Xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý thông tin an toàn sức khỏe của người lao động ngành xây dựng

Thứ Sáu, 01/12/2023, 10:44(GMT +7)

Xây dựng cơ sở dữ liệu là một xu hướng được các doanh nghiệp khai thác rất nhiều và cũng có nhiều đề tài nghiên cứu liên quan. Tuy nhiên chưa có nghiên cứu nào đề cập, phát triển xây dựng cơ sở dữ liệu về an toàn sức khỏe nghề nghiệp (ATSKNN) dành riêng cho người lao động ngành xây dựng. Cơ sở dữ liệu sẽ mở ra một bước tiến mới cho việc xây dựng phần mềm quản lý tổng thể đặc biệt về hoạt động ATSKNN. Dữ liệu ATSKNN bao gồm các dữ liệu liên quan về sơ yếu lý lịch, khám sức khỏe, bệnh nghề nghiệp, đào tạo, chứng chỉ liên quan, tai nạn lao động, nhận diện lỗi hành vi mất an toàn của người lao động và xử lý vi phạm của doanh nghiệp. Nghiên cứu đề xuất xây dựng cơ sở dữ liệu đầu vào một cách tinh gọn, dễ hiểu, dễ tra cứu, đảm bảo đầy đủ thông tin và thuận tiện trong phân tích xử lý thống kê. Sử dụng phương pháp chuyển đổi dữ liệu thành dạng bảng, phân loại dữ liệu, mã hóa dữ liệu tạo các mối liên kết giữa các nhóm dữ liệu từ các trường thông tin cơ bản và chuyên biệt về an toàn sức khỏe nghề nghiệp của người lao động. Kết quả nghiên cứu là bảng thiết kế các trường dữ liệu và các mối tương quan cho giai đoạn tiếp theo của quá trình xây dựng phần mềm.

1. GIỚI THIỆU

Xây dựng cơ sở dữ liệu là một trong những phương thức lưu trữ tổng hợp dữ liệu cần có phục vụ cho việc quản lý thông tin, dữ liệu quản lý đảm bảo đầy đủ thông tin cho việc truy xuất dữ liệu báo cáo tổng hợp nhưng dữ liệu cần phải tinh gọn nhằm hạn chế những thông tin thừa gây nhiễu loạn thông tin. Xây dựng cơ sở dữ liệu là một bước quan trọng cho quá trình xây dựng phần mềm quản lý trong tương lai.

Thông tin ATSKNN của người lao động ngành xây dựng là một lĩnh vực tương đối lớn với hàng loạt các dữ liệu cần lưu trữ, số lượng người lao động làm việc tương đối lớn. Đặc điểm của người lao động ngành xây dựng là không làm việc cố định một vị trí, một nơi mà trong khoảng thời gian có thể làm ở nhiều nơi khác nhau. Do đó việc xây dựng cơ sở dữ liệu giúp nhà quản lý kiểm soát được thông tin của người lao động, giảm thiểu thời gian tìm kiếm thông tin, đặc biệt trong quá trình chuẩn bị các hồ sơ an toàn của dự án, giảm thiểu chi phí thực hiện hồ sơ an toàn, cũng như tiết kiệm thời gian để chuẩn bị.

2. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1. Đối tượng nghiên cứu

Nghiên cứu đã lựa chọn đối tượng và tiến hành phân tích, tổng hợp các dữ liệu ATSKNN của người lao động được lưu trữ tại công ty trong ngành xây dựng với 5 dự án đang hoạt động tại Hồ Chính Minh, Tiền Giang và Bình Dương.

2.2. Phương pháp nghiên cứu

2.2.1. Phương pháp thống kê: Thống kê tài liệu, văn bản pháp luật, thông tin, các hồ sơ có liên quan đến công tác quản lý an toàn sức khỏe nghề nghiệp tại công ty nhằm tổng hợp những nội dung cần thiết có liên quan đến nội dung nghiên cứu

2.2.2. Phương pháp phân tích: Phân tích số liệu thu thập và lựa chọn ra những nội dung chính đưa vào xây dựng cơ sở dữ liệu

2.2.3. Phương pháp thiết kế cơ sở dữ liệu: Mô hình hóa nhằm chuyển đổi các đối tượng từ thế giới thực sang bảng trong hệ thống cơ sở dữ liệu. Các bước thực hiện:

