Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch an toàn, vệ sinh lao động
Mục đích, yêu cầu:
Kế hoạch ATVSLĐ tại nơi làm việc để giải quyết một số lý do chính như:
– Minh họa rõ ràng những cam kết trong việc kiểm soát hiệu quả việc bảo vệ sức khỏe và bảo đảm an toàn cho NLĐ;
– Cho NLĐ thấy rằng việc thực hiện công tác an toàn là phù hợp với các hoạt động của doanh nghiệp;
– Nêu rõ cam kết, các nguyên tắc, mục tiêu, chiến lược và quy trình an toàn của doanh nghiệp trong việc xây dựng kế hoạch ATVSLĐ thông qua tất cả các cấp của doanh nghiệp;
– Phân định rõ ràng trách nhiệm và nghĩa vụ của NLĐ và NSDLĐ trong vấn đề an toàn và sức khỏe tại nơi làm việc;
– Thiết lập những tiêu chí công việc và quy trình an toàn để phòng chống tai nạn và BNN tại nơi làm việc.
Trách nhiệm đảm bảo an toàn sức khoẻ NLĐ liên quan mật thiết đến kế hoạch SXKD. Cho nên kế hoạch ATVSLĐ (hay còn gọi là kế hoạch BHLĐ) cần phải được xây dựng đồng thời và tương xứng với yêu cầu và quy mô của kế hoạch sản xuất và các kế hoạch khác của doanh nghiệp, cơ sở SXKD, phải được cân đối về tài chính và thực hiện đồng bộ với kế hoạch SXKD. Nội dung kế hoạch ATVSLĐ phải được xác định trong hệ thống chỉ tiêu kế hoạch sản xuất, kế hoạch tài chính của doanh nghiệp, cơ sở SXKD để theo dõi thống kê, báo cáo.
Căn cứ để lập kế hoạch
* Khi xây dựng kế hoạch, có một vài vấn đề cần xem xét kỹ lưỡng:
– Các yêu cầu pháp lý, cam kết và đòi hỏi khác (nếu có).
– Sự thay đổi hoặc cải tiến nhằm đạt được hiệu quả của kế hoạch ATVSLĐ.
– Mục tiêu dài hạn (hơn 1 năm) và mục tiêu ngắn hạn (1 năm hoặc dưới 1 năm) trong việc cải thiện việc thực hành ATVSLĐ.
– Tham khảo ý kiến của NLĐ và quan điểm của các bên có liên quan.
* Những căn cứ cơ bản để xây dựng kế hoạch gồm:
– Mục tiêu, chính sách của doanh nghiệp.
– Năng lực và kết quả triển khai tại doanh nghiệp như: Đội ngũ cán bộ làm công tác ATVSLĐ; Chi phí công tác ATVSLĐ năm trước; nhiệm vụ, phương hướng kế hoạch SXKD và tình hình lao động của năm kế hoạch; Những thiếu sót tồn tại trong công tác ATVSLĐ được rút ra từ các sự cố, vụ TNLĐ, cháy nổ, BNN, các báo cáo kiểm điểm việc thực hiện công tác ATVSLĐ năm trước; Các kiến nghị của NLĐ, của tổ chức công đoàn và của các đoàn thanh tra, kiểm tra;
– Các quy định của pháp luật hiện hành về ATVSLĐ.
Nội dung kế hoạch
Kế hoạch không nên chỉ xét đến những nhu cầu tức thời của doanh nghiệp mà nên cung cấp những biện pháp phòng ngừa những rủi ro hiệu quả cho NLĐ. Khi xây dựng kế hoạch cần có sự tuân thủ và hỗ trợ của các cấp trong doanh nghiệp. Kế hoạch ATVSLĐ cần được xây dựng để đáp ứng những nhu cầu cụ thể của từng nơi làm việc riêng biệt. Tất cả các kế hoạch về ATVSLĐ phải tính đến các yếu tố sau đây:
– Dự kiến thực hiện các biện pháp kỹ thuật ATVSLĐ; công tác chăm sóc sức khỏe; huấn luyện, tuyên truyền;
– Có văn bản hướng dẫn thực hiện kế hoạch;
– Cách tổ chức giám sát, kiểm tra thường xuyên mặt bằng, máy móc, các công cụ, thiết bị và thực tế công việc và việc thực hiện kế hoạch;
– Các cuộc họp định kì nhằm thảo luận về vấn đề an toàn và sức khỏe và đánh giá thực hiện kế hoạch;
– Điều tra các tai nạn và sự cố khác;
– Lưu trữ hồ sơ và số liệu thống kê;
– Thực hiện báo cáo.
Căn cứ vào các nội dung tổng thể cần xây dựng, xác định nhu cầu, năng lực để thực hiện các mục tiêu, giải quyết các nguy cơ trước mắt của doanh nghiệp. Bản kế hoạch ATVSLĐ có thể được lập đơn giản với các hoạt động thiết thực nhất, phù hợp nhất. Nhưng dù tổng quát hay chi tiết, trong kế hoạch phải xác định, phân bổ trách nhiệm và quyền hạn để phân phối các mục tiêu ATVSLĐ (ở mỗi cấp có liên quan). Điều này sẽ xác định các nhiệm vụ được triển khai, phân bổ quỹ thời gian nhằm đáp ứng các mục tiêu liên quan, và cung cấp cho việc phân bổ các nguồn lực (chẳng hạn như tài chính, nhân lực, trang thiết bị và công tác hậu cần) ở mỗi công việc.
Trường hợp có sự thay đổi hoặc bổ sung quan trọng trong thực tế công việc, các quy trình, thiết bị hoặc nguyên vật liệu, kế hoạch sẽ đưa ra những phương pháp xác định mối nguy hại và đánh giá rủi ro mới.
Ví dụ về kế hoạch ATVSLĐ đơn giản và cụ thể để giải quyết 1 nhóm nguy cơ và mục tiêu của Công ty X được thiết kế ở bảng dưới:
Tổ chức thực hiện kế hoạch ATVSLĐ
Ngay sau khi kế hoạch ATVSLĐ được phê duyệt, các cán bộ, phòng, ban được NSDLĐ giao nhiệm vụ phải phối hợp với bộ phận ATVSLĐ và bộ phận y tế để tổ chức triển khai, đồng thời đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện. NSDLĐ có trách nhiệm định kỳ tổ chức kiểm điểm, đánh giá việc thực hiện kế hoạch ATVSLĐ và thông báo kết quả thực hiện cho NLĐ trong cơ sở lao động biết.
Giám đốc/ chủ cơ sở cần xây dựng các quy trình có thể để thực hiện kế hoạch ATVSLĐ. Các quy trình cần xây dựng nhằm đảm bảo kế hoạch an toàn và sức khỏe được thực hiện có thể là:
– Quy trình kiểm soát và phòng chống nguy cơ.
– Quy trình đào tạo.
– Đánh giá hiệu quả của chương trình.
Điều quan trọng là phải bố trí nguồn nhân lực và tài chính thích hợp. Người sử dụng lao động phải cung cấp các nguồn lực hỗ trợ thực hiện và duy trì kế hoạch, bao gồm việc cung cấp ngân sách đầy đủ, thông tin kỹ thuật, phân công trách nhiệm, giám định và các quy trình đánh giá. Tiến hành kế hoạch ATVSLĐ nên bắt đầu với việc thực hiện các bước hành động được ưu tiên cao nhất.
(Nguồn tin: Trích tài liệu Hướng dẫn xây dựng Hệ thống quản lý ATVSLĐ trong các DNVVN, Cục An toàn lao động, Bộ LĐ – TB&XH, 2012)