Thực trạng quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động đối với khu vực lao động không theo hợp đồng lao động

Thứ Sáu, 01/12/2023, 10:42(GMT +7)

I. Thực trạng ATVSLĐ khu vực lao động không theo hợp đồng lao động

Về nguyên tắc, ở đâu có việc làm, có NLĐ thì ở đó cần được bảo đảm về ATVSLĐ. Tuy nhiên, các quy định pháp luật lao động hiện hành mới chỉ tập trung chủ yếu đến NLĐ làm việc theo hợp đồng lao động, có quan hệ lao động. Bởi vậy, công tác ATVSLĐ đối với NLĐ làm việc không theo hợp đồng lao động (như những lao động tự do ở thành thị, những người nông dân, những người thợ lành nghề… không làm việc cho bất kỳ NSDLĐ nào) ít được quan tâm. Hậu quả là có rất nhiều vụ TNLĐ nghiêm trọng, chết người xảy ra trong khu vực này.

Theo số liệu thống kê, bình quân trong 5 năm qua, mỗi năm toàn quốc có trên 2.100 người chết do TNLĐ, trong đó trên 1.400 người (chiếm hơn 2/3 tổng số) là NLĐ thuộc khu vực không có quan hệ lao động, làm việc không theo hợp đồng lao động (xem Bảng 1).

Bảng 1: Tử vong do TNLĐ theo nghề nghiệp giai đoạn 2011-2013

STT

Nghành nghề

2011

2012

2013

1

Công nhân

211

262

310

2

Nông dân

930

1353

1392

3

Ngư dân, Thủy thủ

43

51

93

4

Cán bộ, NLĐ nghỉ hưu, mất sức

49

61

27

5

Học sinh, sinh viên

49

49

31

6

Lao động tự do

96

149

137

7

Thợ thủ công

39

37

6

8

Buôn bán

27

28

18

9

Khác

633

201

75

Tổng cộng

2077

2191

2118

Người làm công ăn lương

664

700

714

Người làm việc không theo hợp đồng lao động

1413

1491

1404

(Nguồn: Điều tra tử vong do tai nạn liên quan đến lao động trong cộng đồng năm 2011-2013 của Cục An toàn lao động, Bộ LĐ-TB và XH)

Trong các vụ TNLĐ nghiêm trọng, chết người kể trên, thì có rất nhiều vụ tai nạn liên quan đến sử dụng máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động trong các cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh cá thể, điển hình như: Vụ nổ lò hơi ngày 18/01/2013 tại cơ sở bánh tráng tại xã Vạn Bình, Vạn Ninh, Khánh Hòa làm 01 người chết, 04 người bị thương; nổ lò hơi ngày 27/7/2013 tại cơ sở sản xuất bánh tráng số 176A, đường D1 khu phố 2, Cư xá Điện Lực, phường Tân Hiệp, Biên Hòa, Đồng Nai làm 01 người chết; nổ lò hơi tại xưởng chế biến bánh tráng thôn Tịch Tây, xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành, Quảng Nam ngày 14/1/2015 làm chết 02 người; nổ lò hơi tại cơ sở làm bánh tráng, thị trấn Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp làm 01 người chết; nổ bình bơm xe ngày 23/4/2012 tại tiệm sửa xe trên đường Đặng Văn Ngữ (phường 14, quận Phú Nhuận, TP. HCM) làm chết 01 người; nổ bình khí nén tại cơ sở vá xe trên đường dẫn vào đường cao tốc TP.HCM-Trung Lương vào ngày 04/6/2013 làm 01 người chết; ngày 22/6/2013, nổ bình bơm bong bóng tại nhà số 150 Nguyễn Văn Công (P.3, Q.Gò Vấp, TP.HCM) làm 5 người chết…

Nguyên nhân chính của các vụ nổ trên là các máy, thiết bị chưa được kiểm định kỹ thuật an toàn lao động nhưng vẫn được đưa vào sử dụng. Các thiết bị nêu trên được sử dụng tại các cơ sở sản xuất, hộ gia đình, hộ kinh doanh cá thể nhỏ lẻ. Các cơ sở này thường có đặc điểm là sử dụng NLĐ không theo hợp đồng lao động và không có điều kiện về kinh tế. Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra chỉ thực hiện đối với doanh nghiệp còn các điểm kinh doanh nhỏ lẻ gặp nhiều khó khăn. Lực lượng thanh tra của các Sở hiện không đủ để có thể kiểm soát hết các điểm sử dụng bơm hơi, khí nén tự phát, trong khi các điểm này không có giấy phép kinh doanh và luôn di chuyển địa điểm để hành nghề…

II. Thực trạng quản lý nhà nước về ATVSLĐ đối với NLĐ làm việc không theo hợp đồng lao động.

Tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII, ngày 25/6/2015, Quốc hội thông qua Luật ATVSLĐ. Đây là Luật ATVSLĐ đầu tiên của nước ta, được xây dựng trên cơ sở cụ thể 20 điều tại chương IX của Bộ Luật Lao động năm 2012.

