Áp dụng hệ thống hài hòa toàn cầu về phân loại và ghi nhãn hóa chất (GHS) trong đánh giá rủi ro tiếp xúc hóa chất

Thứ Sáu, 01/12/2023, 10:44(GMT +7)

Tóm tắt:

Trong các doanh nghiệp sử dụng hóa chất trong sản xuất như là nguyên liệu đầu vào, nguyên liệu phụ trợ quá trình sản xuất, chất phụ gia …. người lao động (NLĐ) thường xuyên phải tiếp xúc với các loại hóa chất dạng chất rắn, lỏng, bụi, hơi, khí, sợi, khói và sương. Đối với những hóa chất dạng rắn và lỏng, NLĐ có thể nhận biết được. Nhưng đối với các hóa chất dạng bụi và sương NLĐ chỉ phát hiện được khi chúng có kích thước hạt lớn, nồng độ cao. Các hóa chất dạng hơi và khí, NLĐ thường không nhận biết được, trừ một số loại có mùi. Phương pháp đánh giá rủi ro tiếp xuất hóa chất của Bộ Công Thương Nhật Bản (METI) đã xác định rủi ro liên quan đến sức khỏe NLĐ khi tiếp xúc với hóa chất một cách định tính dựa trên mức độ độc hại của hóa chất, khối lượng hóa chất NLĐ tiếp xúc, đặc tính hóa lý như dạng rắn, lỏng hay khí, khả năng bay hơi (theo GHS)… và cường độ tiếp xúc.

I. GIỚI THIỆU

       Trước năm 1992, các quốc gia trên thế giới đều có các quy định về phân loại hóa chất theo cách riêng của nước mình. Chính vì vậy hóa chất được sản xuất, vận chuyển, sử dụng và thải bỏ … là mối nguy thực sự đối với sức khỏe con người và môi trường. Con người ở mọi lứa tuổi từ trẻ đến già, sử dụng nhiều ngôn ngữ với các bảng chữ cái khác nhau, thuộc các điều kiện xã hội khác nhau, những người mù chữ… hàng ngày phải đối mặt với các sản phẩm nguy hiểm (hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật…). Trong khi đó, hóa chất được buôn bán ngày càng rộng rãi trên toàn cầu, lượng hóa chất được vận chuyển xuyên quốc gia ngày càng tăng.

       Đối mặt với những nguy hiểm này và nhu cầu phát triển các chương trình quốc gia đảm bảo việc sử dụng, vận chuyển và tiêu hủy chúng an toàn, người ta nhận thấy rằng cần phải có một cách tiếp cận hài hòa quốc tế về phân loại và ghi nhãn hoá chất. Khi các quốc gia có thông tin phù hợp và nhất quán về các hóa chất mà họ nhập khẩu hoặc sản xuất tại quốc gia của họ, họ sẽ có cơ sở để thiết lập một cách toàn diện việc kiểm soát hóa chất, bảo vệ con người và môi trường.

       Hệ thống hài hòa toàn cầu về phân loại và ghi nhãn hóa chất (tên tiếng anh là Globally Harmonized System of Classification and Labeling of Chemicals, viết tắt là GHS) bắt đầu được phát triển tại hội nghị thượng đỉnh Liên Hợp Quốc tại Rioat năm 1992. Tháng 12 năm 2002, tại hội nghị Liên Hợp Quốc, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cùng với đại diện của các chính phủ và thành viên khác đã thống nhất thông qua phiên bản đầu tiên của GHS và được xuất bản năm 2003. Kể từ đó, GHS đã được cập nhật, sửa đổi và hoàn thiện hai năm một lần theo nhu cầu phát sinh và kinh nghiệm thu được trong quá trình thực hiện. Hiện nay, phiên bản số 8 (GHS Rev.8) sửa đổi và cập nhật năm 2019, là phiên bản mới nhất. Tuy nhiên, GHS không bắt buộc trong luật của Liên Hợp Quốc.

