Nghiên cứu xây dựng tiêu chuẩn yêu cầu kỹ thuật của quần áo bảo hộ lao động phổ thông cho nam và nữ

Thứ Sáu, 01/12/2023, 10:44(GMT +7)

Báo cáo giới thiệu kết quả nghiên cứu xây dựng tiêu chuẩn yêu cầu kỹ thuật của quần áo bảo hộ lao động phổ thông (QABHLĐPT). Những kết quả đạt được của đề tài nhằm đưa ra tiêu chuẩn đảm bảo an toàn và tiện nghi cho người lao động, giảm thiểu tối đa cảm giác khó chịu của người công nhân khi mặc, góp phần nâng cao sức khỏe và tăng năng suất lao động của công nhân. Tiêu chuẩn về yêu cầu kỹ thuật của QABHLĐPT là cơ sở để nhà sản xuất lựa chọn được nguyên phụ liệu phù hợp và thiết kế mẫu quần áo đảm bảo độ vừa vặn và tính tiện nghi.

2. ĐẶT VẤN ĐỀ

Phương tiện bảo vệ cá nhân nói chung và  QABHLĐPT nói riêng đều cần phải bảo đảm các tiêu chuẩn, yêu cầu về an toàn, vệ sinh và tiện nghi sử dụng. Các nhà nghiên cứu, thiết kế, chế tạo công nghiệp, kể cả người quản lý, người sử dụng lao động và người lao động đều cần đến các tiêu chuẩn về yêu cầu kỹ thuật của các phương tiện bảo vệ cá nhân phù hợp theo nhu cầu bảo vệ của nhóm quần thể lao động nhất định.

Trước tình hình tiêu chuẩn về QABHLĐPT cho nam và nữ: TCVN 1600-1991 và TCVN 1601-1991 đã không được ban hành do không đáp ứng được với sự phát triển công nghệ vật liệu dệt may, sự thay đổi về nhân trắc học. Các vật liệu sử dụng may quần áo đã thay đổi, chất liệu vải, phụ liệu cần được thay đổi theo công nghệ mới. Môi trường làm việc phức tạp hơn, quần áo BHLĐ cho công nhân cần được xem xét đến tính tiện nghi đảm bảo sức khỏe và tiện nghi cho người lao động. Cho nên việc xây dựng mới tiêu chuẩn mới về yêu cầu kỹ thuật của QABHLĐPT đảm bảo phù hợp với sự phát triển hiện nay về vật liệu, công nghệ sợi dệt, kỹ thuật hoàn tất vải và công nghệ cắt may là rất cần thiết.

Nhằm đáp ứng một phần yêu cầu của thực tế, Trung tâm An toàn lao động, Viện KH An toàn và vệ sinh lao động đã nghiên cứu xây dựng tiêu chuẩn quần áo bảo hộ lao động phổ thông – Yêu cầu kỹ thuật. Nội dung nghiên cứu đề cập trong bài báo nằm trong khuôn khổ của đề tài: ” Nghiên cứu xây dựng tiêu chuẩn quần áo bảo hộ lao động phổ thông cho nam và nữ “, Mã số: CTTĐ-2019/03/TLĐ.

2. MỤC TIÊU NGHIÊN CỨU

– Đề xuất được các yêu cầu kỹ thuật đối với QABHLĐPT cho nam và nữ;

– Ban hành được tiêu chuẩn QABHLĐPT – Yêu cầu kỹ thuật.                                                                                     

3. NỘI DUNG VÀ KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Để thực hiện mục tiêu nghiên cứu nói trên, đề tài đã thực hiện các nội dung nghiên cứu sau:

– Lựa chọn vật liệu

– Tiến hành may mẫu QABHLĐPT.

– Đánh giá tính tiện nghi của QABHLĐPT trong phòng thí nghiệm nhiệt ẩm.

– Đánh giá tính tiện nghi bằng phương pháp chuyên gia.

– Đánh giá độ vừa vặn của QABHLĐPT bằng phương pháp mặc thử.

– Đề xuất được các yêu cầu kỹ thuật đối với QABHLĐPT.

– Xây dựng dự thảo tiêu chuẩn QABHLĐPT- Yêu cầu kỹ thuật.

 3.1. Lựa chọn vật liệu may QABHLĐPT

 Với mục tiêu xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật đối với vật liệu may sử dụng cho sản xuất công nghiệp quần áo BHLĐPT, đề tài lựa chọn các mẫu vải do các công ty dệt có uy tín trong nước sản xuất để khảo sát các thông số kỹ thuật và tính chất. Các mẫu vải được chọn theo nguyên tắc như sau:

* Kiểu dệt vân chéo.  Vải dệt vân chéo được biết đến vừa có độ bền cao vừa có độ mềm uốn phù hợp đối với quần áo lao động. Các kiểu dệt vân chéo trong thực tế thường được chọn để thiết kế các mặt hàng vải khaki là chéo 2/1 và chéo 3/1.

