Những yêu cầu chung để đảm bảo an toàn lao động đối với công việc hàn hơi

Thứ Sáu, 01/12/2023, 11:47(GMT +7)

Hàn hơi (hay gọi là hàn khí) là phương pháp hàn sử dụng nhiệt của ngọn lửa sinh ra khi đốt cháy các khí cháy (C2H2, CH4, …) hoặc H2 với Oxy để nung chảy kim loại.

Thiết bị hàn hơi là những thiết bị và các phụ kiện kèm theo để phục vụ cho công việc hàn hơi, bao gồm: bình sinh khí acetylen, các chai chứa khí dùng trong công việc hàn hơi và các thiết bị hàn, cắt kim loại. Thiết bị hàn cắt kim loại bao gồm: van giảm áp, dây dẫn, mỏ cắt, mỏ hàn.

1. Yêu cầu chung

–  Việc chọn quy trình công nghệ hàn hơi ngoài việc phải đảm bảo an toàn cháy, nổ còn phải tính đến khả năng phát sinh các yếu tố nguy hiểm và có hại khác (khả năng bị chấn thương cơ khí, bụi và hơi khí độc, bức xạ nhiệt, đổ chai …), đồng thời phải có các biện pháp an toàn và vệ sinh lao động để loại trừ chúng.

–  Công việc hàn hơi có thể tổ chức cố định trong các nhà xưởng, ở ngoài trời hoặc tổ chức tạm thời ngay trong những công trình xây dựng, sửa chữa.

–  Khi tiến hành công việc hàn hơi tại những nơi có nguy cơ cháy, nổ phải tuân theo các quy định an toàn.

–  Khi tiến hành công việc hàn hơi trong các hầm, buồng, thùng, khoang bể kín phải đặt thiết bị axetylen, chai chứa axetylen và chai oxy ở bên ngoài; cử người nắm vững kỹ thuật an toàn giám sát và phải có biện pháp an toàn cụ thể, phòng chống cháy, nổ, ngộ độc và được người có trách nhiệm duyệt, cho phép. Thợ hàn phải đeo găng tay và sử dụng dây an toàn, dây an toàn được nối tới chỗ người giám sát.

– Phải thực hiện thông gió, với tốc độ gió từ 0,3 đến 1,5 m/s.

– Phải kiểm tra đảm bảo trong hầm, thùng, khoang bể kín không có hơi khí độc, hơi khí cháy nổ mới cho người tiến hành công việc hàn hơi.

–  Cấm hàn hơi ở các hầm, thùng, khoang, bể kín đang có áp suất hoặc đang chứa chất dễ cháy, nổ.

–  Sử dụng khí:  Khi nối van chai chứa khí không khít thì không được dùng lực cưỡng bức. Ren của đầu nối bộ điều chỉnh nối hoặc các dụng cụ phụ phải phù hợp với đầu ra của van chai chứa khí.

 Van chai chứa:

+ Van chai phải luôn luôn đóng (đầy hoặc hết) trừ khi chai chứa đang được sử dụng.

+ Đầu ra của van không được hướng vào người khi đang mở.

+ Phải đóng van khi ngừng sử dụng.

+ Phải mở van chai từ từ.

+ Van chai không có tay vặn phải có chìa vặn (chìa khóa) kèm theo và chỉ được dùng chúng để mở, chìa vặn (chìa khóa) phải để lại trên van trong lúc chai đang sử dụng.

+ Đối với van có tay vặn không được dùng cờ lê, mỏ lết, búa hoặc dùng các dụng cụ khác để mở hoặc đóng van.

+ Không được dùng lực mạnh để vặn van chai chứa.

+ Liên hệ với nhà cung cấp khí nếu việc vận hành van gặp khó khăn. Không được tra dầu mỡ van chai.

+ Van vận hành tự động phải được vận hành phù hợp với các chú dẫn.

+ Không được sửa chữa van áp suất dư, đặc biệt là hộp kín, để tránh chai chứa khí hoàn toàn không còn khí.

– Không được làm giảm áp suất dư trong chai chứa thấp hơn áp suất làm việc của hệ thống hoặc thấp hơn áp suất dư nhỏ nhất để ngăn dòng ngược của không khí hoặc các tạp chất khác thâm nhập vào trong chai. Van chai phải khóa để giữ áp suất dư trong chai nhỏ nhất trong khoảng từ 0,5 bar đến 2 bar.

