Tổ chức Công đoàn tiếp tục đổi mới, thiết thực vì lợi ích đoàn viên

Thứ Ba, 26/12/2023, 02:09(GMT +7)

Chiều ngày 25/9, Đại hội XII Công đoàn Việt Nam tiếp tục thảo luận tại hội trường. Tại Đại hội, đại diện LĐLĐ các tỉnh, thành phố đã chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất các giải pháp nhằm đổi mới hình thức thu hút, tập hợp người lao động tham gia vào tổ chức Công đoàn; đổi mới nội dung, phương pháp hoạt động, thiết thực hướng về đoàn viên và người lao động.

Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Khoa Hoài Hươngtham luận với chủ đề: “Đẩy mạnh công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và đảm bảo điều kiện, môi trường làm việc tốt hơn cho người lao động”.

de to chuc cong doan tiep tuc doi moi hieu qua huong ve nguoi lao dong
Chủ tịch LĐLĐ Thừa Thiên Huế Nguyễn Khoa Hoài Hương (ảnh Mai Quý)

Thừa Thiên Huế là đơn vị đầu tiên trong cả nước triển khai thực hiện chương trình “Phúc lợi đoàn viên”. LĐLĐ tỉnh đã ký kết thỏa thuận hợp tác với trên 30 doanh nghiệp đưa các sản phẩm, dịch vụ ưu đãi đến đoàn viên và người lao động, cam kết giảm từ 15% đến 30% so với giá niêm yết cho đoàn viên công đoàn khi mua sản phẩm…

Đó là một trong những nội dung nổi bật trong bài tham luận của đại diện đoàn Thừa Thiên Huế với chủ đề: “Đẩy mạnh công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và đảm bảo điều kiện, môi trường làm việc tốt hơn cho người lao động”. Trong tham luận này, ngoài những công việc thường xuyên, chúng tôi xin nhấn mạnh đến những công việc nổi bật trong hoạt động chăm lo đời sống cho người lao động trên địa bàn tỉnh.

Với đặc thù là một tỉnh miền Trung, có số lượng CNVCLĐ toàn tỉnh là 106.212 người, trong đó Trung ương quản lý 22.885 người; địa phương quản lý 83.327 người, các cấp CĐ tỉnh Thừa Thiên Huế đã bám sát Nghị quyết của CĐ cấp trên, căn cứ tình hình thực tế của địa phương, đơn vị, sáng tạo đổi mới nhằm nâng đời sống vật chất và tinh thần của người lao động, khẳng định vai trò của tổ chức CĐ, cụ thể như: Xây dựng trạm sửa chữa xe máy miễn phí cho công nhân, nhà để xe riêng cho CNLĐ nữ mang thai, đám cưới tập thể cho CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn, Tết sum vầy, hội thao CNLĐ, tuyên truyền phổ biến pháp luật, chương trình phúc lợi qua trang facebook CĐ Huế, chuyến xe CĐ, các hoạt động xã hội…

Thừa Thiên Huế cũng là đơn vị đầu tiên trong cả nước triển khai thực hiện chương trình “Phúc lợi đoàn viên”. LĐLĐ tỉnh đã ký kết thỏa thuận hợp tác với trên 30 doanh nghiệp đưa các sản phẩm, dịch vụ ưu đãi đến đoàn viên và người lao động, cam kết giảm từ 15% đến 30% so với giá niêm yết cho đoàn viên CĐ khi mua sản phẩm. LĐLĐ tỉnh là một trong những đơn vị đầu tiên trên toàn quốc tổ chức hội nghị ký kết với các doanh nghiệp; thường xuyên cử cán bộ theo dõi quá trình thực hiện…