* Chiều dày vải đáp ứng yêu cầu đối với cả sản phẩm quần và áo mặc ngoài.

Chiều dày vải thường tối thiểu khoảng 0,25 mm thì mới đảm bảo yêu cầu sử dụng cho sản phẩm quần mặc ngoài. Vải có chiều dày càng lớn thì nhiệt trở sẽ càng lớn vì nhiệt trở tỷ lệ thuận với chiều dày vải. Mặt khác, quần áo BHLĐPT cần khả năng thoát nhiệt tốt nên chiều dày vải không nên quá lớn. Các mẫu vải được chọn để khảo sát có chiều dày từ 0,26 mm đến 0,49 mm.

* Thành phần xơ sợi chia thành 3 nhóm: vải 100% cotton, vải pha cotton và polyester, vải pha cotton và spandex.

Nhóm vải cotton pha polyester là nhóm vải phổ biến sử dụng cho quần áo BHLĐPT do giá thành vừa phải. Tuy nhiên trong điều kiện môi trường khí hậu mùa hè ở nước ta, để đảm bảo yêu cầu thấm hút mồ hôi tốt, thành phần cotton trong nhóm vải pha này được khuyến cáo tối thiểu 35% .

Các thông số kỹ thuật đại diện cho 3 nhóm yêu cầu đối với vải sử dụng cho quần áo BHLĐPT của 8 mẫu vải được phân tích để lấy giới hạn cho các chỉ tiêu của vải (bảng 1). Để may mẫu thử nghiệm QABHLĐPT, đề tài chọn 3 mẫu vải có các chỉ tiêu ở tất cả các nhóm đều ở mức thấp.

Bảng 1.  Thông số kỹ thuật của 8 mẫu vải khảo sát

Stt

Các chỉ tiêu khảo sát

Mẫu 1

Mẫu 2

Mẫu 3

Mẫu 4

Mẫu 5

Mẫu 6

Mẫu 7

Mẫu 8

1

Thành phần vải

65% PET + 35% CO

65% PET + 35% CO

65% PET + 35% CO

100% CO

98% CO+ 2%Spandex

100% CO

67% PET+ 33% CO

65% PET + 35% CO

2

Kiểu dệt

Chéo 3/1

Chéo 2/1

Chéo 2/1

Chéo 2/1

Chéo 2/1

Chéo 3/1

Chéo 2/1

Chéo 2/1

3

Chi số sợi Ne

Dọc

24/1

31/1

24/1

25/1

51/1

21,9/1

14,4/1

34,7/1

Ngang

24/1

31/1

24/1

25/1

24/1

16,6/1

14,7/1

33,0/1

4

Mật độ sợi (sợi/10cm)

Dọc

485

415

365

375

507

530

504

348

Ngang

210

226

221

224

215

244

260

224

5

Khối lượng (g/m2)

290

200

240

245

189

260

141

262

6

Độ dày (mm)

0,47

0,35

0,37

0,46

0,44

0,49

0,26

0,46

7

Độ bền đứt (N)

Dọc

1399

931

1059

680

515

1124

1041

1570

Ngang

842

445

642

388

242

569

449

917

8

Độ bền dạt đường may (N)

Dọc

575

304

452

287

185

9

Độ thoáng khí (l/m2/s)

72,2

150,3

106,7

135,1

216,5

144

301

110

10

Độ hút ẩm (%)

9,6

22,2

21,8

26,8

21,5

18,7

6,61

10,5

11

Chỉ số lan truyền ẩm (cấp độ)

3

5

4

4

5

12

Độ co của vải (%)

0,5

0

0

1

1,5

±0,5

-1

0

13

Độ bền màu giặt A1-40 độ C

4-5

4-5

4-5

14

Thay đổi kích thước sau khi giặt và làm khô 40OC

Dọc

+0.5

-1

0

Ngang

-0.5

-1

0

15

Độ giữ nhiệt, truyền nhiệt

Dọc

17.7

18.4

2.1

Ngang

1.18

2.48

4.18

3.2. Đánh giá tính tiện nghi của QABHLĐPT trong phòng thí nghiệm nhiệt ẩm

Các chỉ tiêu sinh lý và cảm giác nhiệt sau được sử dụng để đánh giá trạng thái nhiệt của cơ thể người mặc:

– Nhiệt độ trung tâm

– Nhiệt độ da trung bình

– Nhịp tim

– Lượng mồ hôi bài tiết của cơ thể

– Cảm giác nhiệt chủ quan

Hệ thống quần áo gồm quần và áo mặc lót mùa hè, bộ QABHLĐPT (kiểu mẫu đã chọn để thiết kế), tất và giầy vải. 3 hệ thống quần áo từ 3 loại vải ngoài khác nhau là các mẫu vải được đặt tên lần lượt là QA6, QA7 và QA8.

Thời gian thí nghiệm :

Mỗi đối tượng thí nghiệm tiến hành đạp xe trong điều kiện nhiệt –ẩm đã đặt chế độ, trong  thời gian 60 phút/lượt (đạp 29 phút nghỉ 1 phút, sau đó đạp tiếp đến hết thời gian quy định). Thời gian thí nghiệm trong vòng 15 ngày.