– Trước khi tháo bộ điều chỉnh áp suất khỏi chai chứa, phải khóa van chai và bộ điều chỉnh phải xả hết áp suất khí.

– Bộ điều chỉnh, áp kế, ống mềm và các dụng cụ khác được cung cấp để dùng cho mỗi loại khí, không được sử dụng với chai chứa các khí khác.

– Chỉ được sử dụng chai chứa khí ở vùng được thông gió.

2. Yêu cầu đối với các chai chứa khí trong công việc hàn hơi (bao gồm các chai axetylen, oxy, LPG):

Bình sinh khí di động không được đặt ở những vị trí sau:

+  Dưới hầm sâu nếu không khí lưu thông khó khăn.

+ Ở nơi công cộng như nhà hát, rạp chiếu bóng v.v….

+ Ở tầng dưới mà phía trên có người ở hoặc làm việc.

+ Ở gần lò rèn, lò đúc, bếp đun, giàn đặt nồi hơi và gần các nguồn lửa.

+ Ở nơi có khí cháy nổ.

– Cấm đặt bình sinh khí axetylen di động đang hoạt động trên các phương tiện vận tải đang di chuyển.

–  Cho phép đặt bình sinh khí axetylen di động và chai oxy trên cùng một xe kéo để di chuyển ở cự ly gần với điều kiện sau:

+ Bình sinh khí và chai oxy phải được chằng giữ chắc chắn và giữa chúng phải có đệm lót;

+ Dây dẫn khí, mỏ hàn, mỏ cắt phải để ở chỗ riêng biệt trên xe.

– Khi chuyên chở bình sinh khí đi xa phải xả hết khí axetylen (áp suất theo bảng), bã canxi hydroxit và canxi cacbua ra ngoài.

– Phải loại bỏ chai axetylen khi không còn khả năng nạp axeton và khi chất xốp trong chai đã bị biến chất.

– Chỉ được phép tiến hành sửa chữa bình sinh khí axetylen di động sau khi đã thực hiện các biện pháp khử khí axetylen trong bình sinh khí.

3. Yêu cầu an toàn trong sửa chữa thiết bị hàn cắt kim loại

–  Chỉ những người đã được đào tạo và có chứng chỉ mới được phép sửa chữa các thiết bị dùng cho oxy, axetylen, LPG.

–  Việc tháo lắp, sửa chữa thiết bị hàn cắt dùng cho oxy, axetylen, LPG phải thực hiện trên các bàn riêng biệt. Bàn đặt thiết bị ô xy không được dính dầu mỡ.

– Các chi tiết, bộ phận sau khi sửa chữa phải được tẩy sạch dầu mỡ, rửa bằng nước nóng và sấy khô.

– Mỏ hàn, mỏ cắt sau khi sửa chữa phải được thử nghiệm, đạt yêu cầu mới được phép đưa vào sử dụng.

– Trong quá trình làm việc, nếu có hiện tượng rò khí phải ngừng công việc để sửa chữa.

4. Yêu cầu an toàn đối với nơi sản xuất, bố trí thiết bị và tổ chức công việc hàn hơi.

*  Nhà xưởng

+  Diện tích chỗ làm việc ít nhất là 4 m2 cho một thợ hàn (không kể diện tích đặt thiết bị, đường đi lại).

+ Chiều rộng lối đi lại nhỏ nhất 1m.

+ Chiều cao từ sàn đến điểm thấp nhất của mái ít nhất là 3,25m.

+ Các gian phải làm bằng vật liệu khó cháy hoặc không cháy với cấp chịu lửa thấp nhất là cấp II.

+ Sàn phải làm bằng vật liệu không cháy, có độ dẫn nhiệt kém, dễ cọ rửa.

+ Chiếu sáng tự nhiên và chiếu sáng nhân tạo phải phù hợp với quy định về chiếu sáng chỗ làm việc.

+ Thông thoáng.

* Khu vực tổ chức hàn cắt

+ Tất cả các công việc hàn cắt kim loại bằng ngọn lửa phải cách xa chỗ đặt bình sinh khí axetylen di động ít nhất 10 m; cách ống dẫn khí ít nhất 1,5 m; cách điểm trích khí ít nhất 3m.

+ Ở những phân xưởng thường xuyên tiến hành lắp ráp và hàn các kết cấu kim loại lớn cần được trang bị giá lắp ráp và thiết bị nâng chuyển.