So với Bộ Luật Lao động, Luật ATVSLĐ đã mở rộng hơn về đối tượng áp dụng, đến cả những người làm việc không theo hợp đồng lao động. Các quy định cụ thể về quyền và trách nhiệm của họ trong công tác ATVSLĐ như sau:

– Về quyền:

+ Được làm việc trong điều kiện ATVSLĐ; được Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để làm việc trong môi trường ATVSLĐ;

+ Tiếp nhận thông tin, tuyên truyền, giáo dục về công tác ATVSLĐ; được huấn luyện ATVSLĐ khi làm các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ;

+ Tham gia và hưởng bảo hiểm TNLĐ theo hình thức tự nguyện do Chính phủ quy định.

+ Khiếu nại, tố cáo hoặc khởi kiện theo quy định của pháp luật.

– Về nghĩa vụ:

+ Chịu trách nhiệm về ATVSLĐ đối với công việc do mình thực hiện theo quy định của pháp luật;

+ Bảo đảm ATVSLĐ đối với những người có liên quan trong quá trình lao động;

+ Thông báo với chính quyền địa phương để có biện pháp ngăn chặn kịp thời các hành vi gây mất ATVSLĐ.

Bên cạnh đó, Luật cũng khuyến khích NLĐ nâng cao ý thức phòng ngừa TNLĐ, BNN, nâng cao trách nhiệm của tổ chức, cơ quan nhà nước trong việc hướng dẫn NLĐ thực hiện biện pháp bảo đảm ATVSLĐ.

Do trước đây pháp luật điều chỉnh không rõ về ATVSLĐ đối với những người làm việc không theo hợp đồng lao động, nên các hoạt động thực thi quyền lực nhà nước (như thanh tra, kiểm tra…) hầu như không được triển khai trong khu vực này. Tuy nhiên, nhận thấy đây là khu vực tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro về ATVSLĐ, nên Nhà nước cũng đã quan tâm bố trí nguồn lực trong Chương trình quốc gia về ATVSLĐ từ năm 2016 để triển khai các hoạt động hỗ trợ (thông tin, tuyên truyền, huấn luyện) đến các đối tượng này.

Chương trình đã đạt được một số kết quả nhất định trong việc nâng cao nhận thức của NLĐ. NLĐ đã từng bước áp dụng các biện pháp làm việc an toàn để bảo vệ bản thân và những người có liên quan. Trong giai đoạn 2011-2014, mặc dù số người chết do TNLĐ có tăng, nhưng tần suất TNLĐ chết người lại giảm 3,74% so với năm 2010 (có nghĩa là tốc độ tăng của số người bị nạn thấp hơn tốc độ tăng của lực lượng lao động), góp phần tiết kiệm các khoản chi trả cho các vụ TNLĐ, ước tính hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, khó bảo đảm các kết quả này sẽ được duy trì ổn định và bền vững nếu Chương trình không tiếp tục được hỗ trợ, bởi Chương trình hiện nay mới chỉ tác động đến nhận thức, chưa làm thay đổi ý thức, hành vi, tạo thói quen làm việc bảo đảm ATVSLĐ đối với đối tượng lao động này.

III. Thách thức, khó khăn và giải pháp nâng cao năng lực quản lý nhà nước về ATVSLĐ đối với NLĐ làm việc không theo hợp đồng lao động

1. Thách thức, khó khăn trong quản lý nhà nước về ATVSLĐ đối với NLĐ làm việc không theo hợp đồng lao động.

a) Về xây dựng văn bản quy phạm pháp luật

Luật ATVSLĐ là luật đầu tiên điều chỉnh về công tác ATVSLĐ đối với NLĐ làm việc không theo hợp đồng lao động. Việt Nam cũng là quốc gia tiên phong trong việc quy định áp dụng ATVSLĐ đến tất cả những NLĐ trong khu vực này, nên thiếu những bài học kinh nghiệm để xây dựng và tổ chức triển khai các văn bản quy phạm pháp luật. Các kinh nghiệm chủ yếu dựa trên kết quả triển khai Chương trình quốc gia ATVSLĐ thời gian qua.