Đối tượng mặc thử là 5 nam và 5 nữ CNLĐPT để đánh giá các chỉ tiêu sinh lý, 15 nam và 15 nữ CNLĐPT để đánh giá cảm giác nhiệt chủ quan. Các đối tượng thử nghiệm có tuối nằm trong khoảng 18¸ 60, kích thước thuộc nhóm cỡ gốc. Kết quả theo dõi sự thay đổi nhiệt độ cơ thể của các đối tượng mặc thử trong giai đoạn vận động và sau vận động  cho thấy đặc điểm đường cong biểu diễn sự thay đổi nhiệt độ của các đối tượng mặc thử đều giống nhau:

– Khi cơ thể vận động, nhiệt độ trung tâm tăng bắt đầu tăng. Khi cơ thể dừng vận động, nhiệt độ trung tâm vẫn tiếp tục tăng. Tuy nhiên sau 10 phút nghỉ sau vận động, nhiệt độ trung tâm vẫn không vượt 37,5 0C.

– Trong khi đó, nhiệt độ da giảm mạnh do có hiện tượng mồ hôi thoát ra dạng lỏng và nằm trên da. Tốc độ giảm nhiệt độ da giảm ít hơn khi cơ thể dừng vận động và đứng nghỉ.

            Kết quả xác định nhịp tim của 30 đối tượng mặc thử ngay sau khi dừng vận động đều ở mức an toàn là từ 100 đến 125.

            Kết quả đo mức độ thoát mồ hôi và bay hơi mồ hôi được thể hiện trong bảng 4.2. Tỷ lệ thoát mồ hôi qua 3 mẫu quần áo đều ở mức tốt, trên 0,86. Điều này cho thấy 3 bộ QABHLĐPT thử nghiệm đạt yêu cầu về tính tiện nghi về ẩm.

Từ các đánh giá ở PTN  cho thấy hầu hết người mặc cho đánh giá ở mức độ bình thường đối với cả trạng thái nhiệt và trạng thái ẩm. Chỉ có một thành phần rất nhỏ cho rằng trạng thái nhiệt và ẩm còn chưa đạt mức bình thường. Đánh giá cảm nhận nhiệt của các đối tượng thử nghiệm, chỉ có khoảng 10 đến 20% cảm nhận hơi nóng, 10% đến 40% cảm nhận hơi ẩm. Trạng thái này được chỉ ra chủ yếu nằm ở vùng ngực và vùng vai.

3.3. Đánh giá tính tiện nghi của QABHLĐPT bằng phương pháp chuyên gia

Kết quả khảo sát bằng phiếu hỏi đối với 3 chuyên gia của ngành Công nghệ may và chuyên gia PTBVCN cho thấy: kết quả đánh giá của cả 3 chuyên gia đều ở mức tốt (đáp ứng yêu cầu).  

Các tiêu chí đánh giá:

– Tính hợp lý của cấu trúc và giải pháp thiết kế kỹ thuật của QABHLĐPT.

– Quần áo có đảm bảo sự tiện nghi cho vận động của người mặc?

– Các chỗ hở của quần áo có tạo sự thông thoáng cần thiết cho người mặc?

–  Sự phù hợp của vật liệu sử dụng.

3.4.  Đánh giá độ vừa vặn của quần áo bằng phương pháp mặc thử

Đề tài đã thực hiện thiết kế và chế tạo 400 bộ QABHLĐPT theo tiêu chuẩn cỡ số đã đề xuất trong đề tài để tiến hành thử nghiệm mặc thử đối với 180 nam và  180 nữ CNLĐPT tại các công ty trong khu vực phía Bắc vào tháng 8,9,10/ 2020.

Sau thời gian mặc thử 15 ngày, những người mặc thử được yêu cầu nhận xét và đánh giá theo mẫu phiếu đánh giá gồm các tiêu chí:

  • Đánh giá mức độ thoải mái và tiện nghi về nhiệt ẩm khi vận động: Sự thoải mái, cảm nhận về nhiệt, cảm nhận về ẩm.
  • Đánh giá về độ vừa vặn của áo bảo hộ lao động:

Hình 1. Ảnh chụp các công nhân xây dựng mặc thử sản phẩm

Nhận xét của 360 công nhân về sản phẩm đều có chung nhận xét hài lòng về vải mặc mát, thấm mồ hôi, đảm bảo tính tiện nghi, kiểu dáng hợp thời trang, kết cấu hợp lý, mẫu mã đẹp, vừa vặn, cử động thoải mái, vải mặc mát, thấm mồ hôi, đảm bảo tính tiện nghi.

3.5. Phân tích và đề xuất các thông số tiêu chuẩn kỹ thuật đối với vải

3.5.1. Phân tích các thông số kỹ thuật đối với vải

Từ kết quả thử nghiệm các mẫu vải ở bảng 1, đề tài tiến hành phân tích các thông số kỹ thuật để đề xuất các chỉ tiêu kỹ thuật cho vải may QABHLĐPT.

a. Thành phần xơ sợi.

