Đánh giá thực trạng ATVSLĐ và tình hình áp dụng hệ thống quản lý ATVSLĐ tại doanh nghiệp sản xuất cơ khí

Thứ Sáu, 01/12/2023, 10:44(GMT +7)

Nghiên cứu nhằm đánh giá thực trạng An toàn Vệ sinh Lao động (ATVSLĐ) và tình hình áp dụng hệ thống quản lý ATVSLĐ tại 24 doanh nghiệp sản xuất cơ khí thuộc 3 miền Bắc-Trung-Nam, sử dụng phương pháp đo đạc môi trường lao động (MTLĐ); phiếu phỏng vấn doanh nghiệp, phiếu phỏng vấn người lao động (NLĐ), phiếu thu thập và nhận diện mối nguy về ATVSLĐ.

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Ðặc thù công việc của ngành cơ khí là phải tiếp xúc, sử dụng nhiều các thiết bị điện, máy móc, nên rất dễ gây ra các nguy cơ chấn thương cơ học do máy móc chuyển động, các vật sắc nhọn nhô ra, các dụng cụ vật liệu văng bắn, điện giật, bỏng nhiệt… Bên cạnh đó, NLĐ còn thường xuyên phải làm việc trong môi trường bị ô nhiễm do nhiệt độ, tiếng ồn, bụi, hơi dầu mỡ, khói hàn trong các phân xưởng sản xuất gia công … Tất cả các yếu tố này đều có nguy cơ đe dọa tới tính mạng và sự an toàn của người lao động. Vì vậy thông tin về thực trạng ATVSLĐ và tình hình áp dụng hệ thống quản lý ATVSLĐ tại các doanh nghiệp sản xuất cơ khí sẽ là cơ sở để xây dựng và ban hành các hướng dẫn về quản lý và/hoặc kỹ thuật trong quản lý an toàn lao động (ATLĐ) và xây dựng hệ thống quản lý ATVSLĐ. Nguy cơ gây TNLĐ và ảnh hưởng đến sức nghề nghiệp của NLĐ trong lĩnh vực sản xuất này sẽ được giảm. Nghiên cứu này là một phần trong đề tài “Nghiên cứu xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) theo tiêu chuẩn ISO 45001:2018 trong các doanh nghiệp cơ khí vừa và nhỏ”.

2. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1. Đối tượng nghiên cứu

– Các vị trí lao động tại 24 doanh nghiệp (DN) sản xuất cơ khí ở miền Bắc – Trung – Nam, trong đó 08 DN miền Bắc, 02 DN miền Trung, 14 DN miền Nam.

– NLĐ tại 24 DN sản xuất cơ khí.

2.2. Phương pháp nghiên cứu

2.2.1. Phương pháp đo đạc MTLĐ

Các chỉ tiêu, phương pháp đo đạc MTLĐ được đưa ra trong Bảng 1.

              Bảng 1: Chỉ tiêu, phương pháp đo đạc và thiết bị sử dụng

Chỉ tiêu

Phương pháp xác định

Thiết bị sử dụng

Số lượng mẫu

Vi khí hậu (nhiệt độ, độ ẩm, tốc độ gió)

QCVN 26:2016/BYT

Testo 425, Germany

360

Độ ồn chung

QCVN 24:2016/BYT

RION – NL 42 (Japan)

504

Bụi toàn phần

TCVN 5067:1995

Metler AE 240, Swiss

360

Hơi hữu cơ – VOC 

GC/FID Shimadzu 2010

504

CO

NIOSH 6604

Shimadzu UV-VIS mini-1240

216

CO2

NIOSH 6603

Shimadzu UV-VIS mini-1240

216

SO2

NIOSH 6400

Shimadzu UV-VIS mini-1240

216

CrO3

NIOSH 7600

Shimadzu UV-VIS mini-1240

216

HCL

NIOSH 7903

Shimadzu UV-VIS mini-1240

216

MnO

NIOSH 7303

Shimadzu UV-VIS mini-1240

216

FeO

NIOSH 7303

Shimadzu UV-VIS mini-1240

216

Al2O3

NIOSH 7303

Shimadzu UV-VIS mini-1240

216

2.2.2. Bộ phiếu điều tra và nhận diện mối nguy ATVSLĐ

a. Phiếu phỏng vấn doanh nghiệp

Phiếu điều tra tình hình ATVSLĐ tại các doanh nghiệp sản xuất (DNSX) cơ khí dành cho đối tượng DN: quy mô sản xuất, quy trình sản xuất, hệ thống quản lý đang áp dụng, hệ thống máy móc, hóa chất sử dụng và các thông tin về ATVSLĐ tại DN.

