Quyền và nghĩa vụ trong công tác an toàn vệ sinh lao động

Thứ Sáu, 01/12/2023, 11:46(GMT +7)

Trách nhiệm của chính phủ, người sử dụng lao động và người lao động phải được nhìn nhận như sự bổ sung và tăng cường qua lại trong nhiệm vụ cải thiện công tác ATVSLĐ nhằm đạt tới mức độ tốt nhất trong phạm vi bắt buộc của các điều kiện và thông lệ quốc gia.

Quyền của người lao động

Việc bảo vệ cuộc sống và đảm bảo an toàn và sức khỏe tại nơi làm việc ngày càng được nhìn nhận như quyền cơ bản của NLĐ. Trong Tuyên bố quốc tế về nhân quyền của Liên Hợp quốc năm 1948, (Điều 23):

Mọi người đều có quyền lao động, tự do lựa chọn việc làm, những điều kiện lao động chính đáng và thuận lợi…

Công ước quốc tế của Liên hợp quốc về các quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa, năm 1976 (Điều 7), khẳng định lại:

Các quốc gia thành viên Công ước thừa nhận quyền của mọi người được hưởng những điều kiện làm việc công bằng và thuận lợi, đặc biệt đảm bảo:…Những điều kiện làm việc an toàn và lành mạnh…

Nói một cách khác, việc làm lành mạnh chính là việc làm an toàn. Ngoài ra, NLĐ phải có bổn phận chăm lo cho sự an toàn của bản thân cũng như cho bất kỳ ai có thể bị ảnh hưởng bởi những gì họ đã làm hoặc chưa làm được. Điều này hàm ý tới quyền được cung cấp đầy đủ kiến thức, quyền được ngừng công việc trong trường hợp sắp xảy ra tình huống nguy hiểm ảnh hưởng đến an toàn và sức khỏe.

Để tự chăm lo cho sự an toàn và sức khỏe của mình, NLĐ cần hiểu rõ các rủi ro và nguy hiểm nghề nghiệp. Do đó NLĐ cần được thông tin chính xác về các nguy cơ và được tập huấn đầy đủ để thực hiện nhiệm vụ của mình một cách an toàn. Để có được bước tiến trong công tác ATVLĐ tại doanh nghiệp, NLĐ và đại diện của họ phải phối hợp với NSDLĐ thông qua việc tham gia vào quá trình lập kế hoạch và triển khai các chương trình phòng  ngừa.

Trách nhiệm của người sử dụng lao động

Do các nguy cơ về lao động  nảy sinh tại nơi làm việc,  trách nhiệm của NSDLĐ là bảo đảm môi trường làm việc an toàn và lành mạnh. Điều này có nghĩa là NSDLĐ phải phòng ngừa và bảo vệ NLĐ khỏi các rủi ro nghề nghiệp. Trách nhiệm của NSDLĐ cũng đi vào chiều sâu hơn thông qua hoạt động cung cấp kiến thức về nguy cơ lao động và cam kết đảm bảo các quy trình quản lý tăng cường an toàn và sức khỏe tại nơi làm việc. Ví dụ như việc nhận thức về an toàn và sức khỏe cần hướng tới các quyết định về lựa chọn công nghệ và phương thức tổ chức công việc.

Đào tạo huấn luyện là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà NSDLĐ phải thực hiện. NLĐ cần được biết không chỉ cách thức tiến hành công việc mà còn phải biết tự bảo vệ mạng sống và sức khỏe của mình và những người làm việc cùng trong quá trình tiến hành công việc. Tại các doanh nghiệp, các nhà quản lý và giám sát chịu trách nhiệm bảo đảm NLĐ được đào tạo đầy đủ về công việc mà họ sẽ làm. Việc đào tạo này phải bao gồm thông tin về ATVSLĐ liên quan đến công việc, cách thức phòng ngừa hoặc giảm thiểu phơi nhiễm với các nguy cơ độc hại. Trên diện rộng, các cơ sở của NSDLĐ cần lập kế hoạch cho các chương trình đào tạo và thông tin về phòng ngừa, kiểm soát nguy cơ, công tác bảo vệ trước các rủi ro.