Qua kết quả thông số kỹ thuật của 8 loại vải khảo sát, cho thấy: Mẫu vải số 7 có thành phần 67%PE, 33%Co. Thành phần PE nhiều hơn sẽ làm cho vải có độ hút ẩm ít hơn. Qua đánh giá tiện nghi của các quần áo mặc thử, trong phòng thử nghiệm cho thấy tỷ lệ người mặc thử đánh giá cảm giác nhiệt của mẫu số 7 thấp hơn 2 loại mẫu số 6 và mẫu số 8. Thành phần xơ sợi may quần áo BHLĐPT tối thiểu là 35%Co.

b. Nhóm thông số cấu trúc của vải:

  • Kiểu dệt: Kiểu dệt vân chéo 2/1 có độ chặt hơn kiểu dệt 3/1. Độ chặt của vải ảnh hưởng đến độ hút hơi nước và độ thoáng khí của vải xét cùng mật độ sợi trong vải, cùng nguyên liệu sợi.
  • Kết quả xác định mật độ sợi trên vải

            Mật độ sợi là số lượng sợi trên một đơn vị chiều dài theo hướng ngang và nếu mật độ sợi càng lớn kết hợp với độ dày sợi (Tex) lớn sẽ cho ra những kết cấu vải càng chắc và bền. Mật độ sợi dọc dao động từ 350 đến 530 (sợi/10cm). Với mật độ sợi ngang, nhận thấy các mẫu là gần như nhau trong khoảng từ 210-260 sợi/10cm.

  • Kết quả xác định khối lượng của vải

            Khối lượng của vải phụ thuộc vào độ dày, mật độ sợi, chi số sợi và kiểu dệt. Khối lượng của mẫu vải số 7 là thấp nhất, nên là sẽ làm cho độ hút ẩm nhỏ nhất. Nên khối lượng được chọn của vải từ 220 đến 300 g/m2.

  • Kết quả xác định độ dày của vải

         Độ dày của vải là khoảng cách giữa hai bề mặt tấm vải. Độ dày vải phụ thuộc vào cỡ sợi, mật độ sợi, kiểu đan giữa sợi dọc và sợi ngang . Chính vì vậy nhìn bảng 01 và dựa vào thành phần, mật độ ta thấy mẫu vải M6 có độ dày là lớn nhất và thấp nhất là mẫu vải M2. Nên độ dày của vải được chọn từ 0.35mm đến 0.50mm.

c. Nhóm độ bền cơ học của vải:

            Trong 8 mẫu vải để khảo sát, các mẫu vải M6,M7,M8 có độ bền kéo đứt lớn. Mẫu vải số 5 có độ bền kéo đứt thấp nhất. Để có thể chỉ ra mức tối thiểu độ bền kéo đứt vải, đề tài đã khảo sát độ dạt sợi tại vị trí đường may trên 4 mẫu vải M1 đến M4. Trong vải, mật độ sợi ngang thường nhỏ hơn mật độ sợi dọc nên vải thường dễ bị dạt sợi theo hướng dọc hơn so với hướng ngang. Vì thế hướng đường may khảo sát đối với 4 mẫu vải trên là đường may theo hướng sợi ngang và hướng chịu lực kéo là hướng sợi dọc. Kết cấu đường may được chọn gồm 1 đường may chắp mũi 301, 1 đường vắt sổ mũi 512 và 2 đường diễu song song mũi 301.

             Kết quả thực nghiệm trên cho thấy mẫu M2 có độ dạt sợi tại đường may lớn nhất. Độ dạt sợi đạt mức nhỏ hơn 6 mm khi lực kéo ở mức nhỏ hơn khoảng 50 N.

            Theo yêu cầu hiện nay, do bổ sung yêu cầu độ dạt đường may làm yêu cầu quyết định lựa chọn độ bền kéo đứt vải cần thiết nên đề tài lựa chọn mức tối thiểu của độ bền kéo đứt theo độ bền nhỏ nhất của 4 mẫu vải đã khảo sát độ dạt đường may. Cụ thể, độ bền kéo đứt vải được quy định tối thiểu ở mức 680 N và 380 N đối với hướng sợi dọc và hướng sợi ngang.

d. Nhóm tính chất vệ sinh của vải:

            Đối với vải, thông thường trong các tiêu chuẩn về sử dụng vải cho quần áo, người ta thường lựa chọn các đặc trưng liên quan đến tính chất hút ẩm, thoáng khí, độ truyền nhiệt của vải. Đây là những thông số liên quan mật thiết đến việc đảm bảo tính tiện nghi về nhiệt ẩm của quần áo.

            Kết quả khảo sát các đặc trưng tham chiếu cho thấy các mẫu vải đạt yêu cầu về khả năng truyền ẩm và truyền ẩm đối với quần áo sử dụng trong môi trường vùng khí hậu nhiệt đới. Trong môi trường có nhiệt độ cao, quần áo vừa cần có khả năng cách nhiệt vừa cần có khả năng hút và thoát ẩm tốt.

