Vật liệu nano thiết kế tại nơi làm việc

Thứ Sáu, 01/12/2023, 11:48(GMT +7)

Các điểm chính:

         • Vật liệu nano thiết kế là các vật liệu trong đó 50% hoặc nhiều hơn các hạt có một hoặc nhiều hơn các kích cỡ khoảng giữa 1nm và 100nm. Các hạt nano nhỏ nhất có thể so sánh về kích cỡ với các nguyên tử và phân tử.

         • Những ảnh hưởng của vật liệu nano đến sức khỏe phụ thuộc vào đặc điểm của chúng ví dụ: chúng chứa loại vật liệu gì, kích thước, hình dạng và tính hòa tan của các hạt cũng như đặc điểm bề mặt. Thông thường, vật liệu nano có cùng ảnh hưởng về sức khỏe như các hạt thô của cùng một vật liệu, nhưng cũng có thể nảy sinh những tác động khác. Đường phơi nhiễm vật liệu nano chủ yếu qua đường hít vào và tiếp xúc da.

         • Phơi nhiễm vật liệu nano cần được quản lý và phải được giữ ở mức dưới ngưỡng giá trị giới hạn đối với nguyên liệu rời (có chứa các hạt lớn nhưng có thể chứa cả các hạt nano), áp dụng nguyên tắc phòng ngừa.

         • Trong các quy trình công nghiệp, điểm thuận lợi là vật liệu nano có thể được xử lý, ví dụ: dạng lỏng hoặc nhão hoặc được lưu giữ trong các không gian hạn chế nhằm giảm sự phát tán và phơi nhiễm của người lao động với vật liệu nano. Trong các tình huống phức tạp hơn, cần có sự hỗ trợ của các chuyên gia.

         • Công nghệ nano đang phát triển nhanh chóng, cùng những hiểu biết về các rủi ro đi kèm. Do vậy, người lao động và người sử dụng lao động, các nhà chuyên môn về an toàn và sức khỏe đang phải xử lý các vấn đề liên quan đến các hạt nano tại nơi làm việc để bảo đảm luôn cập nhật thông tin về các hoạt động phát triển của công nghệ này.

Vấn đề

Do đặc điểm tính chất, các vật liệu nano có thể có phổ rộng các ảnh hưởng độc hại tiềm ẩn. Có thể thấy một số, không phải là toàn bộ các vật liệu nano thiết kế, gây ra những rủi ro về sức khỏe lơn hơn so với vật liệu cùng loại ở dạng thô. Ví dụ, titan ôxit siêu mịn (có thể chứa các hạt nano) cho thấy có những ảnh hưởng mạnh hơn các hạt titan ôxit thô. Các ống nano cacbon đa vách MWCNT-7 được phân loại có thể gây hại cho con người, trong khi các hạt cacbon khác thì không. Các loại ống nano cacbon khác nhau được phân loại khác nhau.

Các vật liệu nano thiết kế là gì?

Vật liệu nano thiết kế là các vật liệu trong đó 50% hoặc nhiều hơn các hạt có một hoặc nhiều hơn các kích cỡ khoảng giữa 1nm và 100nm. Các hạt nano nhỏ nhất có thể so sánh về kích cỡ với các nguyên tử và phân tử.

Các hạt ở khoảng kích thước này có thể có nhiều đặc tính khác so với các hạt thô của cùng vật liệu. Các đặc tính này có được là do kích thước nhỏ cũng như do khu vực bề mặt tương đối rộng, hình dạng, độ hòa tan, thành phần hóa học, chức năng hóa bề mặt và xử lý bề mặt của chúng. Do các đặc điểm này, vật liệu nano thiết kế ngày càng được chú ý trong khoa học và được sử dụng trong việc phát triển các sản phẩm và công nghệ mới.

Một số ví dụ về vật liệu nano:

         • Titan ôxit nano được sử dụng như chất hấp thụ UV, ví dụ: trong ngành mỹ phẩm, sơn và các lớp phủ trên kính cửa sổ.

         • Graphit là một lớp đơn nguyên tử cacbon mỏng và cực kỳ khỏe có tính dẫn suất tốt và rất có tiềm năng trong một số lĩnhvực công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp điện tử.

