Xây dựng kế hoạch và tiến hành can thiệp trực tiếp để cải thiện ATVSLĐ trong DNVVN – Bước 1. Xây dựng kế hoạch cung cấp dịch vụ thực tế

Thứ Sáu, 01/12/2023, 11:47(GMT +7)

Bài viết đề cập 5 bước lập kế hoạch và can thiệp trực tiếp để cải thiện ATVSLĐ tại các DNVVN. Các can thiệp này được tổ chức ở cấp tỉnh và huyện bằng nỗ lực chung của các cơ quan và tổ chức cung cấp dịch vụ hỗ trợ để cải thiện ATVSLĐ trong DNVVN.

– Bước 1. Xây dựng kế hoạch cung cấp dịch vụ thực tế;

– Bước 2. Nhận diện các doanh nghiệp mục tiêu và xây dựng sáng kiến của người sử dụng lao động và NLĐ;

– Bước 3. Hỗ trợ hoạt động cải thiện tại các DNVVN;

– Bước 4. Tổng kết những cải thiện ATVSLĐ;

– Bước 5. Theo dõi và duy trì dịch vụ hỗ trợ và đào tạo.

Bước 1. Xây dựng kế hoạch cung cấp dịch vụ thực tế:

Để tăng cường cải thiện ATVSLĐ trong các DNVVN, các nhà cung cấp dịch vụ hỗ trợ cần xây dựng kế hoạch phối hợp cung cấp dịch vụ sao cho phù hợp với hoàn cảnh của doanh nghiệp. Cần thống nhất với nhau về loại hình dịch vụ, phản ánh được các chính sách và các chương trình quốc gia về ATVSLĐ tại các DNVVN. Trọng tâm chính của dịch vụ cần hướng đến là phòng ngừa ban đầu, đánh giá nguy cơ, xác định các yếu tố ảnh hưởng đến an toàn và sức khỏe của người lao động hay đơn giản chỉ là nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sử dụng các phương tiện bảo hộ cá nhân. Cần phải xây dựng kế hoạch cụ thể và rõ ràng cho các dịch vụ chính, cũng như phân định rõ trách nhiệm của người cung cấp dịch vụ. Cần nêu rõ thời gian thực hiện và kèm theo kế hoạch tập huấn cho các cán bộ chủ chốt trong doanh nghiệp về cách tiếp cận và các biện pháp phòng ngừa.

* Mục đích:

Khi lập kế hoạch cung cấp dịch vụ cần biết những nhu cầu chủ yếu về ATVSLĐ của các DNVVN bằng cách thu thập các số liệu sẵn có và các kết quả khảo sát gần đây về an toàn và sức khỏe của người lao động. Khi đã đánh giá được nhu cầu và khả năng của các DNVVN thì có thể xúc tiến việc xây dựng kế hoạch cụ thể nhằm cung cấp dịch vụ phù hợp. Cũng nên xem xét trên phạm vi rộng các yếu tố nguy hại ảnh hưởng đến an toàn và sức khỏe của người lao động. Kế hoạch đặt ra cần được sự đồng thuận của các bên cung cấp dịch vụ hỗ trợ.

* Cách tiến hành:

– Thu thập dữ liệu về các nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn và sức khoẻ của người lao động tại các DNVVN. Dựa vào các kết quả khảo sát gần đây tại nơi làm việc (nếu có) để thảo luận việc xử lý sớm các vấn đề của DNVVN.

– Xác định các loại hoạt động phòng ngừa đã được cán bộ an toàn và các doanh nghiệp thực hiện và tổng kết. Khẳng định các điển hình tốt của mỗi hoạt động.

– Xác định nhu cầu chính về ATVSLĐ để khuyến khích hoạt động cải thiện tự nguyện của các DNVVN trong địa phương hoặc ngành theo dõi. Tính đến những dịch vụ thành công gần đây cho doanh nghiệp đó hoặc các doanh nghiệp tương tự.

– Xác định rõ vai trò của các nhà cung cấp dịch vụ ATVSLĐ cơ bản trong các hoạt động của Bước 2-5. Các dịch vụ chính cho các DNVVN nên bao gồm:

+ Xây dựng các sáng kiến của DNVVN;

+ Khảo sát môi trường lao động và các vấn đề về ATVSLĐ;

+ Hỗ trợ cải thiện;

+ Hỗ trợ báo cáo và tổng kết hoạt động cải thiện;

– Quyết định vào thời điểm nào phải viết báo cáo cuối kỳ, giữa kỳ, định kỳ về việc cung cấp dịch vụ. Những báo cáo này giúp chia sẻ thông tin về các hoạt động đã thực hiện và đánh giá hoạt động của các đối tác khác.

– Dự kiến kế hoạch cung cấp dịch vụ hỗ trợ.

– Dự kiến kế hoạch tập huấn cần thiết cho cán bộ cung cấp dịch vụ và người sử dụng lao động cũng như người lao động tại các DNVVN

– Họp để thống nhất kế hoạch tổng thể giữa các nhà cung cấp dịch vụ và cần có sự tham gia của đại diện của người sử dụng lao động và người lao động của các doanh nghiệp.

– Xây dựng quy trình đánh giá các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, sử dụng báo cáo đánh giá để duy trì dịch vụ.

Hình dưới minh họa cụ thể vai trò của các nhà cung cấp dich vụ trong ngành lao động và y tế và cách thức để họ đóng góp cho kế hoạch và dịch vụ nào thực hiện chung tùy vào điều kiện của từng địa phương.

*Cách tăng cường hợp tác

– Điều phối vai trò của các nhà cung cấp dịch vụ để họ có thể tham gia cung cấp lâu dài. Cố gắng hợp tác càng nhiều hoạt động càng tốt. Sự phối hợp này cần phải thảo luận kỹ tại các cuộc họp chung của đại diện các bên cung cấp dịch vụ.

– Điều rất quan trọng là cần phải có sự tham gia nhiệt tình của các thành viên chủ chốt, đại diện của NLĐ và SDLĐ trong các doanh nghiệp. Cần lưu ý đến quan điểm và các mối quan tâm của tổ chức đại diện của người sử dụng lao động và NLĐ.

– Bất cứ khi nào có thể, nên tổ chức khảo sát các doanh nghiệp cùng với các nhà cung cấp dịch vụ và thảo luận các dịch vụ cần ưu tiên.

– Thu thập thông tin về các biện pháp phòng ngừa, các kinh nghiệm tốt tại địa phương để tăng cường dịch vụ hỗ trợ và phổ biến rộng các kinh nghiệm này.

– Sử dụng các kết quả khảo sát để quảng bá dịch vụ cũng như các hoạt động hỗ trợ cho các doanh nghiệp.

* Một vài gợi ý

– Nghiên cứu các biện pháp phòng ngừa từ chính sách và chương trình quốc gia và từ báo cáo cập nhật về tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp.

– Nên tìm hiểu thêm các kinh nghiệm tốt mà các DNVVN đã đạt được. Đặc biệt là các hoạt động cải thiện nhằm hiểu rõ các vấn đề ATVSLĐ hiện tại và biết được các hoạt động cải thiện có hiệu quả cho việc phòng ngừa ban đầu.

———


(Nguồn tin: Trích dẫn tài liệu- “Hướng dẫn thực hành Dịch vụ y tế lao động cơ bản và cải thiện điều kiện lao động trong các DNVVN”)