Thấm nhuần tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh phấn đấu làm tốt hơn nữa công tác bảo hộ lao động trong thời gian tới

Thứ Sáu, 01/12/2023, 11:45(GMT +7)

Trong lĩnh vực bảo hộ lao động (BHLĐ), tư tưởng, đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện trước hết ở lòng nhân ái cao cả, ở sự quan tâm và tình thương yêu sâu sắc đối với giai cấp công nhân và nhân dân lao động, những người đang ngày đêm lao động vì sự nghiệp xây dựng đất nước và vì đời sống hạnh phúc của mỗi gia đình.

Bác Hồ coi giai cấp công nhân và nhân dân lao động là vốn quý nhất của xã hội và luôn nhắc nhở chúng ta “Phải bảo đảm an toàn lao động, vì người lao động là vốn quý nhất”(1); “Nhiều nơi thiếu giáo dục công nhân về kỷ luật lao động, về ý thức làm chủ và về bảo hộ lao động, điều đó rất đáng tiếc. Chúng ta phải quý trọng con người, nhất là công nhân, vì công nhân là vốn quý nhất của xã hội”(2); “Thi đua làm nhiều, nhanh, tốt, rẻ, phải đi đôi với bảo đảm an toàn lao động, phải biết quý trọng con người”(3).

Quan điểm xuyên suốt của Bác Hồ coi con người, nhất là người lao động (NLĐ), là vốn quý nhất của xã hội, vì vậy cần phải quan tâm đến công tác BHLĐ, bảo đảm An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ), cải thiện điều kiện làm việc (ĐKLV), phòng chống tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp (BNN) cho NLĐ thể hiện tư tưởng nhân văn và đạo đức cao cả của Bác Hồ đối với công tác BHLĐ. Tư tưởng đó đã được Đảng và Nhà nước ta quán triệt và quyết tâm chỉ đạo trong nhiều năm qua, kể từ ngày cách mạng tháng 8 thành công đến nay.

Trong mọi lúc, mọi nơi, khi đến thăm các địa phương, các cơ sở cũng như khi dự các hội nghị, trong các buổi tiếp xúc với nhân dân…, ở đâu Bác Hồ kính yêu của chúng ta cũng hết sức ân cần thăm hỏi về việc làm, đời sống của cán bộ, công nhân lao động và nhân dân, đồng thời luôn quan tâm nhắc nhở phải làm tốt công tác BHLĐ. Trong khi nói chuyện với đồng bào Tỉnh Thái Nguyên và công nhân khu Gang thép ngày 01/01/1964, Hồ Chủ tịch đã căn dặn phải thực hiện tốt 10 điều, trong đó điểm thứ 6 là “Phải thực hiện tốt BHLĐ, kỷ luật lao động phải thật chặt chẽ”(4). Cũng vào dịp đầu năm, ngày 2/2/1965, khi về thăm tỉnh Quảng Ninh, sau khi khen ngợi những thành tích đã đạt được trong lao động sản xuất và chỉ ra những nhiệm vụ mới cho cán bộ, công nhân vùng mỏ, Bác lại nhắc nhở: “Đồng thời phải thực hiện tốt BHLĐ, phải chăm sóc đời sống vật chất và tinh thần của cán bộ, công nhân”(5).

Với đạo đức cao cả, trong sáng, với tác phong hết sức giản dị, luôn quan tâm đến người lao động nhất là chị em lao động nữ, vào đầu năm 1967, khi về thăm tỉnh Thái Bình, Bác Hồ đã căn dặn “Phải đặc biệt chú ý đến sức lao động phụ nữ. Phụ nữ là đội quân lao động rất đông. Phải giữ gìn sức khoẻ cho phụ nữ để chị em tham gia sản xuất được tốt”(6).  

Những điều mà Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu nói về BHLĐ trong những năm cách đây nửa thế kỷ, những quan điểm cơ bản, hết sức sâu sắc của tư tưởng nhân văn, đạo đức Hồ Chí Minh về BHLĐ không chỉ là những cơ sở lý luận và thực tiễn cho Đảng và Nhà nước ta chỉ đạo công tác BHLĐ trong những năm qua mà còn có ý nghĩa thời sự, phù hợp với chiến lược toàn cầu về ATVSLĐ mà tổ chức lao động quốc tế (ILO) đưa ra tại Hội nghị lao động quốc tế tháng 6/2003. Với khái niệm Văn hoá an toàn, mà nội dung cơ bản là đề cập đến ý nghĩa nhân đạo, thái độ, quan niệm, cách ứng xử đối với công tác ATVSLĐ được đưa ra tại Hội nghị lao động quốc tế, về thực chất rất phù hợp với những nội dung cơ bản của tư tưởng nhăn văn, đạo đức Hồ Chí Minh trong công tác BHLĐ, ATVSLĐ.  