         – Các ống nano cacbon có những đặc tính rất được quan tâm trong ngành điện tử. Loại vật liệu này có thể được sử dụng đề tăng cường các dạng vật liệu khác như trong ngành xây dựng, các ống nano cacbon cũng được sử dụng trong các màn hình máy tính đèn quang điện hữu cơ (OLED).

         – Nano bạc được dùng trong  các ngành như: y tế, mỹ phẩm và thực phẩm; như một chất kháng khuẩn với nhiều ứng dụng đa dạng: các loại sơn, các lớp che phủ, quần áo, giầy dép và các sản phẩm gia dụng.

         – Các chấm lượng tử là các chất bán dẫn đặc biệt được chú trọng liên quan đến nhiều ứng dụng như: xạ hình y tế, chẩn đoán và các sản phẩm điện tử.

Trong lĩnh vực y học, vật liệu nano thu hút được sự quan tâm bởi tiềm năng giống như một phương tiện dẫn truyền thuốc tới các cơ quan đích và phục vụ các mục đích về xạ hình (như: hạt nano từ tính ôxit sắt). Vật liệu nano với những đặc tính mới được phát triển bằng cách tráng nhiều loại lớp phủ lên bề mặt hạt nano.

Hành động được pháp lệnh về an toàn vệ sinh lao động quy định

Những yêu cầu đối với quản lý vật liệu nano tại nơi làm việc tương tự như những yêu cầu về quản lý các hóa chất nguy hiểm khác, bao gồm điều khoản về thông tin và tập huấn cho người lao động, tiến hành thực hiện các đánh giá rủi ro và hành động nhằm đảm bảo nơi làm việc an toàn. Tuy nhiên, điều kiện tiên quyết để thực hiện đầy đủ những yêu cầu này áp dụng với các hạt nano hoàn toàn khác so với hầu hết các hóa chất khác. Hiểu biết về rủi ro liên quan đến các vật liệu nano còn hạn chế và chưa có giới hạn về phơi nhiễm nghề nghiệp đối với vật liệu nano, mặc dù đã đề xuất các giá trị tham chiếu. Do vậy, cần áp dụng nguyên tắc phòng ngừa để giữ phơi nhiễm ở mức có thể kiểm soát được rủi ro, thậm chí vật liệu nano cần được chứng minh là nguy hiểm hơn so với những hiểu biết hiện tại.

Các rủi ro về sức khỏe liên quan đến vật liệu nano

Các rủi ro về sức khỏe sẽ phụ thuộc nhiều vào thành phần của vật liệu nano. Nhìn chung, các vật liệu nano có cùng tác động đến sức khỏe như các hạt thô của cùng loại vật liệu. Vật liệu nano xâm nhập vào cơ thể (giống như những chất khác) có thể được thẩm thấu, phân tán và chuyển hóa. Vật liệu nano được tìm thấy, ví dụ như trong phổi, gan, thận, tim, cơ quan sinh sản, não, lá lách, xương và các mô mềm cũng như có trong các bào thai.

Các cơ chế phía sau những rủi ro về sức khỏe vẫn chưa được hiểu một cách đầy đủ, nhưng một số đã được nhận diện.

         – Một số vật liệu nano có thể làm tăng các dạng tổn thương phổi như: các đáp ứng viêm cấp tính và mãn tính, rủi ro tăng lên khi kích thước hạt nhỏ đi, cũng như tổn thương mô, stress ôxi hóa, nhiễm độc mãn tính, độc tính tế bào, chứng xơ hóa, sản sinh ra các khối u. Một số vật liệu nano có thể ảnh hưởng tới hệ tim mạch.

         – Do kích cỡ nhỏ nên vật liệu nano có thể xâm nhập vào bên trong cơ thể theo cách mà các hạt dạng thô không thể làm được. Ví dụ: các kim loại và ô xít kim loại được cho là xâm nhập vào hành khứu giác thông qua dây thần kinh vận nhãn chung, các ống nano cacbon cũng được xem là đã đi qua nhau thai và thâm nhập vào bào thai.

