Những yêu cầu và nhiệm vụ hoạt động khoa học, công nghệ An toàn, vệ sinh lao động đến năm 2030 trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và hậu Covid-19 ở Việt Nam

Thứ Sáu, 01/12/2023, 11:48(GMT +7)

Những thành tựu về An toàn, vệ sinh lao động của Việt Nam

Trong những năm qua, thực hiện công cuộc đổi mới theo đường lối chính sách của Đảng, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn trong sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội, tạo ra những tiền đề vững chắc đưa đất nước chuyển sang một thời kỳ mới, thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nhờ sự phát triển đó và với những đổi mới trong công tác quản lý Nhà nước về lao động, công tác an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) được quan tâm đầy đủ hơn, điều kiện làm việc, sức khỏe người lao động từng bước được cải thiện.

Đến nay, hệ thống pháp luật ATVSLĐ đã được ban hành tương đối đầy đủ, đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý và tổ chức thực hiện. Tuy vậy, công nghiệp hoá, hiện đại hoá cũng phát sinh những yếu tố nguy hiểm, độc hại mới dẫn đến người lao động phải làm việc trong điều kiện có nhiều nguy cơ mất an toàn; việc tuân thủ pháp luật về ATVSLĐ của phần lớn các doanh nghiệp còn yếu, đặc biệt là ở khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ, khu vực phi chính thức, sản xuất nông nghiệp, làng nghề, trong đó có các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nằm trong chuỗi cung ứng của các ngành sử dụng nhiều lao động.

Những thách thức đối với công tác đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người lao động và phát triển bền vững của doanh nghiệp và nền kinh tế

Giai đoạn 2021 – 2030, công tác ATVSLĐ còn có rất nhiều thách thức, khó khăn, như:  Sự phát triển mạnh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ với trình độ công nghệ còn lạc hậu; việc nhập khẩu và đưa vào sử dụng các máy, công nghệ, vật liệu mới tiềm ẩn những nguy cơ về AT, SK không thể lường trước; xu thế phát triển mạnh các ngành công nghiệp khai khoáng, xây dựng, năng lượng, hoá chất và sự gia tăng sử dụng điện sẽ làm tăng nguy cơ mất an toàn, vệ sinh và ô nhiễm môi trường lao động; sự phát triển các làng nghề, khu vực kinh tế hộ gia đình trong cơ chế thị trường nếu thiếu sự kiểm soát về ATVSLĐ cũng tiếp tục làm gia tăng nguy cơ rủi ro cho người lao động, gây ô nhiễm môi trường; lực lượng lao động tăng nhanh cùng với sự chuyển dịch một lượng lớn lao động từ khu vực nông nghiệp sang khu vực công nghiệp với trình độ tay nghề thấp, chưa có tác phong công nghiệp; việc ứng dụng công nghệ số, cách thức quản lý trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 chưa được đầu tư nghiên cứu, áp dụng phù hợp.

Công nghệ robot – Cơ điện tử (Robotics – Mechatronics) sẽ được xem là một trong những trụ cột của nền công nghiệp 4.0 với những nhà máy thông minh và doanh nghiệp được chuyển đổi số hóa toàn diện, cũng như nhiều ứng dụng trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống. Trong khi chúng ta chưa có nghiên cứu để đánh giá tác động và tìm hiểu những mối nguy, rủi ro trong lao động và đời sống. Một vấn đề thời đại đó là việc sử dụng trí tuệ nhân tạo được dự đoán sẽ ảnh hưởng và biến đổi các cấu trúc kinh tế-xã hội toàn cầu. Các ứng dụng AI được xem là thách thức không nhỏ đối với những người làm công tác AT và SKNN trong tương lai. Chuyển đổi kỹ thuật số là yếu tố thay đổi cuộc chơi. Các hình thức việc làm mới dẫn đến sự gia tăng lao động tự do, lao động không thường xuyên, dẫn đến “Việc làm tiêu chuẩn”, loại việc làm đảm bảo an toàn với các tiêu chuẩn quản lý môi trường, ATVSLĐ trong không gian của doanh nghiệp sẽ giảm. Với các hợp đồng phụ người lao động có khả năng không được đảm bảo theo các quy định về ATVSLĐ. Thế giới kỹ thuật số tác động đến mọi loại hình công việc. Điều này cho thấy cả rủi ro và cơ hội cho một thế giới việc làm vì an toàn, sức khỏe và hạnh phúc cho người lao động.

Từ năm 2020 đến nay, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, kéo dài ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng, đời sống của các tầng lớp nhân dân, người lao động và hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình. Mục tiêu của Chương trình là phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, ưu tiên một số ngành, lĩnh vực quan trọng, phấn đấu đạt mục tiêu của giai đoạn 2021 – 2025. Cụ thể: Tăng trưởng GDP bình quân 6,5 – 7%/năm; Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô; Phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả; bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, nhất là người lao động, người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh.