Thấm nhuần tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh trong công tác BHLĐ, Đảng và Nhà nước ta trong những năm qua đã coi trọng và quan tâm chỉ đạo công tác BHLĐ. Qua các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc, vấn đề BHLĐ đã được đề cập đến trong Văn kiện Đại hội. Đặc biệt, ngay từ năm 1959, quán triệt quan điểm sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về BHLĐ, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã có chỉ thị số 132/CT-TW ngày 13/3/1959 về công tác BHLĐ nêu rõ: “Công tác BHLĐ phục vụ trực tiếp cho sản xuất và không thể tách rời sản xuất. Bảo vệ tốt sức lao động của người sản xuất là một yếu tố quan trọng để đẩy mạnh sản xuát phát triển, xem nhẹ bảo đảm an toàn lao động là biểu hiện thiếu quan điểm quần chúng trong sản xuất”. Trong các qui định của pháp luật về BHLĐ ở nước ta, từ Bộ luật Lao động, các Luật có liên quan, cho đến các Nghị định của Chính phủ, các văn bản hướng dẫn, qui định của các Bộ, ngành liên quan đến BHLĐ đều quán triệt quan điểm đặt con người lao động vào vị trí trung tâm cần được bảo vệ, đều coi việc bảo đảm điều kiện làm việc an toàn và vệ sinh, thực hiện tốt các chế độ chính sách về ATVSLĐ như trang cấp đủ phương tiện bảo vệ cá nhân, bồi dưỡng độc hại, bồi thường cho người bị TNLĐ, BNN v.v… đều là những quyền hết sức quan trọng của NLĐ trong BHLĐ.

Với sự nỗ lực phấn đấu của các ngành, các cấp, các địa phương, cơ sở, của mọi tổ chức, cá nhân, đặc biệt là của người sử dụng lao động (NSDLĐ) và NLĐ, công tác BHLĐ của nước ta thời gian qua đã đạt những kết quả đáng ghi nhận. Điều kiện lao động trong nhiều ngành sản xuất từng bước được cải thiện, TNLĐ và BNN được hạn chế. Công tác quản lý Nhà nước cũng như hoạt động của phong trào quần chúng về ATVSLĐ có nhiều hiệu quả thiết thực, thúc đẩy công tác ATVSLĐ nước ta có bước phát triển mới.

Tuy nhiên, từ thực tiễn hoạt động BHLĐ thời gian qua, chúng ta cũng thấy bộc lộ không ít những tồn tại, thiếu sót mà chủ yếu là ĐKLV trong một số cơ sở sản xuất nhất là trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn còn xấu, thậm chí có nơi còn khắc nghiệt, tình hình TNLĐ, BNN vẫn còn nghiêm trọng, có nơi, có lúc còn có chiều hướng gia tăng; nhiều vụ TNLĐ nghiêm trọng làm chết và bị thương nhiều người có lúc còn xảy ra dồn dập. Nhiều qui định của pháp luật, các tiêu chuẩn, nội qui, biện pháp về ATVSLĐ chưa được NSDLĐ và NLĐ thực hiện nghiêm chỉnh, thậm chí còn có trường hợp để xẩy ra vi phạm nghiêm trọng. Nguyên nhân của tình hình trên có nhiều, song chủ yếu nhất là do nhận thức, hiểu biết về ATVSLĐ của một số cấp, một số ngành, của người quản lý, nhất là của NSDLĐ và NLĐ còn yếu, ý thức chấp hành pháp luật về ATVSLĐ còn kém. Điều đó cho thấy chúng ta chưa thấm nhuần đầy đủ và làm theo lời dạy của Bác Hồ về BHLĐ.

Trong giai đoạn mới, khi đất nước ta đang đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế, nhiều ngành sản xuất ngày càng phát triển, nhiều doanh nghiệp mới ra đời, số lao động trong các cơ sở sản xuất ngày càng tăng, thì nếu chúng ta không lường trước tình hình để có biện pháp tăng cường hơn nữa công tác BHLĐ, chắc chắn TNLĐ, BNN sẽ còn tăng lên nữa.