         – Các sợi nano dạng xơ, dài, mảnh và không thể hòa tan như ống nano cacbon có thể gây ra các tổn thương phổi như sưng viêm, hình thành u hạt và viêm xơ. Các tác động này không được phát hiện thấy ở chuột bị phơi nhiễm cacbon đen (cùng vật liệu, nhưng sợi nano được thay thế bằng hạt nano). Điều này đi tới kết luận rằng có tồn tại một số loại ống nano cacbon có khả năng làm tăng tác động tới sức khỏe tương tự như ảnh hưởng do amiang gây ra. Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC) phân loại ống cacbon nano MWCNT-7 như chất có thể gây ung thư cho con người (Nhóm 2B). Tuy nhiên, không phải tất cả các ống nano cacbon đều gây ra các tác hại tương tự cho sức khỏe. Do đặc tính bề mặt của loại vật liệu này, một số ống nano cacbon không gây ra u hạt hoặc chứng xơ hóa và cũng cho thấy ở những điều kiện nhất định ống nano cacbon có thể bị chuyển hóa và bài tiết ra ngoài.

Những  nguy cơ về an toàn cũng có thể bắt nguồn từ đặc điểm dễ gây cháy nổ và khả năng xúc tác của một số vật liệu nano ở dạng bột, đặc biệt là nano kim loại, vì bụi ở các cân tiểu ly, có xu hướng phát nổ mạnh hơn và độ nhạy đánh lửa của chúng cũng có xu hướng làm cho các hạt trở nên mịn hơn. Nhiệt độ tự đánh lửa cũng giảm bớt khi các hạt mịn hơn.

Vật liệu nano có xu hướng tích tụ (hình thành những cụm kết nối lỏng lẻo), làm tăng kích thước, nhưng sự tích tụ đó không ảnh hưởng nhiều đến khu vực bề mặt tổng thể của các vật liệu này. Khu vực bề mặt được cho là có tác động đến những ảnh hưởng về mặt sức khỏe, ít ra là đối với một số dạng hạt nano. Sẽ không rõ ràng nếu và bằng cách nào sự tích tụ của vật liệu nano ảnh hưởng tới các nguy cơ về sức khỏe.

Mặc dù một vài cơ chế đã được giới thiệu, nhưng nhu cầu tìm hiểu về việc khi nào và tại sao vật liệu nano gây tác hại cho sức khỏe vẫn rất lớn. Trong khi đó, chúng ta cần xem xét bằng chứng rằng ít nhất một số vật liệu nano độc hại hơn các hạt thô của cùng loại vật liệu và có các biện pháp phòng ngừa.

Đã có một vài nghiên cứu về tác động của vật liệu nano đến sức khỏe, nhưng những nghiên cứu này chủ yếu thực hiện bằng nuôi cấy tế bào và trên động vật trong phòng thí nghiệm. Có rất ít bằng chứng về những tác động đến sức khỏe con người sau khi phơi nhiễm vật liệu nano thiết kế. Tuy nhiên, bằng chứng bao quát về việc phơi nhiễm các chất gây ô nhiễm không khí có chứa các hạt nano được hình thành tự nhiên như: khói hàn, khí thải dầu diesel và các dạng khói khác, có thể gây nguy hiểm theo nhiều cách khác nhau. Tuy vậy, vẫn chưa có đầy đủ hiểu biết về việc liệu những tác hại về sức khỏe có phải do vật liệu nano gây ra hay không hay do các chất gây ô nhiễm không khí cùng tồn tại với các vật liệu đó.

Phơi nhiễm và các đường phơi nhiễm

Rủi ro sức khỏe có thể dẫn tới những kiến nghị hoặc bệnh tật nảy sinh chỉ sau khi phơi nhiễm với vật liệu nano. Các đường phơi nhiễm vật liệu nano chủ yếu qua đường hít vào và phơi nhiễm qua da, cũng có thể nảy sinh qua đường ăn uống.

Phơi nhiễm với các vật liệu nano thiết kế có thể nảy sinh trong bất kỳ giai đoạn nào của vòng đời vật liệu nano hay các sản phẩm ứng dụng công nghệ nano hoặc cuối vòng tái chế, xử lý và loại bỏ các sản phẩm ứng dụng công nghệ nano

Hít vào

Nếu một vật liệu nano khô được xử lý thủ công ngoài môi trường – ví dụ: đổ ra từ bao, xếp hoặc dỡ ra từ công-ten-nơ hoặc không may bị đổ – sẽ xuất hiện nguy cơ phơi nhiễm cao. Ngay cả khi vật liệu nano được xử lý trong các hệ thống kín, thì vẫn có thể xảy ra phơi nhiễm do rò rỉ hoặc do tai nạn. Phơi nhiễm cũng có thể nảy sinh khi xử lý rác thải có chứa vật liệu nano.