       Để các doanh nghiệp dễ dàng thực hiện các phương pháp đánh giá rủi ro (ĐGRR), Bộ Công thương Nhật Bản đã áp dụng phương pháp ĐGRR tiếp xúc hóa chất, trong đó sử dụng phân loại độc cấp tính theo GHS, giới hạn ngưỡng tiếp xúc hóa chất và các dữ liệu có thể thu thập tại môi trường lao động.

II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Mục tiêu nghiên cứu: Phương pháp ĐGRR tiếp xúc hóa chất

Đối tượng nghiên cứu: Phân loại hóa chất theo GHS, giới hạn ngưỡng tiếp xúc hóa chất theo QĐ 37733/2002/QĐ-BYT hoặc các Quy chuẩn thay thế của Bộ y tế, các dữ liệu có thể thu thập được tại môi trường lao động.

Phạm vi nghiên cứu: Phương pháp ĐGRR tiếp xúc hóa chất, áp dụng cho các doanh nghiệp sử dụng hóa chất trong sản xuất.

III. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

       Tại Việt Nam, Luật Hóa chất được ra đời và có hiệu lực năm 2007. Tại Chương IV, Điều 27 quy định “Việc ghi nhãn đối với hoá chất nguy hiểm được thực hiện theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa và hướng dẫn của Hệ thống hài hoà toàn cầu về phân loại và ghi nhãn hóa chất”. Năm 2012, Thông tư 04/2012/TT-BCT đã Quy định chi tiết Phân loại và Ghi nhãn Hóa chất theo GHS. Tại Điều 23, Chương IV Nghị định 113/NĐ-CP và Điều 6 Thông tư 32/2017/TT-bct đã quy định cụ thể “Việc phân loại hóa chất được thực hiện theo quy tắc và hướng dẫn kỹ thuật của GHS từ Phiên bản 2 năm 2007 trở đi”.

            Đến nay, GHS đã được áp dụng rộng rãi ở rất nhiều nước như một hệ thống thông tin liên lạc về nguy cơ hóa chất. Tuy nhiên, khi các quốc gia khác nhau thực hiện GHS thông qua các quy định và tiêu chuẩn địa phương, họ cũng đưa ra thêm các yêu cầu mới và yêu cầu áp dụng GHS phiên bản năm 2007 hay phiên bản mới nhất năm 2019.

            Theo phân loại của GHS, hóa chất có 12 mối nguy môi trường và sức khỏe, trong đó là 10 mối nguy sức khỏe và 2 mối nguy môi trường, đó là:

  1. Độc cấp tính
  2. Ăn mòn / kích ứng da
  3. Ảnh hưởng đến mắt nghiêm trọng / kích ứng mắt
  4. Gây mẫn cảm với cơ quan hô hấp và da
  5. Gây đột biến tế bào mầm
  6. Khả năng ung thư
  7. Độc tính sinh sản
  8. Độc tính với cơ quan đích đến cụ thể – Phơi nhiễm một lần
  9. Độc tính với cơ quan đích đến cụ thể – Phơi nhiễm nhiều lần
  10.  Nguy hiểm khi hít thở

          Trong đó, mối nguy gây ra độc cấp tính đề cập đến các tác dụng phụ nghiêm trọng đối với sức khỏe (tức là có khả năng gây ra chết người chỉ cần sau một lần uống), tiếp xúc qua da hoặc hít vào một lần hoặc trong một thời gian ngắn tiếp xúc với một chất hoặc một hỗn hợp. Các chất có thể gây ra nhiễm độc cấp tính theo mức độ từ 1 đến 5 theo Bảng 1 dựa trên tiêu chí độc cấp tính qua đường miệng, da hoặc đường hô hấp. Các giá trị độc cấp tính được biểu thị bằng các giá trị LD50 (qua đường miệng) và LC50 (qua đường hô hấp) hoặc ước tính theo giá trị ước tính độc cấp tính ATE (acute toxicity estimates).

