Vấn đề giới tính và các chất độc hại: Đề xuất an toàn và bình đẳng giới tại nơi làm việc

Thứ Sáu, 01/12/2023, 11:48(GMT +7)

Các chất độc hại là mối nguy rất lớn đối với tất cả người lao động. Tuy nhiên, một vài bộ phận người lao động, ví dụ như lao động nữ, có nguy cơ phơi nhiễm cao hơn so với những lao động khác. Nguyên nhân chủ yếu là do các nghiên cứu về lĩnh vực này còn thiếu định hướng cụ thể cho các lao động nữ. Ngoài ra, phương pháp đánh giá rủi ro cũng như biện pháp phòng ngừa hiện đang được áp dụng theo kiểu “chung chung và cứng nhắc” dẫn đến hiệu quả chưa cao.

Tại sao phụ nữ lại dễ bị tổn thương khi tiếp xúc với các chất độc hại hơn là nam giới?

Lao động nam và lao động nữ tập trung trong những ngành nghề khác nhau; nam giới chủ yếu làm việc trong khu vực công nghiệp và nữ giới chủ yếu trong các khu vực dịch vụ. Tại rất nhiều nơi làm việc, đặc biệt là tại các vị trí lao động thủ công hoặc thao tác dịch vụ thông thường, lao động nam và lao động nữ thường phải làm các công việc hoặc nhiệm vụ khác nhau. Điều này có nghĩa là họ phải tiếp xúc với các loại chất độc hại khác nhau.

Thường xuyên tiếp xúc với các hóa chất độc hại. Cụ thể như foocmanđêhyt, các loại thuốc tế bào, các chất diệt khuẩn, thuốc nhuộm tóc và một vài tác nhân sinh học khác thường xuất hiện trong một số ngành nghề chủ yếu sử dụng lao động nữ ví dụ như chăm sóc sức khỏe, thẩm mỹ, ăn uống, dịch vụ chăm sóc và vệ sinh công nghiệp. Điều này có nghĩa là lao động nữ phải thường xuyên tiếp xúc với những hóa chất này nhiều hơn các lao động nam. Tuy nhiên, các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng mức độ phơi nhiễm của các lao động nữ lại không được đo đạc và xác định thường xuyên so với  công việc trong các ngành công nghiệp chủ yếu sử dụng lao động nam giới.

Hầu hết những nghiên cứu về các chất độc hại chủ yếu tập trung dựa trên cơ sở mặc định của một lao động nam giới “trung bình”. Các nghiên cứu này ít tập trung vào các tác động cụ thể, rủi ro đến sức khỏe của lao động nữ giới cũng như không tính đến sự khác biệt về thể chất và trao đổi chất giữa nam và nữ. Mức độ hiểu biết về các tác nhân gây độc còn khá nghèo nàn. Ví dụ như, có rất nhiều hóa chất có các tác động đến nội tiết tố, kinh nguyệt hoặc mãn kinh mà vẫn chưa được xác định rõ.

Có những bằng chứng chỉ ra rằng phơi nhiễm với các loại thuốc trừ sâu và các hóa chất công nghiệp có liên quan đến sự phát triển của ung thư vú, một loại bệnh đang có xu hướng gia tăng ở phụ nữ. Tổ chức Y tế Thế giới (World Health Organization – WHO) ước tính rằng có khoảng 1,7 triệu phụ nữ sẽ được chẩn đoán mắc ung thư vú vào năm 2020.

Quá trình xây dựng kế hoạch hành động, tổ chức, thực hiện và đánh giá về an toàn vệ sinh lao động tại rất nhiều doanh nghiệp hiện không quan tâm đến vấn đề bình đẳng giới. Điều này có nghĩa là các quyết định đưa ra sẽ không phản ánh được những nhu cầu của các lao động nữ.