Nhiều vật liệu nano được xử lý dưới dạng đặc, nhão hay các hạt nhỏ hoặc như phần nguyên của một vật liệu rắn. Phơi nhiễm thông qua đường hít vào được giới hạn nhưng có thể xảy ra nếu dạng chộn nhão được xử lý bằng cách hình thành một son khí, ví dụ: xịt hoặc phun, hay các hạt nhỏ được nghiền thành những hạt nhỏ hơn và làm tỏa ra các hạt nano. Phơi nhiễm cũng có thể xảy ra nếu dạng nhão khô lại, để lạ vật liệu nano đã khô, có thể bị gió cuốn và phát tán vào không khí xung quanh. Thậm chí nếu vật liệu nano được xử lý dưới dạng đặc, thì phơi nhiễm vẫn có thể diễn ra, ví dụ như trong quá trình vệ sinh và bảo dưỡng.

– Da

Phơi nhiễm da với vật liệu nano có thể xảy ra, đối với một số vật liệu nano đây là đường phơi nhiễm phổ biến nhất, khi được sử dụng làm thành phần trong mỹ phẩm với mục đích sử dụng trên da. Hiện tại, vật liệu nano được xem là ít thẩm thấu qua da hơn là qua đường hít vào. Tuy nhiên, ở vùng da bị thương như bị rách ra hay eczema, thì một số ít vật liệu nano có thể xâm nhập vào cơ thể. Mặc dù hiện nay điều này được xem là hình thành không đáng kể hoặc rất ít rủi ro, tuy nhiên cần đưa ra cảnh báo về phơi nhiễm qua da, đồng thời phòng ngừa phơi nhiễm tình cờ qua đường ăn uống cũng như phơi nhiễm với các chất có thể được hấp thụ qua da mà không cần nhận diện.

– Qua đường ăn uống

Phơi nhiễm qua đường ăn uống ít xảy ra tại nơi làm việc, mặc dù tình trạng vệ sinh kém có thể dẫn đến phơi nhiễm, ví dụ nếu người lao động không rửa tay hoặc thay đồ sau khi làm việc với các vật liệu nano và sau đó cằm đồ ăn hoặc đồ uống bằng tay bẩn hoặc làm phát tán bụi hạt nano ra môi trường có thực phẩm và đồ uống. Phơi nhiễm có thể tình cờ xảy ra, ví dụ như thông qua việc truyền từ tay sang miệng.

Bên ngoài nơi làm việc, các vật liệu nano có thể được đưa vào cơ thể cùng với thực phẩm, do bao gói có thể chứa vật liệu nano có chủ đích. Đối với vật liệu nano thông thường, tác động đối với sức khỏe tùy huộc vào vật liệu đó bao gồm những thành phần gì. Một nghiên cứu gần đây trên 60 người tham gia thí nghiệm cho thấy việc đưa vào cơ thể các hạt nano bạc không gây ảnh hưởng tới sức khỏe.

Đánh giá rủi ro

Về nguyên tắc, tất cả các hoạt động liên quan đến việc xử lý vật liệu nano bên ngoài một hệ thống máy móc được che kín có thể được coi là có rủi ro phơi nhiễm đối với người lao động. Tuy nhiên, thậm chí ngay cả khi hệ thông máy móc được che kín thì vẫn có thể xảy ra phơi nhiễm, ví dụ: trường hợp rò rỉ hoặc trong quá trình vệ sinh và bảo dưỡng. Những phơi nhiễm này cần được xem xét trong các đánh giá rủi ro và các biện  pháp phòng ngừa. Vì vật liệu nano có chứa những hạt cực kỳ nhỏ, do vậy không thể nhìn thấy được bụi nano như các loại bụi khác. Điều này cũng cần được tính đến trong các đánh giá rủi ro.

Các rủi ro rất khác nhau, tùy thuộc vào dạng vật liệu nano. Rủi ro lớn nhất thường được cho là do phơi nhiễm với các sợi nano không thể hòa tan hoặc hòa tan kém với kích thước dài hơn 5 μm và có độ dài trên tỉ lệ độ rộng (hệ số co) lớn hơn 3:1. Các rủi ro cũng ở mức cao trong mối quan hệ với các sợi nano kém tan và không tan khác (ví dụ: trong các tấm nano mỏng như lá graphit). Phơi nhiễm với các vật liệu nano hòa tan trong nước thường được cho là ít rủi ro hơn.