  • Độ thoáng khí.

Độ thoáng khí phụ thuộc vào kiểu dệt và độ dày vải.

Mẫu  số 7 có độ thoáng khí quá lớn mặc dù vải được dệt từ kiểu dệt vân chéo 2/1  nhưng có thể thấy khối lượng/m2 nhỏ hơn các mẫu còn lại và độ dày của vải nhỏ nhất. Chi số sợi dệt vải mẫu số 7 có chi số lớn, sợi dệt mảnh nên mẫu số 7 có độ thưa lớn, vì vậy mẫu số 7 có độ thoáng khí lớn nhất. Mẫu số 1 có khối lượng/m2 lớn nhất  và độ dày vải cũng dày gần nhất nên có độ thoáng khí là kém nhất. Mật độ sợi càng cao thì kết cấu vải càng chặt. Kết cấu vải chặt sẽ làm giảm độ thông thoáng của vải.

  • Độ hút ẩm.

Độ hút ẩm của vải phụ thuộc vào thành phần và độ chứa đầy của vải. Đối với 8 mẫu trên chỉ có hai thành phần chủ yếu là Cotton và Polyester.

Trong 8 mẫu vải đánh giá cho thấy mẫu số 4,5,6 có thành phần Cotton lớn cho cảm giác thoải mái, dễ thấm mồ hôi nhất. Mẫu số 2,3 có tỷ lệ Cotton tương đương và thấp hơn mẫu số 4. Với các vải có chi số sợi tương đương và mật độ sợi tương đương thì vải có độ chứa đầy thể tích lớn hơn sẽ có khả năng hút ẩm tốt hơn, nên mẫu số 1 tuy có thành phần Cotton bằng mẫu số 2,3 nhưng mẫu số 1 có độ hút ẩm kém hơn mẫu số 2,3. Riêng đối với mẫu số 7 có thành phần Cotton thấp nhất, độ dày của vải thấp nhất nên có độ hút ẩm thấp.

  • Độ truyền nhiệt.

Độ truyền nhiệt phụ thuộc vào thành phần và cấu trúc vải.

Hệ số truyền nhiệt tỷ lệ nghịch với độ dày của mẫu vải. Mẫu số 7 có độ dày nhỏ nhất, thành phần Cotton trong vải tương đối nhỏ nên hệ số truyền nhiệt lớn nhất.

Trong môi trường nóng, độ truyền nhiệt của vải cao giúp sự thải nhiệt nhanh và quá trình thải nhiệt kèm theo sự bay hơi mồ hôi tiết ra trên bề mặt da (chiếm khoảng 25%  nhiệt tỏa ra) [2] cũng như ngấm trong quần áo. Điều này  giúp cho bề mặt da được khô thoáng nhanh và quần áo bị ngấm mồ hôi cũng bay hơi mồ hôi nhanh hơn, do vậy mức độ ảnh hưởng tiêu cực đến người mặc cũng ít hơn.

e. Nhóm thông số liên quan đến độ ổn định kích thước, hình dạng và màu sắc:

  •  Độ co dọc, ngang (sau giặt và làm khô 400C) (%) được thử theo TCVN 8041:2009 (ISO 5077:2007). Tất cả các mẫu vài đều có độ co theo chiều dọc nhỏ hơn 1% và chiều ngang nhỏ hơn 0.5% .

Độ co của vải đảm bảo độ ổn định của quần áo sau khi mặc giữ được dáng, độ vừa vặn như ban đầu. Khi may quần áo các nhà thiết kế đã tính toán đến độ co của vải.

  • Độ bền màu giặt và ánh sáng được chọn ở cấp 4 và 5.

Quần áo BHLĐPT được sử dụng thường xuyên trong môi trường nóng, ẩm và được sử dụng ở ngoài trời nên phải có độ bền màu giặt và ánh sáng ở mức cao.

Từ các kết quả phân tích nêu trên, rút ra kết luận đánh giá vải tối ưu cho việc may quần áo BHLĐ trong 8 loại mẫu trên như sau:

Căn cứ vào 8 mẫu quần áo với các thông số kỹ thuật đã phân tích, trước hết ưu tiên cho tỷ lệ pha nguyên liệu 65%Po/35%Co là hợp lý nhất. Các loại vải có thành phần 100% coton có giá thành đắt. Theo TCVN 6689:2000, vải may quần áo BHLĐ yếu tố quan trọng nhất là thành phần, độ bền và độ hút ẩm. Trong 8 mẫu vải trên, mẫu 7 có thành phần 67%Po/33%Co có độ hút ẩm nhỏ nhất. Kết quả phân tích cho thấy, loại vải này có độ thoáng khí và truyền nhiệt tương đối cao. Đồng thời vải được dệt từ kiểu dệt vân chéo 2/1, 3/1đảm bảo độ bền, mềm vải, không gây thô ráp, khó chịu cho người sử dụng. Thực tế các kết quả phân tích cũng cho thấy mẫu số 7 kém hơn cácmẫu còn lại.