               Bảng 1. Giá trị ước tính độc cấp tính (ATE) và tiêu chí phân loại độc cấp tính

Con đường tiếp xúc

Cấp 1

Cấp 2

Cấp 3

Cấp 4

Cấp 5

Đường miệng (mg/kg tlct)

ATE ≤ 5

5 ≤ ATE ≤ 50

50 ≤ ATE ≤ 300

300 ≤ ATE ≤ 2000

Tiêu chí:

– Qua miệng, LD50 nằm trong khoảng 2000 và 5000.

– Có chỉ dẫn về ảnh hường nghiêm trọng đến con người .

– Bất kì tỉ lệ tử vong nào trong cấp 4

– Những dấu hiệu từ những nghiên cứu khác.

Tiếp xúc qua da (mg/kg tlct

ATE ≤ 50

50 ≤ ATE ≤ 200

200 ≤ ATE ≤ 1000

1000 ≤ ATE ≤ 2000

Khí (ppm)

ATE ≤ 100

100 ≤ ATE ≤ 500

500 ≤ ATE ≤ 2500

2500 ≤ ATE ≤ 5000

Hơi (mg/L)

ATE ≤ 0,5

0,5 ≤ ATE ≤ 2,0

2,0 ≤ ATE ≤ 10

10 ≤ ATE ≤ 20

Bụi và sương (mg/L)

ATE ≤ 0,05

0,05 ≤ ATE ≤ 0,5

0,5 ≤ ATE ≤ 1,0

1,0 ≤ ATE ≤ 5

Ghi chú: tlct: trọng lượng cơ thể

       Trên thực tế, các yếu tố hóa chất ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động khi tiếp xúc hóa chất bao gồm:

– Mức độ độc của hóa chất

– Khối lượng của hóa chất tiếp xúc

– Thời gian tiếp xúc hóa chất

– Phản ứng hoặc tương tác với các hóa chất khác

– Cá nhân người lao động (sức khỏe hiện tại, tuổi, giới tính, phụ nữ mang thai hoặc cho con bú).

Các dữ liệu này không phải có sẵn hoặc dễ dàng thu thập được, đặc biệt là đối với những nước đang phát triển như Việt Nam.

Tuy nhiên, theo một số nghiên cứu của Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh Lao động (VNNIOSH), nhận thấy tại doanh nghiệp các dữ liệu như khối lượng hóa chất NLĐ đã tiếp xúc theo giờ, thời gian tiếp xúc hay nồng độ hơi – khí của hóa chất trong môi trường lao động có thể thu thập được. Vì vậy trong một số nghiên cứu xây dựng Quy trình nhận diện và đánh giá rủi ro về An toàn Vệ sinh Lao động trong sản xuất thuộc da, da giầy hay cơ khí, NIOSH đã áp dụng Phương pháp ĐGRR tiếp xuất hóa chất theo Bộ Công Thương Nhật Bản (METI) một cách định tính, dựa trên mức độ độc hại của hóa chất phân loại theo tiêu chí mối nguy gây ra độc cấp tính của GHS, dữ liệu khối lượng hóa chất NLĐ tiếp xúc và thời gian tiếp xúc thu thập tại doanh nghiệp, đặc tính hóa lý như dạng rắn, lỏng hay khí, khả năng bay hơi theo tính chất hóa lý của hóa chất đó được công bố trên Bản dữ liệu an toàn hóa chất (MSDS).

Rủi ro: Là sự kết hợp của khả năng xảy ra sự kiện nguy hại liên quan đến công việc hoặc sự tiếp xúc và mức độ nghiêm trọng của chấn thương hoặc sự suy giảm sức khỏe có nguyên nhân từ sự kiện hay tiếp xúc đó.

Đánh giá rủi ro: là quá trình tổng thể xác định mức độ rủi ro xuất hiện từ các mối nguy, có tính đến tính thích hợp của mọi biện pháp kiểm soát hiện có, và quyết định xem rủi ro đó có thể chấp nhận được hay không.