Rủi ro thường được đánh giá dựa trên các phương pháp tính toán phơi nhiễm. Các phương pháp này hoàn toàn khả thi, mặc dù không dễ thực hiện cũng như yêu cầu cần có các công cụ đọc trực tiếp tinh vi. Các phương pháp đo hạt nano lơ lửng trong không khí chủ yếu được tiến hành như một phần của nghiên cứu. Chiến lược đo đạc được phát triển kết hợp với các phương pháp đo đạc được áp dụng sử dụng các loại công cụ đọc trực tiếp khác nhau cho thành phần hạt khác nhau với các phương pháp đo được áp dụng sử dụng kỹ thuật lọc và phân tích có sử dụng kính hiển vi điện tử quét (SEM). Tuy nhiên, khi tiến hành phân tích các đầu lọc, xuất hiện rủi ro là nhiều hạt có thể mắc vào các khe của đầu lọc và không thể thấy được khi sử dụng thiết bị SEM. Ngoài ra, các công cụ đọc trực tiếp còn nhiều hạn chế như: các công cụ này phân tích các loại hạt với nhiều kích cỡ khác nhau, không phân tích các hạt gồm những loại vật liệu gì. Hơn nữa, không có sự đồng nhất về việc biến số nào có liên quan nhiều nhất tới những ảnh hưởng về mặt sức khỏe của vật liệu nano. Không có tiêu chuẩn về thông số – ví dụ: nồng độ khối, chỉ số nồng độ hoặc bề mặt của vật liệu nano lơ lửng – để đo đạc nhằm tính toán các tác động đến sức khỏe. Thông số phù hợp nhất có thể phụ thuộc vào dạng vật liệu nano và tác động về mặt sức khỏe.

Các công cụ đọc trực tiếp đo sự có mặt của các hạt, không liên quan đến vật liệu có trong hạt. Những công cụ này rất nhạy tối với nhiễu loạn do các hạt nano hơn là các hạt nano thiết kế được quan tâm. Ví dụ: các phương pháp đo các hạt nano có thể bị ảnh hưởng bởi sự có mặt của các hạt nano trong khói thải ra từ các dạng cháy khác nhau, như khói thuốc lá và khói hàn, khói hàn điện và khói hàn nhiệt. Các hạt nano có thể thoát ra từ nến đang cháy, các loại quả họ cam quýt khi bị bóc vỏ và ngưng tụ hơi nước.

Tóm lại, khi tiến hành đánh giá rủi ro tại nơi làm việc, có những khó khăn như sau:

     1. Thông tin không đầy đủ về các đặc tính nguy hại của vật liệu nano;

     2. Giới hạn về mức độ phơi nhiễm và những thiết bị có thể sử dụng để đo đạc các mức phơi nhiễm và nhận diện vật liệu nano cũng như các nguồn phát tán.

Cũng có thể do thiếu thông tin về sự có mặt của các vật liệu nano, đặc biệt trong các hỗn hợp hoặc các vật phẩm, và tương lai là chuỗi người dùng sử dụng vật liệu nano và các sản phẩm có chứa vật liệu nano.

Đánh giá rủi ro đối với các vật liệu nano thiết kế cần bao gồm:

     1. Bản kiểm kê các vật liệu nano được lưu kho và sử dụng tại nơi làm việc;

     2. Thông tin về các rủi ro sức khỏe của các vật liệu nano, thường dưới dạng phiếu cung cấp số liệu về an toàn;

     3. Đánh giá phơi nhiễm qua hít thở, qua da và qua đường ăn uống;

     4. Quyết định về hành động cần thiết nhằm giảm thiểu phơi nhiễm và kế hoạch hành động chỉ rõ phải làm gì, do ai thực hiện và khi nào tiến hành;

     5. Xem xét các rủi ro đối với người lao động dễ bị tổn thương, như lao động trẻ, lao động đang mang thai hoặc phụ nữ đang cho con bú, đồng thời có hành động cần thiết để bảo vệ họ;

     6. Thường xuyên rà soát đánh giá rủi ro;

     7. Đánh giá những hành động  đã thực hiện và, nếu cần, tiến hành cải thiện kế hoạch hành động.