Từ kết quả này, đề tài đã lựa chọn các mức cho các chỉ tiêu kỹ thuật đối với vật liệu may. Các thông số nhóm này được quy định theo các tiêu chuẩn chung về mặt hàng vải dệt (bảng 2). Các thông số này cũng chính là những thông số chất lượng của sản phẩm dệt.

3.5.2. Đề xuất tiêu chuẩn kỹ thuật đối với vật liệu may

a. Tiêu chuẩn kỹ thuật vải chính.

Bảng 2.  Tiêu chuẩn kỹ thuật đề xuất đối với vải chính

Stt

Thông số kỹ thuật

Tiêu chuẩn kiểm tra

Chỉ tiêu

1

Thành phần xơ sợi

ISO/TR 11827:2012

ISO 1833-1:2020

ISO 1833-11:2017

Cotton hoặc Cotton pha polyester (tối thiểu thành phần cotton 35 %)

2

Kiểu dệt

TCVN 10038:2013 (ISO 2959:2011)

Vân chéo 2/1 hoặc vân chéo 3/1

3

Chi số sợi (tách từ vải) (Ne)

TCVN 5785:2009 (ASTM D 1907:2007)

Dọc: 20/1÷ 40/1

Ngang: 14/1÷ 35/1 hoặc sợi xe chi số tương đương

4

Mật độ (sợi/ 10 cm)

TCVN 1753:1986

Dọc: 350÷ 530

Ngang: 220÷ 260

5

Độ dày (mm)

TCVN 5071:2007

(ISO 5084:1996)

0,35÷ 0,50

6

Khối lượng thực tế (g/m2)

TCVN 8042:2009 (ASTM D 3776:2007)

220 ÷ 300

7

Độ bền kéo đứt (N)

ISO13934-1:2013

Dọc: >=  680

Ngang: >=  380

8

Độ thoáng khí tại 200 Pa (l/m2/s)

TCVN 5092:2009 (ASTM D 737:2004)

72÷ 160

9

Độ hút hơi nước (%)

TCVN 5091:1990

>= 9

10

Độ co dọc, ngang (sau giặt và làm khô 40 0C) (%)

TCVN 8041:2009

(ISO 5077:2007)

Dọc: <=  1

Ngang: <= 0,5

11

Độ bền màu giặt (nhiệt độ 40 0C)

TCVN 7835-C10:2007 (ISO 105- C10:2006)

>= cấp 4÷5

12

Độ bền màu ma sát (khô, ướt)

TCVN 4538:2007

(ISO 105-X12:2001)

>= cấp 4÷5

13

Độ bền màu mồ hôi (kiềm, axit),

 TCVN 5235:2002 (ISO 105-E04:1994)

>= cấp 4÷5

14

Độ bền màu ánh sáng xenon sau 72h

TCVN 7835-B02:2007

(ISO 105B02:1994)

>= cấp 4÷5

b. Tiêu chuẩn kỹ thuật phụ liệu may

* Tiêu chuẩn kỹ thuật vải dựng

– Vải mex sử dụng cho cạp quần và cổ áo, măng-sét: vải nền dệt thoi, khối lượng 60÷ 90 g/m2,

– Vải mex sử dụng cho nẹp áo, nắp túi, miệng túi: vải nền không dệt, khối lượng 50÷ 60 g/m2,

* Tiêu chuẩn kỹ thuật chỉ may

– Màu chỉ may cùng màu vải chính

– Chi số Ne 60/3, Ne 40/2 hoặc Tex 27

– Hướng xoắn Z

– Độ bền kéo đứt tối thiểu 900 cN

* Tiêu chuẩn kỹ thuật khóa kéo

– Khóa kéo loại răng nylon hoặc kim loại, cỡ răng 3, dây khóa polyester

– Chiều dài khóa 17 cm

– Màu khóa cùng màu vải chính,

* Tiêu chuẩn kỹ thuật cúc

– Cúc nhựa, 4 lỗ, cỡ 24L đến 28L

– Màu cúc cùng màu vải chính hoặc theo màu quy định của kiểu mẫu sản phẩm,

* Tiêu chuẩn kỹ thuật chun

– Chiều dày từ 1,0÷ 1,3 mm

– Khối lượng 450÷ 550 g/m2

– Độ giãn tối đa 150 % và độ phục hồi giãn tối thiểu 95%

3.5.3. Đề xuất kết cấu QABHLĐPT.

a. Các kiểu mũi may và kết cấu đường liên kết

3 dạng kết cấu đường liên kết áp dụng cho gia công sản phẩm quần áo BHLĐPT:

– Dạng 1 gồm 3 đường may: 1 đường may can lật mũi may 301, 1 đường may vắt sổ chập mũi may 504 và 1 đường diễu mũi may 301 hoặc 1 đường diễu 2 kim mũi may 301;

