Sự đơn điệu trong công việc

Thứ Sáu, 01/12/2023, 11:45(GMT +7)

Trong lao động, sự mệt mỏi quá sớm không phải chỉ vì quá tải mà nhiều trường hợp có nguyên nhân là sự dưới tải. Một trong những biểu hiện dưới tải là sự đơn điệu. Sự phân hóa sâu sắc quá trình lao động, sự chuyên môn hóa đến chi tiết các bước lao động là cơ sở cho sự tự động hóa nền sản xuất.

Đã lao động dù hình thức nào thì trước sau cũng gặp tình trạng mệt mỏi không nhiều thì ít, đặc biệt là khi phải gắng sức nhiều về thể lực, trí tuệ và tâm lý bởi khả năng làm việc của con người dẫu sao cũng không phải là vô hạn. Đó thường là sự quá tải trong lao động (cường độ nặng, nhịp điệu nhanh, làm việc quá lâu, tiếp xúc nhiều yếu tố độc hại, căng thẳng thần kinh tâm lý…).
Tuy nhiên cũng có trường hợp không phải huy động nhiều về thể lực và trí tuệ nhưng do công việc cứ lặp đi lặp lại đều đều, số lượng động tác không nhiều, lại quá đơn giản tới mức không phải suy nghĩ nhiều, không phải tập trung chú ý cao mà người ta vẫn cảm thấy mệt mỏi. Đó là do tính đơn điệu gây tác động ru ngủ. Đó là sự dưới tải trong lao động.
Sự mệt mỏi về thể chất, trí tuệ và đặc biệt là tâm lý là nguy cơ dẫn đến tai nạn lao động. Bởi vậy phòng chống mệt mỏi là vấn đề được quan tâm nhiều trong công tác an toàn và sức khỏe trong lao động sản xuất.
Có nhiều quan niệm khác nhau về mệt mỏi. Về phương diện kinh tế, sinh lý, tâm lý, có một số lý thuyết về mệt mỏi như sau:
   – Lý thuyết thể dịch – địa phương về sự mệt mỏi bắp thịt. Bắp thịt bị ngạt, thiếu ooxxy, bị nhiễm độc. Sự tồn đọng acid lactic quá nhiều trong các thớ cơ do hoạt động quá nặng nhọc hoặc quá lâu dài, gây sự tê liệt hoạt động của các bắp cơ. Rõ ràng đây chỉ là mệt mỏi về thể chất, về chân tay. Hơn nữa người ta còn chứng minh rằng sự tích lũy acid lactic không phải là nguyên nhân chủ yếu của mệt mỏi. Vẫn có nhiều trường hợp mệt mỏi khi không hề có dư acid lactic trong bắp cơ. Tất nhiên sự mệt mỏi chân tay này cũng kéo theo ít hay nhiều sự uể oải về tinh thần, sự suy sụp về tâm lý.
   – Lý thuyết thần kinh trung ương. Vinogradov cùng nhiều cộng tác viên đã phân tích như sau:
       + Sự mệt mỏi đến nhanh do phát sinh ức chế thần kinh.
       + Sự mệt mỏi phát sinh từ từ mà điểm cơ bản là kéo dài do khoảng cách sinh lý trên các khâu của bộ máy vận động.
Khâu đầu tiên của mệt mỏi được định  khu không phải ở cơ mà ở trung tâm thần kinh. Vai trò của cảm xúc, của các kích thích hướng tâm có ảnh hướng lớn tới sự phát sinh mệt mỏi. Hoạt động không tùy ý (kích thích điện…) gây mệt mỏi kém hơn hoạt động có ý thức và hoạt động không tùy ý lại có thể xảy ra trong nhiều trường hợp sau khi cơ thể đã mệt mỏi vì hoạt động tùy ý. Các biến đổi đa dạng quan sát được ở các bộ phận ngoại biên khi mệt mỏi chỉ là hiện tượng thứ sinh và phụ thuộc vào ảnh hưởng xác định của các trung tâm thần kinh.
   – Sự giảm khả năng lao động tạm thời do lao động nặng kéo dài thể hiện ở giảm chất lượng và số lượng sản phẩm lao động, giảm sút chức năng điều hòa của các bộ phận cơ thể.
   – Sự mệt mỏi còn do tình trạng lao động đơn điệu kéo dài gây ra cảm giác ru ngủ. Trạng thái ức chế lan tràn làm giảm khả năng giảm sút khả năng tỉnh táo hay hưng phấn trong vỏ não và kết quả cũng có thể thể hiện bằng những sai sót khi thao tác, ảnh hưởng không tốt đến số lượng và chất lượng sản phẩm. 