Cần đánh giá rủi ro dựa trên nguyên tắc phòng ngừa, nên tính đến những nội dung sau:

         – Vật liệu nano có phải là dạng được xem là tạo ra rủi ro cao hay không?

         – Phơi nhiễm ở mức cao với vật liệu nano có thể xảy ra ở nơi làm việc hoặc do sơ xuất không?

Các vật liệu nano có rủi ro cao và phơi nhiễm mức độ cao sẽ tạo ra rủi ro rất cao, và yêu cầu phải có hành động tức thì nhằm giảm thiểu phơi nhiễm. Các vật liệu nano có rủi ro thấp và các mức phơi nhiễm thấp yêu cầu ít hoặc thậm chí không cần hành động can thiệp nào.

Hành động và quản lý rủi ro

 Người sử dụng lao động buộc phải cung cấp môi trường làm việc an toàn và lành mạnh cho người lao động, trong đó có việc bảo vệ người lao động khỏi các rủi ro bắt nguồn từ vật liệu nano .

Pháp lệnh về An toàn vệ sinh lao động Châu Âu quy định một hệ thống thứ bậc các biện pháp nhằm bảo vệ hoặc giảm bớt sự phơi nhiễm của người lao động đối với các chất nguy hiểm (Điều 6 của Chỉ dẫn về các tác nhân hóa học). Chỉ dẫn (hay còn gọi là nguyên tắc STOP) được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên như sau:

          S = substitution: thay thế (bao hàm cả việc xóa bỏ hoàn toàn chất nguy hiểm)

          T = technological measures: các biện pháp kỹ thuật

          O  = organizational measures: các biện pháp tổ chức

          ​P = personal protective measures: các biện pháp bảo vệ cá nhân

Vật liệu nano thường được sử dụng do các đặc tính kỹ thuật độc đáo, vì vậy việc thay thế loại vật liệu này có thể gặp khó khăn. Tuy nhiên, nếu không thể loại bỏ việc sử dụng vật liệu nano, thì có thể xử lý bằng cách giảm thiểu tối đa khả năng phơi nhiễm như:  ở dạng dung dịch, dạng đặc hay đóng thành dạng cứng. Điều này sẽ giảm đáng kể khả năng phơi nhiễm, đặc biệt bằng đường hít vào. Tuy vậy, cần tránh phun vật liệu nano vào môi trường dưới dạng chất lỏng vì vật liệu này có thể được hít vào dưới dạng sol khí.

Về nguyên tắc, vật liệu nano lơ lửng có thể được so sánh với các sol khí và có thể được kiểm soát bằng cách sử dụng các biện pháp tương tự như các biện pháp kiểm soát sol khí. Tuy nhiên, do khối lượng vô cùng nhỏ của các hạt nano, nên động năng của chúng rất thấp, do vậy có thể xử lý như khí ga hơn là bụi. Lựa chọn công nghệ nào tùy thuộc vào phạm vi phơi nhiễm, sau đó tùy thuộc vào tình trạng bụi và mức phát tán của vật liệu nano. Có thể cần phải áp dụng một loạt các biện pháp kết hợp nhằm quản lý phơi nhiễm và rủi ro. Che kín và thông gió quy trình thực hiện là cách hiệu quả nhằm giảm thiểu phơi nhiễm. Tuy nhiên, cần quản lý các rủi ro liên quan đến rò rỉ; các rủi ro liên quan đến bảo dưỡng, sửa chữa và vệ sinh cũng cần được xem xét và quản lý.

Hệ thống bao che thường được lựa chọn cho các quy trình xử lý vật liệu nano bởi nhu cầu cần được bảo vệ quy trình khỏi bị nhiễm bẩn. Một hệ thống được bao che có lợi thế và là một phương pháp công nghệ phù hợp, bởi nó cùng lúc phòng ngừa phát tán vật liệu nano ra môi trường bên ngoài và bảo vệ người lao động. Dụng cụ bao che đặc biệt được khuyến nghị cho các hoạt động như đo đạc vật liệu nano thiết kế, rót (gồm cả trộn các vật liệu này) hoặc thu gom lại từ thiết bị sản xuất và xử lý, làm sạch các dụng cụ chứa và xử lý rác thải, trừ trường hợp không tồn tại phơi nhiễm tiềm ẩn.