Về nguyên tắc: Quá trình đánh giá rủi ro bán định lượng là xác định mối quan hệ giữa mức độ nguy hiểm của mối nguy và khả năng xảy ra sự cố, theo công thức:

Mức độ rủi ro = Mức độ nguy hiểm (S) x Khả năng xảy ra (L)

Trong đó:

– Mức độ nguy hiểm (S: Severity) được phân theo thang điểm 5 cấp độ từ 1 đến 5

– Khả năng xảy ra sự cố (L: Likelihood) được phân theo 5 cấp độ, từ 1 đến 5

– Mức độ rủi ro là sự kết hợp giữa Mức độ nguy hiểm và Khả năng xảy ra

Tuy nhiên, theo phương pháp đánh giá rủi ro tiếp xúc hóa chất, mức độ rủi ro được quyết định bởi ba yếu tố:

– Sự nguy hiểm của hóa chất đó, đây chính là đặc tính vốn có của hóa chất và là độ độc cấp tính theo GHS

– Thời gian tiếp xúc hóa chất.

– Nồng độ tiếp xúc.

Vì vậy, mức độ rủi ro tiếp xúc hóa chất được xác định theo ma trận:

Mức độ rủi ro (RL) = Mức độ nguy hiểm (HL) x Mức độ tiếp xúc (EL)

Mức độ rủi ro 5: Rủi ro không thể chấp nhận được

Mức độ rủi ro 4: Rủi ro cao

Mức độ rủi ro 3: Rủi ro trung bình

Mức độ rủi ro 2: Rủi ro có thể chấp nhận được

Mức độ rủi ro 1: Rủi ro không đáng kể

Trong đó:

  • Mức độ nguy hiểm (HL): là mức độ độc cấp tính theo phân loại GHS của hóa chất tiếp xúc, được phân theo thang điểm 5 cấp độ từ 1 đến 5
  • Mức độ tiếp xúc (EL): được xác định dựa vào hai yếu tố mức nồng độ môi trường làm việc và mức tần xuất tiếp xúc, được phân theo thang điểm 5 cấp độ từ 1 đến 5 theo ma trận:

Mức độ tiếp xúc (EL) = Mức nồng độ môi trường làm việc (WL/EWL) x Mức tần suất làm việc (FL)

Mức độ tần suất làm việc (FL) được phân theo thang điểm 5 cấp độ từ 1 đến 5 theo Bảng 4.

                Bảng 4: Bảng xác định mức tần suất làm việc (FL)

Mức (FL)

1

2

3

4

5

Số giờ tiếp xúc/Số giờ của một ca làm việc

<12.5%

12.5%-25%

25%-50%

50%-87.5%

>87.5%

Tổng thời gian làm việc/năm

< 10h

10 – 25h

  1. – 100h

100- 400h

>400h

Mức nồng độ môi trường làm việc (WL/EWL) là lượng hóa chất NLĐ phải tiếp xúc.

Nếu hóa chất là dạng khí, sử dụng giá trị WL là tỷ số giữa trung bình các giá trị quan trắc và các giới hạn tiếp xúc nghề nghiệp, hay còn gọi là giới hạn ngưỡng TLV. Các giá trị giới hạn ngưỡng trong vùng không khí làm việc được quy định rõ trong Quyết định 3733/2002/QĐ-BYT hoặc các Quy chuẩn thay thế của Bộ y tế.

WL = Ma/OEL hoặc Mb/OEL

Trong đó:   Ma là trung bình các giá trị quan trắc đo từ 5 điểm trở lên

                  Mb là giá trị quan trắc đo tại điểm có nồng độ cao nhất.

                  WL được phân theo thang điểm 5 cấp độ từ 1 đến 5

             Bảng 5. Giá trị giới hạn các hóa chất trong vùng làm việc

WL

5

4

3

2

1

Ma/OEL hoặc Mb/OEL

≥1,5

1,0 – 1,5

0,5 – 1,0

0,1 – 0,5

< 0,1

Nếu hóa chất là dạng rắn hoặc lỏng, sử dụng giá trị EWL

EWL = A + B + C

Trong đó:      

A là thang điểm của số lượng hóa chất

B là điểm số của khả năng bay hơi hoặc độ bụi

C là điểm số phụ áp dụng cho trường hợp NLĐ có sử dụng trang thiết bị bảo vệ cá nhân không

