Phương hướng triển khai thực hiện hệ thống quản lý an toàn vệ sinh lao động

Thứ Sáu, 01/12/2023, 11:45(GMT +7)

Báo cáo của Ủy ban về An toàn và Sức khỏe tại nơi làm việc Vương quốc Anh về tình hình ATVSLĐ năm 1972 cho thấy có sự chuyển dịch từ những quy định mang đặc trưng công nghiệp sang khuôn khổ luật pháp bao trùm toàn bộ các ngành sản xuất và người lao động. Đây chính là khởi đầu của xu thế hướng tới một cách tiếp cận có hệ thống hơn trong công tác ATVSLĐ.

Mô hình chuyển đổi này đã được đưa vào Đạo luật về ATVSLĐ năm 1974 tại Anh, cũng như trong luật pháp quốc gia tại một số nước công nghiệp hóa. Ở cấp quốc tế, Công ước của ILO về ATVSLĐ Số 155 năm 1981 và văn bản khuyến nghị số 164 của công ước này, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng cốt yếu của cơ chế tham vấn ba bên trong việc triển khai thực hiện công tác ATVSLĐ cả ở cấp quốc gia và quốc tế. Sau một vài năm, sự phức tạp và thay đổi ngày càng tăng và nhanh chóng về tính chất của thế giới việc làm đòi hỏi có những hướng tiếp cận mới, nhằm duy trì sự an toàn và lành mạnh của điều kiện cũng như môi trường làm việc. Các mô hình quản lý doanh nghiệp được thiết kế nhằm đảm bảo đáp ứng kịp thời trước những thay đổi trong hoạt động kinh doanh, thông qua việc đánh giá hoạt động triển khai liên tục, nhanh chóng được xác định như những mô hình khả thi nhằm phát triển một hướng tiếp cận hệ thống trong việc quản lý ATVSLĐ. Hướng tiếp cận này nhanh chóng được xem như cách thức hiệu quả để đảm bảo triển khai thực hiện chặt chẽ các biện pháp ATVSLĐ, tập trung vào việc liên tục đánh giá và cải thiện việc thực hiện cũng như tự điều chỉnh.

Trước yêu cầu cần giảm bớt các ca trấn thương, đau ốm, tử vong nghề nghiệp và hệ lụy của chúng như: chi phí, tổn thất thì việc tăng cường phương pháp truyền thống – ra lệnh và kiểm soát – cũng như các hướng tiếp cận quản lý đã được tìm hiểu xem xét kỹ nhằm phục vụ công tác triển khai thực hiện có hiệu quả hơn. Điển hình phải kể tới là kỹ thuật “thái độ căn cứ trên sự an toàn”, phương pháp kiểm tra và đánh giá nguy cơ về sức khỏe và an toàn đã được cải thiện hoặc kế hoạch dành cho hệ thống quản lý. Trong những năm gần đây, việc áp dụng các mô hình hệ thống trong công tác ATVSLĐ, có tính đến cả hướng tiếp cận các hệ thống quản lý ATVSLĐ, đã thu hút được sự chú ý của các doanh nghiệp, chính phủ và các tổ chức quốc tế, nó được xem như một chiến lược đầy hứa hẹn nhằm làm hài hòa giữa yêu cầu của công tác ATVSLĐ và yêu cầu của doanh nghiệp, đồng thời đảm bảo việc tham gia có hiệu quả hơn của NLĐ trong hoạt động triển khai các biện pháp phòng ngừa.

Đã hơn một thập kỷ trôi qua kể từ khi khái niệm về hệ thống quản lý ATVSLĐ được quảng bá như một cách thức hiệu quả nhằm cải thiện việc triển khai thực hiện công tác ATVSLĐ tại nơi làm việc, thông qua hình thức bảo đảm những yêu cầu về ATVSLĐ phải được tính đến trong kế hoạch hoạt động và phát triển của doanh nghiệp. Kể từ đó tới nay, đã có rất nhiều tiêu chuẩn, hướng dẫn về ATVSLĐ được tuyên truyền phổ biến bởi các cơ quan chuyên môn, các cơ quan Chính phủ và quốc tế hoạt động trong lĩnh ATVSLĐ. Nhiều nước đã xây dựng các chiến lược ATVSLĐ quốc gia, trong đó có đề cập đến hướng tiếp cận hệ thống quản lý. Ở cấp quốc tế,  ILO đã xuất bản Hướng dẫn về hệ thống quản lý ATVSLĐ (ILO-OSH 2001) năm 2001 và nhờ có hướng tiếp cận 3 bên, tài liệu này đã trở thành mô hình được áp dụng rộng rãi trong hoạt động tuyên truyền phổ biến các tiêu chuẩn thuộc lĩnh vực ATVSLĐ.


(Nguồn tin: OSH Management system- A tool for continual improment, ILO)