Tác hại nghề nghiệp của rung, biện pháp dự phòng và kỹ năng kiểm soát, đánh giá

Thứ Sáu, 01/12/2023, 03:45(GMT +7)

Rung là hiện tượng cơ học dao động phát sinh từ những động cơ và dụng cụ sản xuất khi trọng tâm hoặc trục đối xứng của chúng xê dịch trong không gian theo chu kỳ. Nguồn phát sinh: Máy khoan, máy cưa, máy đầm, búa máy, lái tàu xe…

Tác hại nghề nghiệp

a) Rung toàn thân

Tiếp xúc với rung tần số cao gây tổn thương cơ bắp, tác động đến thành mạch, ngăn cản sự lưu thông máu, lâu dài có thể gây tổn thương mạch máu trong cơ thể.

Rung toàn thân gây tổn thương hệ thần kinh trung ương, đặc biệt là hệ thần kinh thể dịch, tiếp xúc lâu dài sẽ gây biến đổi các tổ chức tế bào và rối loạn dinh dưỡng. Rung ở tần số cao 30-80Hz tác động đến thị giác làm thu hẹp thị trường, giảm độ rõ nét, giảm độ nhạy cảm màu và gây tổn thương tiền đình.

Rung còn tác động hiệp đồng với ồn, hoạt động tĩnh của cơ bắp và môi trường lạnh…

b) Rung cục bộ

Tác động của rung cục bộ gây tổn thương xương và các khớp xương, bệnh nhân thấy đau các khớp xương, cử động hạn chế ở cổ tay, khuỷu tay thường xuất hiện sau buổi làm việc hoặc bắt đầu làm việc. Nặng có thể gây viêm xương, tổn thương khớp, bệnh nhân có thể bị mất sức lao động hoàn toàn.

Gây rối loạn tuần hoàn mao mạch ở đầu chi, ngón tay có cảm giác tê cứng, ngón tay trắng bệch rồi xanh nhợt, sau một thời gian đau dấm dứt có thể đau dữ dội.

Làm tổn thương gân cơ, thần kinh, có thể gây teo cơ. Đối với lao động nữ còn tác động đến cơ quan sinh dục, lệch tử cung, sa âm đạo.

Biện pháp dự phòng

a) Biện pháp kỹ thuật

– Lắp  thêm  các  thiết  bị  giảm  rung  như:  lò xo,  ống thủy lực, đệm ghế, đệm cao su, long đen vênh… để giảm rung.

– Định kỳ bảo dưỡng máy, thiết bị, dụng cụ và phương tiện làm việc để giảm độ rung.

– Giảm thời gian tiếp xúc để đỡ ảnh hưởng đến sức khoẻ người lao động.

– Đổi mới công nghệ giảm độ rung là tốt nhất, nhưng rất khó thực hiện.

– Sử dụng trang bị, phương tiện bảo vệ cá nhân thích hợp.

– Tập huấn cho người lao động hiểu biết về tác hại của rung chuyển, biện pháp phòng ngừa để tự bảo vệ lấy mình.

– Tổ chức nghỉ giải lao, tập thể dục giữa giờ để phục hồi lại sức khoẻ.

Bịt tai chống ồn và bảo vệ cổ tay giảm rung chấn

Cầm chắc chắn dụng cụ có động cơ để giảm rung

b) Biện pháp y tế: (khám bệnh nghề nghiệp được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội)

Người lao động làm việc phải tiếp xúc với rung vượt quá giới hạn  cho  phép  phải  được  khám  bệnh  rung  nghề  nghiệp. 

Thời  gian khám lần đầu từ 36-60 tháng. Khám lâm sàng: hệ xương khớp, hệ thần kinh, mao mạch ngoại vi; Xét nghiệm: chụp x-quang xương khớp cổ tay, khuỷu tay, khớp vai, nghiệm pháp lạnh. Khám định kỳ lần sau là 24 tháng một lần; khám hệ xương khớp, thần kinh, làm xét nghiệm như lần đầu.

Kỹ năng kiểm soát, đánh giá

  1. Nghe, nhìn thấy nguồn phát sinh

Nghe  thấy  máy,  thiết  bị,  dụng  cụ  sản  xuất,  phương  tiện  làm việc phát sinh ra tiếng ồn. Nhìn thấy máy, thiết bị, phương tiện làm việc rung, thấy người lao động cũng rung (ồn rung luôn luôn đi đôi với nhau, tiếng ồn càng cao thì rung càng lớn).

b) Kiểm tra hệ thống giảm rung (có hay không, hiệu quả)

– Hệ thống giảm rung xóc.

– Sử dụng trang bị phòng hộ giảm rung xóc.

c) Kiểm chứng

– Quan  sát  người  lao  động  tiếp  xúc  thấy  tay,  chân  hoặc  toàn thân rung.

– Hỏi những người lao động tiếp xúc với rung về những dấu hiệu bệnh lý có liên quan đến công việc như: đau mỏi các khớp xương, các cơ…, người có cảm giác say say sau ca làm việc hoặc về nhà nằm thấy đau mình mẩy hay xương cốt? Nếu họ trả lời là có một vài triệu chứng thì độ rung đã ở mức có hại đến sức khoẻ.

– Nghe  thấy  người  lao  động  phàn  nàn  về  rung  xóc  đã  ảnh hưởng đến sức khoẻ.

– Bằng cảm nhận trực quan của mình sờ tay vào người tiếp xúc, sờ tay vào máy, thiết bị sản xuất thấy rung, nghe thấy tiếng ồn cao.

– Dựa vào kết quả đo môi trường và hồ sơ quản lý sức khoẻ, ngày nghỉ ốm đau liên quan đến rung để đánh giá.

– Mô tả hoặc chụp ảnh máy, thiết bị rung làm bằng chứng cho việc đánh giá nguy cơ.


(Nguồn tin: Trích dẫn: Tài liệu huấn luyện về ATVSLĐ cho cán bộ làm công tác an toàn – vệ sinh lao động)