Trong trường hợp cần thiết, NSDLĐ phải có mặt tại hiện trường để xử lý tai nạn và tình huống khẩn cấp, gồm cả cung cấp các phương tiện sơ cấp cứu. Cần có những sắp xếp phù cho công tác đến bù các trường hợp chấn thương và bệnh tật liên quan đến nghề nghiệp, cũng như cho các hoạt động phục hồi chức năng và tạo điều kiên thuận lợi để NLĐ sớm quay lại làm việc.

Tóm lại, mục tiêu của các chương trình phòng ngừa là được bố trí môi trường làm việc an toàn và lành mạnh nhằm bảo vệ và tăng cường sức khỏe và năng lực làm việc của NLĐ.

Trách nhiệm của Chính phủ

Chính phủ chịu trách nhiệm xây dựng các chính sách về ATVSLĐ và đảm bảo các chính sách đó được triển khai thực hiện. Chính sách sẽ được phản ánh qua luật pháp và luật pháp phải được thực hiện. Nhưng luật pháp không thể bao quát được toàn bộ các rủi ro tại nơi làm việc, và luật pháp phải được tuân theo nhằm giải quyết các vấn đề về ATVSLĐ thông qua các thỏa ước tập thể đạt được giữa các đối tác xã hội.

Chính sách thường được hỗ trợ và thực hiện nếu NSDLĐ và NLĐ, thông qua tổ chức của họ, tham gia vào quá trình hoạch định và xây dựng chính sách. Dưới bất kỳ hình thức nào dù là luật pháp, quy định, quy tắc hay thỏa ước tập thể.

Cơ quan có thẩm quyền cần ban hành và định kỳ rà soát lại các quy định và quy tắc thực hành; đề xuất nghiên cứu nhằm nhận diện được các nguy cơ và tìm cách giải quyết và ứng phó với chúng; cung cấp thông tin và tư vấn cho NSDLĐ và NLĐ; áp dụng các biện pháp đặc biệt nhằm tránh để xảy ra các thảm họa ở những nơi tiềm ẩn nguy cơ cao.

Chính sách về ATVSLĐ phải gồm các điều khoản quy định việc thành lập, hoạt động và không ngừng mở rộng các dịch vụ  sức khỏe nghề nghiệp. Cơ quan có thẩm quyền cần giám sát và tư vấn việc triển khai hệ thống kiểm tra sức khỏe cho NLĐ, hoạt động này nên kết nối với các chương trình để phòng ngừa tai nạn và bệnh tật nhằm bảo vệ và tăng cường sức khỏe cho NLĐ ở cả cấp doanh nghiệp và quốc gia. Thông tin được cung cấp thông qua hoạt động kiểm tra sẽ cho thấy tình hình triển khai công tác ATVSLĐ và ở đâu NLĐ cần được bảo vệ hơn nữa.

Mục đích chính của công tác ATVSLĐ tập trung vào 03 mục tiêu chính:

– Duy trì và tăng cường sức khỏe và năng lực làm việc của NLĐ;

– Cải thiện công việc và điều kiện làm việc để biến chúng trở thành chất dẫn tới sự an toàn và lành mạnh tại nơi làm việc;

– Mở rộng các tổ chức lao động và văn hóa phòng ngừa an toàn và sức khỏe theo chiều hướng hỗ trợ giúp đỡ công tác an toàn và sức khỏe tại nơi làm việc. Việc mở rộng này cũng thúc đẩy môi trường xã hội tích cực và đẩy mạnh sự vận hành có hiệu quả, đem lại hiệu quả về năng xuất cho cơ sở lao động. Thuật ngữ “văn hóa” trong tình huống này có nghĩa là môi trường phản ánh các hệ thống giá trị mà các cơ sở sản xuất kinh doanh liên quan đã thông qua. Nền văn hóa này được phản ảnh qua thực tế trong các hệ thống quản lý, chính sách nhân sự, các nguyên tắc đối với việc tham giam các chính sách đào tạo và chất lượng quản lý của cơ sở sản xuất kinh doanh.


(Nguồn tin: ILO)