  • Bước 1. Xác định các thành phần dữ liệu cần có trong nội quản lý

  • Bước 2. Chia nhỏ các thành phần dữ liệu ra thành các phần nhỏ nhất mà hệ thống sử dụng

  • Bước 3. Xác định các bảng và các cột

  • Bước 4. Xác định khóa chính, khóa ngoại và mối quan hệ

2.2.4. Phương pháp xây dựng mô hình thực thể – các mối quan hệ: Mô hình thực thể được xây dựng như sau:


Hình 1. Mô hình thực thể

Trong đó A và B là thực thể  và mối quan hệ giữa chúng là A thuộc B

Để thể hiện các mối liên kết giữa các bảng sẽ sử dụng các mối liên kết như sau: 1-1; 1-n; n-n:

  • Liên kết (1-1): Mỗi thể hiện của thực thể A quan hệ với một thể hiện của thực thể B và ngược lại.

  • Liên kết (1-N): Mỗi thể hiện của thực thể A quan hệ với nhiều thể hiện của thực thể B. Ngược lại mỗi thể hiện của thực thể B quan hệ với chỉ một thể hiện của thực thể A.

  • Liên kết (N-N): Mỗi thể hiện của thực thể A quan hệ với nhiều thể hiện của thực thể B. Ngược lại mỗi thể hiện của thực thể B quan hệ với nhiều thể hiện của thực thể A.

3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ BÀN LUẬN

3.1. Kết quả nghiên cứu

Quy trình thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu được thực hiện qua 4 giai đoạn chính:


Hình 2. Quy trình thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu

Giai đoạn 1: Chuẩn bị

Thu thập các thông tin liên quan về thông tin cá nhân, bảo hiểm tai nạn, khám sức khỏe, bệnh nghề nghiệp, huấn luyện, hợp đồng, tai nạn… từ các yêu cầu của luật định, các biểu mẫu báo cáo liên quan đến sở ban ngành, từ các biểu mẫu quản lý tại doanh nghiệp để lựa chọn các thông tin cơ bản phù hợp cho quá trình xây dựng từ đó có thể thêm một vài thông tin khác. Nhưng đảm bảo các thông tin cơ bản phải có đầy đủ

+ Thông tin cá nhân sẽ được lấy từ các mục của chứng minh nhân dân

+ Bảo hiểm tai nạn sẽ được lấy từ các mục có trong hợp đồng bảo hiểm

+ Khám sức khỏe sẽ được lấy từ các mục có trong giấy khám sức khỏe

+ Bệnh nghề nghiệp sẽ được lấy từ các mục có trong sổ theo dõi bệnh nghề nghiệp

+ Huấn luyện sẽ được lấy từ các mục có trong các thẻ chứng nhận tham gia tập huấn

+ Hợp đồng sẽ được lấy từ các mục có trong hợp đồng lao động của doanh nghiệp

+ Tai nạn sẽ được lấy từ các mục có trong báo cáo tai nạn lao động và sổ theo dõi tai nạn nạn lao động

Giai đoạn 2: Xây dựng cơ sở dữ liệu

Gồm 3 bước thực hiện

Bước 1: Chuyển dữ liệu thô thành dạng bảng


Hình 3. Bảng dữ liệu thể hiện các thực thể của trường dữ liệu

Đặc điểm của bảng dữ liệu thô chứa đầy đủ tất cả các thông tin của các trường dữ liệu lớn. Nhưng điều bất cập đó là do chứa quá nhiều thông tin các thực thể chi tiết và thực thể trùng lặp nhiều dẫn đến tình trạng làm nhiễu loạn thông tin và sẽ gây khó khăn nếu dựa trên bảng liệu này để làm việc.