Xem xét cách tiếp cận nhạy cảm về giới tính để quản lý các chất độc hại

Để có thể bảo vệ được tất cả người lao động, không phân biệt giới tính, các doanh nghiệp cần có cách tiếp cận nhạy cảm về giới tính để quản lý các chất độc hại nói riêng cũng như vấn đề an toàn vệ sinh lao động nói chung. Cần tiến hành một loạt các hành động cứng rắn để có thể tạo ra được một môi trường làm việc an toàn cho tất cả người lao động.

Đánh giá rủi ro nơi làm việc có vai trò rất quan trọng trong việc phòng ngừa các rủi ro sức khoẻ có liên quan đến các chất độc hại. Nhưng nếu không áp dụng cho tất cả người lao động thì có thể có vấn đề phát sinh. Thông qua việc xác định cách thức tiến hành đánh giá rủi ro, ví dụ như loại bỏ tất cả các vấn đề giới tính và không bỏ sót những người lao động có nguy cơ phơi nhiễm, doanh nghiệp có thể nâng cao hiệu quả đánh giá rủi ro. Hơn nữa, tiến hành tập huấn cho những cán bộ đánh giá rủi ro về các vấn đề giới tính để có thể giúp họ tiến hành đánh giá rủi ro một cách bình đẳng cho cả lao động nam và lao động nữ.

Một ý tưởng khác là rà soát tất cả các tài liệu an toàn và sức khoẻ hiện có của doanh nghiệp, ví dụ như các bảng kiểm tra an toàn, dưới góc nhìn bình đẳng giới. Việc này còn giúp ích cho doanh nghiệp bằng cách bổ sung các biện pháp phòng ngừa hiện đang được áp dụng dựa trên kết quả đánh giá mức độ phù hợp đối với lao động nam và lao động nữ. Đồng thời, kiểm tra mức độ triển khai thực tế của các biện pháp phòng ngừa tại nơi làm việc đối với các lao động nữ.

Tư vấn cho các lao động nữ. Đảm bảo họ có thể tiếp cận được các thông tin, chương trình tập huấn có liên quan. Đồng thời, các biện pháp phòng ngừa đang áp dụng có thể giúp chỉ rõ các vấn đề tiềm ẩn hoặc bù đắp các lỗ hổng kiến thức của lao động nữ. Nâng cao nhận thức và đặc biệt nhấn mạnh các khu vực đặc biệt nơi mà các chất độc hại có thể là rủi ro đối với sức khỏe. Điều này giúp xây dựng văn hoá an toàn một cách toàn diện tại nơi làm việc.

Thông thường, phương tiện bảo vệ cá nhân (Personal Protective Equipment – PPE) tại nơi làm việc được thiết kế cho một lao động nam giới trung bình. Doanh nghiệp cần kiểm tra tất cả các loại PPE để đảm bảo rằng cả lao động nam và lao động nữ đều được bảo vệ đầy đủ trong quá trình làm việc và các loại PPE này luôn có sẵn tại vị trí làm việc của họ. Hướng dẫn về các loại PPE phù hợp đối với lao động nữ phải được công bố rộng rãi theo sáng kiến chung giữa Ủy ban Giám sát Nữ quyền tại Ontario và Hiệp hội Phòng ngừa Tai nạn Công nghiệp.

Đánh giá sự khác biệt giới tính – còn được gọi là “lồng ghép giới” – là rất quan trọng trong việc duy trì một môi trường làm việc an toàn và vệ sinh cho tất cả người lao động. Quá trình đánh giá này có thể được thực hiện ở tất cả cấc cấp độ, từ cấp quốc gia đến chính sách toàn châu Âu, từ chiến lược của doanh nghiệp đến các hoạt động hàng ngày. Thông qua việc nhận ra rằng không có giải pháp “chung chung” nào cho tất cả mọi vấn đề cũng như lao động nam và lao động nữ có những yêu cầu về an toàn và vệ sinh khác nhau, các doanh nghiệp có thể phòng ngừa phơi nhiễm với các chất độc hại một cách an toàn và hiệu quả hơn.

Biên dịch: Việt Thắng


(Nguồn tin: healthy-workplaces)