Để khắc phục những tồn tại, thiếu sót, vượt qua những thách thức nêu trên, đưa công tác BHLĐ của nước ta phát triển đạt kết quả tốt hơn nữa trong thời gian tới, chúng ta cần tiến hành đồng bộ các giải pháp, mà trước hết là phải làm sao cho mọi cấp, mọi ngành, mọi tổ chức, cá nhân, nhất là những nhà quản lý, NSDLĐ và NLĐ học tập nắm vững và thấm nhuần tư tưởng nhân văn, đạo đức cao cả của Bác Hồ, làm theo những lời chỉ bảo, căn dặn của Bác về BHLĐ. Mọi cấp, mọi ngành, địa phương, cơ sở, mọi tổ chức, cá nhân cần nắm vững, quán triệt các qui định của pháp luật về BHLĐ, từ đó thấy rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của mình trong BHLĐ mà chủ động, tự giác thực hiện tốt chương trình quốc gia về BHLĐ cũng như các chương trình, kế hoạch, biện pháp cải thiện ĐKLV, phòng chống có hiệu quả TNLĐ, BNN của từng ngành, địa phương, cơ sở. Thấm nhuần tư tưởng nhăn văn, đạo đức Hồ Chí Minh, đẩy mạnh xây dựng văn hoá an toàn trong sản xuất, bảo đảm cho NLĐ có được một điều kiện và môi trường lao động an toàn, tiện nghi, nâng cao văn hoá sản xuất.

Trong hoạt động BHLĐ, một mặt phải đề cao vai trò, trách nhiệm và nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về ATVSLĐ, mặt khác phải nâng cao cộng đồng trách nhiệm giữa Nhà nước, các cấp chính quyền với toàn xã hội, phát huy vai trò và sự đóng góp của các tầng lớp nhân dân, các đoàn thể, các tổ chức xã hội nghề nghiệp tham gia vào hoạt động BHLĐ. Cần thực hiện một bước xã hội hoá hoạt động BHLĐ, đưa phong trào quần chúng hoạt động BHLĐ vừa phát triển rộng rãi vừa đi vào chiều sâu, có hiệu quả thiết thực hơn. Với nhận thức đầy đủ và sâu sắc rằng hoạt động BHLĐ phải được thực hiện một cách liên tục, bền bỉ trong suốt cả năm, mà Tuần lễ quốc gia hàng năm về ATVSLĐ – PCCN là một hoạt động tập trung, là điểm nhấn mang tính cao trào của cả quá trình phấn đấu bền bỉ liên tục đó, chúng ta cần đổi mới, đưa ra những hoạt động phong phú, thiết thực, có hiệu quả trong cả nước, đặc biệt cần có những hoạt động cụ thể tại từng địa phương, cơ sở, tại chỗ làm việc để cải thiện điều kiện và môi trường lao động, phòng chống TNLĐ, BNN cho NLĐ, tránh hô hào động viên chung chung, sáo mòn, trùng lặp để tổ chức thật tốt Tuần lễ quốc gia về ATVSLĐ – PCCN lần thứ 10 và các lần tiếp theo trong những năm tới. Làm tốt tất cả những việc trên là hành động thiết thực nhất để thể hiện việc thấm nhuần và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Với tất cả tấm lòng kính yêu vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, tất cả chúng ta, dù ở cương vị nào, là người lãnh đạo, người quản lý, người cán bộ, viên chức, người sử dụng lao động hay người lao động, chúng ta đều hết sức xúc động, cảm nhận đầy đủ và ghi nhớ sâu sắc những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về BHLĐ, đều phải soi lại mình xem đã hiểu đầy đủ, đã thấm nhuần tư tưởng, đạo đức nhân văn, cao cả của Người chưa. Tất cả chúng ta nguyện học tập tấm gương đạo đức trong sáng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, làm theo lời dạy của Người, phấn đấu tích cực hơn nữa để đẩy mạnh công tác BHLĐ trong thời gian tới, bảo đảm an toàn, bảo vệ sức khoẻ NLĐ nước ta.

 

(PGS.TS. Nguyễn An Lương- Chủ tịch VOSHA)



(1) Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, công nhân Nhà máy Cơ khí Hà Nội (nay là Công ty Cơ khí Hà Nội) ngày 25/12/1958. Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 8, Trang 337. NXB Chính trị Quốc gia. Hà Nội 2000.

(2) Phát biểu tại Hội nghị Cán bộ Công đoàn toàn miền Bắc, ngày 14/3/1959. Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 9, Trang 276

(3) Phát biểu tại Đại hội chiến sĩ thi đua công nghiệp, ngày 11/3/1960. Sách đã dẫn, Tập 9, Trang 373

(4) Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 11, Trang 194. NXB Chính trị Quốc gia. Hà Nội 2000.

(5) Sách đã dẫn. Tập 11, Trang 381.

(6) Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 12, Trang 194. NXB Chính trị Quốc gia. Hà Nội 2000.


(Nguồn tin: )