Trong khi đó, để Luật ATVSLĐ đi vào cuộc sống thì còn phải tiếp tục xây dựng các văn bản có tính khả thi quy định cụ thể công tác ATVSLĐ đối với NLĐ làm việc không theo hợp đồng lao động. Chẳng hạn, các quy định về quyền của NLĐ làm việc theo hợp đồng lao động thì tương ứng thường là nghĩa vụ của NSDLĐ và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước có liên quan. Tuy nhiên, đối với NLĐ làm việc không theo hợp đồng lao động thì tương ứng sẽ chỉ còn là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước có liên quan, bởi không có NSDLĐ. Như vậy, rất khó có các biện pháp khả thi trong giám sát ATVSLĐ đối với NLĐ làm việc không theo hợp đồng lao động nhằm thực hiện đầy đủ quyền lợi của họ.

Malaysia và Singapore cũng là quốc gia có quy định áp dụng ATVSLĐ tới khu vực NLĐ làm việc không theo hợp đồng lao động, nhưng cũng chỉ quy định những nội dung thuộc trách nhiệm của NLĐ trong việc bảo đảm an toàn vệ sinh trong quá trình lao động đối với những người khác, đồng thời cũng chỉ với một nhóm người làm nghề có nguy cơ cao.

b. Về tổ chức triển khai thực hiện các quy định pháp luật

Hiện nay, chỉ tính riêng đối với khu vực có quan hệ lao động, bộ máy làm công tác quản lý Nhà nước về ATVSLĐ từ Trung ương đến địa phương vẫn đang bất cập giữa chức năng, nhiệm vụ được giao với biên chế và trình độ cán bộ. Lực lượng làm công tác ATVSLĐ (kể cả thanh tra) thuộc ngành lao động chỉ có khoảng 500 người, thiếu cả về số lượng và chất lượng chuyên môn nghiệp vụ.

Trong khi đó, để bảo đảm các quyền của NLĐ làm việc không theo hợp đồng lao động và tính khả thi, Luật ATVSLĐ có bổ sung thêm nhiều nội dung thuộc trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về lao động. Bởi vậy, đây cũng là một thách thức lớn đối với các cơ quan quản lý nhà nước về lao động, chẳng hạn như:

– Thanh tra lao động được giao thêm nhiệm vụ điều tra TNLĐ chết người và TNLĐ làm bị thương nặng từ 02 người trở lên đối với NLĐ làm việc không theo hợp đồng lao động, tức là phải điều tra gấp gần 3 lần số vụ hiện tại (xem bảng 2), trong khi việc điều tra TNLĐ khu vực này không hề đơn giản;

Bảng 2. Tần suất tử vong do TNLĐ trong cộng đồng

TT

Chỉ tiêu

2010

2011

2012

2013

2014

2011-2014

So với 2010

1

Số người chết do TNLĐ trên toàn quốc

2104

2.047

2.164

2088

2063

2.106

+0,07%

2

Lực lượng lao động toàn quốc (có việc làm vào 1/7 hàng năm) (triệu người)

49,048

50,352

51,422

52,402

46,48

51,372

+4,78%

3

Số người tử vong tính trên 10.000 lao động

4,29

4,07

4,21

3,84

4.44

4,13

-3,74%

(Nguồn: Điều tra tử vong do TNLĐ trong cộng đồng năm 2011-2014 của Cục An toàn lao động, Bộ LĐ-TB và XH)

– Ủy ban nhân dân các cấp được giao trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về ATVSLĐ cho NLĐ làm việc không theo hợp đồng lao động tại địa phương, trong khi nhiệm vụ của các công chức xã phường là khá nhiều;

– Nhà nước có chính sách hỗ trợ học phí huấn luyện về ATVSLĐ cho NLĐ làm việc không theo hợp đồng lao động làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ, trong khi hiện nay ngân sách đang thiếu…

Song song với việc thanh tra, là việc kiểm tra ATVSLĐ đối với NLĐ làm việc không theo hợp đồng lao động. Tuy nhiên, hiện nay, số cuộc thanh tra, kiểm tra về ATVSLĐ tại các địa phương, doanh nghiệp thực hiện còn ít do ngân sách cho công tác này còn hạn chế. Đặc biệt ở một số lĩnh vực như nông, lâm, ngư nghiệp, các doanh nghiệp tư nhân, các làng nghề chưa được thanh tra, kiểm tra.