Nói tóm lại, mệt mỏi chân tay hay trí óc đều bắt đầu từ vỏ não, chỉ khác nhau ở các trung tâm phân tích và đều có ảnh hưởng đến nhau. Chân tay mà mệt mỏi thì hoạt động trí óc cũng giảm sút. Ngược lại mệt mỏi trí óc cũng gây rã rời chân tay.
Thực ra không hề có giới hạn tuyệt đối giữa các trung tâm thần kinh và vì vậy cũng khó phân biệt các hình thức mệt mỏi tâm lý và sinh lý. Cũng có người phân biệt mệt nhọc là khái niệm tâm lý còn mệt mỏi là khái niệm sinh lý. Cũng không sai nhưng cũng không cần thiết.
   – Từ khía cạnh tâm lý và sinh lý, mệt mỏi chính là phản ứng bảo vệ, cảnh báo cho người lao động biết nguy cơ dẫn đến suy kiệt thể lực, suy sụp tinh thần và có thể dẫn đến đột quỵ, khó hồi phục.
Các biểu hiện mệt mỏi có thể là những dấu hiệu khách quan cũng có thể là chủ quan. Về phía chủ quan những cảm giác tuy không phải lúc nào cũng chính xác và không dễ đong đếm nhưng đó là những dấu hiệu không thể bỏ qua, bởi vì nhiều lúc vận dụng ý chí để vượt qua cảm giác mệt mỏi có thể dẫn đến sự quá tải, vượt mức giới hạn gắng sức tối đa của các chức năng sinh lý cơ thể, có thể dẫn đến sự cố bất hạnh. Về mặt khách quan có thể chuẩn đoán qua những dấu hiệu gián tiếp như giảm số lượng và chất lượng sản phẩm. Cần lưu ý rằng sự rối loạn chức năng điều hòa của cơ thể bao giờ cũng xảy ra trước khi có những dấu hiệu về chất lượng và số lượng sản phẩm.
Bằng kỹ thuật sinh lý – sinh hóa cho phép chuẩn đoán chính xác hiện tượng mệt mỏi:
   – Thông qua các chỉ tiêu sinh lý như trao đổi khí, nhiệt thân, nhịp tim mạch vượt qua giới hạn cho phép.
   – Thông qua những biến động chức năng hệ thần kinh như cảm giác vận động, tốc độ phản xạ, tần số nhấp nháy.
   – Thông qua những biến động chức năng sinh hóa như các chỉ tiêu về máu (đường máu, độ quánh của máu…), chỉ tiêu về nước tiểu (phản ứng Dinaggio, protein niệu, catecholamine, xetosteroid…)
   – Ngoài ra cũng có thể thông qua những trắc nghiệm về chú ý tập chung và chú ý dịch chuyển (Vòng hở Landolt, Bảng số Schulter-Platonov… xem bảng mẫu trắc nghiệm và phương pháp tiến hành ở phụ lục). Sự giảm sút khả năng chú ý là một dấu hiệu rất rõ của mức độ mệt mỏi, được sử dụng rất phổ biến trong nghiên cứu sinh lý lao động. Mục tiêu của trắc nghiệm Vòng hở Landolt là so sánh kết quả thực nghiệm mức độ chú ý tập chung trước và sau khi lao động qua đó đánh giá mức độ mệt mỏi sau quá trình lao động. Trắc nghiệm Schulter – Platonov nhằm đánh giá mức độ chú ý dịch chuyển và cũng qua đó đánh giá mức độ mệt mỏi sau lao động. Theo Viện Y học lao động, nếu mức độ suy giảm khả năng chú ý dưới 1% thì coi như bình thường, giảm đến 8% là coi như hơi mệt mỏi, giảm đến 15% là khá mệt và giảm trên 15% là rất mệt, cần được nghỉ ngơi, hồi phục. Điều quan trọng cần chú ý là với bất kỳ loại trắc nghiệm hay phỏng vấn nào cũng đòi hỏi sự trung thực của đối tượng nghiên cứu. Riêng trong hai trắc nghiệm chú ý này cần lưu ý đảm bảo điều kiện môi trường lao động (ánh sáng, nhiệt độ…) giống nhau trong hai lần tiến hành.
Về mặt tổng thể, phấn đấu tạo được sự phồn vinh về vật chất và văn hóa tức là cải thiện được chất lượng cuộc sống để có một cơ thể khỏe mạnh, sung sức có khả năng đẩy lùi hiện tượng mệt mỏi quá sớm một cách hiệu quả cũng là hướng nghiên cứu của tâm sinh lý lao động, là nhiệm vụ quan trọng của các doanh nghiệp.