– Dạng 2 gồm 2 hoặc 3 đường may: 1 đường may can và vắt sổ mũi may 516, 1 đường diễu mũi may 301 hoặc 1 đường diễu 2 kim mũi may 301;

– Dạng 3 gồm 1 đường may: đường may cuốn ống diễu 2 kim mũi may 301.

b. Quy cách mũi may và đường liên kết

– Mũi may đạt quy cách chất lượng: không quá căng chỉ gây nhăn, không sùi chỉ, không lộ nút thắt mũi may, không bỏ mũi,

– Chiều rộng đường may can 1,0÷ 1,2 cm,

– Quy cách đường may mí và diễu: đường mí cách mép đường may can 0,1÷ 0,15 cm, đường may diễu cách đường may mí 0,5 cm,

– Đầu và cuối đường may can lại mũi 3 đường chỉ trùng khít,

– Mật độ mũi chỉ: 4,5÷ 5 mũi/ cm,

– Khuyết áo và khuyết quần kiểu đầu bằng, chiều dài khuyết lớn hơn đường kính cúc 0,2 cm,

– Mũi may đính cúc không bị tuột chỉ.

c. Độ bền đường may

– Độ bền kéo đứt đường may tối thiểu bằng độ bền kéo đứt vải

– Độ dạt đường may tối thiểu 200 N (ISO 13936-1:2014)

3.6. Tiêu chuẩn quần áo BHLĐPT.

Trang phục bảo vệ- Quần áo cho lao động thông dụng – Yêu cầu.

Tiêu chuẩn này được xây dựng dựa theo ISO 13368: 2013, tiêu chuẩn đã bổ sung thêm các yêu cầu kỹ thuật đối với vài may quần áo BHLĐPT để đảm bảo tiện nghi, an toàn cho người lao động.

– Tiêu chuẩn Trang phục bảo vệ- Quần áo cho lao động thông dụng – Yêu cầu  giữ nguyên các yêu cầu chung, các thuật ngữ và định nghĩa, lão hóa, mức độ điều chỉnh, ergonomic, ghi nhãn, thông tin nhà sản xuất được quy định trong ISO 13688:2013/

– Tiêu chuẩn bổ sung thêm các yêu cầu kỹ thuật của vài và chỉ được đề xuất trong báo cáo tổng kết đề tài.

– Các đề xuất yêu cầu kỹ thuật đã được chỉnh sửa, thay đổi sau các cuộc họp của Ban kỹ thuật, hội nghị chuyên đề, lấy ý kiến rộng rãi của các chuyên gia.

– Dưới đây là kết quả nghiên cứu của đề tài và được đưa vào yêu cầu đốii với vài và đường may QABHLĐPT giúp các nhà sản xuất lựa chọn vật liệu phù hợp may QA.

  • Yêu cầu đối với vải

Vải làm quần áo phải đáp ứng được các yêu cầu được cho trong bảng dưới đây.

Bảng 3 – Yêu cầu đối với vải làm quần áo

Tên chỉ tiêu

Mức qui định

Phương pháp thử

Khối lượng thực tế, nằm trong khoảng

Từ 220 g/m2 đến 300 g/m2

TCVN 8042 (ASTM D 3776)

Độ bền kéo đứt, không nhỏ hơn:

  • Theo chiều dọc
  • Theo chiều ngang

680 N

380 N

ISO 13934-1

Độ thoáng khí tại 200 Pa (l/m2/s) nằm trong khoảng

Từ 72 đến 160

TCVN 5092 (ASTM D 737)

Độ hút hơi nước, không nhỏ hơn

9 %

ISO 20158

Độ bền màu giặt (nhiệt độ 40 0C), không nhỏ hơn

Từ cấp 4 trở lên

TCVN 7835-C10 (ISO 105- C10)

Độ bền màu ma sát (khô, ướt)

Từ cấp 4 trở lên

TCVN 4538 (ISO 105-X12)

Độ bền màu mồ hôi (kiềm, axit),

 Từ cấp 4 trở lên

TCVN 7835-E04 (ISO 105-E04)

Độ bền màu ánh sáng xenon sau 72h

Từ cấp 4 trở lên

TCVN 7835-B02 (ISO 105-B02)

  •  Độ bền đường may

Độ bền kéo đứt đường may tối thiểu bằng độ bền kéo đứt vải

4. KẾT LUẬN.

          Với mục tiêu đề xuất được yêu cầu kỹ thuật của QABHLĐPT và xây dựng  tiêu chuẩn về QABHLĐPT, đề tài đã thực hiện được những nội dung và kết quả chủ yếu như sau:

  • Độ vừa vặn và tính tiện nghi của các mẫu quần áo được đánh giá bằng 3 phương pháp.
  • Đánh giá bằng phương pháp mặc thử cho thấy các ý kiến đều nhận xét quần áo đảm bảo tính tiện nghi và vừa vặn. Kết quả đánh giá về độ vừa vặn, tiện nghi của QABHLĐ phổ thông của các cỡ số bằng kỹ thuật mặc thử trên 360 công nhân cho thấy sự hài lòng của người lao động với quần áo mặc thử cả về độ vừa vặn và tiện nghi.
  • Đánh giá bằng phương pháp chuyên gia: Cả 3 chuyên gia đều nhận xét các mẫu quần áo phù hợp để sử dụng làm quần áo bảo hộ cho CNLĐPT.