Hình 4. Bảng dữ liệu rút gọn

Bước 2: Lọc dữ liệu và sắp sếp dữ liệu

Mục đích của giai đoạn này sẽ giúp giảm thiểu thời gian nhập dữ liệu đầu vào. Từ cột dữ liệu chính chúng ta có thể liên kết sang các trường dữ liệu riêng lẻ gíup thao tác quản lý dữ liệu dễ dàng và nhanh chóng. Đây là một bước quan trọng nhất sẽ giúp cho qúa trình xây dựng phần mềm trong tương lai một các nhanh chóng và rõ ràng hơn hạn chế sự chồng chéo và sai xót trong quá trình lập trình của hệ thống

Bước 3: Xây dựng mô hình đầu vào – đầu ra các dữ liệu, khóa chính tìm kiếm, phân định chức năng quản trị và chức năng quản lý dữ liệu

– Xây dựng mô hình đầu vào và đầu ra của dữ liệu nhằm thể hiện tổng thể của quá trình và kết quả mong muốn đạt được sau khi hoàn thành


Hình 5. Mô hình đầu vào và đầu ra của dữ liệu

Xác định khóa chính tìm kiếm: Đối với nội dung này khóa chính tìm kiếm sẽ là chứng minh nhân dân của người lao động vì số chứng minh nhân dân sẽ không bị trùng với nhau, sử dụng họ tên để tìm kiếm dẫn đến tình trạng là có nhiều người lao động có họ tên trùng với nhau sẽ làm cho quá trình tìm kiếm trích dữ liệu khó khăn.

Đối với thông tin của người lao động sẽ được đính kèm hình chụp chân dung của họ để giúp nhà quản lý nhận diện chính xác hơn.

Ngoài ra  các thông liên quan còn lại sẽ được đính kèm hồ sơ minh chứng  theo từng mục. Các hồ sơ được quét thành file mềm và đính kèm theo từng mục

Phân định các chức năng:

– Chức năng quản trị sẽ phân thành 3 cấp nhóm chính

  • Nhóm khai thác: nhóm này chỉ có chức năng truy cập được xem và tải thông tin.

  • Nhóm cập nhật thông tin người lao động: nhóm này được phép tạo mới, cập nhật thông tin, chỉnh sửa thông tin của người lao động thuộc quyền quản lý.

  • Nhóm quản trị hệ thống, nhóm này chịu trách nhiệm phân quyền và cung cấp mật khẩu đăng nhập vào phần mềm.

– Chức năng quản lý dữ liệu

  • Nhập mới: nhập mới thông tin của người lao động dữ liệu đầu vào được nêu trên.

  • Cập nhật thông tin: cập nhật thông lỗi thời, hết thời gian lưu, thông mới bổ sung hoặc thông tin sai    

  • Xem tra cứu thông tin: thông dạng trực quan sẽ hiển thị trực tiếp trên màn hình, và theo dạng hồ sơ có tải xuống in và lưu, cách thức tra cứu thông tin người lao động từ khóa tra cứu sẽ là chứng minh nhân dân nhằm đảm bảo độ chính xác cao

  • Báo cáo, thống kê: Đặt thông báo, truy xuất dữ liệu phục vụ cho hoạt động báo cáo với nhà quản lý, các sở ban ngành.

Giai đoạn 3: Xây dựng các biểu mẫu thể hiện thông tin của các dữ liệu đầu ra và mô hình thực thể – các mối quan hệ

Xây dựng các biểu mẫu thể hiện thông tin của các dữ liệu đầu ra

Dựa vào mô hình đầu vào và đầu ra của dữ liệu (Hình 5) xây dựng các biểu mẫu nhằm mục đích xác định những thông tin nào cần được phân tích và thống kê ở đầu ra của quá trình xây dựng cơ sở dữ liệu

Biểu mẫu:

  • Biểu mẫu thông tin công nhân

  • Báo cáo danh sách khám sức khỏe theo dự án

  • Báo cáo số lượng nhân viên Nam/Nữ

  • Báo cáo số lượng tham gia huấn luyện

  • Báo cáo số lượng bệnh nghề nghiệp

  • Báo cáo số lượng ký hợp đồng lao động

  • Báo cáo tổng số lao động làm việc tại dự án

  • Báo cáo số lượng tai nạn lao động

Mô hình thực thể – các mối quan hệ

Nhằm mục đích xác định các mối liên hệ giữa các bảng với nhau, xác định các khóa chính của các bảng giúp tạo ra các liên hết của các thuộc giữa các bảng giúp cho việc truy vấn dữ liệu sau này

Mô hình về mối liên hệ giữa bảng thông tin cá nhân và các bảng về hợp đồng lao động, huấn luyện lao động, bảo hiểm tai nạn, vi phạm, bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động và khám sức khỏe


Hình 6. Mô hình liên kết giữa các thực thể

Các khóa chính được thể hiện đó là Số CMND và họ tên ngoài ra ở các thực thể sẽ có những khóa ngoại liên quan được bôi đỏ. Giúp cho người đọc dễ nhận thấy mối liên hệ giữa các thực thể.

