Trách nhiệm, quyền hạn của tổ chức Công đoàn trong công tác an toàn vệ sinh lao động
Theo Thông tư liên tịch số 01/TTLT-BLĐTBXH-BYT ngày 10 tháng 01 năm 2011 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội-Bộ Y tế Điều 21,22 có qui định như sau:
Nhiệm vụ của công đoàn cơ sở trong công tác an toàn – vệ sinh lao động
1. Thay mặt người lao động tham gia xây dựng và ký thỏa ước lao động tập thể trong đó có các điều khoản về an toàn – vệ sinh lao động.
2. Tuyên truyền, vận động, giáo dục người lao động, người sử dụng lao động thực hiện tốt các quy định của pháp luật về an toàn – vệ sinh lao động; chấp hành quy chuẩn, tiêu chuẩn, các biện pháp làm việc an toàn và phát hiện kịp thời những hiện tượng thiếu an toàn, vệ sinh trong sản xuất, đấu tranh với những hiện tượng làm bừa, làm ẩu, vi phạm quy trình kỹ thuật an toàn.
3. Tổ chức lấy ý kiến tập thể người lao động khi tiến hành các công việc sau: xây dựng nội quy, quy chế quản lý an toàn – vệ sinh lao động; xây dựng kế hoạch an toàn – vệ sinh lao động; đánh giá việc thực hiện các chế độ chính sách bảo hộ lao động, biện pháp bảo đảm an toàn, sức khỏe người lao động; tổng kết rút kinh nghiệm hoạt động an toàn – vệ sinh lao động của công đoàn ở cơ sở để tham gia với người sử dụng lao động.
4. Phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức các hoạt động để đẩy mạnh phong trào bảo đảm an toàn – vệ sinh lao động; động viên khuyến khích người lao động phát huy sáng kiến cải tiến thiết bị, máy, công nghệ nhằm cải thiện môi trường làm việc, giảm nhẹ sức lao động.
5. Phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức tập huấn nghiệp vụ công tác bảo hộ lao động cho cán bộ đoàn và mạng lưới an toàn – vệ sinh viên.
Quyền hạn của công đoàn cơ sở trong công tác an toàn – vệ sinh lao động
1. Tham gia với người sử dụng lao động trong việc xây dựng các quy chế, nội quy quản lý về an toàn – vệ sinh lao động.
2. Tổ chức đoàn kiểm tra độc lập của Công đoàn hoặc tham gia các đoàn tự kiểm tra do cơ sở lao động tổ chức để kiểm tra việc thực hiện kế hoạch an toàn – vệ sinh lao động, thực hiện các chế độ chính sách an toàn – vệ sinh lao động và các biện pháp bảo đảm an toàn, sức khỏe cho người lao động.
3. Kiến nghị với người sử dụng lao động thực hiện các biện pháp an toàn – vệ sinh lao động và phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo đúng các quy định của pháp luật.
4. Tham gia điều tra tai nạn lao động; tham dự các cuộc họp kết luận của các đoàn thanh tra, kiểm tra về công tác an toàn – vệ sinh lao động tại cơ sở lao động.
(Nguồn tin: Nilp.vn)