   – Trong các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, việc cải thiện điều kiện lao động, đảm bảo môi trường lao động sạch (ít ô nhiễm), chăm sóc sức khỏe ban đầu và chăm sóc sức khỏe định kỳ là biện pháp rất căn cơ.
   – Tư thế lao động là yếu tố quan trọng ảnh hướng rất trực tiếp đến sức khỏe thể chất và tinh thần của người lao động, đến năng xuất lao động. Trong lao động tư thế đứng được vận dụng rất phổ biến (thầy cô giảng bài, các thuyết trình viên, công nhân dệt, chế biến thủy hải sản, gia công kim loại…). Làm việc trong tư thế đứng có thuận lợi là vùng thao tác rộng, lực tác dụng mạnh nhưng lại có khá nhiều bất lợi. Tư thế đứng không phải là tư thế cân bằng bền vững vì trọng tâm cơ thể chỉ rơi vào phạm vi hẹp của hai bàn chân. Toàn bộ trọng lực của cơ thể đều dồn xuống hai chân. Làm việc lâu dài trong tư thế đứng sẽ bị máu dồn xuống hai chân sinh tê buốt, nhức nhốt trong bắp chân, đặc biệt là hội chứng giãn tĩnh mạch sau bắp đùi gây đau đớn kéo dài rất khó chịu. Bệnh thường gặp là đau lưng, đau vùng thắt lưng. Tư thế đứng cũng gây tiêu hao năng lượng nhiều. So với tư thế đứng tư thế ngồi có phần bất lợi hơn trong thao tác vì vùng hoạt động bị thu hẹp, lực tác động không được mạnh nhưng lại có thuận lợi là có cân bằng bền vững hơn vì trọng tâm được hạ thấp và có chân đế rộng hơn, ít tiêu hao năng lượng. Các tư thế khác như quỳ 1 chân, quỳ 2 chân, đứng lom khom đều rất bất lợi cho thao tác và gây mỏi mệt nhanh chóng hơn. Tư thế nằm tất nhiên là có trạng thái cân bằng bền vững hơn tất cả nhưng rất khó cho việc thực hiện thao tác vì vùng hoạt động rất hạn chế, lực tác dụng lại rất yếu. Vì vậy vấn đề đặt ra là phải lựa chọn tư thế thuận lợi nhất phù hợp với yêu cầu của công việc. Đặc biệt là khi mang vác vật nặng không nên cậy sức khỏe mà đứng khom người xuống để nhấc vật nặng vì rất dễ bị chấn thương cột sống. Cần hạ thấp mình xuống ôm vật nặng để lên đùi rồi từ từ đứng lên.
   – Hợp lý hóa tổ chức lao động và nghỉ ngơi. Cần biết rằng khả năng lao động phụ thuộc khá nhiều vào nhịp sinh học, đặc biệt là nhịp ngày đêm, biến đổi rất đáng kể trong thời gian lao động theo ca kíp. Vào đầu ca, chưa có khởi động tốt, năng xuất lao động chưa đạt đến yêu cầu. Khả năng lao động đạt tới mức yêu cầu và ổn định vào khoảng giờ thứ 2 đến thứ 4. Sau đó là sự giảm khả năng cho đến trước giờ nghỉ giữa ca. Sau giờ nghỉ lại diễn ra quá trình tương tự và xuất hiện sự mệt mỏi. Thời gian nghỉ giữa ca được quy định tùy theo mức độ nặng nhọc, khắc nghiệt của lao động và môi trường. Trong tuần thì năng suất lao động tăng dần từ ngày đầu tuần, ổn định ở những ngày giữa tuần và giảm dần vào cuối tuần. Một số nhà khoa học lao động còn chia quá trình biến đổi năng suất lao động thành bảy thời kỳ:

+ Tăng tiến.

+ Khả năng lao động đạt mức tối đa.

+ Bù trừ hoàn toàn. Có mệt mỏi nhưng có thể bù trừ bằng ý trí.

+ Bù trừ không bền vững. Khả năng lao động lúc giảm lúc tăng.

+ Nâng lên cuối cùng. Khả năng lao động giảm nhiều nhưng năng suất vẫn có thể tăng.

+ Giảm liên tục sản phẩm.

+ Ngừng việc và rã rời.

Chủ biên: PGS.TS Võ Hưng, ThS. Phạm Thị Bích Ngân


(Nguồn tin: Tài liệu Tâm lý học lao động)