*  Kho chứa chai

+ Các chai chứa khí cháy phải được bảo quản trong các kho ngoài trời hoặc trong nhà theo thiết kế đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

+ Không được tồn chứa chai chứa khí cháy trong các tòa nhà siêu thị, rạp chiếu bóng, câu lạc bộ, khách sạn, hội trường.

+ Nơi bảo quản chai chứa khí cháy phải đảm bảo thông thoáng, không được bảo quản ở những nơi thấp hơn mặt bằng xung quanh, trong hầm chứa, trong tầng ngầm.

+ Phải kiểm tra các chai chứa khí còn hạn sử dụng mới được thực hiện việc hàn cắt.

 Không được dùng hết khí trong chai, đối với oxy, áp suất khí còn lại trong chai phải đảm bảo nhỏ nhất là 0,5 at. Riêng đối với các chai axetylen áp suất khí còn lại trong chai không được nhỏ hơn các trị số ghi trong bảng dưới đây:

Nhiệt độ oC

< 0

Từ 0 đến 15

Trên 15 đến 25

Trên 25 đến 35

Áp suất dư tối thiểu, at

0,5

1,0

2,0

3,0

 Không được phép dùng xơ đay, sợi bông để làm đệm chèn các van chai oxy.

* Trước khi tiến hành công việc hàn cắt phải:

+ Thu dọn gọn gàng chỗ làm việc.

+ Kiểm tra độ kín của các mối liên kết trên thiết bị hàn, cắt, ống dẫn, dây dẫn khí.

+  Kiểm tra tình trạng của bình sinh khí, van giảm áp, ống dẫn khí, các van đóng ngắt, bình dập lửa.

*Khi tiến hành hàn cắt trên cao phải thực hiện đầy đủ các quy định hiện hành.

+ Khi hàn cắt các thiết bị điện phải có biện pháp phòng ngừa khả năng đóng điện bất ngờ vào thiết bị.

+ Không được phép tiến hành hàn cắt trên các thiết bị, đường ống đang có áp suất.

+ Khi hàn cắt kim loại dưới nước phải thực hiện đầy đủ các biện pháp an toàn quy định trong các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật liên quan.

5. Thiết bị hàn cắt kim loại (van giảm áp, dây dẫn, mỏ cắt, mỏ hàn)

–  Trước khi lắp van giảm áp vào chai phải kiểm tra tình trạng ren của đai ốc lồng và ống cụt. Không được phép sử dụng các bộ giảm áp bị hư hỏng. Khi van chai bị hư hỏng không được tự ý sửa chữa mà phải trả lại cho nơi nạp.

–  Khi lắp van giảm áp vào chai phải dùng chìa vặn chuyên dùng. Không được xiết đai ốc lồng khi van chai đang ở trạng thái mở.

– Không được đấu chạc phân nhánh vào ống dẫn khí để cấp cho nhiều mỏ hàn.

– Ống dẫn mềm không được dài quá 20 m (tính từ bầu dập lửa tới mỏ hàn). Trong trường hợp khác phải được sự đồng ý của người có trách nhiệm.

– Ống dẫn khí phải sử dụng đúng cho từng loại khí, không được dùng lẫn lộn.

– Không được để chai chứa khí, ống dẫn khí tiếp xúc với dây dẫn điện và các bộ phận dẫn điện. Không được để các nguồn nhiệt, vật nặng tác động lên ống dẫn.

– Không được sử dụng ống dẫn khí bị hư hỏng. Khi phải nối ống, chiều dài đoạn ống nối không được nhỏ hơn 3m, trên một ống dẫn không được quá hai mối nối.

6. Yêu cầu về nguyên liệu, phôi, bảo quản và vận chuyển.

– Bề mặt của phôi và chi tiết khi đưa vào hàn cắt phải được khử sạch sơn, dầu mỡ, gỉ và bụi bẩn. Các cạnh, mép của phôi, chi tiết trước khi hàn phải làm sạch ba via.

– Khi khử dầu mỡ trên bề mặt của vật hàn phải dùng những chất không gây cháy nổvà không độc hại.

– Việc bảo quản, vận chuyển, chất xếp phôi hàn, vật liệu hàn và các thành phẩm không được làm ảnh hưởng đến vấn đề an toàn vận hành thiết bị, không gây trở ngại cho việc chiếu sáng tự nhiên, thông gió, đường vận chuyển, lối đi, cản trở việc sử dụng các thiết bị phòng chống cháy, nổ và các phương tiện bảo vệ cá nhân.

(Theo QCVN 17: 2013/BLĐTBXH)


(Nguồn tin: Nilp.vn)