Sự ra đời và tầm quan trọng việc quản lý nguy cơ rủi ro của công nghệ nano

Thứ Sáu, 01/12/2023, 11:45(GMT +7)

GS.TS. Sirirurg Songsivilai,
GĐ điều hành, Trung tâm Công nghệ nano quốc gia
Chủ tịch, Hiệp hội công nghệ nano Thái Lan
Trong những năm gần đây, hàng nghìn sản phẩm nano đã được đưa ra thị trường và có nhiều sản phẩm nữa sắp ra đời. Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ nano trong thập kỷ qua cung cấp các nền tảng mới cho phép sử dụng vật liệu nano với những đặc tính nâng cao hoặc mới và ứng dụng công nghệ nano trong quá trình sản xuất.

Người ta ước tính rằng khoảng 1% giá trị của các sản phẩm hiện nay trên thị trường có chứa vật liệu nano như thành phần quan trọng hoặc sử dụng công nghệ nano trong quá trình sản xuất quan trọng. Con số này dự kiến sẽ tăng lên 10% trong thập kỷ tới. Do vậy, có thể chúng ta đang ở giai đoạn đầu của sự mở rộng nhanh chóng công nghệ nano có thể ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của chúng ta.

Giai đoạn đầu của công nghệ nano chủ yếu tập trung vào các hạt có kích thước nano của các chất được biết đến, đặc biệt là vàng, bạc, kẽm, titania và muội than. Các vật liệu mới cũng được phát triển và sử dụng, bao gồm ống nano cacbon và graphen. Hầu hết nếu không nói là tất cả các ngành công nghiệp hiện nay đang tham gia vào một số hình thức nghiên cứu và phát triển công nghệ nano và phạm vi rất đa dạng, từ các sản phẩm tiêu dùng như mỹ phẩm đến công nghệ thông tin và ngành công nghiệp bán dẫn. Xu hướng này mang tính toàn cầu trong đó nhiều khu vực đang tích cực tìm hiểu tầm quan trọng của lĩnh vực mới này. Về mặt địa lý, Châu Á Thái Bình Dương sẽ sớm đóng vai trò quan trọng về tác động kinh tế và xã hội của công nghệ nano, là khu vực năng động nhất về sản xuất liên quan đến công nghệ nano và là một trong những thị trường lớn nhất cho các sản phẩm nano.

Tương tự như các công nghệ đang nổi lên nhanh chóng khác trong giai đoạn đầu, thông tin về an toàn và rủi ro của vật liệu nano, công nghệ nano cũng như sự hiểu biết của công chúng vẫn còn hạn chế. Một số vật liệu nano được biết là an toàn, trong khi một số khác tiềm tàng mối nguy hiểm cho sức khỏe con người và môi trường. Cần nghiên cứu thêm về an toàn và độc tính của vật liệu nano và khuyến khích việc nghiên cứu đó. Thông tin này cũng cần được chia sẻ với công chúng. Vì vậy, để bảo đảm sự phát triển bền vững của công nghệ tiềm năng và hữu ích này cần thiết lập một hệ thống quản lý thích hợp.

Khu vực Châu Á Thái Bình Dương sẽ đóng vai trò then chốt trong công nghiệp sản xuất các sản phẩm liên quan đến nano. Ít nhất có 3 nhóm có thể phải chịu rủi ro, bao gồm công nhân nhà máy, nhà nghiên cứu và người tiêu dùng các thành phẩm. Những hướng dẫn xử lý các hạt nano, các sản phẩm trung gian và cuối cùng liên quan đến nano trong mỗi nhóm sẽ có vai trò quan trọng. Ví dụ, nhân viên trong  nhà máy sản xuất các sản phẩm nano có thể tiếp xúc với một số lượng lớn các hạt nano trong không khí mà không có kiến thức và trang bị bảo hộ đầy đủ. Người tiêu dùng có thể tiếp xúc trực tiếp với vật liệu nano trong mỹ phẩm, nhưng mặt khác có thể vô tình tiếp xúc với các sản phẩm thương mại khác chứa vật liệu nano. Ngoài ra, sự hiểu biết về vòng đời của các hạt nano cũng có ích cho việc đánh giá và kiểm soát ảnh hưởng của vật liệu nano đối với sức khỏe con người và môi trường.

Điều khích lệ là một số nước đã đề ra các chính sách an toàn nano và quản lý rủi ro. Nhiều tổ chức và mạng lưới quốc tế trong đó có Liên Hợp Quốc và OECD đang hoạt động trong lĩnh vực này. Các nước công nghiệp và các nước đang phát triển cũng tham gia, một số nước có chính sách quốc gia về an toàn nano. Ví dụ, mới đây chính phủ Thái Lan đã thông qua Khuôn khổ chính sách quốc gia về đạo đức và an toàn nano ngang bằng với quan trọng của chính sách quốc gia về Sáng kiến công nghệ nano để bảo đảm sự phát triển bền vững của công nghệ nano. Chính sách này tập trung  vào thu thập và cung cấp thông tin đầy đủ về an toàn và nguy cơ rủi ro của vật liệu,  công nghệ và các sản phẩm nano. Chính sách bao gồm cả hệ thống ghi nhãn cho các sản phẩm nano và các hoạt động cùng với sự tham gia của công chúng. Việc tham gia của công chúng vào tất cả các giai đoạn từ nghiên cứu, phát triển đến thương mại hóa là yếu tố thành công then chốt của kế hoạch này.

Tiến bộ đang đạt được trên nhiều mặt trận. Tuy nhiên, các học giả, nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý, các ngành công nghiệp và công chúng vẫn còn nhiều việc phải làm để bảo đảm việc quản lý rủi ro của công nghệ nano được đề cao và phát triển tiềm năng của công nghệ thú vị này.

Biên dịch: Hải Thức

(Nguồn: Asia-Pacific Newsletter No.3/2012)


(Nguồn tin: )