b. Phiếu phỏng vấn NLĐ

Phiếu điều tra tình hình ATVSLĐ tại các doanh nghiệp sản xuất cơ khí dành cho đối tượng là NLĐ để nhận diện mối nguy theo từng công đoạn, khả năng xảy ra mối nguy và mức độ nghiêm trọng của mối nguy: quy mô sản xuất, quy trình sản xuất, hệ thống quản lý đang áp dụng, hệ thống máy móc, hóa chất sử dụng và các thông tin về ATVSLĐ tại DN.

c. Phiếu thu thập và nhận diện mối nguy về ATVSLĐ

Qua điều tra, khảo sát nhận diện mối nguy cần phải có sự tham vấn của 3 bên bao gồm người sử dụng lao động, NLĐ và góc nhìn của chuyên gia đánh giá. Các thông tin thu thập gồm các mối nguy có thể xảy ra, nguyên nhân xảy ra, hậu quả và chuỗi các sự kiện có thể xảy ra, lịch sử các sự cố.

3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

3.1. Thực trạng ATVSLĐ tại các doanh nghiệp sản xuất cơ khí

3.1.1. Kết quả quan trắc MTLĐ

Tổng hợp kết quả quan trắc MTLĐ tại 24 DNSX cơ khí trong Bảng 2.

             Bảng 2: Tổng hợp kết quả quan trắc MTLĐ tại 24 DNSX cơ khí

TT

Chỉ tiêu

Tổng số mẫu đo

Số mẫu/DN không đạt TC VSLĐ

M. Bắc

M. Trung

M. Nam

M. Bắc

M. Trung

M. Nam

Tông số không đạt

%

Tổng số DN cơ khí

8DN

2DN

14DN

4DN

1DN

8DN

13DN

54,17

1

Nhiệt độ

120

30

210

2

3

115

120

33,33

2

Độ ẩm

120

30

210

15

0

0

15

4,17

3

Tốc độ gió

120

30

210

0

0

65

65

18,06

4

Ánh sáng

120

30

210

0

0

55

55

15,28

5

Độ ồn chung

168

42

294

53

15

121

189

37,50

6

Bụi toàn phần

120

30

210

0

0

0

0

0,00

7

VOC

168

42

294

9

3

32

44

8,73

8

CO

72

18

126

0

0

0

0

0,00

9

CO2

72

18

126

5

2

14

21

9,72

10

HCl

72

18

126

0

0

0

0

0,00

11

SO2

72

18

126

0

0

0

0

0,00

12

CrO3

72

18

126

0

0

0

0

0,00

13

FeO

72

18

126

0

0

0

0

0,00

14

MnO

72

18

126

0

0

0

0

0,00

15

Al2O3

72

18

126

0

0

0

0

0,00

Có 13/24 DN vi phạm quy chuẩn QCVN 26:2016/BYT, trong đó miền Bắc 4/8; miền Trung 1/2 và miền Nam là 8/14.

– Vi khí hậu:

+ Về nhiệt độ: 120/360 vị trí không đạt quy chuẩn (chiếm 33,33%), nhiệt độ vượt từ 0,1-4oC chủ yếu ở một số công đoạn như hàn, cắt kim loại là những công đoạn sinh nhiệt. Đa số vị trí vượt quá nhiệt độ cho phép tập trung vào các DN nhỏ ở miền Nam.

+ Về độ ẩm: có tất cả 15/360 vị trí không đạt quy chuẩn, độ ẩm nhỏ hơn 40% từ 0,1-5% và tập trung ở các DN miền Bắc.

– Tốc độ gió, có 65/360 vị trí tập trung tại DN miền Nam chiếm 18,06% tổng số các mẫu khảo sát có tốc độ dưới 0,2 m/s không đạt QCVN 26:2016/BYT.

– Tiềng ồn:

Quan trắc MTLĐ tại 24 DN cơ khí cho thấy tiếng ồn vượt quá 85dBA tập trung tại các công đoạn như dập, cắt kim loại hay công đoạn mài nhưng dưới 90dBA. Có tất cả 189/504vị trí không đạt QCVN 24:2016/BYT, chiếm 37,5%. Tuy nhiên tại khu vực phòng thổi gió công ty Astro Việt Nam và khu vực mài cắt kim loại công ty Tiến Nhuận Phát độ ồn lên đến 93 và 91,5dBA.   

