nhất và phải được xác định rõ vị trí trong lí lịch của thiết bị.

b. Tất cả các thiết bị chịu áp lực được lắp ráp hoàn chỉnh tại xưởng, khi xuất xưởng phải được gắn nhãn bằng kim loại ghi đầy đủ các thông số sau:

– Đối với nồi hơi: tên cơ sở chế tạo; mã hiệu nồi hơi; tháng năm chế tạo; số chế tạo; áp suất làm việc lớn nhất; áp suất thử; nhiệt độ hơi quá nhiệt (nếu có); công suất.

– Đối với bình áp lực: Tên cơ sở chế tạo; tháng năm chế tạo; số chế tạo; áp suất làm việc lớn nhất, áp suất thử; dung tích; nhiệt độ làm việc.

– Đối với các chai: Tên cơ sở chế tạo (hoặc mã hiệu của người chế tạo); tháng năm chế tạo (hoặc khám nghiệm xuất xưởng); số chế tạo; áp suất làm việc lớn nhất và áp suất thử; khối lượng thực của chai rỗng; dung tích chai. Khi không có chỗ gắn nhãn thì nhãn có thể được thay bằng cách đóng lên phần vai nếu như chiều dày của nó lớn hơn chiều dày của thành chai. Trong trường hợp này chiều cao mã hiệu, chữ, số đóng cho phép nhỏ nhất là 6mm.

Đối với các thiết bị chịu áp lực được lắp ráp hoàn chỉnh tại hiện trường cho phép gắn nhãn sau khi lắp ráp hoàn chỉnh.

c. Người chế tạo lưu tại cơ sở và sao gửi mẫu bộ chữ, số, mã hiệu cho Sở LĐ-TB và XH địa phương và xây dựng quy chế quản lý chặt chẽ đối với bộ chữ, số, mã hiệu dùng để đóng lên nồi hơi, bình chịu áp lực. Khi thay đổi, thay mới một hoặc cả ba loại trên thì phải sao gửi lại.

d. Thiết bị chịu áp lực được xuất xưởng khi có đủ các điều kiện sau đây:

– Đã được thử thủy lực và xác nhận chất lượng theo đúng yêu cầu của tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn hiện hành.

– Có bản danh mục, thông số kỹ thuật đầy đủ của các thiết bị đo kiểm, cơ cấu an toàn và phụ kiện, thiết bị kèm theo.

– Có đầy đủ hồ sơ và các tài liệu, lý lịch thiết bị theo mẫu quy định có kèm theo các bản vẽ kết cấu thiết bị, các thuyết minh tính toán sức bền. Các chứng chỉ kiểm tra chất lượng và biên bản thử thủy lực xuất xưởng, thuyết minh hướng dẫn sử dụng, lắp đặt, bảo dưỡng và bảo quản thiết bị, yêu cầu về chất lượng nước cấp và các yêu cầu khác (nếu có).

– Đã đóng chữ chìm và gắn nhãn theo qui định.

e. Với các chi tiết hoặc cụm chi tiết của thiết bị chịu lực áp lực được chế tạo tại xưởng và chuyển giao cho đơn vị khác lắp đặt hoàn chỉnh tại hiện trường phải có chứng chỉ xuất xưởng xác nhận bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật của thiết kế. Ví dụ hình 19.2 cho thấy một thiết bị hàn cắt có lắp van dập lửa tạt lại.

Hình 19.2 : Thiết bị hàn cắt có lắp van dập lửa tạt lại


(Nguồn tin: Tài liệu Bảo hộ lao động, 2012)