Tiếng ồn và rung trong sản xuất: Tác hại và biện pháp phòng tránh

Thứ Sáu, 01/12/2023, 03:46(GMT +7)

Tiếng ồn và rung động trong sản xuất là các tác hại nghề nghiệp nếu cường độ của chúng vượt quá giới hạn tiêu chuẩn cho phép.

I. AN TOÀN VÀ SỨC KHỎE KHI TIẾP XÚC VỚI TIẾNG ỒN

Tiếng ồn là tập hợp những âm thanh khác nhau về cường độ và tần số không có nhịp, gây ảnh hưởng đến sức khoẻ và năng suất lao động. Nói một cách khác, đó là bất kỳ một âm thanh không mong muốn hoặc không được ưa thích nào gây cảm giác khó chịu cho người nghe.

Cường độ âm thanh là số năng lượng truyền qua một đơn vị diện tích 1cm2 trên phương truyền của sóng âm trong 1 giây đồng hồ. Đơn vị đo thể hiện bằng: dB.

Tần số của âm thanh là số chu kỳ thực hiện được trong 1 giây. Đơn vị là Hec      (Hz.). Tai người nghe được âm thanh có tần số từ 20 – 20.000 Hz.

Khả năng thích nghi mức ồn của mỗi người có khác nhau, nhưng chỉ giới hạn từ 80 -90 dB(A). Quy chuẩn Việt nam (QCVN 24:2016/BYT về Tiếng ồn – Mức tiếp xúc cho phép tiếng ồn tại nơi làm việc) qui định tối đa cho phép trong 8 giờ là 85 dB.

Ảnh hưởng của tiếng ồn phụ thuộc vào: Cường độ, Thời gian, Tần số.

Tác hại của tiếng ồn:

– Hư hại thính lực ->  điếc nghề nghiệp.

– Trở ngại nơi làm việc, mất thăng bằng -> dễ bị tai nạn lao động.

– Lo lắng, mất ngủ -> giảm sức khoẻ -> giảm năng xuất.

– Loét bao tử.

– Hồi hộp, giật mình, stress liên quan tới các rối loạn cơ thể…

Những nguy hại tới thính lực do tiếp xúc với tiếng ồn:

– Anh hưởng cấp tính: Từ tiếng ồn lớn như tiếng máy xẻ gỗ, máy khoan bê tông, máy phát điện… : cường độ âm thanh khoảng 140 – 160dB, gây nguy hại cho lỗ tai.

Anh hưởng mạn tính: do tiếp xúc kéo dài với tiếng ồn thấp.

Các dạng giảm thính lực:

Thay đổi ngưỡng tạm thời (mệt mỏi thính lực):

– Giảm tạm thời sức nghe sau khi tiếp xúc với tiếng ồn lớn.

– Giảm sức nghe trong vòng thời gian từ 16 – 18 giờ.

* Thay đổi ngưỡng lâu dài:

– Giảm thính lực không phục hồi.

– Thường sau khi tiếp xúc lâu dài với tiếng ồn lớn hơn ngưỡng cho phép mà không được bảo vệ.

Các dấu hiệu giảm thính lực:

– Khó hiểu những từ  nghe được trong môi trường ồn.

– Cần phải nhìn miệng hoặc đứng thật gần người nói.

– Những âm thanh quen thuộc bị nghẹt

– Cảm giác có những tiếng động vang trong tai (ù tai).

Biện pháp phòng tránh tiếng ồn:

– Giảm ồn tại nguồn (nơi phát sinh ra tiếng ồn).

– Giảm tiếng ồn trên đường lan truyền.

– Dùng phương tiện bảo vệ cá nhân.

– Giảm thời gian tiếp xúc tiếng ồn.

– Khám sức khoẻ định kỳ hàng năm: khám tổng quát, đo điếc nghề nghiệp…

II. AN TOÀN SỨC KHỎE KHI TIẾP XÚC VỚI RUNG

Rung là hiện tượng cơ học dao động phát sinh từ những động cơ và dụng cụ sản xuất khi trọng tâm hoặc trục đối xứng của chúng xê dịch trong không gian theo chu kỳ.

Trong lao động sản xuất, máy móc, thiết bị hoạt động phát ra tiếng ồn thì đồng thời gây ra rung chuyển. Người lao động, vận hành máy vừa chịu tiếng ồn lại chịu cả độ rung động. Rung có thể theo chiều ngang, chiều thẳng đứng hoặc theo nhiều hướng khác nhau. Rung được xác định bằng vận tốc rung (đơn vị đo là cm/s).

Đại lượng đặc trưng cho rung xóc là:

– Tần số dao động, đơn vị Hz.

– Chu kỳ và Biên độ dao động.

– Vận tốc và Gia tốc rung.

Nguồn phát sinh: máy khoan đá, khoan bê tông, búa tán, máy xàng, máy dầm….

Tác hại của rung xóc:

– Tần số thấp (dưới 20 Hz) gây nên say, tổn thương cột sống ….

– Tần số cao ( 20 – 1000 Hz) gây nên bệnh rung nghề nghiệp, rối loạn vận mạch, tổn thương gân, cơ, khớp, thần kinh và một số bệnh về xương.

Biện pháp phòng chống rung sóc:

– Giảm rung từ nguồn phát sinh.

– Giảm rung trên đường lan truyền.

– Phát hiện sớm bệnh nghề nghiệp. Làm test máu, chụp X-quang xương

– Tăng cường sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân: găng tay,quần áo thích hợp…

– Tiêu chuẩn: QCVN 27:2016/BYT về Rung-Giá trị cho phép tại nơi làm việc


(Nguồn tin: Vnniosh.vn)