– Hơi hữu cơ:

Có 44/504 vị trí đo (chiếm 8,73%) có hơi dung môi hữu cơ vượt quá tiêu chuẩn vệ sinh cho phép, chủ yếu tập chung ở khu vực sơn. Các hóa chất này là các dung môi được sử dụng phổ biến trong sơn tĩnh điện như là n-Butyl acetate, Acetone, và Xylene, trong đó chỉ có nồng độ Acetone vượt quá tiêu chuẩn cho phép.

– Các loại khí vô cơ chủ yếu sinh ra trong quá trình hàn, mạ (CO, HCl….), trừ khí CO2, kết quả cho thấy tại các vị trị đo thuộc 24 DN cơ khí thuộc Bắc, Trung, Nam đều nằm trong giới hạn của tiêu chuẩn vệ sinh lao động cho phép. Tuy nhiên, CO2 là khí được sinh ra từ quá trình hàn tại 21/216 vị trí (chiếm 9,72%) vượt quá giới hạn cho phép.

Nhìn chung, kết quả quan trắc cho thấy NLĐ ngành cơ khí tại các cơ sở được khảo sát có nguy cơ tiếp xúc với các yếu tố có hại là vi khí hậu nóng (tập trung vào các doanh nghiệp nhỏ và vừa miền Nam nơi có khí hậu 2 mùa), tiếng ồn, hơi khí hữu cơ (acetone) vượt các tiêu chuẩn cho phép. Tốc độ gió dưới các tiêu chuẩn cho phép. Nghiên cứu này khẳng định hơn nữa những kết quả nghiên cứu trong nước được thực hiện trước đó về hiện trạng MTLĐ của NLĐ ngành cơ khí.

3.1.2. Thực trạng ATVSLĐ

Kết quả việc triển khai công tác ATVSLĐ của 24 DN sản xuất cơ khí được khảo sát như sau:

– Về trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân (PTBVCN):

Mặc dù trong 24 doanh nghiệp khảo sát, có những doanh nghiệp sản phẩm cơ khí dân dụng đơn chiếc cho các công trình xây dựng nhà ở, người lao động chưa quan tâm đầy đủ đến công tác ATVSLĐ. Tuy nhiên 100% các doanh nghiệp có trang bị PTBVCN cho người lao động, nhưng không đầy đủ. Kết quả khảo sát cho thấy có 06/24 cơ sở (chiếm 25%) trang bị PTBVCN không đầy đủ về số lượng cho NLĐ theo quy định, tập trung ở những doanh nghiệp quy mô nhỏ và sản phẩm đơn chiếc; 04/24 cơ sở (chiếm 16,67%) có NLĐ không sử dụng trang bị PTBVCN đúng mục đích công việc.

Trong đó, những người lao động trong DN cơ khí sản phẩm kích thước lớn hoặc sản phẩm dân dụng cho nhà dân, khi đi làm việc lắp ráp ngoài công trường họ thường sử dụng giày vải thay cho giày bảo hộ lao động chống va đập. Còn đối với doanh nghiệp sản xuất các linh kiện cần môi trường lao động sạch, người công nhân còn được phát mũ trùm đầu để đảm bảo tóc của họ không làm bẩn lên sản phẩm. Mặc dù người lao động đươc phát các phương tiện BVCN như khẩu trang, găng tay hay nút tai chống ồn, nhưng do cảm giác khó chịu khi sử dụng những phương tiện này nên người lao động thường bỏ ra treo trên người, chỉ sử dụng khi có kiểm tra hay bị nhắc nhở.

– Mặt bằng sản xuất:

Đường nội bộ và cửa thoát hiểm: Theo kết quả khảo sát của đề tài, DN lớn sản xuất các sản phẩm hàng loạt phân xưởng sản xuất có nhiều lối đi, đường đi trong phân xưởng được kẻ lối đi rõ ràng, thông thoáng. Ngược lại, các DN nhỏ, DN sản xuất hàng đơn chiếc theo yêu cầu cho xây dựng dân dụng hoặc doanh nghiệp sản xuất hàng kích thước quá khổ, phân xưởng sản xuất không có lối đi rõ ràng. Đa số những phân xưởng này không có tường hay rào bao quanh, NLĐ có thể đi vào hay đi ra bất cứ chỗ nào không có lối hoát hiểm. Tuy nhiên do việc không có ranh giới lối đi kết hợp các nguyên vật liệu lớn nằm dưới sàn nên tiềm ẩn nhiều tai nạn lao động. Kết quả khảo sát cho thấy 08/24 DN (chiếm 33,3%) thiết kế đường đi lại nội bộ không đảm bảo chiều rộng theo quy định; 06/24 DN (chiếm 25%) có đường đi lại nội bộ còn để các vật cản, chướng ngại vật; 06/24 DN (chiếm 25%) không có các biển cảnh báo an toàn, biển cấm, biển chỉ dẫn cho người và phương tiện qua lại; 03/24 DN (chiếm 12,5%) không phổ biến cho NLĐ các quy định về thoát hiểm và niêm yết ở những nơi dễ thấy để mọi người biết và chấp hành và không có sơ đồ chỉ dẫn lối thoát hiểm;