Giai đoạn 4: Tinh chỉnh thiết kế và chuẩn hóa dữ liệu

Sau khi thực hiện các giai đoạn:

– Chuẩn bị

– Xây dựng cơ sở dữ liệu

– Xây dựng các biểu mẫu thể hiện thông tin của các dữ liệu đầu ra và mô hình thực thể – các mối quan hệ

Thì bước cuối cùng của quá trình sẽ thực hiện quá trình tinh chỉnh thiết kế và chuẩn hóa dữ liệu là quá trình đưa sản phẩm áp dụng vào thực tế nhằm tìm ra những khuyết điểm, sự trùng lặp phải mất nhiều thời gian để thao tác trên các biểu mẫu. Từ đó đưa ra các giải pháp tinh chỉnh hạn chế sự trùng lặp khi đưa vào sử dụng

Chuẩn hóa dữ liệu là giai đoạn bắt đầu cho quá trình thiết kế phần mềm người thiết kế sẽ phân tích cấu trúc phức tạp ở Hình 6 và biểu mẫu ở Giai đoạn 3 thành những bảng có cấu trúc đơn giản nhất mà không làm không làm mất thông tin dữ liệu. Kết quả là sẽ làm giảm bớt sự dư thừa và loại bỏ những sự cố mâu thuẫn về dữ liệu, tiết kiệm được không gian lưu trữ, giúp văn bản hiển thị trên màn hình rõ ràng hơn.

3.2. Bàn luận

Việc xây dựng cơ sở dữ liệu gồm nhiều giai đoạn và các bước thực hiện khác nhau, kết quả cuối cùng của quá trình xây dựng cần có mô hình dữ liệu đầu vào và đầu ra của quá trình, các biểu mẫu và mô hình liên kết . Đây là 3 sản phẩm cần thiết nhất của quá trình giúp cho các giai đoạn tiếp theo trong xây dựng phần mềm dễ dàng thực hiện.

4. KẾT LUẬN

Bài viết đã xây dựng được quy trình tạo ra một cơ sở dữ liệu từ những thông tin về ATSKNN của người lao động được lưu trữ tại doanh nghiệp. Tất cả những thông tin được xây dựng dựa trên các yêu cầu của pháp luật. Tuy nhiên tùy vào từng doanh nghiệp xây dựng sẽ có thêm một số nội dung hoặc các trường dữ liệu mới vẫn có thể bổ sung vào và áp dụng tại doanh nghiệp. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu giúp cho các doanh nghiệp xây dựng chuyển đổi việc lưu trữ thông tin cá nhân thủ công trở thành số hóa giúp giảm bớt thời gian cũng như duy trì dữ liệu kế thừa qua từng năm.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Beynon-Davies P. (2004) “Database Development Process”. In: Database Systems. Palgrave, London

[2]. Cao Thị Nhạn & Nguyễn Thi Thanh Bình ( 2010), “Giáo trình Cơ sở dữ liệu”, từ https://www.academia.edu/18629109/Giao_Trinh_CSDL

[3]. Elmasri & Navathe (2010) , “Fundamentals of Database Systems – 6 edition”, Pearson, USA. ( ISBN-10: 0136086209 , ISBN-13: 978-0136086208)

[4]. “Thiết kế cơ sở dữ liệu và các bước thực hiện (2020)”, từ <https://iviettech.vn/blog/10578-thiet-ke-co-so-du-lieu-cac-buoc-thuc-hien.html>

TS. Mai Thị Thu Thảo1, Trần Thủy Tiên2
1Khoa Môi trường và Bảo hộ Lao động, Trường ĐH Tôn Đức Thắng
2Công ty TNHH Xây Dựng Dân Dụng và Công Nghiệp Nam Việt


(Nguồn tin: Vnniosh.vn)