Bên cạnh những khó khăn, bất cập của cơ quan nhà nước thì có những khó khăn bất cập xuất phát từ chính NLĐ làm việc không theo hợp đồng lao động. Họ thường chưa có tác phong công nghiệp, thiếu được huấn luyện về ATVSLĐ nên không hiểu biết đầy đủ về các mối nguy hiểm cần phải đề phòng, đồng thời đa số họ vì lý do thu nhập nên sẵn sàng và chấp nhận làm việc trong điều kiện lao động xấu.

2. Một số giải pháp nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về ATVSLĐ đối với NLĐ làm việc không theo hợp đồng lao động

a. Ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn Luật ATVSLĐ. Trong đó, từng bước hoàn thiện chính sách hỗ trợ huấn luyện ATVSLĐ phù hợp điều kiện phát triển kinh tế – xã hội trong từng thời kỳ.

Cần chú trọng phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm TNLĐ tự nguyện, bảo đảm nguyên tắc chia sẻ rủi ro, góp phần khắc phục hậu quả TNLĐ. Theo kinh nghiệm các nước khi xây dựng, chính sách bảo hiểm TNLĐ thường căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế – xã hội, khả năng quản lý đối tượng tham gia để mở rộng dần đối tượng1. Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cũng khuyến nghị các quốc gia2 chỉ áp dụng chính sách bảo hiểm cho một bộ phận NLĐ không có quan hệ lao động (xã viên hợp tác xã, NLĐ tự do hoặc tự tạo việc làm trong các trang trại và doanh nghiệp quy mô nhỏ).

b) Từng bước kiện toàn bộ máy làm công tác quản lý nhà nước về ATVSLĐ. Trước hết hoàn thiện mô hình tổ chức bộ máy làm công tác thanh tra ATVSLĐ qua việc bổ sung chức năng thanh tra chuyên ngành cho các cơ quan làm công tác quản lý nhà nước về ATVSLĐ từ trung ương đến địa phương, bổ sung các quy trình điều tra TNLĐ khu vực làm việc không theo hợp đồng lao động, quy chế phối hợp điều tra…

Triển khai tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về ATVSLĐ đối với người làm công tác quản lý, chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác ATVSLĐ cấp quận, huyện, phường, xã và trong các ban quản lý khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao nhằm kịp thời đáp ứng các nhiệm vụ mới được giao.

c) Tăng cường các hoạt động định hướng, hỗ trợ, can thiệp của nhà nước về ATVSLĐ đối với NLĐ làm việc không theo hợp đồng lao động.

Trước hết cần tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình quốc gia về ATVSLĐ giai đoạn 2016-2020 thông qua các hoạt động như: thí điểm triển khai hệ thống báo cáo, thống kê TNLĐ, tư vấn hỗ trợ pháp luật đối với NLĐ làm việc không theo hợp đồng lao động; thí điểm phòng chống TNLĐ khi sử dụng máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động trong khu vực phi kết cấu (khu vực làng nghề, hộ kinh doanh cá thể…); tổ chức thông tin và hỗ trợ các lớp tập huấn mẫu về ATVSLĐ đối với NLĐ làm các nghề, công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ; người làm các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm…

Đổi mới nội dung, hình thức, công cụ tuyên truyền nhằm đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền trực tiếp đến NLĐ. Phát triển dịch vụ làm công tác ATVSLĐ trên cả nước; bảo đảm hoạt động các cơ sở huấn luyện, kiểm định, đo kiểm môi trường lao động có hiệu quả.

Từng bước tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về ATVSLĐ tại những địa điểm và đối với những nghề, công việc dễ xảy ra TNLĐ nghiêm trọng; kịp thời đưa ra xét xử những vụ TNLĐ chết người, gây hậu quả nghiêm trọng, xuất phát từ hành vi cố tình vi phạm pháp luật.

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực ATVSLĐ, nhằm tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ kỹ thuật và chuyên gia đối với công tác ATVSLĐ…

ThS. Bùi Đức Nhưỡng

Phó Cục trưởng Cục ATLĐ

Bộ LĐ-TB và XH


(Nguồn tin: Tạp chí BHLĐ số 3/2017)