Bên cạnh những đổi mới tích cực trong công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động, đại diện đoàn Thừa Thiên Huế cũng có những đề xuất thiết thực với Tổng LĐLĐ Việt Nam như: Tăng cường phối hợp chặt chẽ với các đối tác nhằm có sự chỉ đạo tích cực từ phía các Tổng Công ty đến các Chi nhánh tại địa phương; xây dựng mô hình điểm về Chương trình phúc lợi cho đoàn viên; đẩy mạnh việc sớm cấp phôi thẻ đoàn viên mới, để đoàn viên được hưởng ưu đãi trực tiếp; quan tâm triển khai xây dựng các thiết chế văn hóa tại Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh; quan tâm đào tạo đội ngũ cán bộ CĐ, trong đó chú trọng đến việc rèn luyện kỹ năng hoạt động ở cơ sở, kinh nghiệm tiếp cận, chỉ đạo CĐCS hoạt động, giúp CĐCS hoạt động hiệu quả, nâng cao đời sống người lao động.

. Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Như Ý tham luận với chủ đề: Nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền lợi của người lao động trong tình hình mới.

de to chuc cong doan tiep tuc doi moi hieu qua huong ve nguoi lao dong
Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Như Ý (ảnh Mai Quý)

Là tỉnh công nghiệp nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, hiện có 32/36 khu công nghiệp đi vào hoạt động, thu hút hơn 2.000 dự án đầu tư của trên 43 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tính đến 31/12/2017, toàn tỉnh có trên 29.100 doanh nghiệp thuộc các loại hình kinh tế với 686.442 đoàn viên đang sinh hoạt tại 2.882 CĐCS. Nhằm đảm bảo công tác đại diện, bảo vệ quyền lợi của người lao động, LĐLĐ tỉnh không ngừng đổi mới về tổ chức và triển khai nhiều giải pháp thiết thực để đại diện, bảo vệ quyền lợi người lao động, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại các doanh nghiệp…

Để góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động đại diện, bảo vệ quyền lợi người lao động trong tình hình mới, góp phần xây dựng quan hệ lao động trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế trong thời gian tới được tốt hơn. LĐLĐ tỉnh đồng Nai đề xuất: Cần xem xét cẩn trọng, đánh giá đầy đủ tác động, lấy ý kiến rộng rãi người lao động trực tiếp. Cần giữ nguyên và nâng cao những lợi ích và quyền tiến bộ đối với người lao động đã được Bộ luật hiện hành quy định; tăng cường bảo vệ nhóm yếu thế trong quan hệ lao động; Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành và các địa phương có các giải pháp, chính sách hỗ trợ, ổn định giá cả dịch vụ, có ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống người lao động và chính sách hỗ trợ về giá điện, nước, các dịch vụ chăm sóc đời sống tinh thần, thiết chế văn hóa cho công nhân lao động tại các Khu công nghiệp tập trung…

. Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương Trương Thị Bích Hạnh tham luận với chủ đề: Công đoàn tham gia xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp.

de to chuc cong doan tiep tuc doi moi hieu qua huong ve nguoi lao dong
Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương Trương Thị Bích Hạnh (ảnh Mai Quý)

“CĐ tỉnh Bình Dương xác định muốn xây dựng Quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ thì việc xây dựng và nâng cao năng lực cho các chủ thể của mối quan hệ này có ý nghĩa quyết định..”, đó là một trong những nội dung được Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương Trương Thị Bích Hạnh đề cập trong tham luận: CĐ tham gia xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp.

Với số lượng CĐCS trong khu vực doanh nghiệp chiếm gần 80% tổng số CĐCS trong toàn tỉnh, LĐLĐ tỉnh Bình Dương luôn xác định xây dựng quan hệ lao động (QHLĐ) hài hòa, ổn định và tiến bộ tại doanh nghiệp là nhiệm vụ quan trọng, không chỉ đảm bảo quyền và lợi ích của các bên, sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, mà còn khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của CĐ trong doanh nghiệp, góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội bền vững của đất nước.