Định hướng, quan điểm và các mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu của công tác an toàn, vệ sinh lao động

Nghị quyết Số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đặt ra một số mục tiêu cụ thể đến năm 2025 là cơ bản hoàn thành chuyển đổi số trong các cơ quan đảng, nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội; một số mục tiêu cụ thể đến năm 2030, gồm: Kinh tế số chiếm trên 30% GDP; năng suất lao động tăng bình quân khoảng 7,5%/năm. Hoàn thành xây dựng Chính phủ số. Với tầm nhìn đến năm 2045Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo thuộc nhóm dẫn đầu khu vực Châu Á; có năng suất lao động cao, có đủ năng lực làm chủ và áp dụng công nghệ hiện đại trong tất cả các lĩnh vực kinh tế – xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và Chính sách phát triển và nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia là Cơ cấu lại toàn diện hệ thống các cơ sở nghiên cứu khoa học công nghệ công lập. Xây dựng và phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, tập trung vào các công nghệ cốt lõi của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Từ đó, Chính sách thúc đẩy chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội, gồm: Xây dựng cơ sở dữ liệu số của Chính phủ và các cấp chính quyền; Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thu thập, quản lý dữ liệu và giao dịch trên nền tảng Internet; Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Tại Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị, đưa ra Mục tiêu tổng quát là xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh, là lực lượng tiên phong trong thực hiện nhiệm vụ phát triển nhanh và bền vững đất nước; Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công đoàn đáp ứng yêu cầu tình hình mới vưới chỉ đạo cụ thể là Tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động theo hướng khoa học, sáng tạo, phù hợp với từng đối tượng đoàn viên, người lao động.

Triển khai các yêu cầu trên, Ban chấp hành Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 16/NQ-BCH ngày  22 tháng 02 năm 2022 về đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ nhiệm vụ của tổ chức công đoàn trong tình hình mới, trong đó với lĩnh vực khoa học, công nghệ an toàn, vệ sinh lao động, Nghị quyết yêu cầu: Xây dựng Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia về An toàn, vệ sinh lao động giai đoạn 2023 – 2028; đầu tư các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động và bảo vệ môi trường, bệnh viện bệnh nghề nghiệp. Đồng thời là các nhiệm vụ: xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học có chất lượng; tăng cường đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng lực lượng cán bộ khoa học, công nghệ có đủ năng lực thực hiện các dự án, các đề tài khoa học quan trọng trong và ngoài nước; đào tạo, thu hút nguồn cán bộ khoa học từ sinh viên xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ; tăng cường công bố sản phẩm nghiên cứu bằng việc thiết lập các quy định về số lượng, nội dung các sản phẩm nghiên cứu trên các tạp chí nguyên môn thuộc danh mục của Hội đồng giáo sư nhà nước, hoặc các tạp chí khoa học nước ngoài uy tín thuộc các danh mục Scopus, ISI.

Với các giải pháp đồng bộ, trong đó có giải pháp, như: thúc đẩy sự tham gia của các cấp công đoàn và người lao động trong phong trào nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Tăng cường hợp tác và hội nhập quốc tế về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, cụ thể như: Chủ động tăng cường hợp tác nghiên cứu chung với các đối tác quan trọng ở các nước có trình độ khoa học và công nghệ tiên tiến và tăng cường trao đổi chuyên gia giữa các bên trong công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ.

Các nhiệm vụ khoa học, công nghệ An toàn, vệ sinh lao động tầm nhìn đến năm 2030

Về tổng thể và dài hạn, các nhiệm vụ KHCN đầu tư cho công tác nghiên cứu ứng dụng các giải pháp ATVSLĐ, CSSK ban đầu cho người lao động, phục hồi chức năng lao động; hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn của Việt Nam phù hợp với tình hình mới và đẩy nhanh tốc độ hài hòa với các tiêu chuẩn quốc tế; các giải pháp công nghệ giám sát an toàn đối với các hệ thống công nghệ, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ, ô nhiễm môi trường lao động bằng công nghệ tự động, số hóa; nghiên cứu bổ sung các BNN mới vào danh mục BNN, nghiên cứu tổng quan và chuyên sâu về tâm sinh lý lao động, sức khỏe tâm thần, đặc biệt là yếu tố tâm lý xã hội và khỏe tâm thần của NLĐ tại nơi làm việc, nhất là trong thời kỳ diễn ra đại dịch COVID-19; xây dựng cơ sở dữ liệu về các ca bệnh, CSSK tâm thần cho NLĐ, tạo động lực cho họ trong bối cảnh đại dịch. Tập trung đánh giá, dự đoán và chuẩn bị cho những thách thức và cơ hội mà công nghệ AI sẽ đem lại cho lĩnh vực ATVSLĐ. Cơ sở khoa học và thực tiễn định hướng cho công tác đảm bảo ATVSLĐ, BVMT trong giai đoạn mới cần căn cứ vào diễn biến ĐKLĐ, vào những nguy cơ mới về sức khỏe và BNN mà giai đoạn phát triển trước đây chưa nghiên cứu tổng kết, đánh giá và dự báo một cách đầy đủ.

Trong quá trình hội nhập, chúng ta tiếp nhận các mặt tích cực do cách mạng công nghiệp đem lại, nhưng  phải nhận thức đầy đủ về những cạm bẫy và nguy cơ tiềm ẩn của nó. Không thể bỏ qua những thiệt hại tiềm tàng đối với sức khỏe con người và môi trường do hội nhập và phát triển gây ra. Có các biện pháp để loại trừ các nguy có rủi ro do nó mang lại. Bởi vì, xét trên góc độ kinh tế, đó là nguyên nhân trực tiếp và gián tiếp làm giảm năng suất lao động, lợi nhuận của doanh nghiệp. Vì vậy, đi đôi với việc không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, luôn cần phải coi trọng công tác ATVSLĐ, để có thể kiểm soát được các nguy cơ, rủi ro, hạn chế tối đa TNLĐ, BNN có thể xảy ra trong quá trình sản xuất góp phần phát triển bền vững của doanh nghiệp và nền kinh tế – xã hội.

TS. Nguyễn Anh Thơ

Quyền Viện trưởng Viện Khoa học An toàn và vệ sinh lao động

Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam


(Nguồn tin: Vnniosh.vn)