Đặc biệt 04 DN sản xuất hàng đơn chiếc kích thước quá khổ, không có tường hay rào quanh phân xưởng nên không có vị trí để treo các biển cảnh báo nguy hiểm.

Ngoài ra, do tính chất công việc nên nhiệt độ trong các phân xưởng sản xuất cơ khí thường cao. Vì vậy người lao động sử dụng thêm quạt để thông gió gây cản trở lối đi và gia tăng nguy cơ bị điện giật do dây điện nằm trên đường đi.

– Rủi ro về điện:

Khảo sát cho thấy: 02/24 cơ sở (chiếm 8,33%) thực hiện nối trung tính vỏ kim loại của máy, thiết bị điện để đề phòng điện chạm vỏ nhưng không đảm bảo; 03/24 cơ sở (chiếm 12,5%) có dây điện không đi trên sứ cách điện, lắp đặt trên kết cấu kim loại của nhà xưởng; 05/24 cơ sở (chiếm 20,83%) không thiết kế hoặc không lắp đặt hệ thống chống sét đánh thẳng hoặc lắp đặt không đảm bảo; 06/24 cơ sở (chiếm 25%)  không định kỳ kiểm tra đo điện trở nối đất nhà xưởng, thiết bị.

Ảnh minh họa môi trường lao động tại DNSX cơ khí.

3.2. Tình hình áp dụng HTQL ATVSLĐ tại các doanh nghiệp sản xuất cơ khí

Kết quả tổng hợp số DNSX cơ khí đạt được chứng nhận áp dụng các HTQL được dẫn ra trong Bảng 3.

Bảng 3: Tổng hợp số doanh nghiệp cơ khí đạt chứng nhận các hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn

TT

Hệ thống quản lý theo Tiêu chuẩn

Số DN cơ khí đạt Chứng nhận

Tổng số DN cơ khí đạt Chứng nhận

Tỷ lệ

(%)

Miền Bắc

Miền Trung

Miền Nam

1

BSCI

0

0

3

3

8,33

2

ISO 9001

7

1

6

14

58,3

3

ISO 14001

6

1

6

13

54,2

4

ISO 22000

0

0

0

0

0

6

OSHAS 18001

0

0

0

0

0

Theo kết quả khảo sát tại 24 DN cơ khí, chỉ có 3 DN có chứng nhận BSCI (Bộ quy tắc BSCI chính là một bộ tiêu chuẩn giúp đánh giá và tuân thủ tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội trong kinh doanh), là các doanh nghiệp thuộc miền nam. Bộ quy tắc này ra đời năm 2003 do Hiệp hội Ngoại thương (FTA) đề xướng. Với mục đích chính là thiết lập được một diễn đàn chung cho các quy tắc ứng xử và hệ thống giám sát ở Châu Âu. Chính tiêu chuẩn này đã nhanh chóng có được hiệp hội và tập đoàn cùng Doanh Nghiệp và các nhà nhập khẩu, nhà sản xuất hàng tiêu dùng với các công ty bán lẻ trên thế giới được đánh giá cao và áp dụng cho mình. Trong 11 quy tắc ứng xử BSCI, thì quy tắc số 11 là về An toàn và sức khỏe tại nơi làm việc. Trong số 24 DN được khảo sát, số cơ sở đạt được chứng nhận ISO 9001 là lớn nhất – 14/24 CS (chiếm 58,3%). Tiếp theo là 13/24 CS đạt chứng nhận HTQL về môi trường ISO 14001. Không cơ cơ sở nào đạt chứng nhận HTQL ATVSLĐ OHSAS 18001 hay ISO 22000.