                                              Bảng 6. Giá trị mức nồng độ môi trường ước tính  (EWL)

EWL

5

4

3

2

1

A+B+C

6 – 7

5

4

3

2

                                               Bảng 7. Phạm vi cho điểm lượng hóa chất sử dụng (A)

Chất lỏng

Chất rắn (dạng bột)

Điểm số

Kl

tấn

3 (cao)

L

Kg

2 (trung bình)

ml

G

1 (thấp)

Bảng 8. Bảng phạm vi cho điểm điểm sôi của chất (B)

Chất lỏng

Hóa chất dạng bột

Độ mịn hoặc khả năng bay hơi (chất lỏng)

Điểm số

Điểm sôi

Đặc tính hóa lý

< 50 oC

Hạt mịn và nhẹ (VD: xi măng)

Cao

3

(50-150) oC

Dạng tinh thể/hạt nhỏ (VD: bột giặt)

Trung bình

2

> 150 oC

Dạng viên cứng (VD: viên PVC)

Thấp

1

Cho điểm phụ khi mức độ tiếp xúc với các hóa chất được cho là tăng thêm trong quá trình lao động.

Bảng 9. Bảng phạm vi cho điểm điểm số phụ (C)

Trường hợp

Điểm số C

Nếu quần áo, tay/chân hoặc các bộ phận của PTBVCN bị nhiễm bẩn hóa chất

1

Nếu quần áo, tay/chân hoặc các bộ phận của PTBVCN không bị nhiễm bẩn hóa chất

0

IV. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

       Trong quá trình hoạt động hóa chất, sức khỏe NLĐ cần phải được ưu tiên hàng đầu. Hiện nay, phân loại hóa chất GHS đã được sử dụng rộng rãi trên thế giới và thường xuyên cập nhật thông tin (hai năm/lần). Vì vậy, kết hợp quy tắc phân loại mức độ độc cấp tính theo GHS, giới hạn ngưỡng làm việc TLV và các dữ liệu doanh nghiệp có thể dễ dàng thu thập được như thời gian NLĐ tiếp xúc hóa chất, nồng độ hóa chất trong môi trường lao động hay khối lượng hóa chất tiếp xúc … phương pháp ĐGRR tiếp xúc hóa chất này sẽ giúp doanh nghiệp xác định được mức rủi ro của NLĐ; từ đó sẽ có căn cứ để đưa ra các giải pháp giảm thiểu rủi ro, nâng cao sức khỏe cho NLĐ và gián tiếp giảm gánh nặng về bảo hiểm xã hội cho những NLĐ khi họ về hưu.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 2, số 06/2007/QH12, ngày 21 tháng 11 năm 2007, Luật Hóa chất 2007.

[2]. Bộ Công Thương (2012), Thông tư số 04/2012/TT-BCT Quy định Phân loại và Ghi nhãn Hóa chất, ban hành ngày 13 tháng 02 năm 2012

[3]. Chính phủ, Nghị định số 113/NĐ-CP Quy định cho tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất, ban hành ngày 09 tháng 10 năm 2017

[4]. Bộ Công Thương (2017), Thông tư số 32/2017/TT-bct Quy định cụ thể và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất và Nghị định số 113/2017/NĐ-CP ngày 09 tháng 10 năm 2017 của Chính phủ Quy định chi tiết và Hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất, ban hành ngày 28 tháng 12 năm 2017.

[5]. https://unece.org/ghs-rev8-2019

[6]. https://www.nite.go.jp/chem/english/ghs/ghs_risk.html

[7]. The 3nd Seminar & Report on Chemical Risk Assessment Method, Expert-Japan Program in VietNam, 20-22 tháng 8 năm 2012, Hà nội, Việt Nam

Nguyễn Thị Thúy Hằng, Nguyễn Khánh Huyền,  

Lê Thị Đào,và các cộng sự

Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động 


(Nguồn tin: Vnniosh.vn)