Với nhận thức đó, CĐ tỉnh Bình Dương xác định muốn xây dựng QHLĐ hài hòa, ổn định và tiến bộ thì việc xây dựng và nâng cao năng lực cho các chủ thể của mối quan hệ này có ý nghĩa quyết định. Chính vì vậy, LĐLĐ tỉnh Bình Dương đã tập trung nhiều giải pháp xây dựng và nâng cao năng lực cho người lao động, CĐCS tại doanh nghiệp…

Một số kiến nghị, đề xuất được đại diện LĐLĐ tỉnh Bình Dương đưa ra là: Nhà nước sớm hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến xây dựng QHLĐ. Tăng cường công tác quản lý nhà nước, thanh, kiểm tra doanh nghiệp đảm bảo các quy định pháp luật lao động nói chung và các quy định liên quan xây dựng QHLĐ phải được thực hiện nghiêm túc tại các doanh nghiệp.

Cơ quan quản lý nhà nước về lao động, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)… tăng cường các hoạt động tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người sử dụng lao động có trách nhiệm hợp tác trong xây dựng QHLĐ hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp.

* Phó Chủ tịch Thường trực Công đoàn Xây dựng Việt Nam Đỗ Văn Quảng tham luận với chủ đề: “Đổi mới việc lựa chọn, phát động và tổ chức các phong trào thi đua trong CNVCLĐ trước yêu cầu mới”.

de to chuc cong doan tiep tuc doi moi hieu qua huong ve nguoi lao dong
Phó Chủ tịch Thường trực Công đoàn Xây dựng Việt Nam Đỗ Văn Quảng tham luận tại Đại hội (ảnh Mai Quý)

Hơn 60 năm xây dựng và phát triển, công tác thi đua khen thưởng luôn được ngành Xây dựng đặc biệt quan tâm. Trong quản lý, tổ chức thi công, các phong trào thi đua yêu nước luôn được coi trọng, được tính đến như một yếu tố để đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả, bảo đảm chất lượng, an toàn, nâng cao năng suất lao động, cải thiện điều kiện làm việc và thu nhập của người lao động.

Công tác khen thưởng có nhiều đổi mới, đặc biệt là việc tôn vinh, khen thưởng, nhân rộng các điển hình tiên tiến. Từ năm 2010 đến năm 2017, CĐ Xây dựng Việt Nam liên tục tổ chức Hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến lao động giỏi, lao động sáng tạo toàn quốc ngành Xây dựng. Sau 8 lần tổ chức, đã có 1.731 cá nhân, chủ yếu là người lao động trực tiếp được tôn vinh, biểu dương.

Các cá nhân điển hình tiên tiến được biểu dương, khen thưởng hàng năm là những người được tập thể phát hiện, bồi dưỡng, suy tôn công khai, dân chủ, là đại diện xuất sắc tiêu biểu trong phong trào thi đua “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo” ở cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Việc được biểu dương, khen thưởng tại hội nghị trang trọng, ấn tượng đã mang lại niềm hạnh phúc, niềm tự hào và tiếp thêm động lực để các điển hình tiên tiến cống hiến nhiều hơn nữa cho sự phát triển của đơn vị, của ngành Xây dựng và đất nước, đồng thời góp phần thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước trong công nhân viên chức lao động phát triển.

Có thể khẳng định, thi đua yêu nước đã trở thành truyền thống quý báu, là nét đẹp của ngành Xây dựng. Qua các phong trào thi đua, CNVCLĐ ngành Xây dựng đã khẳng định bản lĩnh vững vàng, tài trí sáng tạo, vươn lên làm chủ khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại trong thiết kế, thi công, xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng. Bàn tay tài hoa và trí thông minh của cán bộ, công nhân Xây dựng Việt Nam đã tạo nên những công trình dân dụng, công nghiệp, thủy lợi, thủy điện, giao thông, văn hóa xã hội có ý nghĩa chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội sâu sắc…

Để phát huy hiệu quả các phong trào thi đua của ngành Xây dựng trong thời gian tới, Công đoàn Xây dựng Việt Nam xác định, phải tiếp tục đổi mới việc phát động và tổ chức phong trào thi đua theo hướng thiết thực, hiệu quả, tạo động lực cho phát triển của mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và toàn Ngành, đồng thời góp phần cải thiện điều kiện làm việc, tăng năng suất lao động, nâng cao thu nhập của người lao động…


(Nguồn tin: http://laodongthudo.vn)