Ngoài các hệ thống quản lý theo quy định của Pháp luật Việt Nam, một số DN còn áp dụng và vận hành các HTQL của nước ngoài theo yêu cầu của khách hàng nhưng không có chứng chỉ công nhận.

4. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

4.1. Kết luận

+ Môi trường lao động: 13/24 cơ sở vi phạm quy chuẩn về vi khí hậu; 37,5% vị trí vi phạm tiêu chuẩn về tiếng ồn; 8/24 DN có vị trí nồng độ dung môi hữu cơ vượt tiêu chuẩn cho phép.

+ Trang bị PTBVCN: 25% DN trang bị PTBVCN không đầy đủ về số lượng cho NLĐ theo quy định, tập trung ở những doanh nghiệp quy mô nhỏ và sản phẩm đơn chiếc; 16,67% có NLĐ không sử dụng trang bị PTBVCN đúng mục đích công việc.

+ Mặt bằng sản xuất: 33,3% thiết kế đường đi lại nội bộ không đảm bảo chiều rộng theo quy định; 25% có đường đi lại nội bộ còn để các vật cản, chướng ngại vật; 19,2% không có các biển cảnh báo an toàn, biển cấm, biển chỉ dẫn cho người và phương tiện qua lại.

+ Rủi ro về điện: 25% doanh nghiệp  không định kỳ kiểm tra đo điện trở nối đất nhà xưởng, thiết bị.

+ Đo đạc MTLĐ và huấn luyện ATVSLĐ: 25% cơ sở không tổ chức đo, kiểm tra môi trường lao động định kỳ hàng năm; 33% cơ sở không tổ chức huấn luyện ATVSLĐ cho người học nghề, tập nghề khi tuyển dụng hoặc huấn luyện không đầy đủ.

+ Hệ thống quản lý ATVSLĐ: 58% cơ sở đạt chứng nhận ISO 9001 và không có doanh nghiệp nào đạt chứng nhận HTQL ATVSLĐ OHSAS 18001.

4.2. Kiến nghị                                  

Cần có các giải pháp cải thiện điều kiện lao động cho NLĐ như cải thiện môi trường vi khí hậu nơi làm việc, chống ồn tại các công đoạn đột dập/cắt xẻ kim loại và các nguy cơ tiếp xúc với các hóa chất hữu cơ bay hơi từ dung môi từ công đoạn làm sạch về mặt, mạ kim loại. Cần có các quy định, giải pháp cụ thể của Nhà nước về hỗ trợ các doanh nghiệp cũng như nâng cao nhận thức của NLĐ về công tác đảm bảo ATVSLĐ và khuyến khích doanh nghiệp xây dựng, áp dụng các hệ thống quản lý ATVSLĐ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO 

[1]. Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Cục An toàn lao động (2016), Hồ sơ quốc gia về An toàn và Vệ sinh lao động ở Việt Nam, giai đoạn 2010-2015.

[2]. Dự án nâng cao năng lực huấn luyện ATBSLĐ ở Việt Nam (VIE/05/-1/LUX), An toàn Vệ sinh Lao động trong sản xuất cơ khí.

[3]. Đỗ Trần Hải, Phạm Quốc Quân, Nguyễn Thắng Lợi (2017), Đánh giá phân loại chất lượng vệ sinh môi trường lao động và rủi ro sức khỏe nghề nghiệp do tác động của các thông số vi khí hậu. Tạp chí Bảo hộ Lao động, số 4, pp 28-34.

[4]. Đào Phú Cường, Tạ Tuyết Bình (2020), Đánh giá tư thế lao động tại một số cơ sở sản xuất cơ khí vừa và nhỏ theo phương pháp phân tích OWAS, Tạp chí Hoạt động KHCN An toàn – Sức khỏe & Môi trường lao động, số 4,5&6.

[5]. Bộ Y tế  (2016), Thông tư số 24/2016/TT-BYT Ban hành quy chuẩn quốc gia QCVN 24/2016/BYT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn – Mức tiếp xúc cho phép tiếng ồn tại nơi làm việc, ban hành ngày 30/6/2016.

[6]. Bộ Y tế  (2016), Thông tư số 26/2016/TT-BYT Ban hành quy chuẩn quốc gia QCVN 26/2016/BYT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về vi khí hậu – Giá trị cho phép vi khí hậu tại nơi làm việc, ban hành ngày 30/6/2016.

ThS. Nguyễn Thị Thúy Hằng, ThS. Nguyễn Khánh Huyền, CN. Lê Thị Đào

Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động


(Nguồn tin: Vnniosh.vn)