Đánh giá tính tiện nghi sinh lý và nhiệt ẩm trong PTN nhiệt ẩm: Số lượng thử nghiêm là 30 người. Tất cả đối tượng thử nghiệm đều nhận xét quần áo đảm bảo tính tiện nghi nhiệt ẩm, chỉ có một tỷ lệ rất thấp người mặc thử có cảm giác hơi nóng ở vùng ngực, vùng vai Đánh giá cảm nhận nhiệt của các đối tượng thử nghiệm, chỉ có khoảng 10 đến 20% cảm nhận hơi nóng, 10% đến 40% cảm nhận hơi ẩm ở vùng ngực và vai.

  •  Đề tài đã đề xuất được các yêu cầu về kỹ thuật của vải, nguyên phụ liệu, kết cấu quần áo, kiểu dáng. Đề xuất được các yêu cầu về bao gói, nhãn mác…

Đề tài đã tiến hành thử nghiệm 8 loại vải để đánh giá, may mẫu từ 3 loại vải có chỉ tiêu thấp nhất, từ đó đề xuất được các chỉ tiêu kỹ thuật cho vải và chỉ may QABHLĐPT.

  • Đề tài đã xây dựng được  tiêu chuẩn về quần áo bảo hộ lao động phổ thông- yêu cầu kỹ thuật, đã được cơ quan tiêu chuẩn quốc gia xem xét và ban hành.

Kết quả nghiên cứu đã xây dựng được tiêu chuẩn QABHLĐPT đề xuất thay thế tiêu chuẩn TCVN 1601-91, TCVN 1600-91  đã không được ban hành từ năm 2004.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Nguyễn Thị Thúy Ngọc, Ngô Chí Trung, 2004 “ Nghiên cứu thiết kế và chế tạo chủng loại quần áo bảo hộ lao động dùng trong môi trường có nhiệt độ cao trên quan điểm tính tiện nghi của trang phục ”, trường đại học Bách khoa Hà Nội.
  2. Phạm Thị Bích Ngân, 2013 “Nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng của quần áo bảo hộ lao động tới sức khỏe công nhân xây dựng qua sự biến đổi một số chỉ tiêu sinh lý và cảm giác nhiệt trong phòng thí nghiệm nhiệt ẩm”, Viện KH An toàn và vệ sinh lao động.
  3. Nguyễn Trung Thu, 1990, Vật liệu Dệt-50449, Trường ĐHBK Hà Nội.
  4. Viện nghiên cứu khoa học kỹ thuật Bảo hộ lao động, 1985, Atlat nhân trắc học người Việt Nam trong lứa tuối lao động, Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội.
  5. Viện Y học lao động & Vệ sinh môi trường , 2002, Thường quy kỹ thuật.
  6. TCVN 1600:74. Quần áo lao động phổ thông dùng cho nam công nhân phổ thông.
  7. TCVN 1601:74. Quần áo lao động phổ thông dùng cho nữ công nhân phổ thông.
  8. TCVN 6689:2008. Quần áo bảo vệ – Yêu cầu chung.
  9. TCVN 8041:2009. Vật liệu dệt- Sự thay đổi kích thước trong quá trình giặt và làm khô.
  10. TCVN 1754: 2009. Vải dệt thoi- Phương pháp xác định độ bền.
  11. TCVN 5091:90. Vật liệu dệt- vải: Phương pháp xác định độ hút hơi nước.
  12. TCVN 6176:1996. Vật liệu dệt- Phương pháp xác định độ truyền nhiệt.
  13. TCVN 5092:90. Vật liệu dệt – vải: Phương pháp xác định độ thoáng khí.
  14. TCVN 7547:2005. Phương tiện bảo vệ cá nhân- Phân loại.
  15. TCVN 5812: 1994: Vải dệt thoi may quần áo bảo hộ lao động.
  16. TCVN 1-1:2015. Xây dựng tiêu chuẩn Phần 1 Quy trình xây dựng tiêu chuẩn quốc gia.
  17. TCVN 1-2: 2015. Xây dựng tiêu chuẩn. Phần 2: Quy định về trình bày và thể hiện nội dung tiêu chuẩn quốc gia.
  18. EN 340: 12-2003. Personal protective clothing – general requirements.
  19. ISO 13688:1998. Personal protective clothing – general requirements.

ThS. Nguyễn Thị Thanh Huyền, KS. Lê Thị Thu Hiền,ThS. Nguyễn Sỹ Khánh Linh          

Trung tâm An toàn lao động, Viện KH An toàn và vệ sinh lao động


(Nguồn tin: Vnniosh.vn)