Cần xem xét các biện pháp kiểm soát kỹ thuật (như: hệ thống chặn, hệ thống thông gió thải cục bộ, hệ thống thông gió chung) nhằm giảm phơi nhiễm trường hợp không thể thay thế hoặc sử dụng dụng cụ bao che. Các biện pháp kiểm soát sẽ dựa trên yêu cầu của từng nơi làm việc và cần tính đến nguồn phát tán, rủi ro và nhu cầu giảm thiểu phát tán và phơi nhiễm, số lượng và hình thức vật lý của vật liệu nano, quá trình cũng như tần suất thực hiện nhiệm vụ công việc.

Thông gió cục bộ và thông gió chung hỗ trợ phòng ngừa phân tán các vật liệu nano lơ lửng tại khu vực làm việc và tới các không gian gần kề. Để loại bỏ được các hạt nano khỏi khí thải cần sử dụng một hệ thống lọc phù hợp. Hệ thống này phải là hệ thống gồm nhiều công đoạn với các bộ lọc HEPA hoặc các bộ lọc ULPA.

Tối ưu hóa quy trình thiết kế và vận hành thực tế để giảm thiểu các nguy cơ do sản phẩm gây ra và rác thải sinh ra, từ đó giảm bớt phơi nhiễm tại nơi làm việc.

Có thể giảm bớt nguy cơ cháy nổ do các hạt nano bằng cách sử dụng barie an toàn quây bốn góc:

         – Barie phòng ngừa: giảm thiểu khả năng xảy ra tai nạn bằng cách tăng cường bảo dưỡng các quy trình phòng ngừa sự phát tán nhất thời, phát sinh tai nạn ở môi trường gây nổ, tích tụ tĩnh điện và các nguồn gây cháy nổ ngẫu nhiên.

         – Barie giảm nhẹ: giảm bớt các yếu tố rủi ro liên quan đến quá trình xử lý bằng cách hạ nhiệt độ và áp xuất xử lý.

         – Barie giảm nhẹ: giảm thiểu thông số nghiêm trọng nổ bột nano bằng cách thay thế hoặc pha thành dung dịch.

         – Barie bảo vệ: tăng mức độ an toàn cho người lao động làm công việc dễ gặp rủi ro.

Các biện pháp tổ chức bao gồm các biện pháp phòng ngừa, ví dụ như thông tin cho người lao động về các rủi ro, cần được áp dụng và tuân thủ đầy đủ các quy tắc. Thông tin đến người lao động bao gồm: thông tin về các nguy cơ của vật liệu nano và tầm quan trọng của nguyên tắc phòng ngừa vẫn còn hạn chế về kiến thức liên quan đến các nguy cơ về sức khỏe và an toàn của vật liệu nano. Ghi chép lại các quy trình an toàn và chỉ dẫn làm việc dành cho những công đoạn có sử dụng vật liệu nano và phổ biến rộng rãi tại nơi làm việc sẽ giúp cung cấp nền tảng thực hành công việc phù hợp cũng như điểm tham chiếu để không ngừng cải thiện.

Các biện pháp tổ chức cũng có thể bao gồm việc giảm thiểu tối đa số lượng người lao động tại nơi làm việc bị phơi nhiễm vật liệu nano và giảm bớt giờ làm với các vật liệu nano tiềm ẩn nguy cơ phơi nhiễm. Cấm tiếp cận tới các khu vực có thể xảy ra phơi nhiễm; sử dụng hợp lý các biển báo an toàn và biển báo nguy hiểm.

Cuối cùng, nếu không thể áp dụng được các biện pháp được mô tả trên đây hoặc các biện pháp nêu trên không phù hợp, thì cần sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân. Trong nhiều ngành công nghiệp, quần áo bảo hộ được sử dụng cùng găng tay và kính bất cứ khi nào cần.

Thông tin về phương tiện bảo vệ cá nhân nên đưa vào các phiếu dữ liệu an toàn dành cho các sản phẩm hóa chất có chứa vật liệu nano. Cung cấp đúng chủng loại phương tiện bảo vệ cá nhân có thể giúp bảo vệ tốt hơn khỏi phơi nhiễm với các vật liệu nano.

Biên dịch: Bích Hà


(Nguồn tin: Healthy Workplaces)